Monday, January 1, 2007

Việt Nam cần đổi mới hệ thống giáo dục

David Koh — Trà Mi lược dịch


David Koh(*)
Ông Nguyễn Minh Hiển có lẽ sắp phải dọn ra khỏi văn phòng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nếu không phải cuối tháng 6 (2006) thì sẽ là cuối khoá Quốc Hội vào cuối năm 2007 vì đã không được đề cử vào Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong Đại hội X cuối tháng 4, 2006.
Nguyễn Minh Hiển mất ghế Bộ trưởng không làm nhiều người ngạc nhiên. Trong những năm qua, ông Hiển đã bị chỉ trích nặng nề tại Quốc hội vì sự thất bại của hệ thống giáo dục và ông buộc phải chịu trách nhiệm về điều đó. (1)

Hiện cảnh

Những chỉ trích cho rằng hệ thống giáo dục không cung ứng đủ công nhân có trình độ cho nền kinh tế; người tốt nghiệp không có đủ kiến thức làm việc trong nền kinh tế tri thức và toàn cầu. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học lại phải học thêm chuyên ngành trước khi tìm được việc làm tốt. Chê trách nặng nề nhất là việc học sinh phải học quá nhiều: học tư, học thêm, ... tất cả đã là những động lực phát triển một kỹ nghệ lớn, kỹ nghệ “Học thêm”. Giáo viên cũng lạm dụng “kỹ nghệ” này để tham nhũng. Thi cử, ở chừng mực nào đó, chỉ là bức màn che cho những ứng xử thiếu đạo đức nhà giáo của một số giáo viên. Hàng năm, những kỳ thi tốt nghiệp trung học và tuyển sinh đại học là đỉnh điểm của những vụ gian lận và quay cóp. Thật ra, cả một kỹ nghệ khác đã thành hình để giúp học sinh gian lận.


Giáo dục Đào tạo nếu không là chức vụ bộ trưởng khó nhất thì cũng nằm trong các trách nhiệm nặng nề nhất ở các quốc gia đang phát triển. Không chỉ các nước đang phát triển gặp khó khăn về tài chính cho giáo dục, các nước có nhiều sắc tộc, nhiều tranh chấp dân tộc cũng gặp những khó khăn như vậy. Vì thế chính sách giáo dục, có thể xem như là quả bóng chính trị nóng nhất. Trong trường hợp Việt Nam, tài chính và trình độ kém cỏi là hai vấn đề lớn nhất, và tất cả lỗi đã đổ lên đầu Bộ trưởng.

Đổ tất cả lỗi cho Bộ trưởng có thể rất không công bằng, bởi vì cuối cùng thì toàn bộ hệ thống cai trị có trách nhiệm phải phản ứng, sửa chữa, và đổi mới. Cơ bản, Bộ GD-ĐT là một nạn nhân của trận bóng chính trị. Việc đặt kế hoạch và quản lý cả hệ thống giáo dục không thể thoát khỏi phạm vi của chính sách nhà nước đã bị quan điểm chính trị và thói quen thống trị áp đặt. Đây là những bức tường cao ngăn cản không cho hệ thống giáo dục Việt Nam thay đổi.

Rào cản

Trước hết, tâm lý của hầu hết, nếu không nói là tất cả, các bậc cha mẹ tại Việt Nam đều mong muốn con mình học càng nhiều, càng lên cao càng tốt, thông thường là tốt nghiệp đại học và kiếm một công việc ngon lành trong cơ quan nhà nước hay với doanh nghiệp nước ngoài, và nếu là công ty đa quốc gia lại càng tốt. Đấy là con đường của Khổng giáo. Với hiện tình tham nhũng toàn hệ thống, có việc làm trong cơ quan nhà nước đồng nghĩa với thu nhập cao. Nếu tồn tại lâu và lại vào đúng ổ thì “lậu” lại còn cao hơn nữa. Rất nhiều công ty quốc doanh vẫn tiếp tục khai thua lỗ hàng năm và không có (cũng như không cần - TM) giải Nobel để đoán tại sao tại sao các giám đốc lại quản lý tồi như thế.

Việt Nam cũng có một trường đại học Bách khoa nhưng thực tế vẫn còn thiếu nhiều những công nhân, chuyên viên lành nghề.

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia kêu gọi Bộ GD cung ứng thêm nhiều trường đào tạo kỹ thuật; Tuy thế, các trường kỹ thuật (gọi là trường cao đẳng) vẫn không phát triển nhanh kịp với yêu cầu của nền kinh tế đang kỹ nghệ hoá. Đây là điểm thiếu sót của chính sách giáo dục, rất đáng tiếc về nhiều măt. Nếu có thêm các trường cao đẳng thì không những tiếp nhận được lớp trẻ đang thao thức vì trượt đại học – nếu thuyết phục được họ đó là một con đường khác đi đến thành công – mà còn có thể, về mặt nhân lực, bảo đảm với giới đầu tư về mức cung đầy đủ (cho họ) một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật có trình độ. Về mặt này, tài nguyên và tầm nhìn chiến lược cần phải được áp dụng và xã hội cần phải được thuyết phục là có rất nhiều con đường dẫn tới thành công.

Điều người Việt Nam gọi là “Muốn làm thầy hơn làm thợ” đã tạo áp lực lớn lên hệ thống giáo dục: dùng quá nhiều tài nguyên vào việc đào tạo những lý thuyết gia hơn là những chuyên viên có tay nghề. Các cuộc thi tuyển vào đại học rất căng thẳng. Cha mẹ và học sinh đã phải cạnh tranh ngay từ những cấp học bậc thấp, chọn gởi con vào học những trường lớp hàng đầu để chuẩn bị cho con đường vào đại học được dễ dàng hơn. Vì thế học sinh thường chú tâm bỏ sức học gạo để đi thi lấy điểm cao. Nếu có cơ hội, cha mẹ đều muốn con em vào đại học. Trong mười năm mới đây, học sinh ra nước ngoài để lấy bằng đại học tăng một cách khủng khiếp. Việc cha mẹ chi trả 100 đến 200 đô la cho con đi học thêm ngay từ bậc tiểu học tới trung học là chuyện rất thường.

Tiêu biểu, họ cho con lao vào học thêm tiếng Anh ở những trung tâm Anh ngữ như Apollo ở Hà Nội, nơi “Tây ba lô” từ các nước Anh, Australia, Mỹ khi đi du lịch được tuyển vào dạy, đơn giản chỉ vì họ là người nói tiếng Anh gốc. Hơn nữa, tiếng Anh lại là yêu cầu cần có để đi học tiếp sau bậc đại học. Giáo dục Đào tạo Việt Nam sau đại học còn kém xa so với tiêu chuẩn Tây Âu và và có một hố cách xa giữa những người được đào tạo trong nước và những người học ở nước ngoài.

Đổi mới

Dĩ nhiên, chính sách cần phải có là điều chỉnh sự cân bằng giữa việc đào tạo “thầy và thợ” cũng như mở rộng hệ thống giáo dục. Người ta cho rằng cán cân phải thay đổi, nghiêng về hướng đào tạo để có nhiều “thợ” hơn “thầy” vì những công nhân lành nghề đang thiếu trầm trọng trong thời đại kỹ nghệ hoá nhanh chóng.


Chính vì thế, lãnh vực giáo dục ở Việt Nam đã đến lúc phải đổi mới, không chỉ từ việc phân bố tài chính mà cả từ những giá trị của việc học tập. Đào tạo kỹ thuật nhiều hơn để có nhiều cán sự kỹ thuật hơn là một chính sách cần có, không thể bỏ qua. Việt Nam dứt khoát không đủ nguồn tài nguyên quốc gia trong thời gian ngắn để có thể cung cấp đủ nguồn nhân lực quan trọng hầu giữ vững mức kỹ nghệ hoá hiện nay. Những rào cản này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy nơi khác.

Tuy thế, còn hai đổi mới khác cũng cần có để có thể nâng cấp tiêu chuẩn giáo dục qua khỏi lối học từ chương. Việt Nam cần có nhiều trường khuyến khích óc sáng tạo trong tầng lớp học sinh. Thị trường cho những trường học như vậy rất lớn và nhà nước đã cho phép thành lập những trường tư thục tiểu và trung học. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Cơ hội thứ hai để những nhà đầu tư nước ngoài gợi ý với chính phủ Việt Nam: gầy dựng một hệ thống thi cử độc lập, giống như thoả thuận giữa Bộ GD Singapore với đại học Cambridge. Đối với những nội dung kiến thức mang tính toàn cầu, ở bậc trung học và sau trung học, những giám khảo nước ngoài sẽ ra đề và chấm điểm ngoài Việt Nam. Điều này sẽ bài trừ hẳn bệnh gian lận thi cử đang ám ảnh ngành giáo dục Việt Nam – Đề thi của Bộ GD-ĐT không ngừng rò rỉ trước mọi kỳ thi, gian lận thoải mái trong phòng thi và hối lộ giám khảo. Giám khảo người nước ngoài sẽ dễ thành công hơn nếu có người Việt tại địa phương hay Việt kiều cùng làm việc.


Copyright © 2006–2007 DCVOnline

(http://www.danchimviet.com, 11/01/2007)

Nguồn: Reforms of the Vietnamese education system badly needed, David Koh, Institute of South East Asian Studies.

Ghi chú:
(2) David Koh, Điều hợp chương trình Chiến lược Khu vực và Nghiên cứu Chính trị, Institute of Southeast Asian Studies (Singapore). Nguồn: opinionasia.org

(1) Nguyễn Thiện Nhân (12/6/1953 — ), Bộ trưởng mới của Bộ GD-ĐT từ tháng 7/2006, 53 tuổi đời, 26 tuổi đảng, Ủy viên T.Ư. Đảng CSVN, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố HCM. Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng II và III, Huy chương “Tuổi trẻ sáng tạo”, Huy chương “Vì thế hệ trẻ”, Chiến sĩ thi đua nhiều năm liền.

Người quê ở Xã Phương Trà, Huyện Châu Thành, Tỉnh Trà Vinh, sinh quán Cà Mau, hiện cư ngụ tại Phường 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ 6/1970 — 3/1983, thuộc quân đội nhân dân Việt Nam, 1976 Thiếu Uý, 1980 Trung Uý, 1982 Thượng Uý. Được cho đi học và tốt nghiệp TS Điều khiển học (Cybernetics) tại CHDC Đức (Đông Đức).

Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 4 tháng 1 năm 1980.

Hoạt động giáo dục: 4/1983 — 4/1985, Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. 8/1988 — 10/1991 công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức và đi học thêm về Kinh tế thị trường tại Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Magdeburg Cộng hòa Liên bang Đức. 2/1992 — 6/1993, cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm bộ môn Quản lý Công nghiệp. 6/1993 — 8/1995, được cử đi học Cao học quản lý cộng đồng (quản lý Nhà nước) chuyên ngành Tài chính công tại Trường Đại học Oregon (Mỹ) và học khóa đào tạo về thẩm định dự án đầu tư tại Trường Đại học Harvard (Mỹ). 9/1995 — 5/1997, giảng viên, Chủ nhiệm Khoa Quản lý Công nghiệp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư Kinh tế năm 1996. 5/1997 — 5/1997, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thành phố. 11/2002: Giáo sư Kinh tế.

Hoạt động Đảng: 1984, Bí thư Đoàn Trường Đại học Bách khoa, Ủy viên ban Thường vụ Thành Đoàn tháng 7 cùng năm. 4/1985 — 8/1988, Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Trưởng Ban Khoa học Kỹ thuật Thành Đoàn. 7/1987, Phó Bí thư Thành Đoàn. 8/1988 — 10/1991, Tùy viên Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức, Bí thư Ban Cán sự Đoàn. 11/1191 — 6/1993, Chờ phân công công tác tại Trung ương Đoàn. 5/1997 — 5/1997, Đại biểu Quốc Hội Khóa X. 12/1999 đến nay: 3/2001: Ủy viên Ban Thường vụ Thành Ủy. Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Khóa VI, Phó Chủ tịch. 5/2001: Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố HCM.

No comments: