Sáng chế ra chuyện “làm tình giữa ban ngày”, phát minh ra “lingerie” và làm tình bằng lưỡi, v.v... Maher, cho rằng Pháp “văn minh” hơn và đáng để cho nhóm bảo thủ Hoa Kỳ học hỏi.
Theo tin của AP đưa ngày 29 tháng 10 thì Tổng thống Pháp, Sarkozy, đã bỏ ngang xương chương trình phỏng vấn “60 phút” nhằm giới thiệu ông với khán giả Hoa Kỳ; Sarkozy cho đó là một sự “ngu xuẩn”, một “lỗi lầm lớn”, và từ chối trả lời câu hỏi về vợ của ông.
Ngay cả khi cuộc phỏng vấn của đài CBS bắt đầu tại Paris, Sarkozy đã mắng Tuỳ viên Báo chí của ông là “một thằng đần” vi đã thu xếp cuộc phỏng vấn vào một ngày nhiều việc.
“Tôi không có thời giờ. Tôi có việc lớn phải làm, tôi có cả một thời khoá biểu,” Sarkozy nói qua thông dịch viên trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn. Và bằng tiếng Anh, Sarkozy nói thêm, “Rất bận rộn, bận lắm.” – “Very busy. Very busy.”
“Very busy. Very busy.” Nguồn: CBS |
Cecilia là người đã giúp Bulgaria và EU điều đình với Libya trả tự do (hôm 24 tháng 7, 2007) cho 5 y tá và 1 bác sỹ Palestine, đang mang án tử hình, bị giam từ năm 1999 vì bị cho là đã gây nhiễm HIV cho trẻ em Libya. Đánh đổi tự do cho đoàn y tế Benghazi, EU sẽ phải trả cho gia đình mỗi trẻ em nhiễm HIV (theo như đoàn y tế cho biết vì tình trạng kém vệ sinh tại bệnh viện nên trẻ em nhiễm HIV) 1 triệu USD và kêu gọi nâng cao quan hệ kinh tế của EU với Libya cũng như tăn viện trợ giúp nạn nhân HIV tại Libya. Bà Cecilia không có mặt cùng Sarkozy trong lễ trao huân chương cho Tổng thống Pháp.
Trả lời câu hỏi về Cecilia, Sarkozy nói, “Nếu có điều gì để nói về Cecilia, chắc chắn tôi sẽ không nói ra ở đây.” Và Sarkozy tuyên bố cuộc phỏng vấn chấm dứt, “Bon courage.” (Good luck. Chúc may mắn). Hai tuần sau đó, 18 tháng 10, báo chí Pháp đưa tin về vụ ly dị của Sarkozy-Cecilia.
Trước khi cắt cuộc phỏng vấn, trả lời câu hỏi ông muốn người Mỹ biết về mình như thế nào, Sarkozy nói “Tôi muốn người Mỹ hiểu rằng Hoa Kỳ có thể tin vào chúng tôi. Nhưng đồng thời, chúng tôi muốn được tự do để không đồng ý.”
Trả lời của Sarkozy có lẽ ngụ ý nói đến việc Pháp không đồng ý, và chống lại cuộc xâm lăng của Mỹ vào Iraq từ năm 2003, chính sách này đã làm quan hệ ngoại giao Pháp-Mỹ nguội lạnh từ nhiều năm qua.
Sarkozy cũng nói cha của ông, người Hungary, đã quan tâm nhiều về họ Sarkozy sẽ là rào cản để tiến thân ở xã hội Pháp. “Cụ đã sai.”
“Cha tôi đã nghĩ như thế. Cái họ như Sarkozy hẳn là một thua thiệt. Và đây cũng là lý do tôi thích Hiệp chủng Quốc. Các bạn có thể mang họ như Schwarzenegger (gốc Austria – TM) mà vẫn là Thống đốc California. Ông bà có thể là Madeleine Albright (sinh ở Prague, gốc Czech – TM) và vẫn có thể là Ngoại trưởng Mỹ, hay tên là Colin Powel hoặc Condi Rice, mà vẫn thành công.”
Trở lại việc Sarkozy cắt ngang cuộc phỏng vấn với CBS, vấn đề chính ở đây là không cùng văn hoá. Văn hoá Pháp và Mỹ.
Bill Maher, ngôi sao và là người dẫn chương trình hội thoại khá khôi hài (talk show host) “Real Time with Bill Maher”, của Mỹ, phê bình giới bảo thủ Hoa Kỳ cùng lúc đưa ra một số khác biệt văn hoá giữa Pháp Và Mỹ.
Bill Maher nói về Pháp Nguồn: “Real Time with Bill Maher” |
Theo Maher:
– Chính phủ Mỹ hẳn đã xem Pháp là quá “ngu” khi không ủng hộ và tham gia cuộc xâm lăng Iraq do Mỹ lãnh đạo.
– Pháp có hệ thống y tế tốt hơn Hoa Kỳ.
– Dân Pháp quan niệm về bầu cử khác người Mỹ; dân Pháp đi bầu, 85% cử tri đã tham gia bầu cử Tổng thống kỳ vừa qua. Cùng lúc, chắc chắn không thể có 85% dân Mỹ đi bầu dù để bầu chọn lựa giữa “vú” và “vú to hơn”, kể luôn khi có được tặng cả “mẫu” miễn phí.
(Tại Mỹ, trung bình cử số tri tham gia bầu cử Tổng thống khoảng 55-57%, theo thống kê “Presidential Turnout Rates” – TM)
– Và đặc biệt, cử tri Pháp không quan tâm đến đời sống riêng tư của ứng cử viên cũng như của chính khách. Trong kỳ tranh cử lần vừa qua bà Royal, ứng cử viên của đảng Xã hội, có 4 con nhưng chưa khi nào lập gia đình là chuyện “thế gian sự thường” ở Pháp. Còn đối thủ của Madame Ségolène Royal, tuy có gia đình nhưng hai vợ chồng Sarkozy-Cecilia có đời sống riêng biệt: Sarkozy đi đường Sarkozy, Cecilia đi ngõ Cecilia.
Dân Pháp không phàn nàn vì những chuyện như thế và xem đó là những chi tiết riêng tư chẳng quan hệ gì đến việc điều hành đất nước. Những tiểu tiết đó cũng không khác như ở bãi biển Nice hay Cannes – có người tắm, phơi nắng khoả thân và cũng có người mặc áo. Nói tóm lại, đó là chuyện nhỏ.
Cũng theo Bill Maher, ngoài chuyện có chế độ an sinh xã hội tốt, quan tâm tới môi trường, ít người nghèo, Pháp còn là dân tộc sáng chế ra chuyện “làm tình giữa ban ngày”, phát minh ra “lingerie” và làm tình bằng lưỡi, v.v... Tuy không phải cái gì ở Pháp cũng hay, thí dụ như những điệu nhạc phong cầm (accordion) rất nhà quê, Maher vẫn cho rằng Pháp “văn minh” hơn và đáng để cho nhóm bảo thủ Hoa Kỳ học hỏi.
Ngôi sao của show “Real time with Bill Maher” có thể đúng về khâu quần áo lót. Còn chuyện gán bừa những kỹ thuật phòng the đều là phát minh, là sáng kiến của Tây e rằng anh Bill đã cường điệu và không công bằng ... với ngay chính các cụ Việt Nam ta.
Xin trở lại với Tổng thống Pháp. Sarkozy, nổi tiếng là người thiếu điềm tĩnh. Ông đã đòi đấm vỡ mặt một phóng viên nhiếp ảnh đã theo sát gia đình Sarkozy trong chuyến nghỉ hè gần đây. Trong một cuốn sách phát hành trong kỳ tranh cử Tổng thống, Sarkozy cũng đã đề cập đến tính nóng của mình và “cố gắng cải thiện với tuổi đời”. Sarkozy nói “kinh nghiệm dạy tôi không nên phản ứng quá mức”.
Pháp thích phó mát Camembert và rượu chát; Mỹ thích apple pie và Budweiser. Tuy nhiên, Thổng thống Pháp rất hãnh diện với cái tên “Sarko L’Américain” (Sarko, anh Mỹ), ông nói “Tôi yêu nước Mỹ”.
Những điểm Maher đưa ra trong câu chuyện, dù mang tính khôi hài, đã phần nào giải thích được lý do vì sao Sarkozy đột ngột bỏ cuộc phỏng vấn của chương trình “60 phút”. Thật ra, trước đó – cùng ngày – Tuỳ viên báo chí văn phòng Tổng thống Pháp đã từ chối trả lời câu hỏi về tình trạng gia đình của Sarkozy.
Người Pháp xem chuyện riêng tư là chuyện ... riêng tư. Báo chí, và dân chúng không có lý do gì để ngóng cổ nhìn vào.
© DCVOnline (10/11/2007)
No comments:
Post a Comment