Wednesday, December 14, 2005

Trai thừa gái thiếu

Trần Giao Thủy

Chỉ hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán - Khổng Tử, Luận ngữ (Chương 17, Dương Hóa, Luận 25). Only women and petty men are difficult to handle. Be close to them and they are not humble, keep them at arm’s length and they complain. Kong Zi, Lun Yu (Chapter 17, Verse 25).


Hiện trạng trai thừa gái thiếu tại Việt Nam ngày một gia tăng. Sau đây chỉ là một thoáng nhìn qua một vài số liệu, nguyên nhân, và những hệ quả và phản ứng có thể xẩy ra.


Tỉ số giới tính mất cân bằng


Người ta thường cho rằng Việt Nam hôm nay giống như Trung quốc 10 năm về trước; Ở một mặt, tốc độ chay theo của Việt Nam xem chừng nhanh hơn, chuyên viên thống kê của nhà nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận mực bất quân bình trong tỉ số nam nữ. Tỉ lệ trai gái (giới tính) đã cao hơn mức trung bình và ngày càng gia tăng nhanh.



Bruce Campbell, Recent change in the sex ratio at birth in Viet Nam, UNFPA Viet Nam, 2009
Sáu tháng đầu năm 2005, cứ mỗi 100 bé gái sơ sinh, có 111 bé trai. Tỉ lệ trung bình là 105:100/ trai:gái hay 1.05. Ở một vài vùng tại Việt Nam tỉ số này còn chênh lệch hơn nữa: An Giang thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long cứ một bé gái, có đến 1.28 bé trai. Đến năm 2004, lần đầu tiên Việt Nam có nhiều đàn ông hơn đàn bà trong tuổi trung bình, 20–24, khoảng tuổi lập gia đình. Đến khi thiếu nhi hôm nay trưởng thành khoảng chênh lệch sẽ lớn hơn nữa. Võ Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam – cơ quan làm thống kê này – nói ông không tin lắm về những phát hiện mới đó, và muốn thâm cứu thêm nữa. Tuy thế, những dữ liệu khác chứng tỏ khuynh hướng trai thừa gái thiếu là chính xác. Trong cuộc điều tra dân số 1999, tỉ số nam nữ là 1.07 hay cao hơn nữa ở vùng châu thổ sông Cửu Long.


Đa số mỗi đôi vợ chồng đều muốn có ít nhất một con trai vì phong tục Việt Nam con trai sẽ phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già (1), con gái được xem là một thành phần của gia đình chồng (rể là khách dâu là con, nữ nhân ngoại tộc). Mười năm trước đây trở về trước, cha mẹ không thể biết được giới tính của thai nhi. Ngày nay với công nghệ siêu âm đã sẵn có cùng lúc mức hủy thai ngày càng phổ cập.

Trong năm 2001, nhà nước CHXHCN Việt Nam ban hành sắc lệnh cấm nạo thai trên căn bản giới tính. Lệnh này rất khó chấp hành, không thực hiện được. Một số quan chức đề nghị chiến dịch tuyên truyền giáo dục quần chúng về tệ trạng kỳ thị nam nữ. Ông Lê Văn Diêu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng khích lệ cơ bản là điều cần thiết. Ông Diêu đề nghị miễn thuế hay phát thưởng cho nhưng cha mẹ chỉ có con gái.


Trên đây là một số thông tin theo The Economist ngày 3 tháng 12, 2005.


Nhìn lại một số thống kê của Trung quốc: năm 1964, tỉ số nam nữ tại đây ở mực trung bình 1.03–1.05, tỉ số này tăng lên 1.08 trong cuộc điều tra dân số năm 1982, 1.12 năm 1990, gần 1.16 năm 1995 và đến năm 2000 tỉ số này đã tăng gần đến 1.18; cũng như Việt Nam, ở các vùng xa, vùng sâu tỉ số này vượt lên đến 1.30 hay cao hơn (2). Tháng 3, 2004, Khalid Malik, điều hợp viên LHQ tại Trung Quốc lên tiếng báo động, cứ giữ mực sinh sản chênh lệch như thế này, TQ sẽ thiếu 60 triệu đàn bà trong vòng 10 năm nữa.


Trở lại với Việt Nam ngày nay, theo Phạm Bá Nhất – Vụ trưởng Vụ Dân số, ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em, một số tỉnh như Phú Thọ có tỉ số giới tính cao, lên tới 128 nam/100 nữ. Tại Hà Nội, tỷ lệ này là 112 nam/100 nữ. Điều đáng quan tâm là hiện tượng mất cân bằng giới tính xẩy ra khắp nơi. Ban Giám đốc bệnh viện Từ Dũ cho Tiền phong hay, 9 tháng đầu năm 2005 số trẻ sơ sinh ở đây là 14,710 trai/15,813 gái (tỉ số hơn 1.10).



Nguyên nhân


Một trong những lý do đưa đến nạn trai thừa gái thiếu tại Việt Nam là quan điểm hủ lậu do ảnh hưởng văn hoá Nho giáo, Khổng học, khinh thường giá trị và vai trò của phụ nữ trong xã hội.


Trọng nam, khinh nữ là một phần cốt lõi của văn hoá Á đông bàng bạc trong kinh điển Nho giáo, “Sinh con trai thì cho nằm giường, mặc áo đẹp, cho ngọc thạch làm đồ chơi. Sinh con gái thì cho nằm đất, lấy vải thô làm áo, cho ngói vỡ làm thứ tiêu khiển.” (Kinh Thi); hay “Chỉ hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán” (Luận ngữ, Khổng Tử).


Ngày nay, một số cha mẹ Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nên đã không ngần ngại nạo thai khi đã là con gái biết bằng siêu âm hay các công nghệ khác. Hẳn nhiên không phải tất cả mọi ca nạo thai đều để chọn giới tính. Những nguyên nhân khác là do sinh hoạt tình dục, kém giáo dục và hiểu biết về sinh lý của thanh niên, nạn mại dâm.


Dù chưa có số liệu chứng minh rõ tệ trạng xã hội này góp phần thế nào vào vấn nạn trai thừa gái thiếu, không thể không nói đến việc buôn bán phụ nữ và trẻ em đi làm gái mại dâm hay nô lệ tình dục ở xứ người. Theo VietnamNet ngày 19 tháng 10, 2005 trong bài “Kiều hối năm nay sẽ trên 3,8 tỷ USD” xác định “Đài Loan đang là một thị trường kiều hối tiềm năng bởi hiện có tới vài chục ngàn phụ nữ Việt Nam lấy chồng tại Đài Loan.”



Nạo thai


Sắc lệnh cấm phá thai (2001) đã không thành công trong việc cân bằng lại tỷ lệ nam nữ. Mới đây sở Y tế Hà Nội gửi văn bản cấm chẩn đoán lựa chọn giới tính thai nhi đến các bệnh viện thành phố và Trung tâm y tế các quận, huyện yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân tuân thủ, cũng không đạt được kết quả. Tại hội nghị lần thứ 130 của Tổ chức Y tế Công chúng Hoa Kỳ năm 2002, Trần Thị Phương Mai, Bộ Y Tế Việt Nam, báo cáo “Việt Nam có tỉ số phá thai cao nhất châu Á. Hàng năm có khoảng 1 triệu ca phá thai và đây là con số thấp hơn thực tế vì có rất nhiều ca do các dịch vụ nạo thai không hợp pháp, và không khai báo.”


Theo thống kê 1996 của Viện Alan Guttmacher, số phá thai tại Việt Nam tăng gấp 6 lần từ 1982 đến 1994. Tỉ lệ phá thai toàn quốc là 83 ca trong 1000 sản phụ, tỉ lệ cao nhất thế giới trong năm 1996. Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em báo cáo con số nạo thai là 1,500,000 ca trong năm.


Nguyễn Thị Như Ngọc, Phó Giám đốc bệnh Viện Hùng Vương tại Sài Gòn, và đồng nghiệp, trong bản báo cáo kết quả một cuộc nghiên cứu về phá thai (393 ca) tại hai bệnh viện thành phố ở tạp chí “International Family Planning Perspective” số 25(1): trang10–14 & 33, tháng 3, 1999 ghi nhận: tuổi trung bình của sản phụ 26.9, học vấn khoảng lớp 11.3 (chưa xong trung học cấp 3), mang thai khoảng 6 tuần, từ 33.6% mang thai lần đầu, 76.9% có chồng, 44.8% dùng 1 phương pháp ngừa thai, 46.8% đã phá thai.


Tình dục thanh niên – Gái mại dâm


Michael L Rekart, Giám đốc STD/AIDS Control, Vancouver, Canada trong bài báo cáo “Tình dục ở thành phố: thay đổi xã hội và bệnh truyền do tình dục ở Sài Gòn” (3) ở phần sơ lược về mạng lưới mại dâm tại TP, cho biết, theo thông tin của chính phủ, năm 1994 Việt Nam có khoảng 300,000 gái mại dâm; 70,000 hành nghề tại Sài Gòn, 13% dưới 20 tuổi. Có khoảng 4 triệu cuộc mua bán dâm hàng tuần trong năm 1994 theo Tạp chí Đầu Tư Việt Nam. Năm 1999, công an bố ráp quán karaoke, vũ trường, bars, nhà đấm bóp, tiệm hớt tóc tất cả 26,711 vụ. Trong số này 10,051 cơ sở vi phạm luật ngừa mại dâm, 670 quán bị đóng của, và một số khác bị cảnh cáo.


Gái mại dâm ở Sài Gòn có nhiều hạng chia theo mực thu nhập, thấp, trung và cao. Giá biểu trung bình: 5000 đồng VN (thủ dâm), 20,000–30,000 đồng VN (xào, không giao cấu), 60,000–80,000 đồng VN (đi mau, tối đa ½ giờ), 120,000–150,000 đồng VN (đi giờ) và 250,000–300,000 đồng VN (đi suốt đêm). Gái buôn hương hạng thấp nhất thường đứng đường gọi khách, sau đó là loại lái xe máy chạy quanh phố.



Gái mại dâm trung cấp thường làm việc ở quán bia ôm, tiệm hớt tóc, quán ăn nhỏ, họ phải trả chủ tiền thuê phòng hành lạc (khoảng 10,000 đồng VN). Các cô gái mại dâm này thường ít bị bắt hay bị hiếp dâm hơn các cô gái đứng đường.

Nguồn: Soha.vn
Gái gọi cao cấp có học hơn, ngoại hình bắt mắt dễ coi, thường làm việc ở vũ trường, quán karaoke, clubs. Họ thường là thư ký, thợ may, mẹ độc thân, hay chuyên viên trẻ. Gái gọi cao cấp có vài khách mỗi tuần hay hàng tháng, thu nhập của họ có thể lên đến 100 USD mỗi lần “đi” khách. Có mộ số gái gọi cao cấp ở với khách như “vợ thuê” – khách thường là doanh nhân đã có gia đình ở nước ngoài.


Theo Deutsche Press–Agentur, 2 March 1998, khoảng 2/3 quan chức nhà nước Việt Nam, dùng quỹ đen, mua dâm thường xuyên tại các quán bar, karaoke, hay nhà chứa. Lương Quốc Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Thể Dục Thể Thao, chỉ là một trường hợp. Theo Vũ Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2), “Tôi nghĩ rằng, không phải chỉ có một ông Lương Quốc Dũng. Vấn đề là những Lương Quốc Dũng khác chưa bị lộ mà thôi!”


Trong cùng báo cáo, Rekart đưa thêm một số dữ liệu về gái mại dâm: tuổi trung bình của gái đứng đường và gái gọi trung cấp trung bình 25–30 (trẻ là 15, già là 51). Những người hành nghề ở quán xá thường là lớp trẻ tuổi. Từ 25–50% hành nghề ngoài sinh quán –những vùng quê ven đô thị. Gái đứng đường thường là phụ nữ li dị, có tuổi, đã có con. 30–40% học xong sơ cấp, 5–20% thất học, phần còn lại đã học xong trung học hay đại học. Khoảng 25% có việc làm khác. Những người đã từng đi làm thường là nông dân, người lao động hay làm việc cần kỹ năng thấp. 50% những người này nói nghèo, nợ nần (của chồng, cha, anh em trai vì cờ bạc hay những nguyên nhân khác) là lý do chính khiến họ phải bán thân.


Việt Nam là một xã hội ảnh hưởng giáo lý nhà Phật, kinh điển Nho giáo: nền tảng và gắn bó gia đình thật sâu sắc, con gái phải còn trinh trước khi lập gia đình. Đàn ông lại phải chứng tỏ có kinh nghiệm về sinh lý và thường không kìm hãm được dục vọng. Theo báo cáo của Nguyễn Vũ Thượng và đồng nghiệp (4) ở Viện Pasteur Sài Gòn và London, tỉ số đàn ông có giao hợp trước hôn nhân là 17% và tỉ số của phụ nữ là 2.6%. Theo nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau như báo cáo năm 2002 của một nhóm nghiên cứu (5) do DANIDA, cơ quan Viện trợ Phát triển Denmark, tài trợ cho biết tuổi “mất trinh” trung bình là 19.


Xuất cảng phụ nữ


Đàn bà và thiếu nữ Việt Nam, đa số từ vùng đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, An Giang) và một số tỉnh dọc biên giới Trung quốc (Quảng Ninh), bị đưa sang các quốc gia láng giềng như Cambodia, People's Republic of China (P.R.C.), Hong Kong, Macau, Malaysia, Taiwan, Thailand, Singapore hay xa hơn nữa như cộng hòa Czech, the U.K. và Mỹ để phục vụ thị trường mại dâm và lao động rẻ tiền.

Theo “Báo cáo Buôn người của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Tháng sáu, 2005”, phần lớn phụ nữ Việt Nam bị lừa sang Taiwan vì việc làm hay đi lấy chồng. Nhà nước VN ước tính con số bị lừa khoảng 10% cô dâu Taiwan đã bị đánh lừa đi làm việc khác. Cha mẹ nghèo đói, nợ nần phải để con “đi làm” lấy vài trăm USD. Việc làm do chủ nợ, người quen hay các quảng cáo lừa bịp giới thiệu.


Cũng theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nhà nước CHXHCN Việt Nam dù có một số cố gắng đáng kể trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và truy tố các tổ chức buôn người nhưng vẫn chưa đạt đến tiêu chuẩn tối thiểu.


Tân Hoa Xã, 11 tháng 8, 2005 cho biết đa số phụ nữ Việt Nam bị bán sang Guangxi từ giữa thập niên 1980s đến giữa thập niên 1990s đều đi làm dâu của nông dân nghèo ở vùng sơn cước. Từ giữa thập niên 1990s đến nay phụ nữ Việt Nam bị xuất cảng sang Trung quốc để làm gái mại dâm. Theo UNICEF, trong những năm 1998–2001, có khoảng 60,000 phụ nữ Việt Nam bị bán qua biên giới sang vùng Guangxi. Từ 2001 đến nay cảnh sát Guangxi đã giải thoát 1800 phụ nữ Việt Nam, phá vỡ 100 tổ chức, bắt 200 người. Mới tù đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, 2005, họ lại bắt thêm 15 vụ bán phụ nữ và trẻ em Việt Nam, bắt 19 người, cứu 58 phụ nữ. Hiện nay có 26 phụ nữ đang đợi ở biên giới, chờ trở lại Việt Nam.


Theo HumanTrafficking.org Việt Nam (Lê Hồng Anh, Bộ Trưởng Công An) và Cambodia (Ing Kantha Phavi, Bộ trưởng Bộ Phụ Nữ Vụ) định ký “Hiệp định Loại trừ nạn Buôn Phụ nữ và Trẻ em và Giúp đỡ Nạn nhân” vào giữa tháng 10, 2005.


Hiện nay, theo ước tính không chính thức, có khoảng 15,000 gái mại dâm tại Phnom Penh, 35% là gái nhập cảng, đa số từ Long An, An Giang, Sông Bé, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Sài Gòn. Tú bà và chủ nhà chứa trả cho bọn buôn người khoảng 350–450 USD cho mỗi trẻ em 16 tuổi hay nhỏ hơn; gái không còn trinh hay xấu hơn bị bán theo giá 150–170 USD (“Children of the dust,” viết lại theo ‘Children of the Dust,’ của Mikel Flamm and Ngô Kim Cúc, Bangkok Post, 23 February 1997).

Theo Tổ chức Nhân Quyền Thế Giới và UNICEF, “Vietnam Child Sex Trade Rising,” tin của AP 24 tháng 9 1998 thì 1/3 số gái mại dâm (55,000) tại Cambodia dưới 18 tuổi và đa số là con gái Việt Nam.


Hệ lụy


Tranh cãi về việc chọn giới tính, thích có con trai hơn đã bắt đầu từ những năm đầu của thập niên 1990s khi Amartya Sen cảnh báo cho thế giới biết đến vấn nạn thiếu phụ nữ trên thế giới – vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất là châu Á, mất khoảng 100 triệu đàn bà, theo ước tính của một vài nhà khoa học xã hội. Amartya Sen cùng nhiều nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng một xã hội nhiều đàn ông hơn sẽ trì trệ, làm chậm tiến diễn trình phát triển dân chủ và kinh tế.


Gần đây lại thêm hai nhà nghiên cứu Chính trị học cho rằng nạn “trai thừa” không những có thể đưa đến những tác hại xã hội khó lường và mà còn khả năng gây mất ổn định chính trị, có khả năng gây chiến tranh trong tương lai.


Hudson, Valerie M. và Andrea M. den Boer (6) cảnh báo rằng thế hệ “đàn ông thừa” này sẽ khó tìm được vợ. Lịch sử, sinh học, và xã hội học đã đưa ra giả thuyết những người này sẽ nâng cao số gây tội ác và làm bất ổn xã hội. Hudson và den Boer còn cho rằng để giải quyết vấn đề, các quốc gia có dư đàn ông sẽ phát triển những đạo binh lớn hơn để làm khóa mở an toàn cho thế hệ “trai thừa” này. Hudson cho rằng “Có thể Trung quốc sẽ mở cuộc chiến đẫm máu để thanh niên có thể anh dũng hi sinh cho một mục đích cao cả nào đó.” – Thống nhất Taiwan, dậy Việt Nam thêm một bài học khác hay dằn mặt Nhật Bản để trả thù?


Dĩ nhiên, Hudson và den Boer không thuyết phục được tất cả nhà nghiên cứu khác; tuy nhiên, David T. Courtwright – dậy môn sử tại đại học Florida, phần nào đồng ý và cho rằng Hudsson và den Boer rất có lý trong quan điểm cơ bản nối kết nhân khẩu học với vận mệnh xã hội. Trong quyển “Vùng đất bạo động” (7), ông đã dẫn chứng miền Tây Hoa Kỳ bạo động vì chênh lệch giới tính.

Trong những khảo cứu thời còn là sinh viên, Hudson đã ghi nhận những cuộc nổi dậy ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 19 thường xẩy ra ở các vùng có nhiều đàn ông hơn và den Boer, đã chú tâm nghiên cứu về hiện tượng diệt thiếu nhi phái nữ. Hai tác giả cũng đưa ra tương quan trực tiếp giữa nạn “trai thừa” với tệ trạng xã hội, như nhậu nhẹt say bí tỉ, cờ bạc, tội ác bạo lực, tăng trội ở những vùng quê tại Ấn độ.


Tương tự, hai nhà Tâm lý học Canada, Neil I. Wiener và Christian G. Mesquida (8), cũng cho rằng bạo động, bất ổn xã hội tương liên chặt chẽ với tỷ số (Male Age Ratio, MAR) thanh niên (15–29 tuổi) và đàn ông 30 tuổi trở lên (trung niên với người già). Xã hội sẽ bất ổn định khi có tỉ số thanh niên cao. Wiener và Mesquida cho rằng nhóm thanh niên đông đảo này sẽ tạo “liên minh gây hấn” để tranh giành “khu kiểm soát” và tìm vợ. Hai tác giả Canada này hoàn toàn chia sẻ lo ngại của Hudson và den Boer về bất ổn ở vùng Đông Á, Wiener cho rằng “hàng triệu đàn ông không vợ có khả năng gây bất ổn định xã hội rất trầm trọng.”


Phản ứng - Chuyện gì đang xẩy ra ở Việt Nam?



“Những cô gái ấy phải thử thời vận ở nước ngoài vì họ không có cơ hội tại đây.” Phụ nữ Việt Nam đi lấy chồng xa xứ vì đàn ông Việt Nam kỳ thị và ngược đãi họ quá. “Nhiều người, nhất là đàn ông miền quê cho mình là chúa và vợ là đồ sở hữu – Bạo hành thể chất và tinh thần với phụ nữ xẩy ra thường xuyên, trước công chúng, đặc biệt ở các vùng quê. Trước tình cảnh ấy thì lấy chồng ngoại quốc còn đỡ khổ hơn.” 
Đấy là ý kiến của Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội trả lời Inter Press Service về việc hội chợ Thương mại Singapore mới đây đem cô dâu Việt Nam ra bầy hàng.


Andrew Lâm ở bài “Vietnam's global human trafficking an inhuman epidemic” trên San Francisco Chronicle, ngày 21 tháng 8, 2005 cho thấy phản ứng của một vài phụ nữ Sài Gòn về vấn nạn các nàng Kiều ngày nay. Một nữ sinh viên 19 tuổi nghĩ, 
“Đâu phải ai cũng trở thành gái mại dâm hay bị chồng hành hạ. Tôi biết có ngươi trở về rất giàu có. Ừ, cô ấy là một người may mắn, nhưng thà thế còn có nhiều cơ hội hơn ở lại Việt Nam.” Một thiếu nữ khác, “Cha mẹ và anh anh em không có miếng ăn, ông phải làm gì chứ.” Một ý kiến khác cho rằng “Chỉ có gái quê mới làm chuyện này thôi. Con gái thành phố không ai đi đâu. Làm ruộng cực lắm; hơn nữa, ai dám nói chồng Việt Nam không đánh đập vợ như các ông Đại Hàn hay Đài Loan?”

Như ông Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội lý luận, như phụ nữ Sài Gòn đánh giá, Trần Phương Bình – Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á cho hay, cuối tháng 10 vừa qua, Đông Á cử một đoàn cán bộ sang Đài Loan để xúc tiến việc mở văn phòng đại diện tại đây. Nhất trí cùng nhau không để “phần tử xấu lợi dụng chính sách kiều hối của ta chuyển tiền về nước với mục đích giúp đỡ bọn phản động chống phá Nhà nước...” như nhận định mới đây trong công văn gửi chính phủ của Ngân hàng Nhà nước.


Như thế, sự nghiệp làm gái quốc tế của phụ nữ Việt Nam sẽ vô cùng bền vững để phát triển mạnh mẽ nguồn (Thuý) Kiều hối, lấy “vốn tự có” của phụ nữ Việt Nam làm vốn đầu tư, kinh doanh sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì (Thuý) Kiều hối, vì dollars, chênh lệch giới tính, thừa thanh niên là hệ quả tự nhiên.


Đến hôm nay chưa có gì thay đổi về chức vô địch của Việt Nam về mức phá thai trên toàn thế giới; không kể nạo thai vì trọng nam khinh nữ hay vì kiến thức sinh lý kém, thanh niên mua dâm nhiều hơn, sớm hơn (lập gia đình trễ hơn, khó lấy vợ hơn), thiếu nữ bán dâm nhiều hơn (vì nghèo đói, nợ nần, vì không có việc làm) – tất cả đều làm trầm trọng thêm việc chênh lệch giới tính hiện đã sẵn có.


Còn nhóm “trai thừa” của nước Việt Nam, họ đang làm gì? 
“Không thiếu gì những thanh niên không lo học hành gì cả. Ở vùng thành thị, người dân rất bất bình trước cảnh nam nữ thanh niên đua xe gắn máy và có khi cả đua xe ô tô. Các cửa hàng Internet tưởng đâu là nơi học sinh sinh viên (HSSV) lên mạng toàn cầu tìm tài liệu học tập, mở mang kiến thức. Nhưng đâu phải thế! Chúng ta cứ đến xem bất cứ quán Internet nào chung quanh các trường đại học lớn ở Hà Nội hoặc TP HCM và các tỉnh lỵ có trường đại học, đều thấy HSSV ngồi chơi game và chat, thậm chí xem phim đồi trụy cài trên mạng của cửa hàng. Rất nhiều quán Internet mở cửa 24/24 giờ phục vụ cho HS trung học và SV mê game, bỏ cả học hành. Trong khi đó ở nông thôn hiện nay còn nhiều thanh niên không đi học cho hết cấp phổ thông cơ sở, số khác lo tụ ba tụ bảy chơi đùa, phá phách hàng xóm, nhậu nhẹt, cờ bạc...” 
Mới đọc thoáng qua, không để ý Hà Nội hay TP HCM, người ta tưởng đây là thí dụ của Hudson và den Boer về tệ nạn xã hội tại Ấn Độ. Không phải, đấy là ý kiến cuả Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng đại học An Giang, bàn về lối sống của thanh niên hiện nay đăng ngày 24/09/2005 trên Thanh Niên Online.


Phóng sự bút ký “Tan nát vì nhậu” trên báo Người Lao Động, bản điện tử đăng ngày 5/9/2005, kể một câu chuyện tiêu biểu về trình độ nhậu nhẹt của đàn ông Việt Nam. Đây cũng chỉ là một trong trăm ngàn mẩu chuyện về tệ nạn xã hội khác, đăng tràn mặt báo trong nước.

Chị H, , chủ quán, đon đả: “Bán gì thì lỗ chứ bán quán nhậu là xây nhà lầu”. “Vậy sao chị sang quán?” – tôi hỏi ngược lại. H. chuyển giọng ngậm ngùi: “Chồng chị nó phá. Chị làm bao nhiêu là y đốt vào rượu chè, cờ bạc nên mới ra nông nỗi!”

21 giờ, một cặp nam nữ tấp vào quán. Phục vụ kháo nhau: “Đố mày hôm nay có đánh không? Hôm qua chưa đánh đó”. Thì ra đây là cặp tình nhân ruột của quán, đêm nào cũng ghé để chờ mấy tay anh chị khu Lăng Cha Cả ra nhậu. Người phụ nữ tên Hà nhưng được kèm thêm 2 chữ Hàn Quốc vì đôi mắt luôn bầm đen y chang mấy cô người mẫu Hàn Quốc trang điểm tông màu lạnh. Kẻ gây ra đôi mắt kiểu Hàn Quốc bất đắc dĩ chính là người tình ngồi bên cạnh. Cứ mỗi lần Hà lên tiếng đòi về, gã... thoi một phát vào mắt vì cái tội dám hỗn láo. T., nhân viên phục vụ, cho biết: “Con mắt trái vừa bớt bầm thì con mắt phải ăn đấm. Có hôm mắt mở không lên tưởng mù.”

Kết quả nghiên cứu tháng 8- 2005 (trên 334 bệnh nhân bị tai nạn giao thông trong Tết Nguyên đán 2005) của BV Chợ Rẫy, ghi 32% người bị tai nạn giao thông có nồng độ rượu vượt mức cho phép. Trương Văn Việt, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết “Xu hướng thích uống rượu đang tăng cao ở người trẻ tuổi. 50% người bị tai nạn giao thông nằm trong độ tuổi lao động, khoảng 23 đến 40 tuổi. Số người trẻ tuổi, từ 15 đến 22 tuổi uống rượu, gây tai nạn giao thông chiếm 25%.”


Trước những tha hoá cùng cực của xã hội: thanh niên sinh hoạt tình dục bừa bãi, rượu chè, cờ bạc, phá phách, đồi trụy, đàn bà và con gái Việt Nam đi làm gái quốc tế, quan chức nhà nước CHXHCNVN đang làm gì? Theo Vũ Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương đảng CSVN, 
“Hiện nay, tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhất là những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân của một số (chắc chắn không ít) cán bộ công chức đang làm cho nhân dân bất bình, lo lắng và giảm lòng tin đối với Đảng.”


Ánh sáng cuối đường hầm?


Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số và số liệu (Tổng cục Thống kê, 1999), MAR của Việt Nam (15–29/30+) ở vùng thành thị là 73.4, tương đối thấp. Tuy thế, tỉ số trai gái dưới 15 tuổi (năm 1999) đã chênh lệch bất lợi, nhưng vẫn chưa đáng ngại bằng tỉ số giới tính trẻ sơ sinh năm 2005 như báo động ở The Economist – 3 tháng 12, 2005.


Câu hỏi liên hệ trực tiếp hẳn nhiên là nhà nước CHXHCN Việt Nam đã có biện pháp gì hay sẽ có phương án nào, giải đáp nào cho vấn nạn “trai thừa gái thiếu” hiện nay đang tăng nhanh? Luật lệ, nghị định ngăn cấm nạo thai đã thất bại, chưa thông tin và hướng dẫn đúng mức về sinh lý cho thanh niên. Phương án bài trừ mại dâm chỉ là đồ làm cảnh, quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là quốc gia cung cấp gái mại dâm, mọi sắc lệnh, nghị quyết giảm trừ tệ trạng xã hội, kể cả tham nhũng vẫn hoàn toàn vô hiệu. Tiếp tục cổ xúy, khuyến khích xuất cảng cô dâu Việt Nam vì nguồn kiều hối.


Nhà nước VN cũng nên đặc biệt quan tâm đến chuyện nhân quả để mà lo liệu. Việc thanh niên nhậu nhẹt say sưa, cờ bạc, nợ nần, vũ phu bạo lực – là nhân, là cause – khiến con em (gái) không thèm lấy chồng Việt Nam, bỏ đi làm dâu quốc tế hay nô lệ tình dục toàn cầu, cùng lúc phát triển nâng tiềm năng (Thúy) kiều hối lên tầm cao – là quả, là effect. Nhưng cái vòng nhân quả này vẫn quay tiếp, chính vì thiếu đàn bà mới sinh thêm đám thanh niên say sưa, cờ bạc, vũ phu, chơi bời trác táng, đĩ điếm tràn lan,…

Xã hội Việt Nam đang tiến dần điểm bất ổn định – không phải vì phần tử xấu giúp đỡ bọn phản động, bọn cơ hội chính trị, bọn cực đoan, bọn tù cách mạng tha, nói xấu nhà nước và đảng. Việt Nam mất ổn định từ xã hội đến chính trị vì tập hợp lớn thanh niên không vợ – không được như các quan đại thần trong triều đình Hà Nội, năm thê bẩy thiếp, hay lắm bạc nhiều tiền đi mua gái như ông phó Thượng thư Lương Quốc Dũng – nên nhậu nhẹt, cờ bạc, say sưa, phá làng, phá xóm, đua xe, đâm chém là chuyện nhỏ, họ còn khả năng làm nhiều chuyện động trời khác nữa.


Không chuẩn bị từ bây giờ, không khéo nhà nước CHXHCN Việt Nam, nếu còn tồn tại đến 2020, có nhiều khả năng phải phát triển quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng để giao chiến với quân đội giải phóng nhân dân anh hùng Trung Quốc trong trận đánh bảo vệ thủ đô Hà Nội anh hùng và anh hùng tái chiếm đảo Phú Quốc đấy?


Nhà nước Việt Nam cần tỉnh táo hơn, không nên phí thì giờ cán bộ đi bắt nạt các ông cụ hay nhà tu trên 80 tuổi như ông Hoàng Minh Chính, HT Quảng Độ, HT Huyền Quang, hay truy bức và bỏ tù người trung niên như các ông Đỗ Nam Hải, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Ngọc Thạch, MS Nguyễn Hồng Quang. Hãy chú trọng vào thanh niên, thiếu nữ Việt Nam, vào tương lai đất nước, vào mầm non dân tộc – dũng cảm dân chủ hoá cơ chế chính trị, chấp nhận tự do báo chí, tôn trọng nhân quyền, sinh hoạt đa nguyên, đa đảng, trả lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân Việt Nam.


© 2005 DCVOnline

(http://www.danchimviet.com, 14/ 12/ 2005)


Chú thích:
(1) Và cũng vì cơ chế của cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có khả năng (TGT)
(2) Nicholas Eberstadt, “Power and Population in Asia”, Policy Review, February and March 2004 (Data from United Nations Population Division, World Population Prospects: The 2002 Revision Population Database)
(3) Michael L. Rekart, “Sex in the city: sexual behaviour, societal change, and STDs in Saigon”
(4) Thuong NV, Nhung VT, Nghia KV, Tram LT, O'farrell N. (2002) “HIV in female sex workers in five border provinces of Vietnam”, Pasteur Suite, Ealing Hospital, London UB1 3HW, UK. ofarrell@postmaster.co.uk.
(5) The Consultation of Investment in Health Promotion, Vietnam; Institute of Anthropology, Denmark, 2002, “Assessing the Vietnam Situation: HIV/AIDS Communication in Context”,
(6) Hudson, Valerie M. and Andrea M. den Boer. “Bare Branches: The Security Implications of Asia's Surplus Male Population.” Cambridge, Mass.: The MIT Press, May 2004.
(7) David T. Courtwright, “Violent Land: Single Men and Social Disorder From the Frontier to the Inner City”, Harvard University Press, 1996
(8) Neil I. Wiener, Christian G. Mesquida, “Male Age Composition and Severity of Conflicts”, Politics and the Life Sciences, 18(2), 181-189, 1999

No comments: