Sunday, October 14, 2007

Tháng 8 ở Đông Âu


Theo Economist 25/08/2006

Những bài học lịch sử: thành và bại

Nhớ về và viết lại quá khứ

Molotov ký hiệp ước không xâm lược 1939. Sau lưng là Ribbentrop và Stalin.
Nguồn: en.wikipedia.org
Tháng 8, ở Đông Âu, đồng nghĩa với ngày kỷ niệm: hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939 chia vùng thuộc Nazi và khối theo ảnh hưởng của Xô-viết; xây tường Berlin năm 1961; Cuộc xâm lăng 1968 Liên Xô xoá tan mùa Xuân của Prague; Khai sinh phong trào Đoàn kết năm 1980, công đoàn đập cú trời giáng xuống chế độ cộng sản; cuộc đảo chính ở Nga năm 1991, nhóm bảo thủ nhốt Gorbachev để giữ lại Liên bang Sô-viết, cuối cùng lại đưa quyền cho Boris Yeltsin dẹp tiêu Liên Xô.

Ở đây, Đông Âu, những này lễ kỷ niệm là những ngày quan trọng, một mặt vì đó là những ngày đánh dấu những thay đổi sâu sắc của lịch sử và hiện tại của các quốc gia này, mặt khác ngày trước khi bàn đến những ngày kỷ niệm này vẫn còn là điều nguy hiểm, bất hợp pháp. Hôm nay ở Đông Âu hậu cộng sản, sự thật và chuyện hoang đường đang lẫn lộn tranh giành chỗ đứng và lịch sử lại một lần nữa đang bị ảnh hưởng của chính trị. Một số lễ kỷ niệm đang diễn lại với số tài tử khác: anh hùng nhiều hơn tội phạm; Một số khác vì những thất vọng, những ê chề đang bị cố tình quên lãng hay phải thanh minh, đính chính. Lịch sử của Đông Âu quả thực rất hỗn độn, và ngay cả những kỷ niệm tưng bừng nhộn nhịp vẫn để lại hậu vị đăng đắng.

Điều này rất thực tại Nga, ở đó người ta không chỉ vẫn hoài niệm, vẫn mơ về Liên bang Xô-viết mà còn mơ đến cả những người bảo vệ thành trì Sô-viết ít được mến mộ nhất. Cuộc thăm dò ý kiến mới nhất tại Nga cho thấy lần đầu đa số dân Nga có thiện cảm với nhóm bảo thủ hơn với khối người tự cho là dân chủ. Đây là điều khá ngạc nhiên, vì những người lãnh đạo cuộc đảo chánh tháng 8/1991 ở Nga rõ ràng là đám say rượu và chẳng có một ý niệm rõ rệt làm thế nào để giữ lại cơ chế Xô-viết. Nhưng những đường vẽ từ giới cầm đầu ở Moscow khiến mọi việc dễ hiểu hơn: Vladimir Putin, Tổng thống Nga, mô tả sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết là “một bi kịch địa chính trị của thế kỷ”. Sự thất bại của cuộc đảo chánh vẫn là một này lễ chính thức ở Nga, mang tên có tính xoa dịu, “Ngày Cờ” (“Flag day”), và chỉ được ghi nhận bằng những hình thức không sôi nổi, ít gây xúc động nhất.

Ở Ba Lan cũng thế, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy dân chúng ngày càng vỡ mộng với những chiến sĩ của cuộc đấu tranh vì dân chủ, trong trường hợp này là công đoàn Đoàn Kết. Điều này phản ảnh nỗi bi quan của người dân Ba Lan. Nhưng công đoàn Đoàn Kết vẫn được ưa chuộng với và rất phổ quát trong toàn bộ giới chính khách. Đây là điều trái ngược hẳn với những ngày đầu công đoàn Đoàn Kết thành hình, bị lãnh đạo cộng sản Ba Lan chống đối và sau cùng họ dùng Thiết quân luật để trấn áp công đoàn Đoàn Kết.

Ngày kỷ niệm công đoàn Đoàn Kết 25 tuổi ở Naklo, một tỉnh nhỏ tiêu biểu ở phía bắc Ba Lan, bắt đầu bằng buổi cầu nguyện, với bài giảng kích động tinh thần chống cộng trong chủ đề “sự tín nhiệm, lòng kỳ vọng”, theo đó là cuộc diễn hành đặt vòng hoa ở đài kỷ niệm. Trong số những người đặt vòng hoa tưởng niệm có cả đại diện của đảng cộng sản cũ, Liên hiệp Dân Chủ Cánh tả (SLD).

Đây là chỉ dấu một thay đổi rõ rệt. Những năm trước những người cộng sản cũ nguyền rủa những chính khách liên đới với công đoàn Đoàn kết không tiếc lời, thí dụ như Lech Walesa, Tổng thống Ba Lan từ 1990 đến 1995. Công bằng mà nói những người cộng sản cũ cũng đôi phần có lý tấn công chính sách xã hội của các chính khách liên hệ với công đoàn Đoàn Kết và kết án họ là một đám bất lực, suốt ngày cãi cọ. Bây giờ SLD vừa làm một cú lộn mèo ngoạn mục cho rằng họ chính thực là người thừa kế của công đoàn Đoàn Kết với luận điểm cho rằng phong trào Đoàn Kết chưa đạt được ước vọng công bằng xã hội, về lương nghỉ hưu, về nhà ở, và quyền lợi của công nhân không ai bảo vệ tốt hơn phe tả.

Wojciech Olejniczak, lãnh đạo SLD, lưỡi dài miệng dẻo (1974 - ).
Nguồn: en.wikipedia.org

Không phải cộng sản đã một lần dùng mọi phương tiện đê hèn nhất để thủ tiêu công đoàn Đoàn Kết từ trứng nước hay sao? Câu hỏi cắc cớ của những người vận động phong trào Đoàn Kết được Wojciech Olejniczak, lãnh đạo dẻo miệng của SLD gạt ngay sang một bên, “Hồi đó tôi mới sáu tuổi”.

Tại Cộng hoà Czech, bản chính của sự kiện 1968 đang được đặt lại và soi xét dưới kính hiển vi. Dù khái niệm về cuộc thử nghiệm chính trị tuyệt vời — “Chủ nghĩa xã hội với bộ mặt con người” — bị xích xe tăng nghiền nát và được những nhà văn như Milan Kundera, Vaclav Havel tuyên dương ca ngợi đang bị hoài nghi. Một nhật báo Czech viết, sự kiện 1968 không phải là “thời điểm sao trời” mà là “hành lang mù”. Nó không phải chỉ đã thất bại. Vài trong số những người cộng sản-đổi mới lãnh đạo “Mùa Xuân của Prague” có quá khứ không ngửi được, họ là những tín đồ hồ hởi của Stalin. Và sự kiện 1968 lại càng không phải là một vinh quang của lòng dũng cảm. Sau một vài thái độ anh hùng trước cuộc xâm lăng của Liên Xô, người Czech chứng tỏ không thích thú đi làm kháng chiến kiểu Ba Lan ngay những năm sau đó.

Một số dân Czech bây giờ lại muốn quay lại mổ xẻ câu hỏi cắc cớ về chuyện đảng cộng sản cướp chính quyền năm 1948. Việc “Bình thường hoá” sau 1968, theo Jiri Hanak – viết cho tờ báo (cộng sản cũ) Pravo – đưa đến kết quả tha hoá đạo đức, nhân cách con người, truy bức, doạ nạt, sỉ nhục, đàn áp tinh thần người dân đến nhục nhã”. Nhưng sự kiện 1948 còn thê thảm hơn nhiều: “hàng trăm vụ tử hình chính trị, tiêu diệt tư nông, tiêu diệt tinh thần kinh doanh, tiêu diệt tiểu tư sản, một cuộc tấn công hệ thống vào nền văn hoá và biến Czechoslovakia thành vệ tinh ngoan ngoãn của Liên Xô”. Dù cuộc cướp quyền năm 1948 là bất hợp pháp, đảng cộng sản được quần chúng ủng hộ, và không thiếu gì người cộng tác với đảng trong những thập niên sau đó.

Nga đã xin lỗi đủ rồi! Putin trong ngày lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Nazi (Công trường Đỏ, 9/5/2005).
Nguồn: china.org.cn
Thay chi tiết để làm các huyền thoại hấp dẫn hơn đưa đến kết quả khập khiễng, không ăn khớp với nhau. Trong cộng đồng Liên Âu, những khác biệt đấy có thể phân biệt một cách tế nhị. Đức vẫn xem việc đuổi 10 triệu người khỏi cựu Sudetenland ở Czechoslovakia, East Prussia và Silesia sau chiến tranh thế giới thứ hai là hành động bất công và tàn bạo. Những tranh cãi thế này cứ âm ỉ, thỉnh thoảng lại bùng nổ, nhưng không làm hại đến quan hệ ngoại giao bình thường. Từ lâu Đức không còn chờ đợi được bồi thường hay lời xin lỗi, và không còn là điều đáng quan tâm khi chỉ có vài chính khách Đông Âu cho rằng đây là việc cần bàn thảo.

Bên ngoài cộng đồng Liên Âu, đặc biệt với Nga, cuộc cãi vã còn tệ hơn và ngày càng lớn tiếng hơn. Chỉ dấu rõ nhất nằm ở cuộc liên hoan mới đây mừng chiến thắng Nazi tại Moscow. Đa số dân Đông Âu cho rằng buổi liên hoan này đã bị nhóm suy tôn Sô-viết phỗng tay trên, cố tình gôm tẩy, và bôi mờ tội ác của Stalin ra khỏi toàn cảnh lịch sử. Người Nga lại cho rằng nói thế là lý sự cùn, là nguỵ biện. Những năm sắp đến (1) sẽ cho mọi người nhiều cơ hội chứng nghiệm vị trí và ứng xử khó thuyết phục của nước Nga. Luận điệu của Kremlin là Nga đã xin lỗi đủ rồi cho những tội ác trong quá khứ của Liên Xô. Tất cả các quốc gia khác trong cựu đế quốc (Liên Xô) lại nghĩ Nga chưa đi được bước đầu tiên để xin lỗi.

Bàng bạc đâu đây, trong những bài học lịch sử cận đại Đông Âu dường như có những kinh nghiệm quý giá mà người đang tranh đấu có thể rút tỉa, chiêm nghiệm và ứng dụng ngay trong cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam hôm nay.


Copyright © 2006 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 23/08/2006)


(1) • 2006, 50 năm đánh dấu ngày Liên Xô đè bẹp cuộc nổi dậy tháng 10/1956 ở Hungary: hàng ngàn người chết, hàng trăm ngàn người tị nạn.
2007, 60 năm đánh dấu ngày cộng sản cướp chính quyền ở Romania, Bulgaria năm 1947 đưa đến hệ quả vài thập niên dưới ách độc tài, bị cô lập, tụt hậu.
2008, 60 năm đánh dấu ngày cộng sản cướp chính quyền ở Czechslovakia, Poland, Hungary 1948, hệ quả là vài thập niên dưới ách độc tài, bị cô lập, tụt hậu.
2008, tháng 8, 40 năm đánh dấu cuộc xâm lăng (1968) của Liên Sô vào Czechslovakia
2009, Trung Âu và vùng Balkans: ghi dấu 20 năm chế độ cộng sản sụp đổ (từ 1989) đưa đến Tự do, Dân chủ, Tư bản
2009, cả Đông Âu đánh dấu 70 năm hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939 chia cắt vùng ảnh hưởng
2010, tháng 8, 30 năm công đoàn Đoàn Kết
2011, 20 năm Xô-viết sụp đổ (1991)


No comments: