Thursday, October 18, 2007

Văn hoá chửi và rủa

Trà Mi

Mùa thu đang đến với Canada cũng là mùa chính khách quay lại đấu trường sau những ngày dài nghỉ hè, du lịch năm châu bốn bể.

Mấy tuần vừa qua, Mario Dumont, lãnh đạo đảng đối lập (Action Démocratique du Québec, ADQ) tại quốc hội Quebec đã dãi dầu sương gió, bầm dập không ít với Thủ tướng Jean Charest thuộc đảng Tự do. Dumont có vẻ không xem việc mình bị “rủa xa xả” là chuyện đáng quan tâm.

“Tôi nghĩ chúng ta có thừa khả năng chịu đựng những cú đấm đá kiểu đó,” Dumont nói thế.

Thủ tướng Quebec (đảng Tự do) vẫn liên tục gọi chủ tịch đảng ADQ là cái chong chóng đo thời tiết; Charest cho rằng Dumont thay đổi lập trường nhanh như gió đổi chiều.

Hôm thứ Ba, 16/10/2007, Charest lại rủa Dumont thêm một lần nữa ngay buổi họp khai mạc quốc hội khoá mùa thu. Lần này Dumont được nâng cấp lên hàng chong chóng quốc gia (girouette nationale/national weather vane).

Chủ tịch quốc hội Quebec, Michel Bissonet, cũng thuộc đảng Tự do lại cho đây là một phê phán nặng nề, xúc phạm và cấm dân biểu dùng chữ chong chóng (girouette) tại quốc hội trong lúc tranh biện, thảo luận ở nghị trường.

Dumont xem chuyện rủa đối thủ chỉ là một loại thủ đoạn tung hoả mù làm mất thời gian quý báu để tranh luận, bàn bạc về chính sách quốc gia. Dumont nói, “Coi bộ khoá họp này không hứa hẹn nhiều cuộc tranh biện sôi nổi đấy!”

Quốc hội Quebec đến nay đã không cho sử dụng một số từ như thằng hề, đồ con lợn, láo toét, bưng bô, diễu dở – những từ này đã được ghi vào sổ đen.
Nhưng sổ đen quốc hội chỉ áp dụng trong khoảng thời gian tranh biện ở nghị trường – và Thủ tướng Charest lại một lần nữa rủa ông Dumont là chong chóng sau khi họp nội bộ đảng Tự do hôm thứ Tư.

“Thực tế, ông ta là một cái chong chóng quay theo chiều gió,” Charest phân bua với ký giả.

Nói vậy thôi, chứ rủa địch thủ không phải là nghề riêng của dân biểu đảng Tự do. Đảng Quebecois (PQ) gọi bộ trưởng Phát triển Kinh tế Raymond Bachand là anh Charlie chủ quan vì cho rằng Bachand có lối nhìn thị trường việc làm qua cặp kính màu hồng.

Blachand chẳng lấy đó làm phiền, cứ mặc thiên hạ bình loạn, “Khi không có đủ lý luận, người ta bắt đầu nguyền rủa đối thủ.”

Nghe chuyện chính khách Quebec rồi ngẫm đến bạn đọc trên diễn đàn tự do ở DCVOnline mà giựt cả mình.

Mấy danh từ mềm như con giun như “thằng hề, con lợn, láo toét, bưng bô, diễu dở,...” mà cũng bị quốc hội cấm dùng.

Ở Đàn Chim Việt, trong tranh luận người ta dùng từ dao to búa lớn gấp bội. Phải ghé vào Đàn Chim Việt xem rồi ghi lại cho chính xác.

17/10/2007 – Vài thí dụ

Trong bài 30.000 công nhân đang đình công tại Bình Dương”:
“Còn các chú VC nằm vùng không biết ngượng mồm mà phát biểu bừa bãi... không biết các chú có phải là người VN hay không?” (stephen)

Và trong bài “Tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em”:

“Còn hơn là há mõm sủa bậy, bênh vực lũ buôn người bất chấp lương tâm như cái thằng Kẩu Nô đội nón cối, đứng canh ‘ao cá Bác Hồ’ ở bến xe Bình Dương mà cứ ngoác mồm tự xưng là đang học lấy bằng tiến sĩ ở Houston. Thối lắm.” (UncleFox)

“‘Chính trị gia bàn phím’ như anh chỉ là hạng ruồi, sủa thuê ăn công điểm. Cứ gõ thùng rỗng hoài, điếc tai quá.” (UncleFox)

“Những tay sai như tên vô lại Vnam và tên ma cô Pháp; đồ vô liêm sỉ, không biết nhục mà còn quang quác, kiss my asshole,” (vânanh)

“Ôi, rầu hết muốn sống, những cái não VC & BB (bưng bô) VC có nói đến rát cổ họng cũng ‘vũ như cẩn’!” (Nam Phương)

“Tại sao bọn cặn bã của đảng cs đang ở hải ngoại không tự hỏi rằng ,vì lý do gì mà tệ nạn này đã có từ gần hai mươi năm nay (kể từ thời ‘đổi mới hay là chết’) mà gần đây, nguỵ quyền cs mới ‘có sự hợp tác’ với các tổ chức NGO của Người Việt Tỵ Nạn CS. (Ho Hui)

Vấn đề sử dụng ngôn ngữ cho “lọt tai” ở nghị trường Quebec hay bất kỳ chính trường nào trên thế giới coi bộ dễ giải quyết hơn vấn nạn chửi rủa nặng nề hay chụp mũ bừa bãi tại một diễn đàn tự do như ở Đàn Chim Việt.

Thứ nhất, dân biểu, chính khách là người nhìn thấy mặt nhau hay đã biết đích thị đối tượng đối thoại (hay xỉ vả) là ai.

Thứ nhì, luật pháp quốc gia hay điều lệ của tổ chức (quốc hội Quebec chẳng hạn) có nhiều khả năng được áp dụng và có kết quả.

Ở diễn đàn Đàn Chim Việt không có đủ hai điều kiện vừa nêu.

Chỉ cần không đồng ý với đối tượng vì mạch lý luận, một số forumor thay vì tranh biện trên căn bản nội dung ý kiến lại quay sang dùng vũ khí “name-calling”, đào bới. Như Bachhand đã nói “khi không có đủ lý luận, người ta bắt đầu nguyền rủa đối thủ.”

Bằng cách nào khẳng định được đối tượng là “các chú VC nằm vùng”? Thế nào là “não VC & BB (bưng bô) VC”?

Những từ ngữ như “thằng Kẩu Nô”, “hạng ruồi, sủa thuê ăn công điểm”, “bọn cặn bã của đảng cs đang ở hải ngoại”, v.v... chỉ là những lời nguyền rủa khi không còn lý luận, và không thể xếp cùng loại ngôn ngữ tranh luận, trao đổi hàng ngày, nhất là trên một diễn đàn đại chúng.
Người viết tin rằng khó có thể xảy ra những loại “đối thoại” sặc mùi nguyền rủa dù ở ngã tư đường tại Warsaw hay ở Bolsa. Những loại “trao đổi” như thế có rất nhiều khả năng, người nguyền rủa - nếu không kịp lăng ba vi bộ ngay sau đó - sẽ được đưa đi băng mũi, băng đầu.

Luật lệ quốc gia dễ có hiệu năng răn đe cao hơn điều lệ sinh hoạt ở diễn đàn vì ở đó nếu bị mời đi nghỉ mát thì người cho ý kiến lại tức thời xuất hiện bằng 1 biệt danh khác.

Trò nguyền rủa bóng ma lại tiếp tục.

Montréal, một tối vào thu 2007


No comments: