Thursday, January 4, 2007

Đổi mới rồi Dân chủ? (Kết)


Trần Giao Thủy

“Tôi tin rằng dân chủ và kinh tế thị trường là hai bánh của một cỗ xe, cả hai phải nương dựa vào nhau, cùng làm việc để tiến về phía trước,” Kim Dae-jung.

Tiếp theo phần Chuyển đổi sập bẫy
Chọn đường bay

Trong bài Việt Nam phải chọn kế hoạch bay riêng cho mình,(7) David Koh (DK) tóm tắt chiến lược đổi mới của nhà nước cộng sản Việt Nam: cho đầu tư nước ngoài (Foreign Direct Investment, FDI) đổ vào để đẩy mạnh xuất cảng. Kết quả của chiến lược cổ điển này dẫn đến hai thời kỳ phát triển nhanh trong 6 năm 1991-1997 và từ năm 2000 đến nay và vẫn tiếp tục.

Mời gọi FDI cùng lúc chi tiêu nhiều xây dựng hạ tầng cơ sở đã đem lại kết quả khả quan trong 20 năm đổi mới. Lớp sóng đầu tư lần thứ nhì hiện nay đã tăng 41% và 50% trong hai năm 2004, 2005. Tính đến cuối năm 2006, số đầu tư đã giải ngân lên đến 35 tỉ trong tổng số 65 tỉ USD hứa đầu tư. Tỉ lệ phát triển kinh tế của Việt Nam trung bình là 7.5% trong 5 năm vừa qua, đứng hàng thứ hai trong các quốc gia trong khối ASEAN, chỉ sau Trung Quốc. Số thu nhập bình quân đầu người đã lên đến 640 USD/mỗi năm. Số người nghèo giảm nhưng bất bình đẳng trong thu nhập lại tăng. Điểm này chứng tỏ, ít nhất trong giai đoạn hiện tại, việc phân bố lợi nhuận quốc gia không đồng đều, ngược lại với lý luận khi kinh tế phát triển thì đấu tranh giai cấp để giải quyết vấn đề phân bố thu nhập không còn là giải pháp thích hợp nữa. Tuy bây giờ không phải là thời đại đấu tranh giai cấp nhưng giảm thiểu bất công xã hội, thiếu công bằng trong thu nhập của người dân là điềm cần phải giải quyết. Tiếp tục chiếm hay thu mua với giá rẻ mạt nhà đất của dân và liên kết với tư bản nước ngoài làm rào cản luật pháp áp bức công nhân lao động, cấm đình công, cấm công đoàn lao động, cấm hiệp hội công nông thương hoạt động độc lập chắc chắn sẽ không giúp được gì trong việc xoá bỏ bất bình đẳng thu nhập.



Chỉ số phát triển của Việt Nam. Nguồn: worldbank.org
Những con số phát triển khác tại Việt Nam cho thấy công bằng xã hội tại đây chưa thể có trong lúc này. Số khách ra ngoài du lịch nhiều hơn số khách ở nước ngoài đến Việt Nam; Tiền chi dùng để thoả lòng ham muốn của giới tiêu thụ Việt Nam trong các chuyến “shopping” thường xuyên ở ngoại quốc là con số vĩ đại. Những ông bà nhà giàu mới này có lẽ đều hô to “đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” mỗi khi mở ví, móc bóp trả tiền mua xa xí phẩm ở Thailand, Singapore, Hong Kong, New York, Paris,... Trong khi đó 70% dân số Việt Nam vẫn là dân ở thôn quê, ở vùng sâu vùng xa, mực đóng góp của họ – sản phẩm kinh tế nông nghiệp – vào tổng sản lượng quốc gia đã tuột dốc, thua cả hai thành phần kinh tế dịch vụ và sản xuất. Nếu đến năm 2020, mực đóng góp của ngành nông nghiệp vào kinh tế Việt Nam chỉ còn ở mức 20% thì nhà nông Việt Nam sẽ nghèo đến đâu nữa? Họ sẽ làm gì, quăng cày cuốc đi lắp ráp chíp Intel và máy in Canon, may dán giày Nike, đi làm lao động rẻ khắp nơi hay đi làm kinh tế với vốn trời cho (phụ nữ) ở Cambodia, ở Trung Quốc hay xa hơn nữa ở Đông, Tây Âu và Bắc Mỹ?

Trở lại với chiến lược đổi mới của Việt Nam: kinh tế trước, hành chính sau, và chính trị là giai đoạn cuối. Thành tích đàn áp đối lập và những người bất đồng chính kiến của đảng cộng sản Việt Nam nêu trên khẳng định Việt Nam không có đổi mới chính trị.

Cả hai, Trung Quốc và học trò Việt Nam đều tin rằng thành công trong phát triển kinh tế là nền tảng, cột trụ cho sự chính thống của đảng cộng sản, cho phép họ chuyên quyền, gạt bỏ ra ngoài tất cả mọi quan tâm về những thiếu sót nghiêm trọng việc cần thiết cải tổ, đổi mới chính trị. Nhà nước cộng sản tiếp tục điều khiển sinh hoạt kinh tế quốc gia. Khi hoạt động kinh tế có mòi đụng chạm đến quyền lực tối thượng của đảng thì kinh tế cũng phải giảm tốc, nếu cần thì ngưng lại.

Như mọi người, David Koh cũng thấy cả hai, Trung Quốc và Việt Nam, đều là thiên đường tham nhũng dưới sự chỉ đạo của một chính đảng độc tài.

Trong so sánh kinh tế, Koh cho rằng dù tương tự nhưng Trung Quốc và Việt Nam không giống như nhau. Hai quốc gia sản không sản xuất cùng mặt hàng nhưng có cấu trúc của giá sản xuất giống nhau và phần lợi nghiêng về Trung Quốc với thị trường lớn hơn, giá hàng rẻ hơn.

Dù kịch bản học từ sư phụ đã giúp gặt hái kết quả trong 20 năm qua, Koh khuyến cáo Việt Nam phải chọn riêng con đường phát triển để thành rồng, cạnh tranh với Trung Quốc.


Toa thuốc DK cho Việt Nam.

Giống mà khác


a. Ngoài việc phải để ý giải ngân thật nhanh số đầu tư nước ngoài đã hứa, Việt Nam đừng bắt chước Trung Quốc nữa. Việt Nam phải đổi mới chính trị, đổi mới trong quản lý chính phủ và xí nghiệp, phải tinh nhanh và có trách nhiệm hơn.


Những loại dự án đầu tư tại Việt Nam (2007).
Nguồn: www.business-in-asia.com

Yêu cầu này đòi hỏi Việt Nam nhổ tận gốc, dẹp bỏ tính quan liêu xã hội chủ nghĩa của quan chức nhà nước. Đây là vấn nạn lớn: quan chức nhân viên nhà nước quan liêu vì bản chất, vì lương quá thấp so với mực sống; họ là những người đang có quyền, lương lại ít, chọn đường tham nhũng để nâng cao mức “lậu” là chọn lựa không thể tránh khỏi. Cải tổ thế nào đây? Giảm số nhân viên, công an đang làm việc cho chế độ để tăng lương cho những người còn ở lại? Làm thế là phản động là giết đảng không gươm đao là tự sát. Cái gương tày mẹt từ đại sư phụ Trung Quốc mất đảng viên khi đóng cửa xí nghiệp quốc doanh vẫn còn mới toanh trước mắt.

Còn nạn tham nhũng? Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đã hô hào diệt tham nhũng từ khá lâu và thỉnh thoảng đưa ra vài vụ như Năm Cam, Sáu Quýt, Bùi Tiến Dũng, Đào Đình Bình làm đình làm đám cho có vẻ. Nông Đức Mạnh đã cảnh báo “tham nhũng là thế lực ảnh hưởng xấu để sự sống còn của ... đảng” . Nhưng Mạnh và đồng chí của ông sẽ làm thế nào để cứu đảng khi nhà nước CHXHCNVN là một chế độ đóng kín, không có đối lập, không có cơ quan giám sát độc lập, không có báo chí tự do.

Viên thuốc trị tham nhũng không có gì huyền bí cả, đó là cải tổ chính trị.

Lê Khả Phiêu nói với báo giới trong năm 2005, “Tôi và cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã biết vài trường hợp tham nhũng nhưng không cách nào lật tẩy và đưa ra công chúng. Muốn thắng cuộc chiến diệt tham nhũng, Đảng và nhà nước phải xét lại chính mình”.

“Nếu không thay đổi chế độ, nếu không đưa tính minh bạch, đối lập vào cơ chế, nếu không có tiếng nói thật sự của người dân, nếu không có báo chí tự do và trách nhiệm, người ta không thể nào ngăn chận tham nhũng.”(8) Đó không phải là nhận định của những người bất đồng chính kiến hay từ các tổ chức vận động dân chủ mà ý kiến của Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở bộ Kế hoạch và Đầu tư. Doanh còn nói những vụ tham nhũng người ta nghe đến chỉ là mỏm của tảng băng ngầm, 95% tham nhũng vẫn chìm trong bóng tối.

Transparency International cho hay hạng tham nhũng năm 2006 của Việt Nam vẫn đứng hàng anh chị ở khu vực: 111 (107 năm 2005) trong 163 quốc gia, hơn hẳn đàn anh Trung Quốc (70). Chỉ số tham nhũng của Việt Nam là 2,6 so với 10 là minh bạch, không tham nhũng. (9)

b. Về kinh tế, Việt Nam nên khuếch trương hàng đặc sản, tránh cạnh tranh với hàng Trung Quốc đang có thị trường lớn. Đặc sản nông ngư nghiệp Việt Nam là một thí dụ điển hình loại hàng có thể bán được. Tiếc thay, nông nghiệp Việt nam đang đà đi xuống. Về hàng kỹ nghệ sản xuất, David Koh cho rằng Việt Nam nên lợi dụng thành kiến hàng điện và điện tử đóng dấu “Made in China” là hàng dỏm và cố gắng sản xuất những loại mặt hàng này với phẩm chất từ trung bình đến cao cấp nhân dịp Canon và Intel đang đầu tư lớn tại Việt Nam.

c. Về công nghệ phần mềm, Việt Nam nên tận dụng ưu điểm sẵn có là mẫu tự Latin trong tiếng Việt so với dấu tượng hình trong Hán tự cũng như độ hội thu nhanh chóng công nghệ mới của tầng lớp trẻ tại đây.

d. Việt Nam cũng cần xem đến việc liên kết, nối mạng giữa các tỉnh thành trong nước. Muốn thực hiện được việc này Việt Nam cần nâng cấp vượt bực cả ngân sách cũng như chất lượng chương trình giáo dục và đào tạo. Người ta thường nghe Việt Nam có tỉ lệ 90% dân số biết chữ nhưng thực chất giáo dục Việt Nam còn phải bổ khuyết rất nhiều, ngay cả ở mực giáo dục cơ bản.

Cắt giảm

David Koh: Điều hợp chương trình 
Chiến lược Khu vực và Nghiên cứu 
Chính trị, Institute of Southeast Asian 
Studies (Singapore)
Nguồn: opinionasia.org

Giới lãnh đạo Việt Nam, được các chuyên gia kinh tế và chính sách đối ngoại tư vấn, không phản ứng nhanh và tích cực với chương trình Trung Quốc đưa Việt Nam và các nước Đông Nam Á hội nhập vào các tỉnh miền Tây Nam nước này. Cuối tháng 10, 2006, tại Nanning, Nguyễn Tấn Dũng và Wen Jiabao đã hứa hẹn sẽ đi đến hiệp định về chương trình phát triển “Hai hành lang, Một vòng tròn” (Two Corridors, One Circle) (10). Trên thực tế, Việt Nam chưa có động thái rõ rệt nhằm thực hiện chương trình này. David Koh cho đây là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển kinh tế ở các tỉnh phía Bắc nhưng bộ máy nhà nước Việt Nam đến nay vẫn chưa chuyển động.

Việt Nam cần tái phối trí, thay đổi khu kinh tế quốc doanh. Nếu đổi mới nhanh chóng ở mặt này Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi hơn Trung Quốc. Một lần nữa, Koh lại thất vọng với sự chậm chạp của Việt Nam so với Trung Quốc. Đảng cộng sản phương Bắc sẵn sàng dẹp bỏ (công ty quốc doanh), thay đổi nhanh chóng, dứt khoát hậu thuẫn những đề án do tập đoàn lãnh đạo mạnh đưa ra. Tuy đã hô hào cải tổ khu kinh tế quốc doanh từ nhiều năm, dường như các quan sát viên nước ngoài vẫn chưa thấy dấu hiệu đổi mới quan trọng hay đáng kể của nhà nước Việt Nam ở mặt này.

Đây có thể cũng là một dấu hiệu cho thấy đảng cộng sản Việt Nam đang gặp khó khăn. Nhân tố quan trọng và có lẽ khá khó thực hiện được trong kế hoạch cất cánh của Việt Nam hiện nay là giấy lên ngọn lửa hồ hởi, trung thành ủng hộ tập một đoàn lãnh đạo có thực lực. Chính sự chia rẽ sâu sắc trong tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam là nguyên nhân của sự chậm trễ đổi mới trong những lãnh vực kinh tế quốc doanh, hành chính và ý thức hệ. Vì không thống nhất, nên đảng cộng sản cũng chậm trể ngay cả việc đổi mới cách bổ nhiệm, thăng thưởng cán bộ trong chính phủ. Thí dụ điển hình là chính sách “Luân lưu Cán bộ” để thăng thưởng đề bạt tài năng nhanh chóng đã bị Ban Chấp hành Trung ương Khoá 9 phê phán nặng nề, chỉ trích là đầy tính cục bộ.

Thử thách lớn trước mặt đảng cộng sản Việt Nam hôm nay không phải là hiện tượng dân oan hay những người bất đồng chính kiến mà chính là việc phân bố đồng đều quyền lực và sự rạn nứt đổ vỡ trong chính khối quyền lực này. Gần như trong tất cả mọi quyết định về chính sách thường có ít nhất vài soái đều có quyền quyết định. Thủ tướng muốn bổ nhiệm bộ trưởng cũng không đơn giản: phải đi qua 10 cửa quyền lực trược khi được phép công bố. Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải (1998-2006) than thở ông và đồng chí vẫn phải chịu trách nhiệm về thành quả của chính phủ dù không có quyền bổ nhiệm và giải nhiệm bộ trưởng theo ý riêng.


Phân chia các nhóm quyền lực phe phái trong đảng cộng sản Việt Nam là những phân ranh di động. Những mảng quyền lực của cộng sản Việt Nam, số đảng viên đang bám theo và sức mạnh của chúng luôn thay đổi theo quyền lợi trước mắt. Quyền lợi chuyển đổi đảng viên đi vào các khối quyền lực khác nhau. David Koh cho rằng sở dĩ có hiện tượng tranh quyền lực, chạy theo quyền lợi, và không thống nhất trong đảng vì xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoà bình không có lãnh đạo có tầm nhìn xa thấy trước và lôi cuốn như ông Hồ. Phải có khả năng nhìn xa thấy trước mới có cơ may nhất thống giang hồ. Làm thế nào xây dựng tầm nhìn xa cho đất nước trong lúc đảng cộng sản hiện nay đang sa lầy ở cuộc giằng co theo Tư bản hay Chủ nghĩa Xã hội, và cũng đang kẹt cứng giữa Phát triển hay Ổn định xã hội.

Trên thực tế, cả hai lý luận cho Chủ nghĩa Xã hộiỔn định chỉ là nguỵ biện cho sự sống còn cho đảng của họ. Những khuynh hướng thoả hiệp, tìm đồng thuận hiện nay chẳng qua là những mỹ từ làm áo khoác cho việc ăn đồng chia đều giữa người cộng sản. Họ làm gì có thì giờ xây dựng viễn kiến cho Việt Nam.


Dự đoán lạc quan

Koh cho rằng nếu cứ giữ độ phát triển kinh tế tốt đem việc làm đến cho dân, xã hội sẽ ổn định và tính chính thống sẽ trở lại. Tổng sản lượng quốc gia sẽ tăng trưởng trung bình mỗi năm 8% làm nền kinh tế lớn lên gấp đôi trong 10 năm tới. Bên lề, một thiểu số người vận động dân chủ, dù đang rất ồn ào, sẽ chẳng đi đến đâu trong mục đích gỡ bỏ ghế độc quyền khỏi đảng cộng sản. Những người bất đồng chính kiến sẽ mãi mãi đứng bên lề khi giới truyền thông vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ như hiện nay. Ở mặt quan hệ với giới kỹ nghệ, nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ hân hoan công kênh tư bản nước ngoài, phủ nhận quyền đình công của công nhân bằng luật pháp. (11)


Đường đi chưa đến

Những tóm lược kết qủa nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội chính trị cũng những nhận định thực dụng của các nhà phân tích đều có một số điểm chung:

– Không phải hễ phát triển kinh tế là xã hội sẽ dân chủ;
– Các chế độ độc tài đảng trị trong thế giới ngày nay tinh ranh dùng lợi nhuận của đổi mới kinh tế, cắt quyền kết hợp của dân để bảo vệ quyền lực đảng;
– Đảng cộng sản đã không còn được lòng của quần chúng, không còn tính chính thống, không thống nhất, nhiều sứ quân và kiêu binh;
– Đổi mới từ từ, đổi mới nửa vời, đổi mới kinh tế trước, chính trị sau, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, v.v... tất cả đều là nguỵ biện để bảo vệ đảng, để trì hoãn dân chủ. Với đảng cộng sản Việt Nam, đó là chiêu bài mua thời gian vẽ phi đạo, không phải để đất nước thành rồng cất cánh bay cao bay xa, mà chính là đường hạ cánh an toàn của đảng viên hết quyền lực không thể tham nhũng thêm nữa.

Minxin Pei kết luận, đổi mới kiểu cộng sản Trung Quốc là đổi mới không bền vững, sẽ thất bại trên đường chuyển đổi sang thể chế dân chủ đa nguyên. Cùng lúc, David Koh có cái nhìn lạc quan hơn cho đảng cộng sản Việt Nam; Koh cho rằng Việt Nam đang thành công về kinh tế, đảng cộng sản sẽ tiếp tục độc quyền cai trị; dân Việt Nam vẫn không có quyền kết hợp; báo chí vẫn bị kiểm soát gắt gao và người bất đồng chính kiến vẫn đứng bên lề xã hội. Người dân có nhiều việc làm hơn tuy không được hưởng những phúc lợi xã hội chính đáng cũng như không được quyền đình công. Và, dĩ nhiên, tư bản nước ngoài tiếp tục đến Việt Nam đầu tư, làm giàu nhiều hơn nữa.

Ngay cạnh bên cạnh Việt Nam và Trung Quốc, giới lãnh đạo Nam Hàn từ nhiều năm trước đã ý thức rõ rệt sự chuyển hướng của mô hình phát triển: kinh tế thị trường phải đồng bộ với thể chế dân chủ. Không thể vừa phát triển vừa không công nhận những chân giá trị quan trọng và thực sự dân chủ như công bằng kinh tế, an sinh xã hội. South Korea dứt khoát chấp nhận dân chủ cùng lúc phát triển kinh tế.

Không có dân chủ sẽ không có kinh tế thị trường chính thực. Kim Dae-jung, cựu Tổng thống Nam Hàn, Nobel hoà bình năm 2000, trong diễn văn khai mạc Hội nghị về Dân chủ, Kinh tế thị trường và Phát triển (Seoul , 1999) đã phát biểu, “Tôi tin rằng dân chủ và kinh tế thị trường là hai bánh của một cỗ xe, cả hai phải nương dựa vào nhau, cùng làm việc để tiến về phía trước”.


Nghĩ như ông Kim thì quả thực gánh xiệc cộng sản Việt Nam đang biểu diễn trò cỡi xe một bánh để vượt vũ môn mong hoá thành rồng để cùng bay cao với thế giới. Nhìn tốc độ đổi mới kinh tế và hành chính hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam người viết e rằng chặng đường đổi mới chính trị để đi đến dân chủ còn xa mút mùa ải nhạn.


Mô hình phát triển kiểu xe một bánh của Trung Quốc.
Nguồn: www.chinesedefence.com
Như thế, với những người đang vận động dân chủ (Koh cho là đang ồn ào ở bên lề xã hội), có lẽ chú tâm vào và giành năng lực gầy dựng, bồi đắp cho phong trào có bề dầy, đi vào với quần chúng trong nước, bảo vệ quyền lợi sát sườn của dân là những việc cần làm trước. Dân không hiểu phúc lợi của dân chủ, không cần dân chủ thì chắc chắn không có phong trào dân chủ. Những màn chính trị mang tính trình diễn và vơ vào ở hải ngoại có lẽ không phải là điều cần thiết. Những gấu ó tranh chia “chiếc bánh nhà dân chủ” (12) cần được chấm dứt. Nếu không, khi nhìn lại “phong trào” chỉ thấy mình và chiếc bóng trên tường. Xin hãy cùng nhau chấp nhận chính những giá trị đang được xiển dương: dân chủ và đa nguyên.

Với các ông bà bên này bờ đại dương đang ngóng nhìn về đất nước hay đang ở bên kia đợi hoà giải để được chia phần. Xin hãy quên đi. Cũng như không thể có chuyện xin cho dân chủ, quyền lực và quyền lợi của đảng độc tài cộng sản không thể chia cho người ngoại cuộc. Họ đánh nhau u đầu sứt trán ở những cuộc tranh chia bên trong chưa xong thì làm gì có chuyện nhường ghế cho kẻ đứng ngoài lề.

Tập dưỡng sinh, giữ gìn sức khoẻ đợi ngày Việt Nam dân chủ chưa hẳn đã đủ. Cứ đà này, có lẽ người yêu quý dân chủ, mong thấy được công bằng xã hội ở Việt Nam, phải cần đến liều thuốc trường sinh vì ... đường đi chưa đến.

Cuối năm 2006


Copyright © 2006–2007 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 04/01/2006)

Ghi chú:
(7) Vietnam Must Map Its Own Flight Plan, David Koh, Far Eastern Economic Review, December 2006.
(8) In Vietnam, top Communist sees corruption as threat, Seth Mydans, International Herald Tribune, May 31, 2006.
(9) International Transparency regional highlights_factsheets (pdf).
(10) Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh giữa lãnh đạo thuộc khối ASEAN và Trung Quốc ngày 30 tháng 10, 2006, Thủ tướng Wen Jiabao đã gặp riêng một số lãnh đạo của các nước trong khối ASEAN. Trong hội nghị song phương giữa Thủ tướng CHXHCNVN, Nguyễn Tấn Dũng và Wen Jiabao (Ôn Gia Bảo) đồng ý miệng 3 điểm; thứ nhất đẩy nhanh đàm phán dựng sườn hiệp thương hợp tác kinh tế và thương mại; thứ hai, kết thúc đặt cột mốc biên giới Việt-Trung trên đất liền vào năm 2008, đạt thoả hiệp về đường phân ranh hải phận trong Vịnh Bắc Việt và tiếp tục đàm phán những vẫn đề liên hệ đến quyền lãnh hải trên biển Đông; và thứ ba, thúc đẩy để đi đến hiệp định về chương trình phát triển “Hai hành lang, Một vòng tròn” (“Two Corridors, One Circle”). Hai hành lang ở đây có nghĩa đường vận tải nối liền Hà Nội và Kunming, và đường Hà Nội–Nanning trong khi “Một vòng tròn” chỉ Vùng vịnh kinh tế Bắc Việt (Beibu gulf hay Tonkin gulf). Giao thương kinh tế Việt-Trung ước tính sẽ đạt đến mức 10 tỉ USD trong năm 2006. Nguồn: CHINA-ASEAN SUMMIT: BEIJING’S CHARM OFFENSIVE CONTINUES, Ian Storey, The Jamestown Foundation, Volume 6, Issue 23 (November 22, 2006)
(11) US puts squeeze on Vietnamese labor, Brendan Smith, Tim Costello and Jeremy Brecher, Asia Time Online, November 22, 2006.
(12) Tranh nhau miếng bánh Nhà Dân Chủ Lớn, Lưu Vũ, DCVOnline, 20/04/2006.

No comments: