Sunday, October 14, 2007

Người Sài Gòn (II)


Anh diễn viên, gái Hà Nội, em Việt kiều và tuổi trẻ

Trà Mi


Tiếng Hạnh gọi vọng từ phòng khách:

– Ông Lân điện thoại, anh Giang ơi!

– Lân đây chú. Chiều nay chú Duy ghé lại đón. Chú cháu mình đi ra ngoài ăn tối nói chuyện nhiều hơn. Từ hôm về đến giờ Lân thấy chú chẳng đi đâu, chả đi Đà Lạt, mũi Né cũng không. Mấy tuần rồi cứ như là chú chạy “xô” ấy.

– Ừ, lần khác thư thả về chơi; lần này về đi thắp hương thăm các cụ thôi.

Một buổi chiều như những buổi chiều khác, đường Sài Gòn vẫn tấp nập người xe. Hai anh em đèo nhau trên chiếc gắn máy đi vào thành phố.

– Đến rồi anh!

Anh bạn trẻ giữ xe trước cửa quán ăn nhanh nhẹn đưa thẻ số và dẫn xe khách đi cất.

Cũng như những hàng quán khác, xe gắn máy hàng hàng lớp lớp ngoài vỉa hè. Quán là những căn nhà phố lớn đã mấy lần hoá giá, đổi chủ, rồi tăng giá. “Nhà Em”, cái tên nghe ngồ ngộ, chủ quán là dân văn nghệ cũng nên?

Duy dẫn vào một bàn nhỏ ngoài hiên. Yên chỗ, mình lại được dịp nhìn quanh. Gớm ngày trong tuần sao lắm người đi ăn nhậu thế này. Bàn bên trái ít nhất hai mươi thực khách, bàn sau lưng cũng chẳng ít hơn; hoá ra bàn mình đang ngồi bé nhất, ít khách nhất. Tiếng thực khách cười nói rổn rang, ồn ào hơn cả các tiệm ăn ở phố Tầu San Francisco. Đa số khách trong quán trông trẻ, có vẻ học trò hơn là thương nhân thừa tiền dư bạc.

– Dô!

Tiếng ghế chạy rầm rĩ trên sàn rồi tiếng hô đồng loạt của thực khách quanh đây, lôi bật mình trở lại với hiện cảnh. Lân vừa kéo ghế ngồi vào bàn.

– “Dô!” hơi to đấy Lân nhỉ?

– Dạ, cũng như người Mỹ “cheers” khi nâng ly vậy mà chú.

Cheers của Mỹ đâu được mấy chục decibels như tiếng “Dô” của khách nhậu Sài Gòn.

– À, sao lại quán này? ở đây có gì lạ?

– Lân hay đưa một số khách đến đây ăn uống bàn công việc; quán của mấy người anh em quen biết từ lúc còn đi học, hát hò với nhau.

– À, quán của người văn nghệ!

– Để Lân gọi bạn giới thiệu với chú.

Người đàn ông, mái tóc bồng bềnh, miệng lúc nào cũng như sẵn nụ cười: em chủ quán hay anh diễn viên?
Nguồn/Ảnh: DCVOnline/TM


Thoáng chốc, Lân quay lại với một người đàn ông, mái tóc bồng bềnh, miệng lúc nào cũng như sẵn nụ cười.

– Giới thiệu với chú đây là Đa Duyên, anh em chủ quán; còn đây chú Giang, chú của tôi về thăm nhà và đây là chú Duy.

– Anh ở Mỹ về chơi?

– Vâng. Anh quen biết với Lân từ trước?

– Dạ, em mới biết anh Lân mấy năm gần đây thôi. Ông anh của em mới là bạn của anh Lân lúc còn đi học. Tối nay anh Đông Kinh bận đi chấm điểm hoa hậu, người mẫu.

Câu chuyện trao đổi đã khá lâu, anh bạn Đa Duyên vẫn chưa để mắt, gật đầu nhìn Duy nửa giây. Anh bận thẩm định anh khách Việt kiều hơn là đồng bào trong nước?

– À, đây là Duy, em tôi, đã từng đi “học” cùng với anh Đông Kinh ở Kà Tum, Bù Gia Mập và những “trường” khác đấy.

– Chào anh Duy, hoá ra anh em trong nhà cả!

Anh bạn văn nghệ giả lả một câu rồi lại quay hướng:

– Anh Giang đi sang đây, em giới thiệu một cô Việt kiều cũng ở Mỹ về chơi. Cô này thích em lắm; tụi em nói chuyện hàng tuần; cô ấy mới về mấy hôm; anh chồng ghen quá, cũng vừa đến hôm qua.

– Đây là anh Giang và đây là Michelle cũng là Việt kiều ở Mỹ và David chồng Michelle.

– Chào cô Michelle. Hi David! How do you do? It’s nice meeting you.

Chồng người Mỹ, Việt kiều Mỹ, tên tiếng Tây cũng lạ!

– David là IT Manager của AT&T thưa anh. Tụi em ở Virginia. Còn đây là anh Bôn anh họ của em và chị Thu Sương.

Thêm một vài câu trao đổi với đôi Việt Mỹ kiều cho phải lệ mình quay lại bàn với Lân, Duy. Đi ăn quán chứ nào phải đặt hàng nối mạng đâu mà cần đến “ai ti ma na giơ”. Qua vài câu trao đổi với ông “ma na giơ” trộm nghĩ có thể ông chỉ quản lý mấy cái điện thoại.

Trên sân khấu, Đa Duyên đang hát tặng người ái mộ ở một bàn khác. Ở góc gần đấy cô hàng hoa bán những nhánh hồng bọc giấy kính cho thực khách tặng hoa cho ca sĩ. Cũng tổ chức, cũng tiếp thị đấy chứ!

Không hiểu chỉ ở đây hay những quán khác đều thế? Khách lên hát phần lớn là đàn ông và họ hát vững vàng, điêu luyện là đàng khác. Thấy mình chăm chú theo giõi ca sĩ, Lân hỏi:

– Chú Giang có muốn lên hát không?

– Thôi, để người ta ăn uống cho ngon.

– Thế thì để chú Duy với Lân lên hát tặng chú vậy!

– Hay quá. Nhưng cho chú xin cái khoản công bố với cả quán “tôi xin hát tặng anh ..., Việt kiều ở .... mới về...” như người ta nhé.

Tình cờ, hai bài Duy và Lân hát là những bản nhạc mình thích nghe. Cả hai đều là nhạc từ thơ của của thầy T. B. Lan hỏi thăm người ở kinh thành ánh sáng và nói về Sài Gòn – Sài Gòn của mình hơn 30 năm trước có nắng, có em, có áo dài và có thơ tình thời mới lớn. Chưa khi nào nghe Duy hay Lân hát. Giọng hát trầm ấm của Duy có lẽ vẫn còn cái phong độ thuở hát ở đài phát thanh Đà Lạt. Nhận xét đàn ông Sài Gòn hát hay hơn đàn ông nơi mình đang ở có lẽ không sai lắm.

Đa Duyên và Michelle trở lại bàn:

– Mời mấy anh sang bàn tụi em ngồi cho vui.

Chỉ sang tấm ảnh lớn trên tường bên kia:

– Ảnh của ai vậy anh?

– Dạ, em chụp với Mel Gibson bên California.

– Thế anh là tài tử phim ảnh.

– Quên mất, Lân chưa nói, Đa Duyên là tài tử đóng nhiều phim rồi. Phim Rồng Vàng, và Bốn Mùa mà lúc nãy chú có hỏi đấy.

– Em vừa bên ấy về sau khi quay xong phim “Mình là lính”.

– Thế anh thấy tài tử Mỹ với tài tử Việt Nam thế nào?

– Dạ, tài tử mình cũng không kém gì họ đâu anh! Em cũng đã làm việc với Patrick Swayze. Người Mỹ làm việc rất nghiêm túc, nhanh và chính xác, không lề mề.

Người tài tử xi nê chợt biến mất, thay vào là ông chủ quán:

– Mời anh sang đây em giới thiệu cô bạn ở Hà Nội vào thăm em.

Anh tài tử đa duyên hay là anh bán quán tiếp khách giỏi? hai người khi ẩn khi hiện, không biết mình đang nói chuyện với ai.

– Ơ, cái anh này! Em đang mời các anh ấy về bàn em cho vui mà!

– Hai anh đây về với cô trước bên ấy. Anh Giang sang bên này một tí mà.

Bàn cô bạn Hà Nội ở một góc khác của hàng hiên.

– Anh Giang vừa ở Mỹ về chơi; đây là Yến bạn em ở Hà Nội và các cô bạn khác sẽ tự giới thiệu với anh.

Nhìn Đa Duyên và các cô “bạn”, mình bâng quơ:

– Anh Đa Duyên nhiều bạn nhỉ?

Nhìn về phía Lân, Duy với cô Việt kiều, rồi quay lại nhìn bạn, một người Hà Nội lên tiếng:

– Ới xời, anh ấy thì phải nói! Đứa nào mê thì cố mà chịu lấy.

Câu chuyện của các cô “bạn” Hà Nội xoay quanh anh tài tử chủ quán và người bạn mê kép hát. Lại một câu hỏi khác của người Hà Nội, hình như cô là kỹ sư xây dựng:

Đa Duyên giữa đàn bà Hà Nội: “kỹ sư xây dựng” (T), Yến (P), bà chủ hàng vàng làm dáng
Nguồn/Ảnh: DCVOnline/TM



– Anh Giang!


– Chi thưa cô?

– Lần sau đến đây chơi anh vẫn tên Giang đấy chứ?

– Thế là sao cơ ạ?

– Tôi thấy nhiều anh Việt kiều mỗi lần đến quán lại có một tên khác.

– À, xin các cô đừng bận tâm. Tên là do Bác Mẹ đặt cho, tôi đâu giám man trá; vả lại hôm nay được người nhà dẫn đi ăn tối chứ đâu biết có “cơ may” gặp các cô đâu mà cần thay tên đổi họ. Còn lần sau, gặp lại, chẳng biết đến khi nào?

– Gớm! anh nói cứ như người Hà Nội!

– Dạ, tôi là người Hà Nội cũ, người Sài Gòn cũ. Bây giờ được xem là người Việt Nam cũng là phúc lắm rồi đấy.

Trời đã vào khuya, quay sang bàn Lân Duy:

– Cho chú mươi phút nữa rồi mình về.

Michelle gọi với theo

– Này anh Giang. Thấy mấy cô Hà Nội xum xít bọn này cứ tưởng anh quên tiệt cả vợ với ba con rồi.

– Cô tưởng vậy chứ không phải vậy!

Cô Việt kiều làm mình chợt nhớ những nhận xét, những dọa dẫm của các anh bạn đã vào ra Việt Nam nhiều lần. Nào là các cô gái Sài Gòn chiều chuộng giỏi lắm; rồi con gái Hà Nội thì khỏi phải kể, ăn nói ngọt như đường và đẹp không có chỗ chê. Chẳng biết các ông ấy đã gặp bao nhiêu cô gái Sài Gòn, bao nhiêu người mẫu Hà Nội mà hít hà khen lấy khen để, dọa thánh dọa tướng như thế.

Ở Sài Gòn mới mấy tuần, ra Bắc được ba hôm không thể cả gan kết luận về sắc nết con gái Việt Nam ngày nay được. Chung chung, nếu chỉ xem, nghe các băng đĩa nhựa ca nhạc giới thiệu Việt Nam và tin các anh bạn thường đi về kia để hiểu con người ở đây thì chẳng khác gì tìm hiểu các cô gái Mỹ qua sách báo in giấy láng hoặc xem quảng cáo mỹ phẩm trên ti vi. Hay như người ta thường bảo, xem Playboy được mấy tập đã xưng là gynocologist thì hơi quá tự tin đấy!

Thực tế khác xa phim ảnh quảng cáo hay những lời tán phét nhiều lắm!

Tiếp tục đi vào cuối quán, ở một góc năm ba thanh niên thiếu nữ đang ăn bữa khuya.

– Mời anh ngồi chơi với chúng em.

– Các em làm việc ở đây phải không?

– Đúng rồi anh! Anh mới về chơi đúng không?

– Ừ mới về, nhưng không phải chơi.

– Các em cho anh hỏi vài câu nhé?

– Anh cứ tự nhiên.

– Các em đi làm lấy tiền thêm đi học phải không?

– Không anh ơi! Phần lớn bọn em đã xong đại học cả rồi.

Không giám hỏi thêm câu tiếp, đành quay câu chuyện:

– Thế đi làm thế này có tạm đủ cho cuộc sống hay không?

– Không đủ cũng phải đủ thôi anh. Ăn thì đây rồi. Đứa nào có nhà thì về đấy ngủ; như chúng em có đứa nhà tít Hà Nội thì chốc nữa lên gác ngủ.

– Hôm này là tối thứ ba, ngày trong tuần sao nhiều khách ăn uống thế?

Thiếu nữ đối diện, tuổi có lẽ mới ngoài hai mươi:

– Thưa anh, Sài Gòn này nói chung có hai hạng người. Một loại chơi thì cứ chơi, loại còn lại làm thì cứ thế mà làm. Bọn em thuộc loại thứ hai. Còn anh hỏi thứ ba, thứ tư, ngày trong tuần ngày cuối tuần, chẳng khác gì nhau cả. Hàng lớn ăn lớn, hàng bé lại ăn bé. Chỗ nào cũng có người ăn và chỗ nào cũng có người làm.

Lại câu hỏi cũ mèm đem ra hỏi lại:

– Thế các em nghĩ khi nào thì xã hội thay đổi tích cực hơn và cần làm gì để đi đến đó? đến cái xã hội các em có việc làm đúng với khả năng, đúng với ngành đã học.

– Tụi em nghĩ chưa đến đó anh ạ! Anh có ý kiến gì giúp cho chúng em không?

Nếu có ông công an đâu đây mình có thể được mời đi làm việc đêm nay cũng không chừng.

– Anh là người sống ở miền xa; đất nước với con người ở đây thực xa lạ. Anh e rằng không góp được ý hay cho các em đâu. Tuy vậy, các em còn trẻ, còn sức suy nghĩ. Tiếp tục suy nghĩ, nghe, nhìn, so sánh. Thể nào cũng có câu giải đáp. Xem thế cũng không phức tạp lắm đâu. Cái gì của mình thì bảo người ta trả lại mình. Cái gì mình có, tốt thì cố mà giữ, xấu thì bỏ đi. Nhắc người ta làm mau, thực hiện tốt những lời đã hứa. Làm những khẩu hiệu đang giăng ngoài phố thành sự thực. Đừng treo, đừng hô khẩu hiệu suông mãi. Nghe nhàm tai, nhìn chán mắt rồi. Chúc các em nhiều may mắn nhé!

Quay lại, Duy và Lân vẫn đang đợi:

– Thôi mình về! Cảm ơn Lân đã cho chú có bữa cơm ngon, có cơ hội nghe nhìn người Sài Gòn gần hơn một chút.

Trên xe, quay về Thủ Đức, Duy hất đầu về hướng hai thiếu nữ gầy gò, ngồi xổm dưới trụ đèn đường:

– Trẻ con đi làm gái ăn sương đấy anh!

Tiếng gió vun vút át hẳn tiếng chặc lưỡi ê chề. Đường về ngoại ô hôm nay lạnh hơn những lần trước. Không phải cái lạnh vì ngồi xe gắn máy. Lòng thấm buốt vì chợt thấy những chỗ rách của Sài Gòn về đêm.

Sài Gòn về đêm
Nguồn/Ảnh: DCVOnline/TM

Chưa đầy tuổi đôi mươi,
Sao đã bỏ sách bỏ trường?
Sao lang thang giữa đường phố lạ?
Em tìm được gì ở chốn không quen?
Em tìm được ai dưới ánh đèn mờ ảo?
Về đi em! Về đòi lại tương lai

Về đi em! Về đi em!
Đừng làm gái ăn sương!



Montréal, những ngày đầu Đông.


Copyright © 2006 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 10/12/2006)


No comments: