Simon Parry | Trà Mi lược dịch
Việc di tản 3.000 trẻ em Việt Nam, đa số là trẻ mồ côi, trước ngày Sài Gòn sụp đổ bắt đầu bằng một bi kịch, chuyến bay đầu tiên của chiến dịcf Babylift rơi ở ngoại ô Saigon. 40 năm sau, ký giả Simon Parry gặp một người sống sót và một số người khác của Chiến dịch Babylift, đang khao khát đi tìm nguồn gốc của mình.
Trẻ mồ côi tị nạn trong những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam
Hành khách trên máy bay chở hàng C-5A rơi ngay sau khi cất cánh gần Sài Gòn vào ngày 4 Tháng 4, năm 1975. Ảnh: Corbis; Red Door News Hồng Kông |
Dân làng thường kể lại một câu chuyện rùng rợn. Họ nói, bốn mươi năm sau khi xảy ra một trong những thảm họa đau lòng nhất của chiến tranh Việt Nam, những bóng ma của trẻ sơ sinh và trẻ em vẫn còn ám ảnh một cánh đồng ở vùng ngoại ô của thành phố Hồ Chí Minh.
Chiến dịch Babylift – kế hoạch nhằm di tản hàng ngàn trẻ em mồ côi, con của quân nhân Hoa Kỳ và trẻ khuyết tật ra nước ngoài trước khi Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 – tưởng là một tia hy vọng trong những ngày đen tối cuối cuộc chiến. Chuyến bay đầu tiên của chiến dịch này đã rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh.
Tổng thống Mỹ khi đó, Gerald Ford, đã đợi để đón một số các trẻ em đến Hoa Kỳ khi máy bay vận tải hai boong C-5A cất cánh từ căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, bay đến trạm đầu tiên, căn cứ không quân Clark, ở Philippines, vào chiều ngày 4 tháng tư năm 1975.
Với 313 người - nhiều người trong số đó là trẻ mồ côi cùng các nhân viên quân sự và ngoại giao chăm sóc cho chúng - trên tàu, máy bay bắt đầu bay ra Biển Đông. Khi ở cao độ 23.000 bộ thì có một tiếng nổ, ban đầu người ta tưởng là bị hỏa tiễn của phe địch bắn trúng, thổi bay cửa chuyển hàng phía sau của máy bay.
Bị mất áp suất và hỏng hệ thống thủy lực khiến chiếc C-A5 suýt nổ trên không, các phi công đã cố gắng để điều khiển con tàu và quay trở lại Tân Sơn Nhứt.
Máy bay đã rơi khi cách phi đạo vài dặm. Chiếc phi cơ vỡ thành bốn mảng, và bốc cháy trên một quãng 3km hoặc 4km ở vùng ngoại ô. 78 trẻ sơ sinh và trẻ em và 50 người lớn ngồi ở khoang dưới đã chết ngay lập tức. Mười trong số những người ngồi ở boong trên đã thiệt mạng nhưng 175 hành khách sống sót.
Chuyến máy bay bất hạnh cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhứt. |
Một phụ nữ lớn tuổi ở gần phần mũi của máy bay rớt xuống nói,
“Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn và từ từ nhiều mảnh vỡ của máy bay bắt đầu rơi xuống. Khi mảnh cuối cùng rơi xuống, chồng tôi chạy ra ngoài và tôi hét lên, ‘Ông đi coi cái gì vậy? Người ta đang chết mà.’”
Trong những giờ trước khi máy bay trực thăng đến cứu những người còn sống sót, một vài người đã dám đến gần đống đổ nát cháy rực, bà cụ kể lại, “Người ta đến để lấy tiền, vàng, hay bất cứ vật gì có giá trị mà họ tìm thấy.”
Người chết đã nằm ở đó đến vài ngày, bà cụ nói, “Đó là lý do tại sao linh hồn của họ vẫn còn ở đây.”
Một cụ già khác trong làng xác nhận câu chuyện, nói rằng người ta đã phải lập một miếu thờ những linh hồn uổng tử trên một mảnh của chiếc máy bay đã chìm trong một cánh đồng, để xoa dịu những người đã chết. Ông cụ nói tiếp, “Mọi người đi ngang qua đó đã nhìn thấy những bóng ma và chúng tôi đã rất ngại những oan hồn đó sẽ bắt trẻ em trong làng.”
Kỷ niệm 40 năm thảm họa xảy ra vào tháng này nhắc nhở dân làng nhớ lại câu chuyện đáng lo của họ, một hồn ma sống vẫn ở chung quanh họ – đó là một trẻ mồ côi được báo tin là đã tử nạn, cùng với người em song sinh, nhưng cả hai đã sống sót.
Landon Carnie, nay đã 41 tuổi, là người đầu tiên, một trẻ em sống sót trong thảm họa này, đã trở lại nơi máy bay rơi ở vùng ngoại ô của thành phố, nay đã đổi tên là Hồ Chí Minh. Landon và Lorie, cô em gái song sinh, được báo tin chính thức với cha mẹ nuôi ở bang Washington là họ đã tử nạn và không tìm thấy xác trong đống máy bay đổ nát đang cháy âm ỉ.
Những cột khói từ đống đổ nát tại nơi máy bay rớt gần căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt. |
Hơn 24 giờ sau khi xảy ra tai nạn người ta tìm thấy hai anh em Landon-Lorie đang ôm nhau núp ở một cánh đồng. Landon và em gái đã, trong một nghĩa nào đó, may mắn; Lúc đầu hai anh em ở boong dưới của máy bay nhưng y tá đã chuyển hai anh em lên tầng trên ngay sau khi cất cánh.
“Chúng tôi đã được đưa vào ngồi cùng một ghế với nhau,” Landon Carnie lập lại câu chuyện ông đã được kể cho nghe về vụ tai nạn máy bay.
“Một ngày sau khi tai nạn xảy ra, một người nông dân đã tìm thấy chúng tôi. Cha mẹ nuôi của tôi đã nhận được một bức điện tín báo rằng chúng tôi đã tử nạn, vì không tìm thấy tụi tôi ở nơi máy bay rơi. Và sau đó, người ta đã tìm được hai anh em tôi.”
Hai anh em sinh đôi đó đã sống đời thơ ấu hạnh phúc tại Mỹ.
Vào năm 2000, một film tài liệu đánh dấu 25 năm Chiến dịch Babylift đã cho Landon Carnie cảm hứng muốn trở lại nơi ông đã sinh ra. Ông nói,
“Tôi nghĩ, ‘tôi phải quay trở lại’. Tôi cảm thấy đã đến lúc cho tôi biết Việt Nam và tôi từ đâu đến.”
Trong lần đi thăm Việt Nam đó, ông đã đi với mẹ nuôi của mình. Hai năm sau, ông về Việt Nam sống. 2005, Lorie đến thăm ông. Carnie nói, “Việt Nam gợi óc tò mò của tôi. Vì vậy, tôi đã trở lại và bây giờ tôi đã được ở đây trong 13 năm.” Carnie hiện là một giảng viên khoa Truyền thông tại chi nhánh của Đại học RMIT có trụ sở ở Melbourne (Úc) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Giới chức quân sự Mỹ bên đống đổ nát của phi cơ bị nạn. |
“Cha mẹ nuôi của tôi ban đâu đã rất lo âu. Họ nói, ‘Đừng quên đó là một quốc gia cộng sản và nếu con làm điều gì đó không đúng thì có thể bị bỏ tù và không bao giờ được phép rời khỏi Việt Nam.’Họ làm tôi e ngại một chút, và tôi đã rất cẩn thận về những gì tôi làm và nơi tôi đi trong lần đầu tiên trở lại Việt Nam. Nhưng bây giờ tôi đã biết chính xác những gì tôi có thể nói và làm ở đây.”
Mãi cho đến năm ngoái Carnie mới tìm đến noi máy bay rơi, với sự giúp đỡ của một trẻ mồ côi trong Chiến dịch Babylift, người đã đi trong một chuyến bay khác. Carnie sau đó đã đến tận nơi với một đoàn làm phim của tạp chí trực tuyến Asia Life, đang nghiên cứu về vụ tai nạn trước lần kỷ niệm thứ 40.
Mặc dù gặp nạn nay trong chuyến bay đầu tiên, Chiến dịch Babylift tiếp tục, di tản thành công hơn 3.000 trẻ sơ sinh và trẻ em trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Khoảng 2.000 trẻ em được cứu đã đến Hoa Kỳ, những người khác đã qua Australia, Canada và châu Âu.
Ngày kỷ niệm đã khuấy động những cảm xúc sâu sắc trong rất nhiều các trẻ em mồ côi dã di tản, một vài người trong số họ đã mất nhiều thời gian đi tìm cha mẹ ruột tại Việt Nam nhưng không đạt được kết quả. Ngày kỷ niệm cũng đã nêu ra câu hỏi về việc liệu Chiến dịch Babylift có phải là một việc làm đúng khi di tản rất nhiều trẻ mồ côi những nơi xa lạ trên toàn thế giới.
Hai trẻ thơ thoát nạn được đưa tới bệnh viện ở Sài Gòn. |
Chantal Doecke đã rời Việt Nam trong Chiến dịch Babylift trong chuyến bay thứ nhì, đã lớn lên ở Úc. Cô nói rằng cô khao khát tìm được cha mẹ ruột sau khi đã sinh một đứa con. Cô nói,
“Tôi đứng ở trước gương bế con gái và nghĩ rằng, ‘Wow, con gái sao giống mình thế.’ Sau đó, tôi lại nghĩ, ‘Ừ nhỉ, còn mình thì giống ai?’ Và ý nghĩ đó đã gây phiền muộn cho tôi. Tôi, nay đã 40 tuổi và vẫn không ngừng thay đổi diện mạo của mình. Không phải vì tôi xấu hổ là người Việt Nam ... Tôi chỉ nghĩ rằng đó là vấn đề căn cước.”
Doecke đã mất nhiều năm đi tìm cha mẹ đẻ nhưng không thành công.
Sue Yen Byland, cũng đã được di tản trong Chiến dịch Babylift, và đã được một cặp vợ chồng ở Perth, Australia nhận làm con nuôi. Cô đã bỏ chín năm cố gắng, cũng không thành công, để đi tìm cha mẹ ruột của mình. Byland tin rằng cha cô là một quân nhân Mỹ. Cô nói, “Tôi đã làm đủ thứ trong khả năng ... để cho mẹ tôi biết rằng tôi đang đi tìm bà.”
Carnie nói rằng hai anh em ông được cho biết là mẹ của họ đã chết trong khi sinh con và cha của hai người đã cho họ đi làm con nuôi vì không có người khác trong gia đình để chăm lo cho họ. Ông nói rằng ông đã không đi tìm lại gia đình ruột thịt kể từ khi trở về Việt Nam.
Landon Carnie với Lorie, em gái song sinh. |
“Vì tai nạn máy bay, chúng tôi tất cả hồ sơ hộ tịch, vì vậy chúng tôi không biết tên của cha mẹ hoặc nơi sinh của chúng tôi và ngay cả tên tiếng Việt và ngày tháng năm sinh của mình. [Ông phải dựa trên] lời kể lại và các nhân chứng, và thực sự độ khả tín của tất cả những điều đó như thế nào?Không phải là tôi không muốn đi tìm cha ruột nhưng tôi nghi đó là cả một vấn đề để tìm ra sự thật tôi là ai và từ đâu đến.”
Tuy nhiên, người ta đã nói với Carnie rằng cha mẹ ông sống ở Bạc Liêu, một thị trấn ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 300km.
Landon Carnie lúc còn nhỏ ở Mỹ |
“Tôi đã có một vài lần đến Bạc Liêu như một du khách. Tôi đã gặp vài nữ tu sĩ, người chăm sóc tôi trong trại mồ côi cách Bạc Liêu khoảng 75km từ. Họ vẫn nhớ là đã chăm sóc cho anh em tôi, nhưng không biết ai là cha mẹ chung tôi là ai.”
Tháng này, một loạt các cuộc hội ngộ và một số sinh hoạt được tổ chức tại Việt Nam để đánh dấu 40 năm Chiến dịch Babylift và ngày Sài Gòn sụp đổ của; người trong nước thì gọi đó là ngày Thống nhất hay ngày Giải phóng. Carnie nói,
“Tôi không biết là tôi sẽ tham dự vào các sinh hoạt kỷ niệm đó hay không. Ba hay bốn năm trước, tôi đã có mặt với một vài trong số những nhóm đã qua Việt Nam đoàn tụ. Tôi đã đi ăn một vài bữa ăn trưa và bữa ăn tối với họ, nhưng tôi đã không còn quan tâm nữa trong thời gian gần đây.
Tôi có ba hoặc bốn người bạn Việt Nam đã được nhận làm con nuôi trong những năm 1970, nhưng không phải trong Chiến dịch Babylift, và chúng tôi đã nói chuyện về kinh nghiệm, nhưng không trao đổi chính thức, một cách có tổ chức hoặc trên [chuyên] nhóm ở Facebook.”
Gặp em những người mồ côi trong Chiến dịch Babylift khác có thể làm mất định hướng, ông nói.
“Người ta đã nói với bạn suốt cuộc đời, bạn là người rất đặc biệt và luôn luôn yêu cầu kể lại câu chuyện của bạn. Đến khi bạn gặp những người con nuôi này thì bạn thấy tất mọi người đều có những câu chuyện tương tự rồi bạn nghĩ rằng, ‘Tôi chẳng có gì đặc biệt cả.’ Họ đến từ các vùng khác nhau Việt Nam và [sống ở các vùng khác nhau trên] thế giới nhưng tất cả chúng ta có vấn đề tương tự, chẳng hạn như mất căn cước, cuộc khủng hoảng nhân thân và [mong muốn] tìm biết chúng ta là ai.”
Nói chuyện với Carnie, rõ ràng ông ta có những câu hỏi chưa được trả lời. Tuy nhiên, không một chút nghi ngờ, là sự sống còn phi thường của ông khi là một trẻ em mới 17 tháng, cùng với người em song sinh, đã khiến ông trở thành một người có tinh thần tự do. Landon Carnie nói
“Tôi sống và tôi yêu cuộc sống. Bạn phải tận hưởng cuộc đời này.”
Carnie ở nơi máy bay rớt. |
Phi công của máy bay rơi trong Chiến dịch Babylift được ca ngợi là anh hùng
Phi công Dennis “Bud” Traynor, người lái chuyến bay đầu tiên trong Chiến dịch Babylift đã được ghi công đã cứu 175 người sống sót bắng sự bình tĩnh và tài điều khiển phi cơ sau vụ nổ thổi bay cửa chuyển hàng ở cao độ 23.000 bộ ở miền Nam Biển Đông.
Vụ nổ cửa chuyển hàng do một số ổ khóa cửa hỏng gây ra khiến boong tàu tràn ngập sương mù và các mảnh vỡ. Cáp điều khiển nối tới đuôi máy bay bị cắt đứt và hai trong số bốn hệ thống thủy lực, gồm cả phần điều khiển bánh lái, cúng hỏng.
Traynor và phi công phụ Tilford Harp, cả hai người đều thoát nạn, đã làm một điều đáng kinh ngạc là quay 180 độ để bay về căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, gần Sài Gòn (nay là Hồ Chí Minh City).
Chiếc máy bay nẩy trên một cánh đồng lúa và trượt khoảng 400 mét trước khi bay lên lại khoảng 800 mét, băng qua sông Sài Gòn, sau đó đập vào đê và vỡ thành bốn mảng bốc cháy. Va chạm sau cùng (vào con đê) làm tất cả mọi người trên boong tàu chở hàng phía dưới tử nạn tức thì.
Sau đó, toàn bộ những chiếc máy bay C-5 của Mỹ đã bị hạn chế hoạt động chặt chẽ trong nhiều tháng trong khi chờ Ủy ban điều tra nạn tra phân tích sự việc.
Trong sự hỗn loạn của những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, kẻ cắp đã lấy đi nhiều bằng chứng quan trọng từ nơi máy bay rơi. Ban điều ra đã phải trả tiền để thu lại những mảnh vỡ của máy bay cho nhân viên điều tra có thể thiết lập các nguyên nhân gây ra tai nạn.
Tuy nhiên, chìa khóa để hiểu những gì đã xảy ra nằm trong việc tìm kiếm cánh cửa chuyển hàng năm dưới Biển Đông. Hải quân Mỹ sau khi một thời gian tìm kiếm đã vớt được cánh cửa đó và thấy 3 trong số 10 ổ khóa trên cánh cửa đã không đóng đúng cách. Một số các ổ nguyên thủy đã bị phá tung để lấy phụ tùng.
Khi máy bay đã ở cao độ 23.000 bộ, những ổ khóa còn lại không đủ sức chịu được sự áp suất gia tăng và do đó cánh cửa chuyển hàng đã bị thổi bay, gây thiệt hại nghiêm trọng và đã có thể dễ dàng đưa đến việc máy bay nổ tung và lập tức rơi khỏi bầu trời.
Ban điều tra ghi nhận tài dùng lực đẩy không chính thống của phi công Traynor và quyết định đáp máy bay rơi khi ông vẫn còn phần nào điều khiển được chiếc C-5A. Cùng với Harp, cả hai phi công đã được trao huân chương Chữ Thập của Không Quân cho lòng can đảm phi thường.
Những trẻ thơ và người tử nạn trong trong thảm kịch của chuyến bay C-5 hôm 4 tháng 4 đã được an táng trong một nghĩa trang ở Pattaya, Thái Lan.
international news
Nguồn: Still rootless: the child refugees of Vietnam war's chaotic final days. Simon Parry, Red Door News Hong Kong, April 2015
1 comment:
Em tên CHẾ Nguyên Dõng, cùng 2 em trai tới Mỹ năm 2005, theo diện đoàn tụ (ODP) do Má bảo lãnh năm 1999 (con chưa kết hôn). I got VNese Bachelor Certificate, major in Business Administration, issued by Hochiminh City Open University (HCOU).
Ba em, CHẾ Nguyên Dung, 1926-2019. Trước khi thống nhất đất nước, Ba là Thiếu tá - Dược sĩ (Pharmacist) QLVNCH, phụ trách Trưởng Khoa Nha Tổng Y Viện Cộng Hòa.
+ Anh 2 em, CNDũng, Bác sĩ Y khoa (Medical Doctor), tới Mỹ năm 2017.
+ Chị em, CHẾ Thị Trang, Boat People, nay là Licensed Vocational Nurse (LVN),
+ Em gái em, CTHoàng Trâm, là Registered Nurse (RN), is trying her best to get Bachelor Certificate for being Nurse Practitioner (NP).
Em lần theo Anh & đến được đây.
Post a Comment