Friday, August 5, 2005

Việt Nam trong thập niên 70 của thế kỷ 20 (2)

Trần Quang Cơ

ZbigniewBrzezinski.jpg
Rõ ràng năm 1977 chính quyền Carter thực sự muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và năm 1977 đã có khả năng thực tế để ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng ta đã bỏ qua. (Hình bên: Zbigniew Brzezinski, Cố vấn Anh ninh Quốc gia của TT J. Carter)
Trong khi đó, theo sự xúi dục của Bắc Kinh, chính quyền Pol Pot bắt đầu chiến tranh biên giới từ ngày 20 tháng 4 và đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với ta ngày 31/12/1977.

Từ đầu năm 1978, quan hệ giữa 3 nước lớn Mỹ-Xô-Trung bắt đầu chuyển từ hình thái đối đầu từng đôi một sang hình thái Mỹ-Trung câu kết chống Liên Xô. Liên Xô nhân thế yếu của Mỹ sau thảm bại ở Việt Nam ra sức tăng cường ảnh hưởng ở Á-Phi và Mỹ la tinh bằng học thuyết “chủ quyền hạn chế” của Brejnevi. Tại Châu Á, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan (1979), đồng thời thực hiện chính sách bao vây Trung Quốc. Cũng từ năm 1978, Mỹ đẩy nhanh quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (từ tháng 2/1978), khi Kissinger đi thăm Bắc Kinh, TQii và Mỹ đã ký thoả thuận lập Cơ quan liên lạc ở thủ đô 2 nước với quy chế như một sứ quán. Nước cờ “chơi lá bài Trung Quốc để ngăn chặn Liên Xô” của cố vấn an ninh quốc gia Z. Brzezinskiiii đã dần dần lấn lướt chủ trương của ngoại trưởng Cyrus Vance và R. Holbrooke là “thúc đẩy song song việc cải thiện quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc”. Ngày 23/8/78, trong lúc Mỹ đàm phán về bình thường hoá quan hệ với ta ở Pa-ri, ngoại trưởng Mỹ C. Vance đã đi thăm Bắc Kinh. Cho đến khi Đặng Tiểu Bìnhiv tuyên bố “Trung Quốc là NATO phương Đông” và “Việt Nam là Cuba phương Đông” (19/5/1978) và Brzezinski đi thăm Trung Quốc (20/5/1978) thì chính quyền Carter đã chọn con đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và gác sang bên việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.

Ngày 21 tháng 8 năm 1978 Quốc hội Mỹ còn cử một đoàn 7 hạ nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, do hạ nghị sĩ Dân chủ G.V. Montgomery, chủ tịch Ủy ban POW/MIA, dẫn đầu sang Việt Nam chủ yếu để trao đổi với thứ trưởng Phan Hiền về vấn đề tìm kiếm “người Mỹ mất tích trong chiến tranh” (MIA). Ta đã trao trả cho Mỹ một số bộ hài cốt để tỏ thiện chí hợp tác trong vấn đề MIA. Và theo yêu cầu của họ, tôi đã dẫn đoàn Montgomery đi miền Nam, thăm thánh thất Cao Đài và một trại người Campuchia tị nạn chiến tranh ở biên giới Tây Ninh. Đây là lần đầu tiên ta cho phép một đoàn Mỹ chính thức thăm thành phố Hồ Chí Minh kể từ khi giải phóng miền Nam.
nguyencothach.jpg
Sau đó chừng một tháng, tôi sang Nữu-ướci để tiếp tục cuộc đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Cuộc đàm phán vòng 4 về bình thường hoá quan hệ Việt Nam-Mỹ không kéo dài nhiều năm 1977 ở Pa-ri. Lần này trưởng đoàn đàm phán của ta là thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạchii (Hình bên: Nguyễn Cơ Thạch, trưởng đoàn Việt Nam trong hội nghị với học giả Hoa Kỳ và McNamara về chiến tranh Việt nam tại Hà Nội, tháng 6/1997. Nguồn: lbrownalumnimagazine.com). Còn phía Mỹ vẫn là R. Holbrooke. Đến lúc này khi ta quyết định rút bỏ đòi hỏi “Mỹ phải bồi thường chiến tranh - viện trợ 3,2 tỷ đô-la - mới bình thường hoá quan hệ” và nhận công thức “bình thường hoá quan hệ không điều kiện” của Mỹ thì đã muộn. Sở dĩ Mỹ tiếp tục đàm phán vấn đề bình thường hoá với ta lúc đó là chỉ nhằm làm Việt Nam chập chững trong quan hệ với Liên Xô và trong vấn đề Campuchia, trong khi đó Mỹ đã chuyển hướng sang phía Trung Quốc. R. Holbrooke nói với ta: Mỹ coi trọng Châu Á; Mỹ cần bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Nhưng Mỹ lo ngại Liên Xô đặt căn cứ ở Cam Ranh.

Trong khi chờ đợi phía Mỹ trả lời dứt khoát về vấn đề bình thường hoá quan hệ, khoảng hạ tuần tháng 11, anh Thạch về Hà Nội trước, còn tôi vẫn ở lại Nữu ước để giữ cầu. Ngày 30/11/1978, R. Oakleyiii, trợ lý ngoại trưởng Mỹ, trả lời sự thúc dục của tôi, còn nói: Mỹ không thay đổi lập trường bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, nhưng phải chậm lại vì cần làm rõ 3 vấn đề CPC, Hiệp ước Việt-Xô và vấn đề người di tản. Rồi họ trao cho tôi tấm ảnh toà nhà của sứ quán ngay trên đường R. ở Hoa-thịnh-đốniv, nói là sẽ trao trả ta toà nhà đó làm trụ sở đại sứ quán, yêu cầu ta cung cấp sơ đồ ngôi nhà cũ của tổng lãnh sự quán Mỹ tại đường Tràng Thi (?) Hà Nội.

Tôi ở lại Nữu ước mãi tới cuối tháng 1/1979, sau khi ta đưa quân vào Campuchia giúp bạn đánh đuổi Polpot giải phóng Nông-Pênhv. “Các cuộc nói chuyện Mỹ-Việt Nam về bình thường hoá đã tan vỡ do cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam” (Cyrus Vance 9/1/1979). Tôi nghĩ, thực ra Mỹ đã quyết định dứt bỏ quá trình đàm phán bình thường hoá quan hệ với ta từ khi ta tham gia khối COMECONvi và ký Hiệp ước hữu nghị với Liên Xô (3/11/1978), để bắt tay với Trung Quốc chống Liên Xô ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Việc Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ (29-30/1/1979) đánh dấu việc bình thường hoá quan hệ Mỹ-Trung Quốc, cũng là chính thức xếp lại việc bình thường hoá quan hệ Việt Nam-Mỹ tới 17 năm sau. Trong khi gặp Carter ở Hoa-thịnh-đốn, Đặng Tiểu Bình đã tỏ ý sẽ tiến công vào Việt Nam và không gặp phải phản ứng bất lợi nào từ phía Mỹ. Theo Brzezinski, trong cuộc hội đàm với Carter hôm 29/1, Đặng yêu cầu có sự cộng tác giữa Mỹ và TQ để chống Liên Xô. Còn Carter có phần thận trọng hơn, đồng ý có những cuộc tham khảo chặt chẽ giữa hai nước để chặn chủ nghĩa bành trướng của LX nhưng thận trọng tránh đề cập tới đề nghị của Đặng. Sau đó, ngày 26/2/1979, Carter có nêu 6 nguyên tắc xử sự khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam: Mỹ không can thiệp trực tiếp; khuyến khích các bên tự kiềm chế; Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam, cuộc xung đột không đe dọa lợi ích trước mắt của Mỹ; không đặt lại vấn đề bình thường hoá với Trung Quốc; quyền lợi đồng minh của Mỹ không bị đe dọa. Cũng từ đó, cuộc xung đột CPC và quan hệ với Việt Nam đã được đặt trong khuôn khổ của mối quan giữa 3 nước lớn Mỹ-Xô-Trung. Và cũng từ đó Mỹ gắn vấn đề quan hệ Mỹ-Việt Nam với quá trình giải quyết vấn đề CPC.

Là nhân chứng lịch sử và cũng là người trực tiếp tham gia các hoạt động ngoại giao này với tư cách là vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ ngoại giao, trực tiếp tham gia đoàn đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Mỹ ở Pa-ri năm 1977 rồi ở Nữu ước năm 1978, tôi thật sự đau xót vì ta đã bỏ lỡ mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt Nam trong hoà bình để tập trung phát triển đất nước sau bao năm chiến tranh, lỡ cơ hội san bằng khoảng cách với các nước cùng khu vực. Trong tập hồi ký của mình (From Third world to Firstvii-Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất). Lý Quang Diệuviii đã nhận xét: “Năm 1975 thành phố Hồ Chí Minh có thể sánh ngang với Băng-cốcix. Nhưng nay (năm 1992) nó tụt lại đằng sau tới hơn 20 năm”.

Việc ta từ chối lời đề nghị bình thường hoá quan hệ không điều kiện” của Mỹ, làm cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức khu vực này, theo tôi, đã đưa lại những hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước ta. Liệu Trung Quốc có dám tiếp tay cho bọn diệt chủng Polpot khiêu khích ta và có dám đánh ta năm 1979 nếu như Việt Nam sau Chiến thắng 1975 có một chiến lược “thêm bạn-bớt thù” thực sự cầu thị hơn? Việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ và việc gia nhập khối ASEAN mãi ngót 20 năm sau (1995) ta mới thực hiện được một cách khá chật vật.

Theo tôi, tư duy đối ngoại có phần cứng nhắc của ta lúc ấy quả đã không theo kịp bước chuyển biến của chính trị thế giới thể hiện qua sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn sau sự kiện Việt Nam 1975, để dám có những quyết sách linh hoạt kịp thời đem lại lợi ích to lớn lâu dài cho dân tộc ta. Ngược lại, việc ta bỏ lỡ cơ hội bình thường hoá quan hệ với Mỹ lúc này đã khiến Việt Nam gần như đơn độc trước một Trung Quốc đầy tham vọng.

Còn với Trung Quốc, sau khi có Hiệp định Pa-ri 1973, Trung Quốc có lợi ích duy trì nguyên trạng ở Đông Dương, nhất là việc Việt Nam chia cắt thành hai miền dưới hai chế độ chính trị khác nhau là phù hợp với ý đồ lâu dài của họ ở Đông Nam Á. Sau khi đi thăm Trung Quốc về, thượng nghị sĩ Mỹ K. Mansfield báo cáo trước Quốc hội Mỹ (1/2/1975): Trung Quốc tán thành để hai nước Việt Nam tiếp tục tồn tại. Trung Quốc cho rằng một nước Campuchia thống nhất, trung lập là điều chủ yếu trong một Đông Dương ổn định.


hoangsa74b.jpg
Ảnh của Đào Dân (Khoá 18 SQHQ/NT) tham gia trận hải chiến Hoàng Sa 19/01/1974 trên Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ-16
Từ 1973, đã xảy ra những va chạm ở biên giới Việt-Trung. Năm 1974, Trung Quốc chiếm ngon lành nốt phần còn lại ở quần đảo Hoàng Sa của ta. Có người cho rằng chỉ sau khi ta ngả hẳn theo Liên Xô thì Trung Quốc mới chống ta. Song sự thật là các hoạt động thù địch của Trung Quốc đối với Việt Nam đã xảy ra từ trước khi Việt Nam tham gia khối SEVi (tháng 6/1978) và ký Hiệp ước hữu nghị với Liên Xô (tháng 11/1978). Tháng 12 năm 1975, sau khi thăm Trung Quốc qua Pa-ri, H. Kissinger nói: Mỹ đang tính toán việc sử dụng Trung Quốc để hạn chế ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực.

Nét đặc trưng của giai đoạn 1975-78 là Campuchia trở thành tiêu điểm của sự đối đầu giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Việt Nam được Liên Xô ủng hộ. Sự đối đầu ấy trở thành xung đột quân sự ngay từ tháng 5/1975 và phát triển lên thành cuộc chiến tranh biên giới Tây-Nam nước ta. Trong khi trả lời phỏng vấn, ngày 8/1/1978 tôi đã nhận định: Điều lý thú đây là trường hợp đầu tiên của một cuộc chiến tranh qua tay người khác giữa Liên Xô và Trung Quốc; xung đột giữa Việt Nam được Liên Xô ủng hộ và CPC được Trung Quốc ủng hộ.

Như vậy chỉ qua 4 năm sau khi giải phóng được đất nước, ta lại bị xô đẩy vào cuộc chiến thảm khốc ở Campuchia, đối đầu ngay với Trung Quốc, kẻ đã từng là đồng minh chiến lược của ta trong 30 năm chiến đấu chống xâm lược phương Tây. Sau hai cuộc kháng chiến gian khổ, dân ta mới chỉ được hưởng mùi vị của chiến thắng và hoà bình êm ả chưa đầy 5 năm. Vết thương chiến tranh chưa lành thì đã lâm vào cảnh nửa hoà bình nửa chiến tranh. Chiến tranh chống Mỹ tuy gian khổ khốc liệt song Việt Nam còn có được mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ, còn trong cuộc chiến đấu chống diệt chủng Polpot thì Việt Nam hầu như hoàn toàn cô lập. Các nước cùng khu vực lo sợ Việt Nam sau khi “hạ xong” Campuchia sẽ phát huy sức mạnh quân sự ra cả Đông Nam Á. Còn Trung Quốc ra sức vu khống “Việt Nam xâm lược Campuchia và có mưu đồ lập “Liên bang Đông Dương” để làm chủ cả Lào lẫn Campuchia, xoá mờ tính chất “chống diệt chủng” của việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia.

Cũng thời gian này, do những khó khăn kinh tế-xã hội chồng chất của thời kỳ chiến tranh chưa được tháo gỡ, lại bị bao vây cấm vận bên ngoài nên trong nước đã nảy sinh ra tình trạng “vượt biên” trốn ra nước ngoài của một bộ phận dân chúng ở cả miền Nam lẫn miền Bắc, tạo thêm gánh nặng về đối ngoại cho ta, bôi đen thêm hình ảnh Việt Nam trên quốc tế. Vấn đề Campuchia và vấn đề “thuyền nhân” (boat people) lúc đó quả là hai gánh nặng trên mặt trận đối ngoại của ta trong thập niên 80 của thế kỷ 20.

Nửa cuối của thập kỷ 70 này là thời gian ta chồng chất nhiều sai lầm về đối ngoại nhất trong suốt lịch sử dựng nước sau cách mạng (từ 1945 đến nay):

  • Ta không khôn ngoan duy trì mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc và Liên Xô, nhân tố cực kỳ quan trọng đảm bảo thắng lợi của ta trong kháng chiến chống Mỹ.
  • Bỏ lỡ cơ hội bình thường hoá quan hệ với Mỹ, năm 1977, khi chính quyền Carter đã chủ động đề nghị hai bên bình thường hoá quan hệ không điều kiện.
  • Đánh giá sai và không gia nhập khối ASEAN ngay từ 1976 khi cả 6 nước này đều mong muốn ta tham gia vì lợi ích của mỗi một quốc gia và của chung khu vực.
  • Dính líu sâu và lâu vào vấn đề Campuchia.

Những sai lầm này có hệ quả liên quan chặt chẽ với nhau, gây thiệt hại lớn cho ta về đối ngoại, về an ninh quốc phòng, về phát triển kinh tế trong một thời gian dài.



i Leonid Ilyich Brezhnev (1906-1982)
ii Trung Quốc
iii Zbigniew Brzezinski (28/03/1928-) Warsaw, Poland, trở thành công dân Canada, rồi công dân Hoa Kỳ (1958); cố vấn cho các chính phủ của đảng Dân Chủ từ những năm 60; Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của TT Carter
iv Deng Xiaoping (1905-1997), cha đẻ của “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” tại Trung Quốc vào cuối thập niên 70
v New York
vi Tên thật là Phạm Văn Chương (1920-1998), thư ký riêng của Võ Nguyên Giáp (1945-49); Tổng Giám Đốc ở Bộ ngoại giao (1954); Tổng Lãnh Sự tại India (1959) vào Trung ương đảng từ 1976, Thứ trưởng thứ nhất (1979), Bộ trưởng Ngoại Giao từ 1986 đến khi “về hưu” năm 1991.
vii Robert B. Oakley, Deputy Assistant Secretary of State for East Asia and the Pacific (02/1977)
viii Washington, D.C.
ix Phnom Penh, thủ đô Cambodia
x The Council for Mutual Economic Assistance
xi From Third World to First: The Singapore Story, 1965-2000, Lee Kwan Yew, HarperCollins, 10/01/2000
xii Lee Kwan Yew, Thủ tướng đầu tiên của Singapore sau ngày độc lập (1959-1990)
xiii Bangkok, thủ đô Thailand
xiv SEV, Hội đồng hỗ trợ kinh tế (COMECON, CMEA, CEMA: COuncil for Mutual ECONomic assistance)

No comments: