Wednesday, March 16, 2005

Chuyện những lá cờ



Tản mạn
...ngẫu hứng giữa bạn bè
tháng 3, 2005


Đôi Dòng


Người Việt khó có thể lạc quan về việc sớm có một lá cờ chung cho cả nước, thỏa mãn ước mong của cộng đồng người Việt trong cũng như ngoài nước khi Việt Nam vẫn còn chế độ độc tài chuyên chính.



Cờ Canada


Dùng từ ngày 15 tháng 2, 1965. Trước đó John Cabot (Giovanni Caboto, một nhà thám hiểm Anh gốc Venise) đặt chân đến Canada (gần Labrador, Newfoundland, hay đảo Cape Breton) vào năm 1497 mang theo lá cờ chữ thập của Thánh George. Khi Jacques Cartier, nhà thám hiểm Pháp đặt chân đến Canada, tuyên bố chủ quyền của Pháp (1534 – 1760s) ở đây, tuy có nhiều loại cờ của quân đội Pháp dùng trong thời gian này nhưng lá cờ hoa Huệ chiếm vị trí nổi bật hơn cả.

Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ thứ 18 (1760s), lá cờ chính thức của Anh quốc lúc ấy (thường gọi là Union Jack: chữ thập đỏ Thánh George và chữ thập chéo của Tô Cách Lan) bay khắp miền bắc châu Mỹ đến tận vùng Vịnh Mexico. Lá cờ này được xem là cờ chính thức của Canada United Empire Loyalists. Sau Hòa ước Liên hiệp năm 1801 giữa Anh và Ái Nhĩ Lan, chữ thập chéo (dấu nhân đỏ) của Ái Nhĩ Lan được kết hợp với Union Jack thành lá cờ Anh quốc hiện nay.

Lá cờ Union Jack bản mới được dùng khắp lãnh thổ Bắc Mỹ của Đế quốc Anh và Canada ngay cả sau khi Canada đã trở thành quốc gia liên bang vào năm 1867. Đến năm 1707, Hồng Kỳ (The Red Ensign) chào đời với Union Jack ở góc cao bên trái. Đây là cờ của thương thuyền Anh quốc. Thêm hình kkiên biểu tượng của Ontario, Quebec, Nova Scotia và New Brunswick vào góc phải, Hồng Kỳ trở thành quốc kỳ của Canada từ năm 1870 đến 1904. Đến năm 1924, quốc kỳ Canada thay khiên (lúc này đã có biểu tượng của 7 tỉnh bang) bằng huy hiệu của Canada.

Năm 1925 quốc hội Canada đã bắt đầu tìm kiếm một biểu tượng khác cho quốc kỳ Canada. Hơn 20 năm trôi qua, lá cờ vẫn chỉ là chuyện bàn bạc, đến 1946 một ủy ban quốc kỳ ở quốc hội Canada được trách nhiệm nhận mẫu quốc kỳ; uỷ ban này nhận được 2600 mẫu cờ nhưng cũng chưa được quốc hội biểu quyết. Vào năm 1964, chính phủ Pearson trình quốc hội ước muốn có một lá cờ biểu trưng cho cả nước nhân dịp Canada sắp được 100 tuổi (1967). Một uỷ ban quốc kỳ của Thượng-Hạ Nghị viện lại được thành lập. Ngày 15 tháng 12, 1964 quốc hội Canada chọn lá cờ với biểu tượng lá phong đỏ (trong ba mẫu cờ sau cùng) là quốc kỳ mới cho Canada.

Chuyện lá cờ Canada từ ngày chưa lập quốc đến hiện tại cho thấy việc chọn một biểu tượng cho quốc gia là cả một tiến trình, là đóng góp của nhiều nguời.
  • Ý muốn có cờ cho cả nước có từ 1925; Canada đã cần bốn mươi năm thảo luận và làm việc để có lá cờ hiện tại.
  • Riêng năm 1946 đã có 2600 mẫu cờ
  • Hai màu trắng đỏ mang ý nghĩa lịch sử và văn hoá (Vua George V tuyên bố trắng đỏ là quốc sắc của Canada, 1921; Trắng Đỏ cũng là màu biểu trưng cho lòng phục vụ dùng trên huy chương thời Nữ Hoàng Victoria)
  • Lá phong đỏ trên nền trắng là biểu tượng lực sĩ Canada đã mang trên áo từ Thế vận hội 1904.
Và quan trọng hơn hết trong lịch sử hình thành lá cờ ngày nay của Canada là tính dân chủ trong tiến trình ấy.

Lịch sử Canada, nói chung là một lịch sử thanh bình, những tranh cãi chính trị thường bắt nguồn ở phạm trù “chủ quyền” văn hoá Anh và Pháp. Với những khác biệt không có nguyên cớ từ chiến tranh, từ thù hận hay từ ý thức hệ; Canada, một quốc gia tiên tiến trên làng thế giới ngày nay, đã phải bỏ rất nhiều công sức để hòa giải những dị biệt văn hoá (gốc Anh, Pháp, Thiên chúa giáo, Anh giáo) những bất bình đẳng kinh tế (giàu nghèo giữa các tỉnh bang), hoà hợp ở một quốc hội liên bang, thu nhận ý kiến của toàn dân đi đến đồng thuận cho cả nước. Chủ tịch thượng viện Canada, Maurice Bourget, trong ngày lịch sử 15/2/1965, đã phát biểu: “Lá cờ này là biểu trưng cho sự thống nhất, đoàn kết, vì lá cờ, không một mảy may ngờ vực, đại diện cho toàn dân cả nước Canada, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, lòng tin hay quan điểm.”


Cờ vàng hay cờ đỏ?



Nói chuyện Canada, nước mình, lại ngẫm đến chuyện nước Việt Nam ta.


Cách đây đã hơn 10 năm, cộng đồng người Việt hải ngoại đã một lần tranh cãi về câu chuyện lá cờ; Từ đầu năm 2004, những thảo luận về lá cờ, thường là gay gắt, nhiều cảm tính, đã trở lại với người Việt Nam sống ở nước ngoài: Cờ vàng hay cờ đỏ? Cờ là biểu tượng của quốc gia? của một chế độ? hay cờ cũng là di sản của một cộng đồng? Những lá cờ, trong câu chuyện, thường không được xếp vào đúng vai trò và chức năng của nó; Những tĩnh từ vinh quang”, “chiến thắng” thường đựợc dùng cạnh lá cờ như chỉ để xỉa xói, mỉa mai; mặt khác, cờ chính nghĩa”, cờ “dân tộc” thường được dùng làm vật phòng thân của người gốc Việt, nhất là những đồng bào ở vùng Nam, Bắc California.

Lá cờ cũng làm không biết bao trẻ em gốc Việt dở khóc dở cười khi làm bài liên quan đến nhân văn, địa lý thế giới. Không biết bao nhiêu trẻ gốc Việt đã bị bạn học cùng màu da, cùng chủng tộc “calling names”, bị ông (thường là ông, ngoại hay nội đều có) mắng mỏ và đấy cũng là một hình thức “names calling” khác.

Những năm gần đây câu chuyện lá cờ (trong cộng đồng người Việt, nhất là tại Hoa Kỳ) lại trở thành đề tài nóng; cãi ngày chưa đủ, tranh thủ cãi cả đêm; cãi trên internet bằng thư, cãi trên Paltalk bằng lời. Tại sao đã hơn 10 năm trôi qua, chuyện lá cờ lại trở lại với cộng đồng người Việt ở Mỹ?

Một trong những động cơ đưa đẩy đến tranh cãi là việc gần đây một số chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ ký nghị quyết, đưa sắc luật công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của cộng đồng, thuộc một phần di sản của người Mỹ gốc Việt tại những địa phương ấy. Đây là sự thật. Nếu sự việc ngừng ở đấy thì làm gì có tranh cãi.

Toà lãnh sự, toà đại sứ, bộ ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam đùng đùng săn tay áo, phùng mang trợn mắt phản đối, vận động các chính quyền địa phương và cả chính quyền liên bang Hoa Kỳ “dẹp bỏ” những công nhận cờ vàng ba sọc đỏ mà họ cố tình gọi trệch đi là cờ của chế độ cũ (không như văn bản công nhận lá cờ vàng là di sản của đa số dân địa phương gốc Việt).

Cùng lúc, một số đồng bào ta ở Hoa Kỳ, cũng vắn ống quần, nhẩy lên bục tuyên bố lá cờ vàng là lá cờ dân tộc (có người còn cho là cờ này có từ thời hai bà Trưng [1]), là lá cờ của chính nghĩa quốc gia; và một tổ chính trị cơ sở tại Nam California còn bạo miệng tuyên bố sẽ cắm cờ vàng ba sọc đỏ tại Ba Đình, Hà Nội vào năm 2005.

Cộng đồng nguời Việt ở Hoa Kỳ dĩ nhiên không phải là một khối đồng nhất; có những quan điểm mềm mỏng hơn cho rằng việc công nhận lá cờ vàng ở Mỹ không quan trọng, “it’s an emotional issue, not fact” tuy vẫn sẵn sàng đứng nghiêm chào lá cờ vàng khi có dịp [2]. Dĩ nhiên cũng có quan điểm trong cộng đồng Việt Nam hoan hô, đồng ý với chính quyền địa phương công nhận lá cờ vàng là một phần di sản của người Mỹ gốc Việt.

Trung sĩ tiểu đoàn 2-103 thiết giáp xa Hoa Kỳ, anh Bùi Thanh Thảo, 32 tuổi đã xin phép thượng cấp treo lá cờ vàng ba sọc đỏ cùng với cờ Hoa Kỳ nhân ngày lễ Lao Động, 6 tháng 9, 2004, trước căn cứ tại Baghdad. Anh Thảo viết “On my behalf, and for all the U.S. Army Vietnamese-American soldiers who are participating in the fight against terrorism in the world, I have never forgotten my heritage and will follow the footsteps of my forefathers in continuing the fight for freedom and democracy. We, the younger generation, will never forget what our fathers and uncles have gone through. We are always supportive of a stronger Vietnamese community as well as the Golden Flag with three stripes that needs to fly where a Vietnamese community is present.”

Một quan điểm khác nghĩ rằng lá cờ không phải là ưu tiên hàng đầu (trong cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam hiện nay). Khi đất nước Việt Nam dân chủ, thực sự đa đảng đa nguyên, quốc hội lúc ấy sẽ hội ý toàn dân để chọn biểu tượng cho cả quốc gia.

Câu chuyện cờ đỏ cờ vàng mới đây lại có thêm vài sự cố tiếu lâm; một nhân vật gọi là “vận động nhân quyền và dân chủ” đề nghị, trong một nhóm thảo luận riêng qua internet, dùng cả hai lá cờ vàng và đỏ trong sinh hoạt người Việt hải ngoại. Lời đề nghị này “vô tình” lọt ra diễn đàn đại chúng; nghe nói, sau đó nhân vật “vận động nhân quyền và dân chủ” này ở luôn trong nhà vài tháng chờ sự việc nguôi ngoai mới trở lại sinh hoạt “vận động nhân quyền và dân chủ”.

Chuyện thứ hai là chuyện trang www.saigonbao.com, nơi nối kết rất nhiều trang web thông tin, chính trị, văn học nghệ thuật, trong cũng như ngoài nước và của cả quốc tế. Một hôm trời đông giá rét, trang chủ “chơi nổi” treo luôn hai lá cờ vàng cờ đỏ tréo nhau ở hai bên đầu trang nhà. Vì không phải là người chuyên nghiệp về tin học trang chủ “lỡ” để cả điện thoại cùng điện thư ngay cổng chính của trang. Những ngày sau đó gia đình và trang chủ nhận vô số điện thoại, điện thư đủ loại từ hăm dọa đến chửi rủa, công kích, từ ngữ phong phú vô biên. Bực mình, trang chủ Saigonbao bèn đóng cửa vài ngày, nhưng rồi www.saigonbao.com cũng trở lại phục vụ cộng đồng Việt Nam ở internet.

Hai mẩu chuyện trên cho thấy cái không khí và ứng xử dân chủ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài nó chẳng ăn nhậu gì đến pháp luật quốc gia (Canadian, British Columbia law and jurisdiction) nơi trang chủ www.saigonbao.com sinh sống hay cả bắc Mỹ; chuyện đề nghị dùng hai cờ vàng đỏ hay treo hai lá cờ chắc chắn không vi phạm bất cứ luật lệ nào của các quốc gia dân chủ; những việc thế này cùng lắm chỉ là những faux pas không đáng quan tâm trong “vận động nhân quyền và dân chủ” hay những cú “chơi nổi”, “chọc gai” chứ nào phải những đề án nghiêm túc đề nghị với đồng bào sau nhiều năm tháng trăn trở.

Đấy là một vài quan điểm của người Việt hải ngoại, miền Bắc Mỹ, Tây Âu hay ở Úc; còn đồng bào ta ở Ba Lan, ở Tiệp, ở Ukraina, họ nghĩ gì về lá cờ? Những anh bạn ở vùng này cho biết sang Ba Lan cầm cờ vàng đi giữa chợ có thể bị hành hung như chơi. Đồng bào Đông Âu, đại đa số lớn lên trong lòng xã hội chủ nghĩa, đa phần là người đi làm lao động, vẫn còn dùng hộ chiếu nước CHXHCNVN, với họ, cờ Việt Nam, lá cờ “vinh quang”, lá cờ “chiến thắng” là lá cờ đỏ sao vàng.

Chuyện cờ đỏ cờ vàng, không phải chỉ xảy ra ở nước ngoài. Mới đây, đầu năm 2005, ở phi trường bên Tây có một bà (gọi là) đi tu, trên đường về Việt Nam, trả lời báo giới Pháp là “Nhiều lá cờ của chế độ cũ được dấu sau những ngôi chùa này. Chúng tôi không có tham vọng chính trị.” (“The flags of the old regime are hidden behind some of these churches. We have no political ambitions.”) [3] khi được hỏi tại sao một số phong trào tôn giáo không được phép hoạt động tại Việt Nam. Không hiểu bà (gọi là) đi tu này có nhìn thấy những “lá cờ của chế độ cũ” dấu ở những ngôi chùa ấy, hay bà chỉ nói cho hợp tai chính quyền Hà Nội, nơi bà sắp đáp tàu bay về chơi. Thứ đến, bà (gọi là) đi tu này lại gián tiếp quy chụp những giáo phái đang bị nhà nước CHXHCNVN không cho phép sinh hoạt là những người có “tham vọng chính trị” còn bà và nhóm của bà thì không. Theo “đạo Bụt” của bà, ăn nói như thế, bà hẳn đã phạm giới “vọng ngôn”.

Theo một anh bạn ở Sài Gòn, cùng lúc phái đoàn những người đi tu vẫn ở Việt Nam, tại dinh Thống Nhất tức là dinh Độc Lập cũ nơi Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà làm việc, một du khách người Việt đã trèo lên nóc phất cờ vàng ba sọc đỏ. Dĩ nhiên anh du khách này bị bắt ngay sau đó, cờ vàng bị tịch thu. Chẳng hiểu anh du khách này có “tham vọng chính trị” gì mà trèo lên dinh Thống Nhất giữa Sài Gòn phất lá cờ vàng?

Chuyện hiển nhiên, người Việt khó có thể lạc quan về việc sớm có một lá cờ chung cho cả nước, thỏa mãn ước mong của cộng đồng người Việt trong cũng như ngoài nước khi Việt Nam vẫn còn chế độ độc tài chuyên chính. Tuy thế, những dòng tản mạn trên cho thấy ngay cả khi đất nước Việt Nam đã bắt đầu sinh hoạt dân chủ lành mạnh như một xã hội dân sự, những yêu cầu hòa giải về văn hóa, xã hội, kinh tế hay chính trị giữa những khối nguời trong cộng đồng dân tộc: kinh, thiểu số, dân chủ, cựu cộng sản, cộng sản, giàu nghèo, nông dân, công nhân… cần và sẽ chiếm nhiều thời gian để tiến đến hòa hợp rồi đồng thuận dân tộc. Từ cơ bản ấy, những diễn trình dân chủ, bầu chọn ở quốc hội mới có cơ hội thành công để tìm được một lá cờ cho Việt Nam ở thời dân chủ, trong thế kỷ thứ 21.

Muốn, mơ về một lá cờ khác xa với việc tìm được một lá cờ chung cho cả nước và lá cờ ấy cũng vẫn có thể thay đổi theo thời đại.

Tháng 3 năm 2005


Ghi chú:
[1] “cỡi voi phất lá cờ vàng”
[2] “Lá Cờ”, Phạm Văn Thạch, tháng 3, 2005
[3] Buddhist monk heads home to Vietnam after 38 years in exile

No comments: