Sunday, October 14, 2007

Người Sài Gòn


Trà Mi

Nguồn: christofabt.de

Đôi dép da lê khắp phố khắp đường
Đôi vai gầy ôm chặt gió sương
Tóc ai đã bạc màu theo năm tháng
Ba mươi năm rồi, chỉ còn thoảng nét người thương

Anh đây à! sao màu da cháy xạm
Sao môi thâm! sao mắt đỏ cả tròng?

Ừ, gió bụi thành đô đen vạt áo
Móng tay vàng vì thuốc đốt, hút chưa xong
....

Và ... mắt anh đỏ?
Vì đời anh họ ép!



Lần đầu nhìn lại người Sài Gòn, ngỡ ngàng nhất có lẽ là những khuôn mặt da xạm nắng. Cũng có thể vì không còn trẻ, thị tuyến thay đổi, không còn ngắm nhìn những người ở tuổi thanh xuân, tuổi của mình hơn ba mươi năm trước. Chợt nhìn, ấn tượng đầu tiên trên những khuôn mặt đen xạm, khó đăm đăm ấy là làn môi thâm xịt.

Người Sài Gòn bây giờ lại bươn chải suốt ngày ngoài đường phố
Nguồn: photo.net

Nắng Sài Gòn có lẽ đâu thay đổi theo năm tháng. Chẳng lẽ lỗ thủng ozone lại nằm ngay trên đỉnh đầu Sài Gòn? Không phải thế, mặt người Sài Gòn đen hơn, da xạm hơn vì đời sống người Sài Gòn đã thay đổi. Người Sài Gòn đông lắm. Người Sài Gòn bây giờ lại bươn chải suốt ngày ngoài đường phố – nếu không trên vỉa hè hàng quán thì cũng trên yên xe chạy cơm chạy nước. Tỉ số người đứng đường chạy phố so với người lao động trong cao ốc, công sở hẳn chênh lệch rất nhiều. Sài Gòn cũ cũng có người đen đúa như bác Bảy xích lô, anh Hai ba bánh. Người Sài Gòn bây giờ thoáng nhìn cứ ngỡ là bà con gần với anh Hai, bác Bẩy ngày xưa.
Độ ô nhiễm không khí, thiếu trong sạch môi sinh của vùng đất mật độ cao như Sài Gòn là một nguyên cớ khác làm xạm da người. Chỉ cần ngồi xe gắn máy chạy mươi phút ở những vòng quay giao thông hay trục lộ chính, ống thở, cổ họng sẽ trở thành những tiềm năng dầu hoả. Mực lưu thông vô định của vô số xe gắn máy, kể cả những loại xe “sáu bẩy”, trên đường phố là diễn trình sản xuất... bụi tối ưu. “Sáu bẩy” là những xe bắt đầu lưu hành từ năm 1967!

Bụi ở trung tâm thành phố khác với bụi ven đô. Trên những mặt đường lớn ở vùng ngoại ô, ngoài bụi khói xe gắn máy người ta còn phải hít thở bụi đất xe vận tải. Trục lộ giao thông ở đây không khác gì công trường xây dựng. Xe vận tải thường là những xe chở đất đá từ những khu đang kiến thiết đem đi đổ các nơi khác. Mười xe thì cả mười đã được “cải tiến”, hàn thùng xe lên cao, nâng trọng tải, chở được nhiều hơn. Chi tiết tạo mẫu, tiêu chuẩn bảo hành xe của các nhà sản xuất chỉ là chuyện nhỏ, có gì đáng để chủ xe quan tâm? Chở nhiều, chạy nhanh, kiếm nhiều tiền, rơi rớt tí đất đá xuống đường có hề chi. Không khéo lại còn được tiếng đang đi làm lại lịch sử như Mỵ Châu ngồi sau lưng vua cha rải lông ngỗng cho Trọng Thủy theo tìm.

Xa lộ Hà nội (tên mới) bây giờ có lẽ cũng lấm bụi đường không kém xa lộ Biên Hoà (tên cũ) ngày chưa trải nhựa.

- Này em, Sài Gòn không có người kiểm tra luật giao thông vận tải à?

- Ha! Người kiểm tra và thi hành luật cũng là chủ của những chiếc xe tải đang rải đất , làm rớt đá khắp đường đấy anh ơi!

Ấn tượng về da dẻ người Sài Gòn như thế có lẽ chỉ giới hạn cho đa số đàn ông làm việc, lái xe suốt ngày trên đường phố. Phụ nữ ở đây hay che mặt, che tay khi lái xe và mình cũng không có dịp nhìn gần nên không hiểu đen trắng ra sao.

Thử đọc tiêu đề của vài mẩu tin về thiên nhiên và môi trường xem người trong nước đang nghĩ gì? Làm gì để gìn giữ Việt Nam?

Đó chỉ là tin đồn kiểu “voi xuống núi, hổ về làng”?
Nguồn: thiennhien.net

Mẩu tin của TTXVN đăng ngày 27/6/2006 ở trang Thiên nhiên Việt Nam, với tựa đề Phối hợp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, ghi:

Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Nguyễn Tiến Quân Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp về phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Ở một tin khác cùng trang Ai đã hạ sát con bò tót ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông? Cạnh bên là tấm hình Đầu và 4 chân con bò tót bị giết tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Nhưng làm gì có chuyện ấy, cán bộ, nhà nước CHXHCNVN nói như thế này với Phan Thiên Sơn của báo Tiền Phong Online về chuyện con bò tót bị hạ sát, vào chiều ngày 22/6:

Nguyễn Văn Cảnh - Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông - giải thích, rằng đó chỉ là tin đồn kiểu “voi xuống núi, hổ về làng” chứ trên thực tế chưa có bất kỳ cán bộ, nhân viên kiểm lâm nào ở huyện Đakrông nhìn thấy mặt mũi con bò tót.

Và trả lời về một phần xác của bò tót ngay tại trụ sở Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Lê Thanh Tuyền - Trưởng phòng kỹ thuật của khu bảo tồn, đành xác nhận đó là con bò tót bị giết hại tại rừng Trừ Lấu cách nay khoảng 10 ngày, nhưng bằng cách nào mà khu bảo tồn có được phần đầu và 4 chân bò tót thì ông không biết.

Đúng là đầu voi đuôi chuột. Phối với hợp, phát với chả huy... để bảo vệ môi trường! Làm thế nào, khi nào làm, ai làm lại là những chuyện khác!

Tỉ số đàn ông VN hút thuốc cao nhất thế giới?
Nguồn: static.flickr.com

Trở lại dung nhan đàn ông và những làn môi thâm xịt. Có lẽ mình không thể lôi ông Bụi ra toà vì tội làm môi người Sài Gòn thâm lại, mất đi vẻ tươi hồng. Đàn ông Sài Gòn, hay đàn ông Việt Nam nói chung, hút thuốc hàng đầu trên thế giới.

Năm 1999, Việt Nam dùng 32.5000 héc-ta (hectares) đất trồng, hái 35.300 tấn thuốc lá. Với 26 xưởng, cả nước đã sản xuất hơn 30 tỉ điếu thuốc lá (gấp 3 lần sản xuất năm 1970) (1) chưa kể hàng triệu điếu thuốc nhập cảng lậu hàng năm (2). Thống kê của WB cho hay 40% dân VN, 80% đàn ông VN hút thuốc – tỉ lệ cao nhất Á châu. Theo số liệu 1995 của IMF và World Bank, người Việt Nam trên 15 tuổi hút khoảng 60 gói thuốc hàng năm. Theo tìm hiểm mới đây của WHO, tổ chức y tế thế giới, thì con số đàn ông Việt nam hút thuốc lá đang ở hàng vô địch toàn cầu.

FIFA World Cup thì Việt nam chắc chỉ giỏi phần cá độ, nhưng nếu có FISA (Fédération Internationale of Smoker Association) World Cup, Việt Nam đem cúp vàng về Hà Nội là cái chắc.

Trong 3 thập niên sắp đến, số tử vong vì hút thuốc lá ở VN ước khoảng 230.000 người! Tổ chức Y tế Thế giới có bi quan quá không khi ước tính khoảng 10% dân Việt sẽ chết non vì hút thuốc lá? Người ta bi quan quá hay không? Chưa biết. Điều chắc chắn là ngân sách quốc gia đã chi chưa đủ cho những ưu tiên giáo dục, an sinh xã hội, môi sinh môi trường thì làm gì còn phương tiện chữa cho người ung thư, lao, suyễn, sưng phổi, v.v... nói gì lo đến chuyện những cái môi thâm. Nói thế, nhưng nếu là phụ nữ ở Việt Nam, mình sẽ lo không ít; mỗi năm chết non, chết yểu, chết tiệt đi vài phần trăm đàn ông thì độ cung cầu chẳng mấy chốc hỏng bét cho các chị các em. Lúc ấy có lẽ ít nhất phải là người mẫu hay siêu mẫu may ra mới lấy được tấm chồng! Phần còn lại sẽ đi lấy chồng Đại Hàn, và Singapore nếu chê đàn ông Đài Loan?

Người bươn chải ngoài phố thì cần chi bỏ áo trong quần, đi giầy, đội nón
Nguồn: georgiabyte.com
Lại trở về với đàn ông Sài Gòn. Một điểm khác làm kẻ đi xa về thăm thành phố hơi ngỡ ngàng là cách mặc quần áo ngoài đường phố. Sài Gòn chắc chắn không phải là bờ biển thế mà người ở đây cho mình cảm tưởng đang đi vùng sóng nước rù rì. Trang phục thường và tiêu biểu nhất của đàn ông ngoài đường là áo ngắn tay (dài thì xắn lên) bỏ ngoài quần tây, chân đi dép da, đầu rất ít khi thấy mũ rộng vành dù nắng Sài Gòn rất gay gắt và chẳng mấy khi “... chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” (3). Sài Gòn, xứ nhiệt đới, là người bươn chải ngoài phố thì cần chi bỏ áo trong quần, đi giầy, đội nón. Những cái lỉnh kỉnh tiểu tiết này chỉ làm giảm hiệu năng, gây khó khăn cho việc lái xe trên đường chạy việc. Đấy là người sống chạy ngoài đường phố. Thỉnh thoảng đi qua cổng một trường đại học hay những công tư sở mình cũng thấy áo bỏ ngoài quần lẫn lộn với hình ảnh cũ của những nhà giáo, người sinh viên, người đi làm với y phục tươm tất.

Như thế những ngỡ ngàng, trớt quớt của mình về đàn ông Sài Gòn, chẳng qua vì cái nhìn vội, chỉ thấy được đám đông. Số người sinh hoạt ngoài đường phố này lại nhiều, quá nhiều so với người làm việc trong phòng.

Nghĩ về phụ nữ Sài Gòn với vấn nạn thuốc lá vô tình len men đến vùng kém an ninh, vùng “người mẫu và siêu mẫu”. Kém an ninh? Nguy hiểm là đàng khác! Hạnh, người bạn cho mình tạm trú những ngày trở lại Sài Gòn, lên tiếng cảnh báo:

- Ối! Mấy cô này ghê lắm anh ơi! Đây là mầm mống phá hoại gia cang người ta.

- Xời! Làm gì mang tiếng đến thế?

- Ủa anh không nghe sáu người mẫu vừa bị công an bắt điều tra. Họ thu được nhiều sổ đen ghi tên, số điện thoại di động của đủ hạng người. Doanh gia có, quan chức có, mà cũng có cả Việt kiều nữa nghe anh! Chán mấy anh đàn ông quá!

Như chưa hả dạ, Hạnh đưa đề nghị giúp nhà nước cải tổ làm sạch xã hội:

- Em mà có quyền nghe anh, em chém đầu mấy con nhỏ cao trên một thước bẩy hết đó.

- Ủa, tôi tưởng các cô người mẫu thì đi làm mẫu, đi quảng cáo tiếp thị thì đâu có gì mà bắt, mà bêu đầu người ta, tội nghiệp!

- Trời ơi, anh làm bộ, giả nai không hay chút nào hết á! Mấy cô này là gái gọi cao cấp đó ông ơi!

Gái gọi? Ngày xưa người ta dùng chữ gái “làng chơi” hay gái “ăn sương”. Ngày nay tiên tiến hơn, lại dùng từ như các nước đã tiên tiến, gái gọi, call girls, dịch sát thế thì thôi! Ừ không còn dùng chữ “ăn sương” được, các cô gái gọi này đâu còn phải đầu đường hè phố giữa đêm hứng sương, đón gió nữa. Các cô ấy là các chuyên gia nhân sinh xã hội, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, có cầu chứng, có bằng cấp đầy đủ cả. Người Sài Gòn dạo này nhiều bằng cấp lắm. Từ gái gọi đến trưởng phòng, đến giám đốc, bằng cấp lu bù. Bằng cấp thật đấy! Không phải bằng đóng con dấu củ khoai đâu.

Bằng nhiều ắt phải nhiều trường. Đi quanh Sài Gòn đếm đại học mỏi cả tay. Ngoài những trường cũ như Y, Nha, Văn, Luật, v.v... còn không biết bao nhiêu là trường cao đẳng, trường đại học dân lập. Trường học nhiều, bằng cấp nhiều, người tài có lẽ cũng phải nhiều? Không phải vậy! chỉ cần đọc thoáng qua nhật báo cũng đủ thấy bao nhiêu tiêu cực của ngành giáo dục hiện tại. Từ tuyển sinh ngoài chỉ tiêu, dưới tiêu chuẩn, đến “học giả bằng thật”, “học tại chức”, quên ghi tên mà vẫn có bằng, có khi bài thi để giấy trắng vẫn đậu, v.v...

Lại đọc thử một tin ngành giáo dục — “Kỷ luật một thầy giáo cưỡng hiếp học trò” (Báo Cần Thơ, 20/6/2006) — Nữ sinh trường THPT Kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng (Cần Thơ) bị thầy giáo Lê Thái Bình lạm dụng tình dục. Ông Bình đã bị khai trừ Đảng. Công an huyện Cờ Đỏ đang điều tra vụ việc.

Còn phải đợi dài thời gian. Còn phải đợi dài cổ mới đến lúc dân sinh đã giỏi, sản xuất mạnh, xây dựng xã hội tốt đẹp mà không ai còn cần phải trương bằng cấp, khoe học vị nữa! Và nếu vẫn còn cái đảng CSVN thổ tả với đảng viên ưu tú làm thầy giáo, làm quan trong xã hội Việt Nam, có lẽ nạn hiếp dâm gái vị thành niên không chỉ xảy ra ở Hà Nội, Cần Thơ.

Còn CHXHCN Việt Nam thì sẽ mãi còn hàng trăm Lê Thái Bình, còn hàng ngàn Lương Quốc Dũng và đảng vẫn quang vinh!

Copyright © 2006 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 29/06/2006)



Ghi chú:

(1) Economics of Tobacco in Vietnam. Nguồn: Worldbank
(2) Tobacco News. Tin Tân Hoa Xã ngày 26/4/2006, cho biết hàng năm có khoảng 600 triệu gói thuốc lậu nhập cảng vào Việt Nam, bằng 10-15% tổng sản lượng thuốc lá hàng năm
(3) Áo Lụa Hà Đông, Thơ Nguyên Sa

No comments: