Wednesday, January 3, 2007

Đổi mới rồi Dân chủ?



Trần Giao Thủy

Phát triển kinh tế đưa đến xã hội dân chủ không phải là một khái niệm mới. Aristotle đã cho rằng khi tầng lớp trung lưu phát triển đủ lớn sẽ trở thành động cơ thúc đẩy xã hội tiến đến dân chủ. Khi kinh tế phát triển thì khoảng cách mức thu nhập giàu nghèo không còn quá xa, đấu tranh giai cấp để giải quyết vấn đề phân bố thu nhập không còn là giải pháp thích hợp nữa.



Seymour Martin Lipset, một trong rất nhiều nhà khoa học xã hội từ giữa thế kỷ trước đã nghiên cứu về tương quan giữa phát triển và dân chủ và đại chúng hoá khái niệm này: phát triển kinh tế tất yếu sẽ gầy dựng được tầng lớp trung lưu tầm cỡ, có kiến thức – tập thể này sẽ bồi dưỡng, cổ vũ cho tiến trình dân chủ hoá xã hội.

Trước khi bước sang thiên niên kỷ mới, trả lời tờ báo lớn ở Nhật, Nihon Keizai Shimbun, Amartya Sen cho rằng xu thế dân chủ toàn cầu là phát triển ưu việt của loài người ở thế kỷ 20. Song song với sự nổi bật của giá trị dân chủ, những nghiên cứu mới cũng đã đưa ra một cách nhìn khác về tương quan giữa phát triển và dân chủ.



Già và trẻ, một ngôi làng ở miền Tây Trung Quốc, 2005.
Nguồn: http://poetryjaam.blogspot.ca/
Tháng 10, 2005, trong bài khảo luận “Phát triển và Dân Chủ”, trình bày tóm lược kết quả nghiên cứu 29 năm trong 150 quốc gia, de Mesquita và Downs cho thấy không phải cứ phát triển kinh tế là sẽ có dân chủ (1). Thí dụ biểu trưng là Trung Quốc, vẫn đứng dậm chân ở vũng bùn độc đảng mặc dù đã phát triển kinh tế cả ¼ thế kỷ và phát triển với tốc độ phát sốt. Rồi đến Cộng hoà Liên bang Nga, sau 20 năm từ Mở cửa sang Đổi mớiDân chủ hoá, giải thể Xô Viết, rơi vào khủng hoảng kinh tế và đang phát triển trở lại nhưng quyền lực vẫn nằm gọn ở điện Kremlin. Những thay đổi chính trị gần đây của Liên bang Nga cũng chẳng mặn mòi gì với dân chủ cả.

Downs và de Mesquita kết luận sự chậm phát triển xã hội dân chủ tại các quốc gia đang giàu lên là kết quả của lối cai trị độc tài tinh vi của các chính thể chuyên chế. Những nhà độc tài đương đại dùng tài nguyên gia tăng từ nền kinh tế phát triển để đối phó với những vấn nạn khác nhau nhưng mục đích sau cung vẫn là tiếp tục nắm giữ quyền lực cho chế độ. Họ khôn khéo cắt, chặt một số quyền dân sự cần thiết cho việc phối hợp chính trị – nhưng không mang tính chủ yếu trong việc phát triển kinh tế – trong tầng lớp trung lưu để tạo thành khối đối lập.

Bốn loại quyền kết hợp có tác động chính yếu đến khả năng tổ chức và hoạt động đối lập là quyền chính trị, nhân quyền (một cách tổng quát), tự do báo chí, và đường vào đại học. Cứ nhìn về Việt Nam sẽ thấy nhà nước độc tài ở đó giới hạn, ngăn chận quyền kết hợp của công dân ra sao.

Năm 2006, quyền tự do ngôn luận, thông tin và được thông tin tiếp tục bị giới hạn, bóp nghẽn (2). Hà Nội tiếp tục giam tù quản thúc công dân bất đồng chính kiến kể cả thường dân đến tu sĩ và những người đang hoạt động đảng phái mà nhà nước xem là nguy hiểm. (3) Tiêu biểu là 2 vụ vu cáo “khủng bố” Đỗ Thành Công, Nguyễn Hoàng Long, Huỳnh Nguyên Đạo (Đảng Dân chủ Nhân dân) và Thương “Cúc” Nguyễn Foshee (tổ chức “Chính phủ Việt Nam Tự Do”), và Nguyễn Vũ Bình, người muốn lập đảng Dân chủ Tự do, vẫn chưa được thả từ khi bị nhà nước cộng sản Việt Nam kết án làm gián điệp.

Kết quả tụt hậu của ngành giáo dục đại học đã nhiều lần được ngay chính người làm giáo dục tại Việt Nam lên tiếng xác định.

Tất cả chỉ để trì hoãn dân chủ. (4)


Chuyển đổi sập bẫy 



Minxin Pei: Giám đốc 
Chương trình Trung Quốc, 
Carnegie Endowment 
for International Peace
Nguồn: harvard.edu

Tiếp tục những công trình khảo cứu khác về tương quan phát triển–dân chủ, Minxin Pei vừa phúc trình một số kết quả trong tác phẩm mới Chuyển đổi sập bẫy của Trung quốc — Giới hạn của Chế độ chuyên quyền Phát triển (5). Trong cuốn sách này Pei khảo sát mức độ bền vững của chiến lược đổi mới Trung Quốc đang theo đuổi: phát triển kinh tế thị trường trong khuôn khổ độc đảng toàn trị.

Pei đặt nghi vấn với 3 lý giải chính cho rằng chiến lược đổi mới của Trung Quốc đang thành công vì

1. Phát triển kinh tế bền vững sẽ đưa đến cởi mở chính trị rồi dân chủ hoá;
2. Chuyển đổi kinh tế từ từ tốt hơn cho toa “thuốc đắng” kiểu của liên bang Nga;
3. Chế độ độc tài mới là điều thiết yếu để đẩy nền kinh tế cất cánh bay cao.

Pei cho rằng vì phải kiểm soát phần lớn nền kinh tế để bảo đảm cho sự sống còn của đảng Cộng sản, chủ nghĩa “đổi mới từ từ” sau cùng cũng thất bại.

Chỉ cần thoáng thấy bất kỳ chỉ dấu nào phương hại đến quyền lực, đảng cộng sản Trung Quốc tức thì tăng cường vơ vét, tối đa hoá lợi nhuận và nâng cấp đàn áp tất cả mọi thế lực đang thách đố.

Thiếu cải tổ dân chủ đúng mức đã đưa đến tình trạng tham nhũng tràn lan tại Trung Quốc như hiện nay và sự suy sụp trong trách nhiệm chính trị – trách nhiệm trả lời trước cử tri. Hệ quả (bất ngờ) cho Trung Quốc là chiến lược “đổi mới từ từ” đã tản quyền cho một tập đoàn ăn cướp địa phương ở đó các soái chủ (đảng viên lãnh đạo địa phương) đã hoàn toàn thành công trong việc tư hữu hoá quyền lực quốc gia. Những hợp đồng cấu kết tham nhũng lan tràn đạp đổ hệ thống quản lý, cai trị. Thay vì thẳng tiến đến nền kinh tế thị trường thực sự, Trung Quốc đang sập bẫy đổi mới kinh tế chính trị nửa vời.

Trong bài điểm sách của Minxin Pei, Hội chứng Trung Quốc: Tư bản không hẳn đã đi đến Dân chủ (6), Ellen Bork cho rằng đem những quan điểm từ góc nhìn của những xã hội dân chủ chiếu xuống cách xử lý vấn đề của giới lãnh đạo Trung Quốc là điều bất khả thi vì những khác nhau giữa hệ thống giá trị Âu Mỹ và Trung Quốc.

Vì sợ mất ghế quyền lực, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc không thể có những đổi mới thực sự và cần thiết để chuyển đổi sang kinh tế thị trường như sự bảo đảm quyền tư hữu, minh bạch, trong sáng trong chính phủ, và trách nhiệm trả lời với quốc dân của giới lãnh đạo.

Trong China's Trapped Transition, Minxin đưa ra chứng từ, tài liệu cho thấy tệ trạng tham nhũng đã đến mức cùng cực, cơ chế nhà nước cồng kềnh, bất lực, quan chức địa phương trở thành kiêu binh bất trị và ngang nhiên bòn rút của công.

Lý tưởng cộng sản, giấc mơ thế giới đại đồng đã nằm gọn trong đống rác “phát triển” của Trung Quốc từ lâu rồi. Đảng viên cộng sản hiện nay đang bận rộn thu xếp chiến lược rút lui cho riêng mình. Những công tác quan trọng bây giờ là lấy hộ chiếu nước ngoài, và chuyển tiền ra ngoại quốc.

“Hiện tượng 59” đã quá quen thuộc với lớp thượng tầng trong đảng cộng sản Trung Quốc. 59 là tuổi sắp về hưu, cần vơ vét nhiều và chuyển ngoại tệ thật nhanh, đấy là “Hiện tượng 59”, là chọn đường hạ cánh an toàn. Nhưng chuyện mới, đáng để ý hơn, Pei cho thấy rằng đảng viên tham nhũng càng này càng trẻ.

Đảng cộng sản Trung Quốc không còn tính chính thống, họ cũng không còn được lòng trung thành của quần chúng. Điều này minh chứng bằng con số đảng viên mới đang sa sút ở vùng thôn quê. Đảng mất đảng viên khi cho công nhân viên xí nghiệp quốc doanh nghỉ việc. Đảng cũng không thu được đảng viên mới từ tập thể công nhân viên làm cho các công ty tư doanh.

Dù chỉ trích nặng nề đảng cộng sản Trung Quốc trong việc thao túng quan chức địa phương, không cho họ thực quyền, Pei lại cho rằng bầu cử ở thôn quê là điểm đáng mừng. Nhưng Pei cũng cảnh báo ngay: người ngoại cuộc đừng lầm! Đây không phải là dấu hiệu cải tổ chính trị cơ sở mà là chỉ dấu của một đảng đang mục ruỗng. Thế giới cần phải tăng sức ép để thúc đẩy họ phải thay đổi nhiều hơn nưa thay vì vỗ tay hoan hô “đổi mới”, quản lý địa phương hiện đại!

Lưới lọc Internet tại Trung Quốc. Nguồn: Google.com.
Pei cũng cho thấy ngay cả Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) hay Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương), người bị trù dập vì không ủng hộ Đặng trong quyết định đàn áp ở Tiananmen (Thiên An Môn), cũng không hình dung được viễn tượng nào khác ngoài việc tiếp tục chế độ đảng trị.

Thập niên 1990 không những không đưa đến được các đổi mới thật sự mà ngay cả đến những tranh luận trong đảng, như Đặng Tiểu Bình từng khuyến khích, sau này cũng bị Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) cắt đứt.

Pei cho rằng không phải vì bây giờ là thời Hậu Mao Zedong (Mao Trạch Đông) nên hết Cách mạng Văn Hoá, nên không còn Bước Nhảy Vọt. Những đàn áp trù dập nhằm vào cộng đồng Falun Gong (Phá Luân Công) là một hiện tượng mới, hệ quả trực tiếp của sự thối nát từ trong đảng. Dưới thời Mao, đảng cộng sản có thể lôi kéo tập thể công nhân, nông dân trung với đảng nổi dậy dẹp tan Falun Gong mà chẳng cần đến công an. Bây giờ đảng không lôi kéo được bất kỳ nhóm nào, và cuối cùng phải dùng đến bạo lực để đàn áp và tiêu diệt Falun Gong trong nội địa Trung Quốc.

Theo Pei, Chuyển đổi sập bẫy này không bền vững. Dân chủ có thể sẽ không đến. Đảng cộng sản cũng không hân hoan lãnh đạo dân chúng tiến lên đường dân chủ. Có khả năng dân chủ đến Trung Quốc như kết quả của một khủng hoảng bất ngờ xảy ra vì tệ nạn tham nhũng, vì bất lực trong quản trị, vì mục ruỗng của thể chế. Nghiên cứu và tác phẩm Trapped Transition của Minxin Pei là một bản cáo trạng cho luận điệu “kinh tế phát triển sẽ đưa đến dân chủ”, chỉ trích cơ sở của chính sách Hoa Kỳ đối với Trung Quốc của các Tổng thống Cộng Hoà cũng như Dân Chủ đã và đang theo đuổi. Ở đây, Pei đã chia sẻ quan điểm với de Mesquita và Downs, hai tác giả này cũng đã cảnh báo các nhà làm chính sách của chính phủ Bush: Mở rộng điều kiện cho vay hay viện trợ phát triển gồm cả những bảo đảm quyền kết hợp cho công dân, như những quyền tự do dân sự cơ bản, nhân quyền, tự do báo chí.

Đọc thoáng qua những nhận định của Minxin Pei người ta ngỡ tác giả đang nói đến Việt Nam. Điều này không lạ. Việt Nam hiện là đệ tử trung thành của sư phụ Bắc phương. Bài học “đổi mới từ từ”, đổi mới có định hướng hay như David Koh nói Việt Nam đổi mới kinh tế trước, hành chính sau, cuối cùng mới đổi mới chính trị phản ảnh trung thành bài học Trung Quốc mà Pei vừa rốt ráo trình bày trong tác phẩm mới của mình.

(Còn tiếp)

Copyright © 2006–2007 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 03/01/2007)

Ghi chú:
(1) Phát triển và Dân chủ, Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs — Development and Democracy, Foreign Affaires – September/October 2005 – Volume 84 No. 5 , 77-86 (Published by the Council on Foreign Relations).
(2) Kiểm soát báo chí chặt chẽ.
– Những tờ báo không được phát hành tự do: Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận (23/2/2006), Tập san Tự Do Dân Chủ (2/9/2006), Báo Tổ Quốc (15/9/2006) có ban biên tập trong và ngoài nước phải chọn cách phát hành “điện tử”.
– Tiếp tục kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông (báo chí, đài phát thanh, phát hình), Thủ tướng CHXHCNVN vừa công bố Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg, 29/11/2006, về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí.
– Bằng công nghệ và luật pháp, Hà Nội gia tăng việc kiểm soát, giới hạn mức truy cập mạng Internet của người dân: chận đường vào các trang web chính trị và tôn giáo mà họ cho là mang tính chống phá.
(3) Cắt quyền kết hợp.
– Nguyễn Vũ Bình vẫn ở trong tù. Bị bắt từ 25 tháng 9 năm 2002 đến 31/12/2003 bị tuyên án 7 năm tù và 3 năm quản thúc vì tội “làm gián điệp” (theo nhà nước cs).
– Sau 6 tuần được thả, Trương Quốc Huy, bị bắt lại ngày 18 tháng 8, 2006 tại cafe Internet vì nối mạng Internet vào diễn đoan hội thoại Paltalk nói chuyện Dân chủ.
– Đỗ Thành Công, Nguyễn Hoàng Long, Huỳnh Nguyên Đạo, và 5 đảng viên đảng Dân chủ Nhân dân bị bắt giam từ tháng 8/2006. Đỗ Thành Công đã trở lại Hoa Kỳ sau 38 ngày bị giam tù sau khi được chính giới Hoa Kỳ, Châu Âu và người Việt hải ngoại tích cực vận động. Thuong Cuc Nguyen Foshee và 6 người khác thuộc tổ chức “Chính phủ Việt Nam Tự do” bị bắt giam, không truy tố từ tháng 9/2005, đến 10/11/2006 mới bị xử 15 tháng tù vì “hoạt động khủng bố”. Hà Nội đã thả ba công dân Hoa Kỳ về Mỹ:, Lê Văn Bình, và Huỳnh Bích Liên (Linda) đã trở lại Hoa Kỳ kịp lúc APEC 2006 khai mạc. Những công dân Việt Nam khác trong hai vụ án “khủng bố” vừa nêu vẫn chưa được phóng thích.
– Ngay cả trong tuần lễ APEC 2006 đang họp tại Hà Nội, công an Việt Nam vẫn không ngừng bắt bớ thường dân: 3 hội viên trong ban đại diện Hiệp hội Công ông Việt Nam, Nguyễn Tấn Hoành, Trần thị Lê Hằng và Đoàn Huy Chương và 4 hội viên khác bị truy bắt giam tù trong những ngày 14, 15, 18/11/2006. Luật sư Lê Thị Công Nhân bị cô lập tại gia suốt tuần lễ APEC 2006 và sau đó tiệp tục được “mời” đi thẩm vấn vì vi phạm điều 258 bộ luật hình sự lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước và hiện đang bị quả thúc, không được di chuyển khỏi thành phố.
– TT Thích Thiện Minh, GHPGVNTN, Hội trưởng hội Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam bị sách nhiễu khi đi cứu trọ nạn nhân bão lụt miền Trung và Bà Rịa. Suốt lễ Giáng Sinh, tín đồ Tin lành Mennonite ở Quảng Ngãi, Tin Lành tại gia ở Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Giang và Lào Cai bị đàn áp và sách nhiễu không ngừng.
(4) Đọc Phát triển và Dân chủ của Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs, Trần Giao Thuỷ
(5) China's Trapped Transition — The Limits of Developmental Autocracy, Minxin Pei, Harvard University Press , March 2006.
(6) China Syndrome: Capitalism does not necessarily lead to democracy, Ellen Bork, Weekly Standard, May 29, 2006.

No comments: