Monday, August 1, 2005

Hồi ức và suy nghĩ - Giới thiệu

Trần Giao Thủy

TQC3.jpg
Tập hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của tác giả Trần Quang Cơ (1920-) lưu chuyển trong nước từ đầu năm 2003. Tác giả (1) nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, thành viên Đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hội nghị Paris (68-73) về Việt Nam.
Trước khi làm việc tại Bộ Ngoại Giao (1954), Trần Quang Cơ là sĩ quan quân đội nhân dân giảng dạy tại trường Cao Đẳng Ngoại Giao. Ông là cán bộ ngoại giao suốt 44 năm (54-97) - 1964 làm bí thư thứ nhất ở Đại Sứ Quán Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Indonesia - 1966 Trần Quang Cơ trở lại Hà Nội, 1976 phụ trách Vụ Bắc Mỹ rồi chuyển sang vụ Âu Châu trước khi sang làm Đại Sứ tại Thái Lan vào năm 1982. Được đưa vào Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986; ròng rã 12 năm kể từ 1979, ông Trần Quang Cơ tham gia các cuộc thương lượng nhằm giải quyết chiến tranh tại Cambodia. Sau chiến tranh Việt Nam, ông tham gia cuộc đàm phán bình thường hoá quan hệ với ba nước Hoa Kỳ, Liên Xô, và Trung Quốc. Tháng hai 1991, ông xin rút ra khỏi danh sách đề cử vào Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII nhưng không được chấp thuận. Tháng Bẩy cùng năm ông gặp Tổng Bí Thư Đỗ Mười xin không nhận chức bộ trưởng ngoại giao thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch. Cuối năm 1993, ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ, ông tự ý xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. 

Trong chiều hướng đi tìm những đối thoại thẳng thắn giữa cựu thù, McNamara đề nghị những học giả và cựu lãnh đạo cuộc chiến hai bên cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ cùng ngồi xuống duyệt lại những quyết định trong cuộc chiến nhằm hiểu rõ để khả dĩ rút được những kinh nghiệm lịch sử, thực dụng cho toàn cầu qua “bài học Việt Nam”. Sáu hội nghị như trên đã diễn ra tại Hà Nội từ tháng 11, 1995 đến tháng 2, 1998; Hội nghị thứ 7 thực hiện tại Viện Rockefeller ở Bellagio, Italy.

Ông Trần Quang Cơ, Nguyễn Cơ Thạch và một số học giả, tướng lãnh và cựu lãnh đạo CHXHCN Việt Nam đã tham dự chuỗi hội nghị này, quan trọng nhất là hai hội nghị chính vào tháng 6, 1997 và tháng 2, 1998.

Tập tài liệu này ghi lại nhiều dữ kiện quan trọng về quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa lớn nhỏ, với Hoa Kỳ và khối ASEAN cũng như những tranh chấp trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. 

Ghi lại những thông tin nổi cộm về các vấn đề của Việt Nam cận đại sau hơn bốn mươi năm mắt thấy tai nghe - được giữ kín-mật, chưa bao giờ phổ biến - cùng với những suy nghĩ của một cán bộ cộng sản trung kiên, tập hồi ký này sẽ phần nào giúp các nhà quan sát, những người cầm bút, thêm tài liệu phân tích cục diện Việt Nam những năm sau cuộc nội chiến và những tháng ngày trước mặt. 

Dù ở ngàn năm trước hay ngay thời đương đại, quan hệ Việt- Trung lúc nào cũng là nỗi quan ngại của người Việt Nam, nhất là trước những mất mát, thiệt hại, đe dọa lớn đến chủ quyền và tài nguyên Việt Nam trong những năm gần đây dọc đường biên giới phía Bắc cũng như ở Vịnh Bắc Việt và cả vùng Biển Đông của Tổ Quốc; tập tài liệu này chỉ rõ một số hệ quả của tư duy và cách ứng xử của những người có trách nhiệm an dân bảo quốc trong những thập niên cận đại. Đấy là những bài học quý giá cho tất cả mọi người Việt quan tâm đến vận mệnh dân tộc.

Phụ đính, mục lục, tất cả những cước chú, minh hoạ và chú thích ở loạt tài liệu nhằm giúp người đọc dễ hiểu hơn và để tra cứu thêm khi cần.

Tập “Hồi ức và suy nghĩ” này đã đăng ở trang Vietdemocracynetwork.net từ tháng 2, 2004. Sau đó đăng trên Tạp chí Truyền Thông Communications số 14 & 15, Mùa Đông - Mùa Xuân 2005 (2). Đây có thể là ấn bản đầu tiên hoặc duy nhất lưu hành tại hải ngoại.

Mục lục “Hồi ức và Suy nghĩ” 

  • Hồi ức và Suy nghĩ
  • Việt Nam trong thập niên 70 của thế kỷ 20 (1), (2)
  • Một nhiệm kỳ đại sứ không tẻ nhạt
  • Đại hội “đổi mới” 
  • CP87 và 3 tầng quan hệ của vấn đề Campuchia 
  • Từ chống diệt chủng đến “giải pháp đỏ”? 
  • Một bước tự cởi trói: đa dạng hoá đa phương hoá quan hệ 
  • Trung Quốc uốn mình để thích nghi với thế cực 
  • Hiệp 1 của Hội nghị quốc tế Pa-ri về Campuchia 
  • Đặng Tiểu Bình tiếp Kaysone Phomvihan để nói với Việt Nam 
  • Thuốc đắng nhưng không dã được tật 
  • BCT đánh giá cuộc đàm phán tháng 6, 1990 
  • Một sự chọn lựa thiếu khôn ngoan 
  • Cuộc gặp cấp cao Việt-Trung tại Thành Đô 03-04/09/1990 
  • Thành Đô là thành công hay là thất bại của ta? 
  • Ai là người đáng lý ra phải nhớ dai? 
  • Món nợ Thành Đô 
  • Những vấn đề về tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại còn có tranh luận 
  • Đại hội VII và cái giá phải trả cho việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc 
  • Hiệp 2 của Hội nghị quốc tế về Campuchia 
  • Kết thúc một chặng đường nhưng lịch sử chưa sang trang 
  • Phụ lục 
  • Những thách thức đe dọa an ninh và phát triển của ta có thể xuất xứ từ đâu và dưới những dạng nào? 
  • Nguy cơ lớn nhất và thúc bách nhất đe dọa an ninh và phát triển của ta là từ đâu? 
  • Kiến nghị đối sách 
  • Bảng niên đại

(1) Ảnh ông Trần Quang Cơ (Nguồn: vietnamnet.vn, 2007)
(2) P.O. Box 101 Jean-Talon Station, St-Leonard, Canada, H1S 2Z1

No comments: