Friday, July 9, 2010

Nền giáo dục đại học tại Canada

Trần Giao Thủy

Bài này trình bày một số dữ kiện về hệ thông giáo dục đại học tại Canada không ngoài mục đích để bạn đọc có thêm thông tin khách quan và giúp học sinh trong nước có thêm tài liệu tham khảo trước khi quyết định đi học ở nước ngoài.

Nền giáo dục đại học tại Canada, vài nét đại cương


Bản đồ Canada. Nguồn: wikipedia.org


Nền giáo dục đại học tại Canada là một tập hợp của các hệ thống đại học và cao đẳng tại 10 tỉnh bang (province) và 3 lãnh địa (territories). Theo Hiến pháp Canada, định chế giáo dục đại học thuộc quyền và trách nhiệm của chính phủ tỉnh bang.

Tuy thế, hệ thống giáo dục đại học tại Canada tương đối khá đồng nhất, sau 12 năm ở bậc tiểu và trung học, học sinh sẽ tiếp tục học nghề ở các trường cao đẳng để đi làm hay học tiếp ở bậc đại học. Quebec, tỉnh bang dùng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính, có một hệ thống giáo dục không giống những nơi khác. Ở đây học sinh học xong trung học, sau khi hoàn tất lớp 11, sẽ vào học tại các ‒ trường cao đẳng (College d’enseignement generale et professionel hay CEGEP tạm dịch sang tiếng Anh là General and Vocational College) để học nghề - học trình 2 hay 3 năm - hay theo học trình 2 năm để chuẩn bị vào đại học. CEGEP tại Quebec có cả trường công lập và tư thục. Theo Association of Universities and Colleges of Canada, AUCC, có khoảng 175 trường cao đẳng, viện kỹ thuật, và CEGEP tại Canada. Có khoảng 900.000 sinh viên theo học toàn thời gian tại các trường này trong năm 2006.

Hệ thống đại học công lập tại Canada được xem tương đương với đại học ở các quốc gia Anh, Mỹ. Tại Canada, đại học tư là thiểu số – chỉ có ở 4 tỉnh bang Alberta (1), British Columbia (4), Manitoba (1) và New Brunswick (4) – và không phải là những đại học hàng đầu của quốc gia này. Đây là một điểm khác với đại học ở Hoa Kỳ (MIT, Harvard, Stanford, Princeton, v.v… những trường danh tiếng thế giới này là những đại học tư).

Tại Canada có 95 đại học và trường cao đẳng – hoạt động không vì lợi nhuận – cấp văn bằng bậc đại học là thành viên của Hội các Đại học và Cao đẳng Canada (Association of Universities and Colleges of Canada, AUCC). Theo AUCC, tính đến cuối năm 2009 có 870.000 sinh viên toàn thời gian theo học đại học, 733.500 sinh viên bậc cử nhân và 136.500 sinh viên bậc cao học và tiến sĩ.

Một con số đáng lưu ý, đã trở thành khuynh hướng ở đại học Canada từ nhiều năm qua: phụ nữ ghi danh vào đại học vượt xa số đàn ông với tỉ số 57/43. Trong năm 2008 số phụ nữ tốt nghiệp đại học nhiều hơn đàn ông, trừ ở bậc tiến sĩ. Cũng trong năm 2008, gần 8% sinh viên tốt nghiệp đại học là sinh viên nước ngoài (10 năm trước tỉ lệ này là 5%).

Tính đến năm 2008, hội viên của AUCC có 42.000 giáo sư giảng dạy. Năm 1976 tỉ số nữ giáo sư đại học là 1/7. Đến nay con số này đã tăng lên thành 1/3.

77.000 sinh viên ngoại quốc học toàn thời gian và 10.000 học bán thời gian đóng góp khoảng 6,5 tỉ đô-la vào nền kinh tế Canada. Đứng đầu bảng gởi sinh viên đến học tại Canada là các quốc gia Trung Quốc (15.000), Hoa Kỳ (7.400), Pháp (6.900), India (2.800), South Korea (2.600). [Trích Quick Facts, AUCC.]

Một cách đơn giản đại học tại Canada có thể xếp vào 3 loại:

• Đại học bậc cử nhân (Primary Undergraduate universities) là những đại học chú trọng về giáo dục bậc cử nhân và chỉ có một số ít chương trình cao học.

• Đại học có chương trình cao học, tiến sĩ và nghiên cứu (Comprehensive universities) là những đại học có nhiều khoa ở bậc cử nhân cũng như có hoạt động nghiên cứu ở bậc cao học, tiến sĩ và những chương trình cấp bằng chuyên nghiệp (professional degrees).

• Đại học tiến sĩ và y khoa (Medical Doctoral universities) là những đại học có rất nhiều khoa có chương trình tiến sĩ, hoạt động nghiên cứu năng động, và có trường y khoa.

Sau đây là bảng xếp hạng đại học Canada cuối năm 2014 do tạp chí MacLeans – tuần báo thời sự duy nhất của Canada. MacLeans bắt đầu xếp hạng đại học Canada mỗi năm từ năm 1991. Trong những cuộc xếp hạng hàng năm này, MacLeans dựa trên nhiều tiêu chuẩn khác nhau từ ngân sách chi dùng cho dịch vụ cho sinh viên, học bổng, thư viện, đến tỉ số sinh viên/giáo sư và mức ngân quỹ dùng cho việc khảo cứu do giáo sư của trường xin được, v.v…

Cũng trong những đánh giá hàng năm, tuần báo MacLeans không xét đến những đại học có dưới 1000 sinh viên theo học toàn thời gian, học những đại học có mục đích tôn giáo hay những sứ mệnh đặc biệt khác. MacLeans cũng không xếp hạng những đại học không là thành viên của Association of Universities and Colleges of Canada (AUCC).

Medical Doctoral universities

Trong hạng đại học này, trường McGill, dùng Anh ngữ trong chương trình giảng huấn, ở Montreal, Quebec đã đứng đầu bảng trong năm năm liên tiếp. McGill đạt được danh dự này một phần nhờ ở khả năng ban giảng huấn trong việc tìm được quỹ (từ chính phủ và tư nhân) dành cho nghiên cứu, và đoạt nhiều giải hàn lâm xuất sắc, phần khác do phẩm chất hàng đầu của sinh viên tốt nghiệp từ đại học này cũng như danh tiếng đã có từ trước.

Thứ hạng của ĐH TS&YK Canada. Nguồn: MacLeans.ca

Comprehensive universities

Trong loại các đại học comprehensive tại Canada, trường Simon Fraser đã hai năm liền đứng đầu bảng. SFU hoạt động tại 3 khuôn viên ở Burnaby, Surrey và Vancouver thuộc tỉnh bang British Columbia. Lý do SFU được xem là đại học hàng đầu cũng tương tự như McGill, và thêm vào đó là ngân sách chi tiêu của thư viện để mua sách mới hàng năm cho sinh viên và giáo sư sử dụng. 

Thứ hạng của ĐH Comprehensive tại Canada. Nguồn: MacLeans.ca
Primary Undergraduate universities

Ba năm liên tiếp đại học Mount Allison University đứng hàng đầu trong những đại học chú trọng về giáo dục ở bậc cử nhân. Đây là một đại học ở Sackville, một thị xã chỉ có trên 5000 dân nổi tiếng về nghề làm lò sưởi và bếp. Hiện nay Sackville ở tỉnh bang New Brunswick phát triển nhờ du lịch và sinh hoạt của trường Mount Allison.

Thứ hạng của ĐH bậc cử nhân tại Canada. Nguồn: MacLeans.ca
Giáo dục của các trường cao đẳng, học viện kỹ thuật để đào tạo chuyên viên trung cấp trong mọi ngành nghề dưới bậc cử nhân là một nhu cầu quan trọng để phát triển kinh tế quốc gia. Tại Canada điểm quan trọng này thể hiện rõ rệt qua tỉ lệ gần gấp đôi (175/95) giữa các trường cao đẳng và các viện đại học cũng như số người có tay nghề hay tốt nghiệp các trường kỹ thuật với giới có bằng cấp bậc đại học.

Tuy nhiên, đây không phải là thực tế của cộng đồng người Việt ở Canada. Theo thống kê quốc gia năm 2001 của Statistics Canada, số người Canada gốc Việt có trình độ cử nhân hay cao hơn là 13,1% gần như tỉ lệ 15,4% cho toàn dân số Canada nhưng ở ti lệ người có tay nghề và/hay tốt nghiệp cao đẳng trong cộng đồng người Canada gốc Việt chỉ có 15% và tỉ số này cho toàn dân Canada là 25,9%. Đến năm 2006, hai tỉ số này là 18,4% (người gốc Việt) và 30,4% (người Canada). Số người gốc Việt có bằng cử nhân hay cao hơn lại tăng lên 15,5% so với 12% cho toàn dân số Canada trong census 2006.

Thống kê mực độ giáo dục của người Canada gốc Việt và người Canada. Nguồn: StatCan
Quan niệm trọng khoa bảng của dân Việt vẫn còn, dù ở trong hay ngoài nước. Dân Việt thích làm thày hơn làm thợ, chuộng kỹ sư hơn cán sự, yêu bác sĩ hơn y tá, v.v…

Trong giai đoạn hiện nay, với sự có mặt của rất nhiều công ty nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, để dễ tìm được việc làm lương cao, sinh viên trong nước lại càng muốn có nhiều bằng cấp, học vị ‒ nhất là bằng cấp từ các cơ sở giáo dục nước ngoài. Do đó phong trào tư vấn du học mọc lên như nấm tại Việt Nam. Tiêu biểu là những sinh hoạt như “Cơ hội gặp gỡ 30 trường quốc tế tại triển lãm giáo dục Vieca 19” (http://snipurl.com/11ct54, Dân Trí, Thứ Ba, 16/03/2010, truy cập ngày 03/09/2010) hay “Du học Canada: Trường Đại học Cape Breton” (http://snipurl.com/11ct3f, Tư vấn Du học, 22 July 2010 15:19 AMEC, truy cập ngày 03/09/2010).

Nhưng bản tin “Trường Đại học An Giang tiếp đại diện trường đại học Centennial Canada” của Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế ‒ Đại học An Giang, đăng ngày 08/27/2010 do Trần Ngọc Phương viết có một số thông tin không chính xác:
Ngày vào ngày 23-8-2010, Trường Đại học An Giang và đại diện trường đại học Centennial, Canada đã họp nhằm hướng đến việc hợp tác Đào tạo Quốc tế giữa Trường Đại học An Giang và Đại học Centennial. Tham dự có Tiến sĩ Võ Văn Thắng và lãnh đạo các đơn vị liên quan của Trường Đại học An Giang; Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Đài Trang, đại diện Đại học Centennial, Canada.
Nội dung cuộc họp nhằm việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác đào tạo quốc tế giữa 2 Trường: 
Tiến sĩ Đài Trang đã có phần giới thiệu sơ lược về Đại học Centennial và cuốn sách về Bác Hồ do chính tiến sĩ thực hiện. Đại học Centennial rất mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của Trường như Đào tạo Quản trị Kinh doanh và Anh ngữ. Trường cũng cung cấp các ưu đãi cho sinh viên như học phí hợp lý, thời gian học tập ngắn, thông dịch viên cho lớp học và chỗ ở. Giới thiệu các chương trình đào tạo của Trường như chương trình sau Đại học 1 +1, Chương trình học liên thông bằng MBA do Đại học Centennial cấp, các nhu cầu đào tạo ngắn hạn của Trường. Sau phần trình bày, 2 Trường đã có những thảo luận mang tính xây dựng về các chương trình hợp tác tiềm năng và mong muốn thực hiện việc hợp tác trong tương lai gần. 
Đại diện 2 Trường sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận để kết quả hợp tác tốt nhất, phù hợp nhất với đặc điểm, thế mạnh của từng Trường.

Trước nhất, như bản tin Dân Trí nêu trên đã đăng tải, Centennial College là “trường Cao đẳng Centennial” ở Ontario Canada. Đây không phải là một đại học (university) theo nghĩa thường hiểu. Tuy nhiên, gần đây trường Centenial cũng có cấp một số bằng bậc cử nhân qua học trình 4 năm như: Computer and Communications Networking, Software Systems Design, Software Systems Design Bridging Program. Trường cao đẳng Centennial cũng có những chương trình cử nhân “in partneship với những đại học” [“liên thông” (?)] như Environmental Science & Technology, Journalism, Paramedicine, New Media Studies, Applied Microbiology với đại học Toronto Scaborough và Bachelor of Science Nursing với đại học Ryerson.

Điểm cần lưu ý ở đây, không như tin của Đại học An Giang đã đưa, những bằng cử nhân “liên thông” nêu trên do các đại học chứ không phải do trường cao đẳng Centennial cấp. Và chắc chắn, Centennial không được phép cũng như không có khả năng cấp bằng MBA (Master of Business Administration, Cao học hay Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh) vì đây chỉ là một trường cao đẳng.

Học trình cử nhân của Centennial College và những chương trình hợp tác với đại học tại đây.

Để bạn đọc có thêm thông tin về các trường cao đẳng, đặc biệt là tại Ontario – một tỉnh bang giàu mạnh và phát triển nhất Canada, sau đây là kết quả thăm dò với sinh viên đang học, sinh viên đã tốt nghiệp và gần 7000 nhân viên của 24 trường cao đẳng tại Ontario.

Kết quả là những bảng xếp hạng từ tỉ số sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm (sau 6 tháng), mực thoả mãn của sinh viên sau khi tốt nghiệp, mức hài lòng của các công ty thâu dụng sinh viên tốt nghiệp, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp, và độ thoả mãn của sinh viên với trường theo học, v.v…

Kết quả một cuộc thăm dò quy mô trên đây cho người đọc những thông tin tốt giúp sinh viên dễ dàng trong sự chọn lựa trường học đúng theo ý muốn của mình.

Một sự ngẫu nhiên, kết quả thăm dò giúp cho sinh viên Việt Nam đã đọc bản tin của Đại học An Giang về sự hợp tác với trường cao đẳng Centennial nhận thức được rằng thông tin của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Đài Trang không đáng tin cậy.

Trong cuộc họp với đại học An Giang TS Đài Trang thực sự đi quảng cáo sách tôn vinh ông Hồ Chí Minh, đi quảng cáo cho công ty tư vấn du học của bà (Canada Education Support) hay đại diện cho trường cao đẳng Centennial? Ở đây, trường Centennial, TS Nguyễn Hoàng Đài Trang chỉ là một giáo sư môn Kinh doanh.

Kết quả thăm dò cho thấy trường Centennial là một trong những trường cao đẳng kém về nhiều mặt nhất Ontario. Bạn đọc có thể xem thêm thông tin ở trang National Survey of Student Engagement 2014” tại MacLeans.ca.

Giáo dục là nền tảng xây dựng xã hội; những trường đại học, cao đẳng là trung tâm đào tạo chuyên viên, những thành tố căn bản để giúp cho dân giàu nước mạnh. Tuy thế, trong thời kỳ hội nhập với văn minh thế giới hôm nay, sinh viên Việt Nam muốn tiến thân bằng đường học vấn cần truy cập đủ thông tin đúng đắn để tránh bị những con buôn bất lương lừa đảo. Họ, những con buôn thiếu lương thiện có mặt khắp nơi, hoạt động ngay trong lòng những cơ sở giáo dục trong và ngoài Việt Nam.

Sau đây là một số địa chỉ, trang web, và tài liệu tin được và nên biết để chuẩn bị du học tại Canada.

(ii) Association of Universities and Colleges of Canada, 350 Albert Street, suite 600, Ottawa, Ontario K1R 1B1, Tel: (613) 563-1236
Fax: (613) 563-9745, E-mail: info@aucc.ca
(iii) Canada’s universities: a fact-filled guide for international students “Đại học Canada: tài liệu hướng dẫn sinh viên quốc tế” ‒ Bản pdf
(iv) The Council of International Schools. Higher Education Resource Center.

(Bổ túc dữ liệu 2014)

Giới tính, việc làm và giáo dục đại học. 

Nhiều phụ nữ có trình độ đại học nhưng phần lớn đi làm cùng ngành nghề

Nguồn: Draig Desson and Duk Han Lee, CBC News April 15, 2014 


© 2010 DCVOnline

Tham khảo:
(1) Higher education in Canada, http://en.wikipedia.org/wiki/Higher_education_in_Canada
(2) Association of Universities and Colleges of Canada, http://www.aucc.ca/can_uni/our_unive...s/index_e.html
(3) Council of Ministers of Education, Canada (CEMC), http://www.educationau-incanada.ca/index.aspx?lang=eng
(4) “Our 19th Annual Rankings”, Mary Dwyer, MacLeans.ca On Campus, November 5th, 2009, http://oncampus.macleans.ca/educatio...nual-rankings/
(5) “College Studen Survey 2010”, MacLeans.ca On Campus, http://oncampus.macleans.ca/educatio...-surveys-2010/
(6) Statistics Canada, Census 2001 và Census 2006

No comments: