Thursday, January 26, 2006

Dân chủ, chính đảng và các tổ chức chính trị


Dân chủ nội bộ


Trong cuộc bầu cử ngày 23/1/2006, đảng Bảo Thủ Canada thắng nhiều ghế nhất (124/308) tại quốc hội. Sáng ngày hôm sau, Thủ tướng Paul Martin, lãnh đạo đảng Tự Do Canada, điện thoại báo cho Thủ hiến Michaëlle Jean, xin từ nhiệm và dọn hồ sơ ra khỏi văn phòng Thủ tướng.

Ngay sau khi biết đảng Tự Do không được đa số cử tri tín nhiệm cho lập chính phủ, Martin trong diễn văn sau bầu cử đã tuyên bố sẽ tham khảo với đại biểu của đảng tại quốc hội cũng như ban lãnh đạo đảng để tìm thời điểm thích hợp nhất chọn người lãnh đạo mới.

Tự do bầu chọn người đại diện quản lý đất nước là sinh hoạt đời thường tại Canada, một quốc gia dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Quyết định của Martin, dứt khoát tuyên bố không tiếp tục lãnh đạo đảng Tự Do lại là một nét khác, đáng chú ý trong sinh hoạt dân chủ không phải ở phạm trù quốc gia mà thuộc nội bộ của các chính đảng.

Đảng quy của đảng Tự Do không bắt lãnh đạo đảng phải từ chức khi không giữ được chính quyền. Paul Martin cho rằng đã đến lúc vai trò lãnh đạo đảng phải được chuyển giao cho thế hệ tiếp nối, tiếp tục công cuộc xây dựng, phát triển để đưa đảng trở lại chính quyền ở một thời điểm khác trong tương lai. Martin tự chấm dứt vai trò lãnh đạo, không để đảng phải huỷ căn cước lãnh đạo đảng của mình. Đây là một lựa chọn khôn khéo của con người dân chủ.

Paul Martin, 67 tuổi, trước khi vào chính trường, đã là một luật sư, doanh nhân thành đạt và cũng là con của một đại biểu quốc hội, bộ trưởng trong 4 nội các chính phủ suốt 32 năm. Trong mười bẩy năm làm chính trị (từ 1988) mà Martin gọi là “đặc ân được phục vụ đất nước”, ông đã có những đóng góp không nhỏ: xoá sạch 42 tỉ CND thâm thủng ngân sách (lớn nhất trong khối G7), liên tục đưa 5 ngân sách bội thu, trả 36 tỉ CDN tỉ tiền lời, giảm tổng số 100 tỉ CND thuế trong 5 năm, con số lớn nhất trong lịch sử Canada.

Thuộc gia đình quyền lực, là một cá nhân thành công, là một chính khách phục vụ tốt cho dân cho nước, Martin vẫn thoái lui, nhường vai trò lãnh đạo đảng lại cho thế hệ tiếp theo, ngay lúc đảng đang rất mạnh (104 ghế tại quốc hội). Chọn lựa khôn ngoan của Martin cho thấy ông tin vào sinh hoạt, ứng xử dân chủ trong nội bộ sẽ giúp đảng phát triển để trở lại giữ chính quyền trong tương lai. Đảng Tự Do sẽ chọn lãnh đạo mới. Trong giai đoạn chuyển tiếp, sinh hoạt đảng vẫn tiến hành, không ai phải lo mất đảng vì ban lãnh đạo đảng vẫn thi hành trách nhiệm lãnh đạo, vì lãnh đạo dân chủ của một chính đảng (đảng Tự Do Canada chỉ là một thí dụ) hay tổ chức chính trị bền vững thường không phải là lãnh tụ.

Những người giữ vai trò lãnh đạo, đảng viên và quần chúng ủng hộ các chính đảng giữ một vai trò trọng yếu trong tiến trình chuyển đổi đến dân chủ và sinh hoạt trong xã hội dân chủ sau đó. Cổ xuý, đấu tranh cho một xã hội dân chủ công bằng, các chính đảng và tổ chức chính trị, trước nhất, phải tự mình có sinh hoạt dân chủ.

Nếu không tôn trọng và thực thi dân chủ trong sinh hoạt nội bộ, chính đảng không thể nào lãnh đạo dân chủ sau khi thắng cử và nắm giữ quyền lực.

Làm thế nào để biện minh một cách thuyết phục cho việc đòi hỏi dân chủ đa nguyên, đấu tranh cho việc chuyển đổi vai trò lãnh đạo đất nước một các dân chủ cùng lúc lại lại tìm cách giới hạn việc thay đổi lãnh đạo ngay trong nội bộ đảng? Nhiệm kỳ lãnh đạo cần phải có giới hạn nhất định. Nhiệm kỳ lãnh đạo – quốc gia, chính đảng hay tổ chức chính trị cho đến các tập đoàn xã hội – có giới hạn nhất định là yếu tố cần thiết trong sinh hoạt dân chủ xã hội để phát triển xã hội công dân.

Chính đảng dù ở ghế quyền lực hay đang là đảng đối lập, là tổ chức đấu tranh chính trị hay hội đoàn xã hội, tất cả đều có trách nhiệm cổ xuý và gìn giữ những giá trị dân chủ và nhân quyền ngay trong sinh hoạt nội bộ.

Dân chủ là một giá trị mang tính hoàn vũ. Lẽ thường và dĩ nhiên không chính đảng hay tổ chức chính trị nào lại tuyên bố họ không dân chủ, nhất là trong giai đoạn hiện tại, xu thế dân chủ không chỉ là sản phẩm của riêng những quốc gia tiên tiến.

Điển hình, dù Điều 4 hiến pháp CHXHCN Việt Nam có đại ý đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng (duy nhất, độc quyền) lãnh đạo Nhà nước và xã hội là đảng cộng sản Việt Nam. Điều 6 của hiến pháp này lại viết “Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Dù độc đảng, độc tài đến mười mươi, đảng CSVN vẫn hô hoán, vẫn cổ vũ dân chủ.

Thí dụ, trong bài “Nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng” Nguyễn Thanh Tuấn viết, Hội nghị Trung ương 9, (khoá IX) của Đảng ta đã nhấn mạnh: phải thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trên cơ sở thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. (Nguyễn Thanh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, – Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, số 1–2005). Tác giải thích “Der demokratische Zentralismus” trong tác phẩm của K. Marx – F. Engels có nghĩa tiếng Việt là “nguyên tắc (hoặc chế độ) tập trung (có tính) dân chủ”. Và theo V. I. Lenin, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt đảng. Có lẽ tác giả chưa tin là người đọc đã hiểu thế nào là nguyên tắc tập trung dân chủ nên lôi cả ông Hồ Chí Minh ra giúp sức, “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung

Hiến pháp hô hào dân chủ, lý luận chính trị cũng xiển dương dân chủ, và thậm chí trong đảng còn có cả những phê bình ra chiều rất dân chủ như Võ Văn Kiệt trong các lá thư, trong các buổi phỏng vấn đã nhắn gởi đảng, “sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ những đảng viên có chức, có quyền – cái mà người ta gọi là sự tha hóa của quyền lực, sự tha hóa của người cầm quyền. Có những chuyện đó là vì trong sinh hoạt và trong tổ chức của Đảng, chỉ tập trung mà thiếu dân chủ. Biểu hiện ngày càng rõ việc không tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng trước hết là tình trạng thiếu dân chủ trầm trọng trong tổ chức và trong cách làm việc, cách ra quyết định.” (“Đảng gắn bó máu thịt với dân,” Tạp chí Xây dựng Đảng, tháng 4, 2005.)

Lên tiếng như thế xem chừng chưa thấm, chưa thấu đến tai các nhà “dân chủ” đang “tập trung” trong Bộ Chính Trị, ông Võ Văn Kiệt tiếp tục viết thư (2/7/2005) đề nghị sửa đổi điều lệ đảng. Một trong những đề nghị chính trong thư, ông Kiệt đề xin đổi “tập trung dân chủ” thành “dân chủ tập trung.”

Trên thực tế, dù bóng bẩy như đã trả lời phỏng vấn đăng ở Tạp chí Xây dựng Đảng, nhưng Kiệt có ý nói đảng cộng sản VN của ông thiếu dân chủ vì lãnh đạo tham quyền cố vị dù không huỵch tẹch, dễ hiểu như ông cộng sản nào đó đã nói, “Cái đít nó có trí nhớ, nó nhớ cái ghế.” Vòng vo, chơi xốc chữ “dân chủ” với “tập trung” ở lá thư tháng 7, ý chính của ông Kiệt vẫn là chuyện chuyên quyền, phi dân chủ của thiểu số lãnh đạo đảng cộng sản trong Bộ Chính Trị.

Đấy là ý kiến riêng của ông Kiệt, lãnh tụ cộng sản không còn quyền lực. Những người đang đánh bóng đảng như Nguyễn Thanh Tuấn hay đang chuẩn bị thăng hoa, đang củng cố quyền lực như Nguyễn Minh Triết thì “tập trung dân chủ” như đảng cộng sản đang thực hiện đã là “dân chủ cực kỳ!”

“Dân chủ cực kỳ” của ông Nguyễn Minh Triết là cái gì thế? Hồi cuối năm 2005, Đảng bộ Tp. HCM họp Đại hội lần thứ VIII. Một cuộc cách mạng đã xẩy ra tại Đại hội này, ngay trong phiên bầu Ban Chấp Hành khóa VIII mà không ai để ý thấy. Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Ủy Sài Gòn cho hay, thay vì Ban Chấp Hành cũ đưa danh sách ứng cử viên (hay là tự mình đưa tên mình) như thông lệ, đảng bộ Sài Gòn kỳ này chơi ngon, để các đoàn đại biểu giới thiệu. "Dân chủ cực kỳ! Trên cơ sở đó lọc ra hơn 100 người rồi lựa chọn kỹ lưỡng để bầu ra 59 người.”

Ông Triết quá phấn khởi vì "Dân chủ cực kỳ" của đảng bộ Sài Gòn nên quên không giải thích rõ các đoàn đại biểu lấy tên ứng cử viên ở đâu để giới thiệu và ai đã lọc ra hơn 100 người để 400 đại biểu bầu ra 59 người. Màu mè cải lương cho lắm, thực chất, đảng bộ Tp. HCM vẫn theo lệ cũ “lãnh đạo (đảng) cử, đảng viên bầu.” Theo ThanhNien Online, “Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ khóa VIII hầu hết là các đồng chí trong BCH khóa VII.”

“Dân chủ cực kỳ” là như thế!

Quyền lựa chọn là một nguyên tắc cơ bản của dân chủ. Cũng như công dân lựa chọn đại biểu vào quốc hội, cử người đại diện lập chính phủ quản lý đất nước, đảng viên (của chính đảng) thành viên, hội viên (các tổ chức chính trị hay xã hội) phải được quyền trực tiếp hay gián tiếp qua cuộc bầu chọn dân chủ, cử ra ban lãnh đạo đảng, tổ chức hay hội của mình.

Dân chủ nội bộ là yêu cầu bức thiết của các chính đảng dân chủ, cấp tiến tại Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại Đức, ngay trong hiến pháp (Basic Law of 1949) về tổ chức chính đảng Đoạn 1 Điều 21 ghi, “Tổ chức nội bộ (của các chính đảng) phải tuân thủ các nguyên tắc dân chủ.” Sau lần rối loạn ở Đại hội Đề cử Ứng viên Tổng Thống năm 1968 tại Chicago, đảng Dân Chủ đã đổi mới đảng quy để nâng cấp và bảo đảm quyền chọn lựa của mỗi đảng viên, giảm thiểu quyền lực của các ông trùm và bè cánh trong đảng. Những đổi mới của phe ủng hộ “dân chủ nội bộ” trong các chính đảng tại Hoa Kỳ hay Điều 21 của hiến pháp Đức đều nhằm mục đính giới hạn hội chứng suy tôn lãnh tụ, ảo tưởng lãnh tụ đưa đến tệ trạng tập đoàn lãnh đạo thao túng, thoái hóa làm tê liệt sinh hoạt dân chủ, huỷ hoại hiệu năng phát triển đảng và/hay tổ chức.

Một thí dụ khác về dân chủ nội bộ. Tháng 6, 2005, trong một cuộc đầu phiếu tín nhiệm, Bernard Landry, 68 tuổi, lãnh đạo đảng Parti Québécois, cựu Thủ tướng Quebec – một tỉnh bang của Canada, được 76,1% đảng viên tại Đại hội đảng tín nhiệm. Landry từ chức với lý do mức tín nhiệm như thế không đủ để đạt mục đích của đảng (tách rời Quebec khỏi Canada). Cuộc vận động bầu lãnh đạo mới cho Parti Québécois kéo dài 149 ngày. Hơn 75% trong số khoảng 140.000 đảng viên (không phải đại biểu) đã bầu người lãnh đạo trong hai ngày 14 và 15 tháng 11, 2005 qua hệ thống đầu phiếu bằng điện thoại. Kết quả, André Boisclair được 53,7% phiếu bầu, chọn làm lãnh đạo đảng. So với những đảng viên khác cùng tranh ghế lãnh đạo, Boisclair vừa trẻ tuổi đời vừa thua tuổi đảng. Tính dân chủ nội bộ và sinh hoạt dân chủ trong đảng đã để toàn thể đảng viên bầu lãnh đạo và họ đã chọn Boisclair, 39 tuổi, lãnh tụ trẻ nhất lịch sử Parti Québécois. Dân chủ cực kỳ? Không, Parti Quebecois chẳng hể hả vỗ tay tự khen mình như thế và báo chí địa phương cũng không ầm ĩ khai thác vì đây là một sinh hoạt dân chủ nội bộ chính đảng rất bình thường.

Tuy đang ở thế kỷ thứ 21, trước xu thế dân chủ toàn cầu, vẫn còn những khuynh hướng, những biện giải cho rằng dân chủ nội bộ là điều không cần thiết trong sinh hoạt chính đảng, tổ chức chính trị hay các hội đoàn mang tính xã hội.

Một là trong xã hội dân chủ đa đảng, khi quần chúng có quyền bầu chọn thì cấu trúc và tính dân chủ nội bộ chỉ là chi tiết, là điều không quan trọng. Khi dân chúng không thích cấu trúc và văn hoá tổ chức của đảng phái nào đó thì họ sẽ bầu chọn đảng khác. Áp lực này của cử tri/quần chúng chính là thuốc trị hội chứng lãnh tụ độc tài và thoái hóa.

Hai là khác với quần chúng/cử tri, đảng viên là một thiểu số năng động, lý tưởng không phản ánh tâm thức của đa số quần chúng ủng hộ đảng trong cuộc tổng tuyển cử. Nếu để đảng viên sinh hoạt dân chủ, chấp nhận dân chủ nội bộ, đảng sẽ gặp trở ngại và bế tắc vì đảng viên, những phần tử tích cực này (lãnh đạo đảng có thể xem họ là cực đoan), lại có khả năng và có thể “lợi dụng dân chủ” để tiếm quyền.

Ba là trong giai đoạn đấu tranh đòi dân chủ, trong thời kỳ cách mạng, đổi mới thì cơ cấu của đảng, sinh hoạt của tổ chức, hay đảng quy đều là những bí mật. Xuyên suốt với quần chúng, sinh hoạt dân chủ nội bộ với đảng viên là điều bất khả thi.

Tóm lại, “tập trung dân chủ”, “dân chủ tập trung” hay “dân chủ cực kỳ” theo kiểu đảng cộng sản Việt Nam hay hô hào đấu tranh cho xã hội công bằng, vận động cho dân chủ tự do nhưng không chấp nhận, không thực hành dân chủ nội bộ, thiếu trong sáng với quần chúng đều là dân chủ giả hiệu, đều là hàng nhái. Những ứng xử, những khẩu hiệu loại này đều thuộc về một thời đại đã qua, thời phong kiến. Chúng không còn giá trị, không có chỗ đứng trong thế giới dân chủ văn minh đương đại.

Nói dân chủ không chưa đủ. Cần thể hiện dân chủ nội bộ trước khi có thể đòi hay thực thi dân chủ công bằng cho xã hội.



Copyright © 2006 by DCVOnline

(
http://www.danchimviet.com, 26/01/2006)