Sunday, October 14, 2007

Bầu cử, quyền hay nghĩa vụ?



Tham gia bầu cử là một trong các quyền cơ bản của công dân sống ở đa số những xã hội dân sự có chính quyền dân chủ. Bài viết này giới hạn ở phạm vi quyền cử tri và không luận đến quyền ứng cử.

Tại một số không ít quốc gia khác trên thế giới, chính quyền còn cho việc tham gia bầu cử là nhiệm vụ, bổn phận công dân. Hiến pháp và luật bầu cử ở những quốc gia đó quy định rõ ràng bỏ phiếu (đầu phiếu/đi bầu) là bổn phận công dân phải thực thi trong mùa bầu cử. Ở đó chính quyền còn phạt vạ những công dân không đi bỏ phiếu.

Trên thực tế, “bổn phận” đi bầu không phải là một khái niệm mới có đây. Belgium (Bỉ) đã ứng dụng việc “phải đi bầu” từ cuối thế kỷ 19 (1892), Argentina năm 1914 và Australia đưa khái niệm này vào luật bầu cử từ năm 1924. Netherlands và Venezuela sau một thời gian ứng dụng đã huỷ bỏ khoản công dân “phải đi bầu” trong luật bầu cử.(1)

Tóm lại, có hai khuynh hướng về việc bỏ phiếu. Một bên cho rằng đi bỏ phiếu (hay không bỏ phiếu) là quyền công dân. Bên kia cho rằng bỏ phiếu không những chỉ là quyền và còn là bổn phận công dân.

Tại các quốc gia cổ xuý khái niệm quyền-và-bổn-phận-bỏ-phiếu người làm luật biện giải rằng chính quyền dân cử sẽ chính thống hơn nếu số cử tri đi bầu đông đảo hơn. Các chính quyền này cho rằng đi bầu, bị bó buộc hay tự chọn, đều góp phần vào việc giáo dục công dân. Luật bắt buộc dân đi bầu còn giúp các chính đảng tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí vận động cử tri đi bầu cho đảng của mình. Cử tri phải đi bầu nếu không muốn bị phạt vạ hay nhận lãnh hậu quả tệ hơn 20 AUD phạt vạ theo luật bầu cử của Australia.(2) Và lý giải sau cùng của khuynh hướng này cho rằng ở thể chế dân chủ, dân phải làm chủ và dân đây là toàn dân, mọi công dân có bổn phận đi bỏ phiếu. Thế mới là dân chủ.

“bầu cho xong”
Nguồn: orrill.com
Khuynh hướng quyền-bỏ-phiếu cho rằng việc bắt buộc người dân đi bầu là mâu thuẫn với những tự do gắn liền với thể chế dân chủ. Đi bỏ phiếu không phải là một nghĩa vụ luật định. Ép buộc dân chúng đi bầu vi phạm tự do của người dân gắn liền trong các cuộc bầu cử dân chủ. Ở xã hội dân chủ, ép dân đi bầu sẽ không đóng góp tích cực vào tiến trình giáo dục công dân về sinh hoạt chính trị vì dân chúng sẽ phản đối, xem những ép buộc đó là hành động đàn áp không dân chủ. Một chính phủ, một quốc hội hay một tổng thống sẽ chính thống hơn hay không khi số cử tri đi bầu nhiều hơn? Kết quả bầu cử có mang tính chính thống hơn không nếu số cử tri tham gia bầu cử đông hơn chính là những người dân bị bắt phải đi bỏ phiếu? Ở ngay cả những quốc gia có luật bắt dân đi bầu, một số chính phủ không đủ ngân sách quốc gia để ứng dụng luật phải bỏ phiếu một cách chặt chẽ. Và kết quả đã chứng minh rất rõ: phiếu trắng và phiếu bất hợp lệ và ngay cả phiếu “bầu cho xong” nhiều hơn trong các cuộc bầu cử ở những quốc gia có luật bắt đi bầu so với các cuộc bầu cử ở các quốc gia xem việc bỏ phiếu là quyền của người dân. Số phiếu trắng, phiếu bất hợp lệ và ngay cả những lá phiếu “bầu cho xong” (dù không xác định được) sẽ đóng góp được gì cho tính chính thống và giá trị của sinh hoạt mang tính dân chủ này?

Việt Nam — Nhìn lại Việt Nam, hay đúng hơn, nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Đây là quốc gia có duy nhất một chính đảng được hoạt động “trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và cũng chính cái đảng này cho rằng CHXHCNVN có thừa dân chủ hay dân chủ triệu lần hơn các thể chế dân chủ khác trên thế giới.

Tại phiên họp thứ 46, diễn ra từ ngày 25-31/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ, ngoài việc gật gù bình thường, “xem xét, ấn định” ngày bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2007-2012. Tại sao lại họp từ ngày 25/1? Đơn giản thôi, Quốc hội loại này phải đợi cái đảng “duy nhất” ấy kết thúc hơn một tuần họp Hội nghị trung ương 4 khoá X từ 15 đến 24/1 đã. Quốc hội CHXHCNVN khơi khơi “xem xét, ấn định” ngày bầu cử mà không có lệnh của Đảng là chuyện giả tưởng.

Trở lại chuyện bầu cử, Hiến pháp CHXHCNVN viết:

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín... (Điều 7, Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992)

Hiến pháp là một chuyện, nước CHXHCNVN còn có Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hẳn hòi; luật này ghi rõ:
Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật. (Điều 2, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, 15 tháng 4 năm 1992.)(3)


Khi dùng chữ công dân ở đây, Hà Nội nhằm chỉ những người dân trong nước vì suốt 10 chương, 90 điều, 34 phụ chú Luật bầu cử không đá động gì đến các công dân đang sống ở nước ngoài. Loại công dân này chỉ được nhắc đến trong nghị quyết (36) xin tiền, hay chỉ để bắt bớ làm hàng trao đổi với bọn tư bản (đang giẫy chết) Mỹ; thí dụ điển hình là vụ bắt bớ quy chụp, vu vạ không được và phải phóng thích các “công dân” Đỗ Thành Công, Thương “Cúc” Nguyễn Foshee, Lê Văn Bình, Huỳnh Bích Liên trong năm 2006.

Trong suốt hơn 16.000 từ, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước CHXHCNVN không có một điều khoản nào bắt buộc người dân đi bầu và cũng không có một điều khoản nào chế tài, phạt vạ công dân không đi bỏ phiếu. Trong 12 chương, 147 điều của Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992, 16 lần cụm từ “nghĩa vụ” gắn liền với công dân, không lần nào ghi công dân có nghĩa vụ “đi bầu”. Như thế, theo Hiến pháp và Luật bầu cử 1992, công dân Việt Nam có quyền tham gia bầu cử “theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Đây là quyền và không phải là nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Nền dân chủ của nước CHXHCNVN như thế nếu không “thừa” thì cũng phải hơn hẳn dân chủ kiểu Australia, Cyprus, Fiji, Nauru, Luxembourg, Singapore, Schaffhausen ở Switzerland và Uruguay, ... là các quốc gia hiện nay có luật bắt dân đi bầu.(4)

Một chỉ số khác “chứng minh” nền dân chủ ưu việt của nước CHXCNVN là tỉ lệ cử tri bỏ phiếu, tham gia bầu cử.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, dẫn đầu các xứ dân chủ Âu Mỹ về tỉ lệ cử tri đi bầu thuộc về các quốc gia ở Tây Âu, khoảng 77% (5). Các nước tư bản (đang dẫy chết) ở Bắc Mỹ còn tệ hơn: Ở Hoa Kỳ trung bình khoảng 55-57%(6), Canada từ ngày lập quốc (1867) đến nay tỉ lệ cử tri đi bầu cũng chỉ đạt trung bình khoảng 72%(7). Trong khi cả thế giới tư bản ì ạch ở 50% như châu Mỹ La tinh, hay giỏi lắm đạt được 77% cử tri đi bỏ phiếu thì Đảng Cộng sản Việt Nam “quang vinh muôn năm” đã khéo léo thuyết phục cử tri tham gia bầu cử ở mức 99% hay hơn. Thí dụ, 99,73% cử tri tham gia bầu cử và số phiếu hợp lệ là 99,35% là kết quả bầu cử Quốc hội khóa XI, tháng 5/2002.(8) Thế này chả trách ông Nguyễn Minh Triết đã nói “tập trung dân chủ” như đảng Cộng sản đang thực hiện đã là “dân chủ cực kỳ!” hồi cuối năm 2005, trong dịp Đảng bộ Tp. HCM họp Đại hội lần thứ VIII.

Để thuyết phục công dân tham gia bầu cử như trên, bí kíp của nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam chắc phải độc hơn Giáng Long thập bát chưởng, mạnh hơn Cửu dương thần công hay tuyệt hơn Quì hoa bảo điển? Coi vậy mà không phải vậy.

Thứ nhất, nhà nước và Đảng cộng sản chả cần viết luật bắt dân đi bầu hay phạt vạ cử tri không bỏ phiếu – mất thì giờ (và cũng có thể trí tuệ của đảng chưa biết đến loại luật bầu cử này). Thứ hai, với truyền thống muôn năm trường trị, độc đảng, độc quyền độc tài từ ngày xuất hiện trên đất nước Việt Nam, Đảng ta đã có thừa chiêu thức để thuyết phục nhân dân. “Ta có cách riêng của ta”, như lãnh đạo đảng thường hay nói.

“Cách riêng của ta” thì dân cả nước đã biết, nhưng có lẽ lo rằng người Việt hải ngoại không biết hay chưa biết nên Đảng đã cử người ghé Đàn Chim Việt dán thông cáo. Này nhé, chả cần luật lệ gì sất, ai không đi bầu, không có dấu xác nhận trên thẻ cứ tri thì: 1, không thể di chuyến đây đó được. Ở tạm trú ở đâu thì sẽ bị bắt; 2, đơn từ sẽ không được chứng nhận nếu không có thẻ cứ tri; 3, con cái sẽ không đi học được nếu cha mẹ không đi bầu; 4, đau ốm không nhập viện được vì không đi bầu, ...(9) và số tiểu xảo của hạng côn đồ ăn cướp cao cấp thì Đảng ta không thiếu, kể ra thì chỉ có mà hết cả giấy, cạn cả mực hay hỏng bàn phím.


Tẩy chay bầu cử 2007? — Vừa nêu trên là thực trạng quyền cử tri ở Việt Nam. Như thế những lời kêu gọi tẩy chay bầu cử đại biểu Quốc hội 2007 e rằng rất khó thực hiện. Tại sao? Muốn tẩy chay người ta phải có quyền lực, ảnh hưởng thực sự. Dù tẩy chay chính trị hay kinh tế, quyền lực vẫn là thành tố quyết định.

Tẩy chay Nike
Nguồn: saigon.com
Tẩy chay, không mua hàng của Nike là một thí dụ tẩy chay kinh tế đã thành công. Chuyện khởi đi từ năm 1984 khi Nike bắt đầu đóng cửa xưởng chế tạo giày tại Hoa Kỳ để dùng lao động rẻ ở các nước ven biển Thái Bình như Philippines, South Korea, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam. Châm ngòi cho cuộc tẩy chay Nike bắt đầu từ một chương trình phóng sự vào tháng 10/1996 của đài truyền hình CBS về ứng xử không chuyên nghiệp và bóc lột lao động của Nike tại Việt Nam.

Cuộc tẩy chay Nike phát động từ Hoa Kỳ lan sang Canada. Một trong những tổ chức vận động tẩy chay do chính người Việt tại Hoa Kỳ chủ động là Vietnam Labor Watch. Cuộc vận động lan dần đi đến các cuộc biểu tình tẩy chay ngay trước các trụ sở kinh doanh khuyến mãi của Nike (Nike Town tại Manhattan (NY), San Francisco (CA),...Tại Canada, tổ chức Hoà bình và Phát triển Thiên chúa giáo Canada (Canadian Catholic Church Development & Peace) đã tung kiến nghị thư yêu cầu tẩy chay Nike và được quần chúng hưởng ứng bằng 85.000 postcard phản đối gởi thẳng đến trụ sở chính của Nike.

Tuy thế, Nike vẫn từ chối không thoả hiệp, không gặp Canadian Catholic Church Development & Peace. Chi nhánh 475, đại diện 600 công nhân thuộc Công đoàn nhân viên của các trường công lập tại Edmonton (Alberta, Canada) gởi thư đến hội đồng học chính, thị trưởng và nghị viên hội đồng thành phố. Công đoàn Lao động Aberta bắt tay, cùng lên tiếng phản đối Nike ...

Đến năm 2000 Nike thay đổi điều kiện làm việc tại các xưởng giày Nike ở Việt Nam và hứa sẽ có ứng xử tốt hơn. Cuộc tẩy chay kinh tế đạt kết quả.(10)

Tẩy chay chính trị – Vào tháng 9 năm 2006, Sheikh Hasina, cựu thủ tướng Bangladesh, tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử. Tuyên bố tẩy chay của Sheikh Hasina có kết quả. Sau vài tuần quần chúng biểu tình chống đối và đòi hỏi chính quyền phải đổi mới luật bầu cử, thay người đứng đầu chính phủ lâm thời, đảng cầm quyền phải ngồi xuống tìm phương án thoả hiệp với Liên Minh 14 chính đảng đối lập Awami do Sheikh Hasina đứng đầu.

Tẩy chay bầu cử Quốc hội 2007 cần sức mạnh quần chúng (Bangladesh)
Nguồn: hindu.com/Ảnh AP
Đến đầu năm 2007 (tháng 1), Liên minh đối lập lại đòi tẩy chay bầu cử do chính phủ lâm thời của tổng thống Iajuddin Ahmed đang chuẩn bị vì Iajuddin Ahmed đã không tạo được không khí thích hợp cho cuộc bầu cử. Phản đối của đối lập với ủng hộ của quần chúng tiếp tục. Chính phủ lâm thời Iajuddin Ahmed vẫn tổ chức bầu cử.

Kết quả, ngày 10/1, cảnh sát đã phải tạm giữ 2500 trong số hàng chục ngàn người xuống đường phản đối bầu cử. Chính phủ lâm thời phải cho ngưng cuộc bầu cử lại, tổng thống lâm thời Iajuddin Ahmed từ chức để kinh tế gia Fakhruddin Ahmed lập chính phủ lâm thời khác và dời ngày bầu cử. Đối lập và chính phủ lâm thời mới lại mở cửa để ngồi lại tìm thoả hiệp chung. Liên minh Awami thành công trong chiến thuật tẩy chay chính trị.(11)

Cả hai cuộc tẩy chay ở hai phạm trù khác biệt đã thành công vì những nhân tố giống nhau. Thứ nhất, những người kêu gọi tẩy chay là những người đang có quyền lực – chính khách đứng đầu một liên minh chính đảng thực sự có hậu thuẫn của quần chúng và người tiêu thụ có đô la để không mua hàng của Nike. Thứ hai, các cuộc tẩy đều có tổ chức, có phương tiện – dùng đến mức tối đa phương tiện truyền thông đại chúng để kêu gọi và vận động được nhiều tổ chức ở mọi tầng lớp xã hội. Thứ ba, cả hai cuộc tẩy chay đều có mặt nhân tố quan trọng nhất đó là quần chúng.

Trở lại cuộc kêu gọi tẩy chay bầu cử Quốc hội 2007 tại Việt Nam. Lời kêu gọi tẩy chay không xuất phát từ một chính đảng, một liên minh chính trị, hay một khối có quyền lực đối trọng với đảng Cộng sản Việt Nam. Đơn giản vì tại Việt Nam chưa hiện hữu một quyền lực đối trọng như thế. Những tiếng nói bất đồng chính kiến, những tổ chức đang đối đầu với đảng độc tài trong nước vẫn còn rất mỏng manh và chưa có đủ thực lực.

Khối đối kháng với nhà nước độc tài chưa có đủ cơ sở phương tiện để chuyển tải lời kêu gọi, để vận động sâu sát trong quần chúng. Một vài tờ báo chui, vài trang báo mạng hay những cuộc diễn thuyết cho người Việt hải ngoại nghe không giúp gì nhiều cho việc vận động sức mạnh của chính người dân trong nước.

Hiện nay, khi đảng cầm quyền và nhà nước chuyên chế tại Việt Nam còn dùng được các phương tiện bóp nghẹt kinh tế để vô hiệu hoá quyền lực mạnh nhất của mỗi công dân là lá phiếu thì cuộc vận động tẩy chay bầu cử nói riêng hay cuộc vận động dân chủ nói chung vẫn còn nghìn trùng cách trở. Một cách khác, khi người dân chưa được thuyết phục về phúc lợi của dân chủ, vẫn khuất phục, chịu đầu hàng trước áp lực kinh tế từ nhà nước độc tài thì nhân tố quan trọng hàng đầu cho cuộc vận động tẩy chay không thể có. Không có hậu thuẫn của quần chúng e rằng cuộc tẩy chay bầu cử và cuộc vận động dân chủ khó có thể đi đến thành công.

Trở lại quyền bầu cử, nghĩa vụ bầu cử và luật bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước CHXHCNVN, người viết có một đề nghị với các đại biểu Quốc hội Việt Nam như sau.

Đã trót thì trét luôn cho tiện việc sổ sách, khỏi mất thì giờ cán bộ. Nhân dịp Ủy ban thường vụ Quốc hội đang họp và còn hơn 3 tháng nữa mới đến ngày bầu cử, xin các ông bà đại biểu làm ơn biểu quyết chấp thuận cho bổ sung một điều vào Luật bầu cử hiện nay. Đề nghị này người viết tạm mượn ý ở luật bầu cử Tổng thống và Quốc hội tại Singapore.

Điều 91: Ai không đi bỏ phiếu sẽ bị gạch tên khỏi danh sách cử tri và vĩnh viễn mất quyền bầu cử nếu không làm đơn xin lại quyền cử tri, với phần tự kiểm tự khai, được cứu xét và chấp thuận.

Với phương tiện truyền thông đại chúng phong phú của đảng và nhà nước, cử tri toàn quốc sẽ hiểu rõ quyền và hiểu thêm về nghĩa vụ phải đi bỏ phiếu theo luật định.

Được như thế, nhà nước và đảng ta sẽ không còn phải phí ngân sách quốc gia tổ chức bầu cử Quốc hội khoá XIII nữa vì đến 2012, với điều 91 nói trên của Luật bầu cử ứng dụng ngay kỳ bầu cử 2007 này, nước CHXHCNVN sẽ chẳng còn bao nhiêu cử tri. Khi ấy, Đảng và nhà nước cứ tự nhiên dùng “cách riêng của ta”, tuỳ tiện cơ cấu người của ta vào làm đại biểu Quốc hội.

Và cũng từ đấy bọn diễn biến hoà bình phản động và các thế lực thù nghịch sẽ cứng họng, không còn ra rả cho rằng cuộc bầu cử dân chủ của ta chỉ là màn kịch dỏm, là trò dân chủ cuội “đảng cử bắt dân bầu”.

Cuối tháng 1, 2007

Copyright © 2006–2007 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 31/01/2007)



Ghi chú:
(1), (4), (5) Voter turnout, Maria Gratschew, International Institute for Democracy and Electoral Assistance (IDEA).
(2) Luật bầu cử ở Úc bắt cử tri đi bầu; không đi bầu không có lý do phạt 20$; sau 21 ngày phạt 50$ và án phí.
(3) Luật bầu cử đại biểu Quốc hội . Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; Luật này quy định việc bầu cử đại biểu Quốc hội.
(6) Presidential Turnout Rates.
(7) Historical Voter Turnout in Canadian Federal Elections & Referenda, 1867-2004
(8) Kết quả bầu cử Quốc hội khóa XI
(9) Huỳnh Tiền, một bạn đọc cực kì ủng hộ nhà nước CHXHCNVN trên Diễn đàn Đàn Chim Việt.
(10) Boycott Nike;Nike Boycott Spreads to Alberta, Eugene W. Plawiuk
(11) Bangladesh approaches zero hour ; và Sheikh Hasina-led alliance to boycott Bangladesh polls


No comments: