Saturday, March 4, 2006

Đình công — quyền và lợi cho ai?



Những cuộc đình công trong nước đã có từ nhiều năm nay nhưng báo chí Việt Nam chỉ mới rầm rộ thông tin từ tháng trước Tết. Với báo đài nước ngoài thì gần như đấy không phải là “news”. Nhưng media thế giới có quan tâm hay không không phải là nhân tố quyết định, đình công tại Việt Nam vẫn tiếp tục, chưa ngừng.

Đại đa số công nhân đang đình công thuộc các công ty làm giầy có vốn đầu tư từ Taiwan (Đài Loan). Taiwan cũng là chính phủ nước ngoài đầu tiên lên tiếng vào tháng 1/2006, yêu cầu Việt Nam giải quyết thuận lợi cho giới tư bản của họ. Thứ trưởng Ngoại Giao Michael Kau còn doạ sẽ có thể liên minh với US, Japan và South Korea để bảo vệ vốn đầu tư tại Việt Nam.

Alain Cany

Ngày 13 tháng giêng 2006, Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương Mại Châu Âu, European Chamber of Commerce in Vietnam, EuroCham (1) gởi thư cho Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu nhà nước CHXHCN Việt Nam nâng cấp kiểm soát đừng để đình công lân lan, có thể gây ảnh hưởng xấu đến các công ty châu Âu. Thư này cũng có chữ ký đại diện các tổ chức kinh doanh Anh, Bỉ, Hoà Lan, Luxembourg, Pháp và Đức.

Hai điểm chính trong yêu cầu của Cany về các vụ đình công: một là Việt Nam phải can thiệp nhanh và có hiệu quả; hai là nghị định 03/2–6/ND–CP ban hành ngày 6 tháng giêng 2006, tăng lương cho công nhân tại các công ty vốn đầu tư nước ngoài. Về nghị định này, Cany than phiền nội dung quá mù mờ, muốn hiểu sao cũng được và nhà nước Việt Nam công bố Nghị định mà không báo trước cho các công ty và nhân sự liên hệ. Vẫn theo Cany, cả hai điều này đã khiến báo chí đưa thông tin sai lạc giật ngòi để đình công tại khu kỹ nghệ Sóng Thần và khu chế xuất Linh Trung bùng nổ.

Cany yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tham khảo, tư vấn với các công tư vốn đầu tư nước ngoài trước khi ban hành nghị định. Đại diện EuroCham còn muốn giúp nhà nước XHCN Việt Nam viết nghị định. Được như thế, theo Cany, sẽ giúp công nhân hiểu rõ tình hình trước khi luật có hiệu lực đồng thời không để thông tin sai lạc phát tán rộng rãi trong quần chúng.

Trong lá thư 13/1, Chủ tịch EuroCham cũng cho mọi người biết một điều quan trọng. Từ ngày Việt Nam bắt đầu cuộc kỹ nghệ hoá vào cuối thập niên 80, giới đầu tư quốc tế hồ hởi đem đô la vào Việt Nam vì lòng tin chắc rằng công nhân ở đây không biết đình công hoặc khó có chuyện bãi công trong nền kinh tế Việt Nam.

Nhờ ông tí, thưa ông tư bản Alain Cany! Không ai xía đến chuyện các ông đi kinh doanh gây lợi nhuận tại Việt Nam (hay bất kỳ nơi nào trên thế giới). Xin các ông đừng vừa đá bóng vừa thổi còi. Việc quản trị xí nghiệp là của giới tư bản, viết và ban hành nghị định là trách nhiệm chính quyền địa phương, thông tin và được thông tin là quyền của tất cả mọi người.

Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng, toàn trị — quyền thông tin và được thông tin vẫn còn rất giới hạn. Tuy thế, một điều chắc chắn là các nhà tư bản chủ công ty, hội viên của EuroCham hay tổ chức nào, ở đâu trên thế giới đi nữa cũng không thể can thiệp vào việc kiểm soát hay giới hạn thông tin. Như thế là tuyên truyền, là bưng bít và đó không phải là tay nghề, quyền hạn hoặc mục đích của EuroCham hay của doanh nhân nói chung.

Trở lại chuyện đình công. Đây là quyền của công nhân, một trong các nhân quyền cơ bản. Đình công là quyền của những người đem sức lao động, lấy tay nghề chế tạo sản phẩm cho các nhà đầu tư nước ngoài hay nội địa.

Alain Cany còn muốn nhà nước Việt Nam ngăn cản, chận đứng, đừng cho đình công tiếp tục xẩy ra. Chuyện này không khó. Trong xã hội văn minh đương đại, quan hệ công nhân và ban quản trị ở khắp nơi, trong các xí nghiệp, đều dựa trên cơ sở của hợp đồng lao động. Người công nhân không có gì khác, trong cuộc trao đổi với doanh nhân, ngoài sức lao động của chính mình. Khi thấy bị ngược đãi, mức an sinh xã hội quá tồi tệ, cách phản kháng, tự vệ để tự tồn duy nhất của họ là lấy lại sức lao động — đơn giản là đình công. Khi một trong hai bên, công nhân hay ban quản trị, chưa được thoả mãn thì cần phải ngồi lại thương lượng để đi đến thoả hiệp. Đấy là đáp án cho mọi cuộc đình công ở xã hội văn minh.

Công nhân Việt Nam đình công để đòi được đối xử công bằng. Không như tư bản và chính quyền Âu châu, lao động Việt Nam có đủ lý lẽ và nhất quán khi đòi những công bằng đó. Trong khi đó, người người châu Âu đang mâu thuẫn trong kinh doanh và đối sách.

• Hội viên của EuroCham muốn đầu tư ở một quốc gia với một đội ngũ công nhân giỏi tay nghề, chăm chỉ, ngu ngơ, cúi đầu tuân thượng lệnh, và cũng chỉ muốn trả giá lao động thật bèo để tối đa hoá lợi nhuận.

• Cùng lúc, Uỷ ban Liên hiệp châu Âu (UBLHCA) lại kêu sản phẩm Việt Nam bán sang Âu châu với giá quá thấp gây tổn hại lớn cho ngành công nghiệp giầy da của những nước EU và quyết định đánh thuế hàng VN thêm 16,8%.

• Để có lợi cho châu Âu, công đoàn tại đây lại đề nghị UBLHCA nên ủng hộ và cổ suý việc bảo vệ phúc lợi an sinh của công nhân Việt nam, tăng mực lương tối thiểu cho thích hợp với thời giá thị trường.

Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung muốn gì ở công nhân Việt Nam hay công nhân các trung tâm chế xuất của các nền kinh tế đang phát triển? Trong ba khuynh hướng vừa kể trên, đề nghị của các công đoàn châu Âu là hợp với nguyên lý và động lực tự nhiên của nền kinh tế thị trường hơn cả.

Tất cả doanh nhân đều hiểu rất rõ giá đời sống gia tăng khi kinh tế phát triển chắc chắn là sức ép vào mọi ngành kinh doanh buộc người đầu tư phải chi trả nhiều hơn cho giá lao động — lao động tay chân và lao động trí tuệ. Nền kinh tế toàn cầu rồi sẽ phải tự điều chỉnh, giá lao động rẻ mạt ở các quốc gia chậm phát triển hay đang phát triển rồi sẽ trở thành lịch sử kinh tế khi hệ quả tất nhiên của phát triển là mực tiến bộ và thịnh vương chung đến với toàn khối nhân loại.

Ông chủ — Ảnh: Yrjö Tuunanen

Khi công nhân Việt Nam được trả thù lao đúng mức, có đủ phúc lợi an sinh, không bị buộc làm phụ trội, giá thành của sản phẩm chế tạo tại các khu chế xuất và kỹ nghệ ở Việt Nam sẽ cao hơn, sẽ cạnh tranh “công bằng” hơn với sản phẩm thế giới. Khi đó, thí dụ, giá giầy da Việt Nam sẽ không còn là quan tâm cho kỹ nghệ giầy của Ý, của Đức hay Hoà Lan để UBLHCA phải mất thời gian nghiên cứu, phân tích rồi đánh thuế phạt. Và khi công nhân Việt Nam có mực thu nhập hợp lý với sức lao động, điều kiện làm việc lành mạnh, sản phẩm của họ cũng sẽ có phẩm chất cao hơn, đương nhiên sẽ có giá cao hơn và đem lại tỉ lệ lợi nhuận thích đáng hơn cho giới đầu tư.

Trong cuộc sống chung toàn cầu, cùng phát triển và cùng tiến bộ hôm nay, không thể giữ mãi thế thắng–thua giữa chủ với công nhân và người tiêu thụ nữa. Tương quan kinh tế ở thời đại mới phải đi về hướng hay đạt được mục tiêu thắng–thắng–thắng.

Trở lại Việt Nam, chỉ giới hạn trong hiện tượng đình công vài tháng vừa qua, nhà nước và quốc hội Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của những công nhân đình công từ Bình Dương đến Hải Phòng. Đình công vẫn tiếp tục lan rộng chứng tỏ công nhân Việt Nam chưa thoả mãn với điều khiện làm việc, và mức lương hiện nay. Chính phủ Việt Nam chưa làm xong nhiệm vụ quản lý đất nước mà họ tự vơ vào. Quốc hội Việt Nam cũng chưa làm bổn phận của những người nhận thay mặt tranh đấu cho quyền lợi của dân.

Tuy thế, một điểm đáng chú ý là thư ngày 27 tháng giêng, 2006 của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Lê Duy Đồng, thay Phan Văn Khải trả lời Alain Cany (2). Trong thư, Lê Duy Đồng nêu rõ với Chủ tịch EuroCham, sở dĩ công nhân đình công hàng loạt như thế các công ty vốn nước ngoài không tuân thủ luật lao động đã định chuẩn mức lương, số giờ cũng như điều kiện làm việc.

Một cách đơn giản, Lê Duy Đồng nói vớ Alain Cany, tư bản nước ngoài đang bóc lột công nhân nên họ đình công.

Nếu cả nhà nước CHXHCN Việt Nam xúm lại, như Lê Duy Đồng trả lời EuroCham, đồng loạt hỏi thăm các công ty vốn đầu tư nước ngoài, yêu cầu họ tuân thủ luật Việt Nam, thi hành hợp đồng lao động thì quý hoá biết chừng nào. Hay tốt hơn thế nữa, chính phủ Việt Nam ban hành thêm Nghị định 04/2–6/ND–CP chẳng hạn, không phân biệt đối xử, một cách hợp lý, đồng loạt tăng, lương tối thiểu của công nhân ở tất cả doanh nghiệp từ tư doanh, liên doanh, đến quốc doanh và bảo đảm các phúc lợi an sinh khác cùng điều kiện làm việc của công nhân tại xí nghiệp.

Nhưng trả lời của Lê Duy Đồng với EuroCham lại dẫn đến một số câu hỏi khác.

Nghị định 03/2–6/ND–CP, ban hành ngày 6/1 và đã phải dời ngày áp dụng đến tháng 4. Liệu nghị định này sẽ các công ty vốn đầu tư nước ngoài có tuân thủ và thi hành hay không khi những điểm căn bản của hợp đồng dựa trên luật cũ vẫn chưa được áp dụng đúng mức và nhà nước Việt Nam sẽ phản ứng ra sao?

Nếu các công ty vốn Taiwan không có khả năng đầu tư tại Việt Nam nữa, chủ nhân của 1 tỉ đôi giầy/mỗi năm bán sang EU sẽ chỉ còn là Trung Quốc. Và như thế, thị phần TQ trong thị trường giầy dép thế giới trị giá hơn 17 tỉ USD (3) sẽ tăng hơn nữa. Công nhân Việt Nam đổi ông chủ Taipei sang ông chủ Beijing. Có phải đây là mục đích sau cùng của nghị định 03/2–6/ND–CP hay không?

WTO sẽ nghĩ sao về nghị định 03/2–6/ND–CP, một chỉ dấu phân biệt đối xử trắng trợn của nhà nước Việt Nam đối với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và công nhân ở đó với tất các doanh nghiệp khác (tư doanh, liên doanh, quốc doanh) và công nhân của họ?

Thư Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gởi Alain Cany chưa cất vào tủ khoá thì ông Chủ tịch nước, Trần Đức Lương, lại đá cái đùng vào chân bàn EuroCham. Theo tin ngày 1 tháng 3, 2006 của hãng thông tấn kinh tế Nhật Bản Japan Economic Newswire, Lương đã lên tiếng xin lỗi Hiroshi Okuda, Chủ tịch Liên hiệp Doanh nghiệp Nhật Bản (cũng là Chủ tịch công ty Toyota), về những cuộc đình công đang xảy ra ở các nhà máy thuộc các công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Trần Đức Lương cho rằng phía Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những xung đột ngày càng trở nên tệ hơn giữa công nhân và giới quản trị về vấn đề lương bổng.

Hiroshi Okuda

Thế này là thế nào? Ông Thứ trưởng Lao động bảo bọn tư bản (Đài Loan) đang bóc lột công nhân trong khi ông Chủ tịch nước đùng đùng đi xin lỗi doanh nhân Nhật Bản. Lại thêm một điểm khác cũng đáng ghi nhận ở đây, cả hai ông quan Việt Nam, không ai đổ lỗi cho công nhân nước mình đình công không hợp lý.

Cũng trong lời xin lỗi doanh nhân Nhật Bản, Trần Đức Lương hứa chính phủ Việt Nam sẵn sàng làm trung gian để đi đến hoà giải giữa hai bên công nhân và ban quản trị. Có phải ông Chủ Tịch nước vừa mặc nhiên công nhận lực lượng lãnh đạo lao động hiện nay không thuộc quyền kiểm soát của nhà nước CHXHCN Việt Nam?

Người viết hiểu lầm ý ông Lương chăng? Vì điều 4 hiến pháp Việt Nam vẫn ghi thế này, “Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Cả mấy tháng trời nay, cái đội tiên phong, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp đang nhịn đói — đình công ở Bình Dương, Thủ Đức, Đồng Nai, Sài Gòn, Hải Phòng — trốn đi đâu thế nhỉ? Chuẩn bị đại hội thì cứ chuẩn bị, chẳng lẽ cả 2 triệu đều đi họp ngoài Hà Nội hết hay sao?

Tại Đại hội X sắp đến, người cộng sản Việt Nam nên chuẩn bị dũng cảm để chọn:

1. Theo Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng lưỡi gỗ ca bài vè cũ Đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu lý tưởng, là khát vọng ngàn đời thiêng liêng của những người cộng sản,

hay

2. Dứt khoát từ bỏ cái chủ nghĩa Mác Lênin bởi vì đó là một học thuyết hoàn toàn lỗi thời, hoàn toàn xa lạ với truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam… Phải mạnh dạn tự đặt cho mình, tự xây dựng cho mình lộ trình tiến tới dân chủ đa nguyên đa đảng… Phải đặt cải tổ chính trị lên hàng đầu… như công dân Nguyễn Khắc Toàn vừa kêu gọi ngày 28 tháng 2, 2006.

Đường đi mở rộng, thênh thang trước mặt, đang chờ đón những người dân thực sự có lòng với đất nước. Hãy dũng cảm lên. Đừng đợi ngày hưu mới nói thì e rằng sẽ lỡ chuyến tầu lịch sử hôm nay.


Tháng 3, 2006

Copyright © 2006 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 04/03/2006)



Chú thích:

(1) Tính đến tháng 10, 2005, EuroCham có 477 hội viên ở đủ mọi thương nghiệp từ nông ngư nghiệp, đến ngành sản xuất tư liệu sản xuất, sản xuất hàng tiêu dùng, cũng như dịch vụ. Các hội viên lớn là các phòng thương mại đại diện cho Pháp, Đức, Hoà Lan, Anh quốc; trong số hội viên EuroCham cũng không thiếu những Phạm, Lê, Trịnh, Nguyễn, v.v…
(2) Ngày 02/03/2006 trang web EuroCham đã không còn bản tin với lá thư 27/1/2006 Lê Duy Đồng, thay Phan Văn Khải trả lời Alain Cany. Tuy nhiên, Thomas Fuller International Herald Tribune, trong bài “The Workplace: Strikers in Vietnam get little help from Europe” ghi: The deputy minister of labor, Le Duy Dong, told European companies that the strikes had happened because laws governing salaries, working hours and working conditions had not been followed.

(3) International Sporting Intelligence, 2003