“Không đổi các giá trị Dân chủ, Tự do và Nhân quyền lấy … đô la”. – Stephen Harper
Trà Mi
HÀ NỘI — Đến hội nghị thượng đỉnh APEC 2006, nơi các lãnh tụ quốc gia trong khối châu Á – Thái Bình Dương họp nhau bàn về các vấn đề phát triển giao thương mậu dịch, Thủ tướng Stephen Harper đã cho báo giới biết rõ quan điểm của Canada về vấn đề này.
Stephen Harper, Thủ tướng Canada (2006). Nguồn: pm.gc.ca |
Trước thềm hội nghị APEC giới chức ngoại giao Trung Quốc đã ngỏ ý muốn có cuộc gặp gỡ song phương giữa Hồ Cẩm Đào và Stephen Harper. Thủ tướng Harper đã đồng ý gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhân dịp đến Hà Nội họp hội nghị APEC. Tuy nhiên, đến thứ tư 15/11 Trung Quốc lại bất ngờ huỷ bỏ cuộc hẹn Hồ–Harper vì cho rằng Canada đang xen vào nội bộ Trung Quốc khi lên tiếng vận động Trung Quốc trả tự do cho người hồi giáo bất đồng chính kiến Canada gốc Trung Quốc, Huseyin Celil. Tương tự như trường hợp Đỗ Thành Công với nhà nước cộng sản Việt Nam, Huseyin Celil bị Trung Quốc kết án, quy chụp tội “khủng bố”. Trung Quốc cũng không công nhận quốc tịch Canada của Celil. Kém may mắn hơn Đỗ Thành Công, Celil vẫn ở trong tù cộng sản (bị kết án 15 năm) như Huỳnh Nguyên Đạo, Lê Nguyên Sang, Lê Trung Hiếu, Đoàn Hữu Chương, Nguyễn Vũ Bình,…
Harper cho hay ông không hiểu tại sao Trung Quốc lại bất ngờ huỷ bỏ cuộc hẹn. Nhưng viên chức ngoại giao Canada cũng cho hay phía Beijing muốn quyết định về chương trình buổi họp, chỉ bàn đến một số vấn đề Trung Quốc đưa ra nhưng Harper lại muốn nói chuyện Dân chủ Nhân quyền. Đến thứ năm 16/11, phát ngôn nhân của bộ Ngoại giao Trung Quốc, Jiang Yu, lại tuyên bố “Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Stephen Harper sẽ gặp nhau trong thời gian tại Hội nghị APEC”.
Trung Quốc quên mất một chuyện, Canada không phải là Việt Nam. Và Trung Quốc không thể đối xử với Canada như kiểu đại ca Bejing với đàn em ở Hà Nội. Vài ngày trước APEC, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Tang Jiaxuan (Đường Gia Truyền) đã đến Hà Nội hôm 10–12/11 cùng Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chủ toạ phiên nhóm đầu tiên của Ban Điều hành Hợp tác Song phương Việt–Trung. Sau đó Tang Jiaxuan đã gặp Nông Đức Mạnh, và Nguyễn Minh Triết. Báo Nhân Dân Online của Trung Quốc cho rằng Ban Điều hành Hợp tác song phương vừa thành lập nhằm phát triển tình bạn láng giềng giữa hai nước.
Cũng cần nhắc qua, Tang Jiaxuan chính là bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã cùng bộ trưởng Ngoại giao CHXHCNVN Nguyễn Mạnh Cầm ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt –Trung ngày 30/12/1999 tại Hà Nội. Một điểm khác cũng đáng chú ý, Trừ bản anh ngữ của tờ Nhân Dân điện tử và trang báo web đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí và giới truyền thanh trong nước không hồ hởi đưa tin về cuộc họp “huynh đệ hữu hảo” tiền APEC của Tang Jiaxuan với ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Đảng cộng sản và nhà nước CHXHCNVN không dám hô hoán 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và hò hét tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” ngay trước APEC có lẽ vì sức mạnh đồng đô la của Dubya Bush?
Trở lại APEC và Hà Nội, Thủ tướng Harper đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm thứ sáu 17/11/2006. Sau phần trao đổi xã giao, ở cuộc nói chuyện riêng giữa Harper và Dũng, theo Đại sứ Canada tại Hà Nội Gabriel Lessard, Thủ tướng Canada đã bàn đến “Nhân quyền, tự do báo chí và tất cả”. Harper đã đưa ra 10 trường hợp tiêu biểu về các nhân vật đang bị giam tù vì bất đồng chính kiến, vì ý thức dân chủ, hay những hoạt động về tôn giáo.
Trước chuyến đi Hà Nội lần đầu của Stephen Harper, Thủ tướng Canada đã nhận được lá thư ngỏ do một số hội đoàn người Canada gốc Việt đăng trên báo Ottawa Citizen (20/10/2006) yêu cầu ông quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Đến đầu tháng 11, Tập hợp thanh niên dân chủ cũng đến Ottawa kêu gọi Thủ tướng và chính khách Canada giúp thúc đẩy quá trình dân chủ tại Việt Nam.
Tại Hà Nội, với mức hàng xuất cảng sang Việt Nam tăng 84% năm 2005 so với 2004, Stephen Harper nhắc Nguyễn Tấn Dũng việc phát triển thương mại giữa hai quốc gia Canada–Việt Nam gắn liền với những cởi mở, tự do sinh hoạt xã hội và chính trị tại Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng Harper bàn với Thủ tướng Dũng về trường hợp của nhà báo Nguyễn Vũ Bình, bị giam từ tháng 9, 2002, vì đòi lập đảng Dân chủ Tự do và có bản điều trần, phê bình hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, trước quốc hội Mỹ.
Thật mỉa mai và trớ trêu, tại Hà Nội, trong mùa hội nghị, giữa các vòng hoa khổng lồ, những vườn hoa vàng “APEC” và Mercedes Benz E-class chào đón thượng khách, là những biển “cấm chụp ảnh, “cấm người ngoại quốc”, “cấm vượt qua” quanh nhà những người hoạt động dân chủ.
Lẫn trong áo lụa xêng xang, kèn trống rộn ràng, tiếng công an đánh đập cựu tù nhân dân chủ Phạm Hồng Sơn, còn có tiếng nói trung thật của một người lãnh đạo tầm cỡ, đến tận thủ đô nước CHXHCNVN nói thẳng với lãnh đạo đảng cộng sản về chuyện Tự do Dân chủ Nhân quyền cho hơn 83 triệu người không được nói.
Copyright © 2006 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 19/11/2006)
No comments:
Post a Comment