Sunday, October 14, 2007

Cuộc chạy đua vào điện Elysée


The Economist (Số 12 tháng 4) – Trà Mi lược dịch


Cơ hội cho nước Pháp


Sau ¼ thế kỷ bấp bênh, Nicolas Sarkozy cho Pháp niềm tin đổi mới.



Trong 50 năm qua chưa một cuộc bầu cử tổng thống Pháp nào lại khó có thể đoán trước kết quả như cuộc bầu cử ngày 22 tháng 4 sắp đến. Đúng thế, dù trong mọi cuộc thăm dò cử tri, dẫn đầu luôn luôn là ứng cử viên của cánh trung hữu, đảng đương quyền UMP (Union for a Popular Movement, đảng bảo thủ Pháp), Nicolas Sarkozy.

Con số ủng hộ Nicolas Sarkozy có khả năng bị thổi phồng cũng như số ủng hộ ứng cử viên cánh cực hữu, Jean-Marie Le Pen, có thể bị đánh giá thấp hơn sự thật.

François Bayrou trèo lên bất ngờ giữa cuộc vận động, gần qua mặt cả Ségolène Royal, ứng cử viên Xã hội, làm mọi đự đoán về kết quả cuộc bầu cử trở nên rối rắm, mù mịt đi nhiều.

Nicolas Sarkozy, Ségolène Royal, François Bayrou
Nguồn: economist.com/Ảnh EPA


Đây là một cuộc đầu phiếu quan trọng. Pháp là thành viên lớn thứ nhì trong khối Liên Âu (EU) và là địa bàn hoạt động của 10 trong 50 công ty lớn nhất châu Âu. Nhưng Pháp cũng đang ở thế kẹt, rất kẹt. Nền kinh tế Pháp là nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm nhất Âu châu, một nhà nước nuốt trửng cả 50% tổng sản lượng nội địa, sổ nợ quốc gia tăng nhanh nhất Tây Âu trong 10 năm qua, và đáng kể hơn hết, nạn thất nghiệp ở đây vẫn trì cố. Trong 25 năm vừa qua, lợi tức bình quân đầu người của Pháp giảm từ hàng thứ 7 xuống hạng 17 trên thế giới. Tình hình rối loạn âm ỉ tại các vùng ngoại thành (banlieues), khu sinh cư của thành phần thanh thiếu niên thất nghiệp trong các cộng đồng dân tộc ít người, đã nổ bùng thành loạn năm 2005.

Toa thuốc điều trị cấp thời cho những bệnh nêu trên của nước Pháp là phải phát triển kinh tế nhanh hơn. Điều này đòi hỏi thay đổi từ căn bản về mọi mặt, lao động, thị trường, cạnh tranh nhiều hơn, bao cấp, bảo vệ thị trường ít hơn, giảm thuế, cắt giảm chi tiêu nhà nước, và đổi mới tận gốc rễ bộ máy hành chánh chính phủ lười chảy thây suốt 26 năm qua các nhiệm kỳ tổng thống của François Mitterrand, cánh tả, và Jacques Chirac, cánh hữu. Đây cũng là giai đoạn các quốc gia Tây Âu như Anh Quốc, Tây Ban Nha (Spain), Hoà Lan (the Netherlands), Ái Nhĩ Lan (Ireland) và các xứ Bắc Âu đổi mới, phát triển hơn và vẫn giữ được mô hình xã hội và hệ thống an sinh đáng quý. Đây là thử thách lớn nhất cho tổng thống sắp lãnh đạp nước Pháp.


Xấu tệ, tệ, xấu

Jean-Marie Le Pen
Nguồn: economist.com/Ảnh AFP

Ứng cử viên tổng thống kỳ này ra sao? Thực sự chỉ có 3 ứng viên đáng kể. Tuy thế, ứng cử viên thứ tư, có thể thay đổi kết quả sau cùng của cuộc bầu cử lần này, là Le Pen lãnh tụ kỳ cựu của Mặt trận Quốc gia (đảng phân biệt chủng tộc). Le Pen làm cả nước Pháp xấu hổ khi ông qua mặt cả đảng Xã hội (16,18% về sau Le Pen 16,86%: vòng 1) để vào vòng hai của cuộc tranh cử với Chirac năm 2002 (17,8% về sau Chirac, 82,2%: vòng 2).

Con số ủng hộ Le Pen năm nay nhiều hơn cả con số (cùng giai đoạn) ở kỳ tranh cử năm 2002. Điều quan trọng kỳ này, cho thể diện nước Pháp, là làm thế nào Le Pen bị loại không được vào vòng thứ nhì.

Bà Royal có thể là ứng cử viên đáng kể ở vòng 2 để biến nó thành cuộc tranh cử thực sự giữa hai phe tả-hữu. Royal còn có thêm lợi điểm khác: người phụ nữ tầm cỡ đã đẩy lùi được những đảng viên kỳ cựu của đảng giành vai trò đại diện đảng Xã hội trong kỳ bầu cử lần này. Royal cũng táo bạo vượt qua những truyền thống của đảng để ca ngợi thành tích của chính phủ Lao động Anh (Tony Blair) và chỉ trích nhà nước Pháp áp đặt số giờ làm việc tối đa mỗi tuần 35 tiếng. Chẳng may, chính sách của Royal đưa ra mù mờ và rối như mớ bòng bong; Về mặt kinh tế, Royal núp sau chủ thuyết lỗi thời của cánh tả: nhà nước can thiệp, bảo vệ công nhân, và đánh thuế cao.

Nếu chỉ so sánh bề ngoài thì ứng viên ở giữa, ông Bayrou lại có nhiều hứa hẹn hơn. Lời Bayrou hứa cắt giảm số nợ quốc gia đáng tin hơn Royal va ngay cả Sarkozy. Nhưng Bayrou thất bại, không ủng hộ nền kinh tế thị trường và quá ưa chuộng chính sách bao cấp nông nghiệp và nhà nước can thiệp. Và người ta cũng không hiểu làm thế nào Bayrou có thể lập nội các, nếu đắc cử. Đảng của ông nhỏ xíu và giấc mơ mời lãnh đạo từ hai phía trái và phải có cùng quan điểm với Bayrou e khó thành sự thật.


Còn lại ai?

Nicolas Sarkozy
Nguồn: economist.com/Ảnh Bridgeman/Rex

Như thế cử tri Pháp còn lại Sarkozy là ứng cử viên sáng giá nhất kỳ này. Không như các ứng viên khác, dù là bộ trưởng lâu đời dưới nhiệm kỳ tổng thống của Chirac, Sarkozy không ngại ngùng tuyên bố thẳng thừng, Pháp cần đổi mới tận gốc rễ. Sarkozy là người nước ngoài, là con của dòng quý tộc gốc Hung Gia Lợi (Hungary) di cư; và Sarkozy công khai khâm phục Mỹ (là điều thường được dân Pháp xem là điều cấm kỵ – TM). Sarkozy rất phấn khởi với sự phục hưng nền kinh tế nước Anh. Và Sarkozy dự định thay đổi một loạt luật pháp liên hệ đến các vấn đề cấm kỵ như tự do hoá lao động và thị trường, giảm thuế cho công ty (giới tư bản) và thuế thu nhập cá nhân, cắt hưu bổng của công chức.

Tuy nhiên còn hai vấn đề đáng ngờ về ông Sarkozy. Trong thời gian ngắn làm bộ trưởng Tài chánh, Sarkozy đã chứng tỏ là đúng là chính khách chính hiệu của Pháp: có khuynh hướng xía vào hoạt động của thị trường, chủ trương chính sách mạnh về công nghệ, bao che cho kỹ nghệ mạnh của Pháp, và có khi xen vào việc định giá cả ở siêu thị. Gần đây Sarkozy còn đổ những thất bại của Pháp tự gây ra lên đầu Ngân hàng Trung ương Âu châu.

Chủ thuyết kinh tế ve vãn đó có thể chỉ là mánh khoé để Sarkozy chiêu dụ những cử tri chống lại kinh tế thị trường. Nhưng trong Sarkozy còn một mặt khác không quyến rũ lắm: một loại phân biệt đối xử, xem trọng người Pháp bản xứ, kinh thường dân di cư, phản ảnh qua những lời ông phê phán nặng nề với cộng đồng di dân và căn cước quốc gia. Những người ủng hộ Sarkozy cho rằng ông phải xoay buồm như thế để lấy phiếu từ nhóm cử tri ủng hộ Le Pen. Tuy nhiên Sarkozy hiện nay hoàn toàn không được những người ở banlieues ưa chuộng và, không như ông Le Pen, ông cũng rất khi đặt chân đến đó.

Khi là bộ trưởng nội vụ, Sarkozy quan tâm cải thiện đời sống của nhóm dân thiểu số theo Hồi giáo, nhưng đã hoàn toàn quên những người này khi trở thành ứng viên tổng thống.

Điều này có thể lý giải được nhược điểm lớn nhất trong chính sách ngoại giao của Sarkozy: ông kịck liệt phản đối việc để Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) gia nhập khối Liên Âu. Ngược lai, bà Royal hiên ngang tán thành việc Turkey trở thành thành viên của EU. Nhưng điều này sẽ không được thử nghiệm ít nhất trong vòng 10 năm tới. Với các vấn đề khác liên hệ đến EU, như tương lai của bản hiến pháp EU, Sarkozy có đường lối thực dụng và khôn ngoan hơn hai đối thủ chính, Royal và Bayrou. Và Sarkozy cũng là ứng cử viên có nhiều khả năng để hàn gắn bang giao đang tả tơi giữa Pháp và Mỹ.

Dựa vào quá khứ sự nghiệp và cuộc vận động tranh cử người ta thấy Sarkozy là một người cực kỳ thực dụng hơn là một chính khách kiên định theo khuynh hướng tự do. Tuy nhiên, Sarkozy là ứng cử viên duy nhất giám ủng hộ cho việc Pháp phải giã từ quá khứ của chính mình sau nhiều năm lụn bại, lu mờ trên trường quốc tế.

Người ta đã nói, Pháp có tiến bộ nhờ ở các cuộc cách mạng, nhưng ít khi nào, hay chưa từng, tự xoay sở để đổi mới được. Ít nhất, lần này Sarkozy cho người Pháp một cơ hội để chứng minh cách ngôn đó không đúng.

© DCVOnline
(http://www.danchimviet.com,
13/04/2007)



Nguồn: The French presidential election, France's chance, Apr 12th 2007, The Economist print edition


No comments: