Friday, August 22, 2008

Từ huy chương vàng đô vật tới cây vú sữa Cà Mau


Trà Mi


 
The Olympics are about sport, not politics. Nói cứ như thật!
Hơn mười ngày qua dù muốn bưng tai nhắm mắt để không nghe, không nhìn và do đó sẽ không thể nói gì về cái Thế vận hội ở bên Tầu quả không phải dễ.
 
Mở báo đọc tin tức hôm nay ngay trang nhất chạy “tít” (cựu) thủ tướng Jean Chretien phê bình thủ tướng Harper của Canada đã sai lầm khi không sang Beijing dự lễ khai mạc Olympic 2008. Sáng thứ Hai, Jean Chretien nói với báo giới ở Quebec, trước sức mạnh kinh tế và dân số Trung Quốc hôm nay mà Harper không tham dự lễ khai mạc là sai tỏng tòng tong, sai đứt đuôi con nòng nọc rồi. Chán cái gì đâu ấy. Nhờ ông tí, ới ông Giăng (Jean) ơi. Từ ngày biết cầm lá phiếu tự do, dù chưa bao giờ bầu cho cái đảng của Harper, nhưng nghĩ cho cùng từ ngày ông là thủ tướng thì chính sách ngoại giao của Canada đối với các nước độc tài cộng sản có vẻ khác xưa. Ít nhất trên mặt nổi là như thế.
 
Năm 2006, trên đường đến tham dự Hội nghị APEC tại Hà Nội, thủ tướng Harper nói, “Canada muốn phát triển giao thương với thế giới. Nhưng tôi không tin rằng người Canada chúng tôi muốn bán khoán các giá trị Dân chủ, Tự do và Nhân quyền để lấy đồng đô la”. (Trích Không bán Dân chủ lấy đô la, DCVOnline, 19/11/2006).


Đã từ lâu, Harper tuyên bố ông sẽ không dự lễ khai mạc Thế vận 2008 tại Bắc Kinh. Đây là một chọn lựa chính trị của Harper trong vai trò người lãnh đạo Canada. Một lựa chọn khác của thủ tướng Harper là đã gặp gỡ, đón tiếp Dalai Lama một cách thân thiện, cởi mở và rất “hoành tráng” vào mùa Thu năm ngoái. Tuyên bố về dân chủ hồi APEC 2006, đón tiếp người lãnh đạo tinh thần của Tibet mùa Thu rồi và không “thèm” đi coi phim pháo bông giả ở Bắc Kinh năm nay có lẽ không làm nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (gọi tắt là Trung cộng) không hài lòng cho lắm với ông thủ tướng trẻ của Canada này. Không hoan hỉ, không hài lòng cũng là quyền của các ông Tầu cộng sản.


“Tôi không phải lúc nào cũng ứng xử như Tổng thống Bush,” Harper nói thế và ông cũng cho rằng ông Giăng hơi đạo đức giả khi lên lớp phê bình. Jean Chretien là thủ tướng Canada từ 1993 đến 2003 đã chỉ tham dự khai mạc Thế vận Atlanta (1996) và không có mặt ở Lillehammer, Nagano, Sydney và Salt Lake City.

Trên DCVOnline cả tuần nay từ các tranh hí hoạ của Babui đến các tác giả khác như Trần Khải trao huy chương vàng bộ môn gian lận cho Trung Quốc hay Phương Duy gọi hội lớn ở Beijing là trò hề; hiền lành nhất là bản dịch của Giang, bài báo “The Beijing Olympics - China’s dash for freedom” (Thế vận Beijing - Cuộc chạy nước rút của Trung Quốc tới đích tự do) trên tờ Economist cuối tháng Bẩy cũng vạch rõ Trung Quốc dùng Thế vận 2008 để phục vụ trước nhất quyền lợi chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc và sau đó là đề cao chủ nghĩa dân tộc (Hán) cực đoan. Và dĩ nhiên, diễn đàn DCVOnline không thiếu ý kiến bạn đọc ở những bài vừa nêu.

Nói đến những nét tiêu cực của Olympic Beijing có lẽ không khi nào hết; nói chuyện chính trị của nước cộng sản độc tài đang làm kinh tế thị trường như Trung Quốc cho gọn trong một bài báo là chuyện người viết không đủ khả năng. Thôi thì nói chuyện “Thế vận là thể thao” vậy.

Từ huy chương vàng đô vật... - Hôm thứ Ba 19 tháng 8, Henry Cejudo đã đoạt huy chương vàng giải đô vật tự do, hạng 55 Kg, về cho Mỹ. Với cường quốc như Hoa Kỳ, ngày 19/08/2008 đang có 79 huy chương, trong đó 26 là huy chương vàng thì mề đai vàng của Henry Cejudo có gì đáng chú ý?

Câu chuyện nạm vàng của Henry không phải chỉ giới hạn ở khung thảm ở trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc. Hình ảnh Henry khoác lá cờ hoa đã làm rúng động giới đô vật quốc tế. Trong giải vô địch thế giới năm 2007, Henry Cejudo đứng hạng thứ 31; Huấn luyện viên Kevin Jackson của đội tuyển thủ đô vật tự do Mỹ gọi Henry là “tương lai của đô vật”. Nhận định này đã bị hất ngửa trên thảm đấu tại Beijing. Chỉ vào huy chương vàng trên ngực, Henry nói “xin gọi tôi là hiện tại (của đô vật)”.

Hai mươi mốt tuổi, ngay hiệp đầu Henry đã vật ngã Radoslav Velikov người Bulgaria, vô địch thế giới năm 2006. Giới đô vật cho rằng Henry sẽ thắng ở Olympic 2012 hay 2016. Và Henry đã làm mọi người chưng hửng khi anh tung Tomohiro Matsunaga của Nhật Bản bật ngửa trên thảm đấu ở trận chung kết.



Henry Cejudo. Nguồn: time.com

Cejudo, cái họ nghe rất hạp với quốc gia mang tên Hợp chủng Quốc, và Henry chỉ cao hơn 1 mét 62 một chút xíu. Tuổi trẻ của Henry là cả một chuỗi nhọc nhằn. Henry là con của một phạm nhân chuyên nghiệp, Jorge Cejudo, một người cư dân bất hợp pháp từ Mexico City, vào tù ra khám như đi chợ. Sau 4 năm ở miền Nam Los Angeles, mẹ Henry đã dẫn 6 đứa con chạy về New Mexico trốn Jorge - người chồng, người cha ở tù nhiều hơn ở nhà. Hai năm sau gia đình Cejudo lại dọn về Phoenix, Arizona. Di cư đã bao nhiều lần từ khi trốn sang Mỹ? Henry cũng không thể nhớ hết, có đến hơn 50 lần.

Đời thiếu niên của Henry là cuộc đời khổ cực, nghèo khó nhưng là là một cuộc đời. Henry may mắn có mẹ - bà Nelly Rico, mà anh gọi là “The terminator” - một bà mẹ nghiêm khắc, uốn nắn con vào kỷ luật đời sống của dân nghèo. Nghèo đến nỗi Henry lần đầu tiên được ngủ trên giường riêng của mình là khi dọn vào trường huấn luyện lực sĩ của Uỷ ban Olympic Hoa Kỳ tại Colorado Springs. Khi ấy Henry Cejudo đã 17 tuổi.

Cuộc đời nhiều gian truân nhưng nhờ cố gắng tự chế và kỷ luật của một lực sĩ Thế vận đã đưa tương lai của Henry về con đường sáng và đưa anh lên bục vinh quang ở Olympic năm nay.

21 tuổi, Henry vẫn còn năm cuối ở trung học phải học cho xong.

... đến huy chương vàng đô vật - Ba ngày trước khi Henry Cejudo hãnh diện chỉ vào huy chương vàng trước ngực và yêu cầu báo chí “xin gọi tôi là hiện tại”, cũng ở sân đấu tại phòng thể dục của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, một lực sĩ khác đã làm nên lịch sử Olympic cho Canada.

Sau nhiều ngày bị chế diễu, phái đoàn hơn 300 lực sĩ Canada đã lấy huy chương vàng đầu tiên tại Thế vận 2008 ngày 16 tháng 8 về bộ môn đô vật tự do nữ, hạng 48 Kg.

Người lực sĩ 27 tuổi, tên Carol, sinh ra ở Hazelton, một tỉnh nhỏ miền cực Tây Canada thuộc tỉnh bang British Columbia. Ham mê đủ mọi môn thể lực, cô tập luyện đô vật từ năm 15 tuổi. Hai năm sau, 1998, được Đại học Simon Fraser tuyển chọn và sau đó Carol tốt nghiệp khoa Tâm lý tại đại học này. Là thành viên đội đô vật thế giới (của Canada) từ năm 2000, thành tích cũ của Carol là 8 lần là vô địch quốc gia, huy chương vàng đại học thế giới, huy chương vàng châu Mỹ, 3 huy chương thế giới. Carol cao gần 1 mét 55.

Báo đài Canada hôm thứ Bẩy vừa qua hân hoan chào mừng và đưa tin vui của miền đất lạnh khi Carol đứng trên bục cao nhất nhận huy chương với lá cờ lá phong màu trắng đỏ phất phới trong âm vang của bản quốc thiều O Canada. Cả thế giới vỗ tay chia mừng, người Canada, cha mẹ, chồng, và anh chị em của người lực sĩ trẻ hãnh diện, và Carol, tay ôm hoa, không ngừng khóc trên bục huy chương.

Niềm hãnh diện dân tộc do Carol đem lại cho người dân Canada là điều có thật; hàng ngàn lời nhắn, điện thư gởi đến Carol bày tỏ niềm vui và hãnh diện vì cô là công dân của đất nước Canada. Bạn đọc và thính giả báo đài địa phương hãnh diện diện đến độ trách cứ giới truyền thông tại sao phải gọi Carol là người của British Columbia hay không cần phải đề cập đến cha mẹ Carol là người tị nạn. Điều chắc chắn, báo giới ở Canada không có ý xấu khi đưa thông tin về sinh quán và nguồn cội của Carol.


Carol Huỳnh. Nguồn: windsorstar.com
Nói về nguồn cội, Carol rất hãnh diện đã học hỏi được tính kiên trì, lòng bền chí từ cha mẹ mình; cô nói, “Cha mẹ tôi không từ nan công việc nào cả.” Họ làm từ việc chạy bàn, bán dạo, khuân vác ở bến cảng đến lao động ở xưởng cưa. “Khi còn ở Việt Nam, cha tôi làm đủ loại việc lặt vặt, kể cả đi bán hàng rong. Chắc chắn, tôi đã học được đạo đức làm việc từ cha mẹ.” Và với nơi chôn nhau cắt rún, Carol cảm ơn thị trấn Hazelton đã nuôi dưỡng một lực sĩ thế vận để có hôm nay. Về đất nước, Carol nói, “Tôi thật hãnh diện làm người Canada. Tôi nghĩ tới con đường đã đưa tôi đến đây, con đường dài thật nhưng là một lộ trình rất tốt.” Ông Viêm, cũng đồng ý với con gái, “Canada đóng một vai trò chính yếu đưa Carol đến thành công. Tôi rất vui mừng.”

Carol họ Huỳnh, một họ không phổ thông trong giới vận động viên người Canada. Mẹ cô, bà Trinh, là người Việt gốc Hoa sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam. Cha Carol, ông Viêm, sang Việt Nam sống từ lúc 3 tuổi, trưởng thành, lập gia đình tại Sài Gòn và đã có hai con trước khi phải rời bỏ quê hương tìm đường thoát khỏi “thiên đường” cộng sản vào cuối thập niên 1970.

Về dự phóng tương lai, Carol sẽ quay lại trường hoàn tất học trình tiến sĩ, mong trở thành một nhà tâm lý thể thao và cùng chồng xây dựng một mái ấm gia đình.

Và... “Cây vú sữa miền Nam” - Chuyện hai cái huy chương vàng thế vận hôm nay lại một lần nữa xác quyết rằng những mảnh đất lành chẳng những nơi chim bay đến đậu mà còn phát triển cho đất nước ấy phì nhiêu và xanh tốt. Một xã hội dân chủ, công bằng khẳng định là môi trường phát triển tối ưu cho con người bất kể họ đến từ những quá khứ ngặt nghèo, khó nhọc như hoàn cảnh gia đình Henry Cejudo hay cha mẹ và anh chị của Carol Huỳnh.

Nói chuyện huy chương vàng thế vận chợt nhớ tới câu chuyện “cây vú sữa miền Nam” năm 1954. Hơn ½ thế kỷ qua đảng Cộng sản Việt Nam vẫn xào đi nấu lại chuyện cô Bảy, con gái mẹ Tư, theo lời mẹ dặn đi bứng cây vú sữa Vàm Chắc Băng gởi anh Ba Kiên - đại đội trưởng đại đội pháo của tiểu đoàn 307 - đem tặng cụ Hồ. Tại sao lại là cây vú sữa mà không phải là cây sung, cây ổi, cây tràm hay bụi chuối Cà Mau? Đảng không có câu trả lời tương tự như không có câu trả lời chuyện “anh hùng Lê Văn Tám”. Tới nay cô Bảy con mẹ Tư ở tờ vietbao.vn đã thành cô Bảy dâu mẹ Sánh ở một tờ báo khác (baoanhdatmui.vn) cũng ca lại bài “cây vú sữa Cà Mau”.

Cô Bảy, nếu có thật và còn sống(*), nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn ngây thơ hỏi nhà báo, “...Cây vú sữa có sai quả không?”

Trời ạ! Một nửa dân Việt Nam ở với ông Hồ còn chịu không thấu, nhằm nhò gì vú sữa của mẹ Tư. Và ngày hôm nay trên mọi miền đất nước, con người Việt Nam vẫn phải đang nín thở qua sông với đám con cháu của ông Hồ đang đục phá tất cả mọi tế bào đạo đức xã hội. Một xứ sở suốt nửa thế kỷ bị kềm kẹp trong chế một độc tài, chuyên chính, lạc hậu thì người dân không thể có cơ hội phát triển chính mình từ đó xây dựng để trở thành xã hội văn minh, công bằng và giàu mạnh. Tuy thế, cũng ở đó, một thiểu số dám đứng dậy đòi quyền công dân. Đương nhiên, họ đang bị truy bức, đàn áp và tù đầy.

Nếu chưa thể nói lớn như Huỳnh Nguyên Đạo, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Điếu Cày, và những người hoạt động dân chủ khác thì mọi người Việt Nam ắt hẳn đang nói thầm và rất mong thấy ngày cái đảng “cụ Hồ” ấy chết tiệt hay liệt quách nó đi cho cả nước được nhờ.

Xin chúc mừng Henry và nước Mỹ. Xin chúc mừng Carol và Canada.

(*) TB: Gởi các bác công an mạng — Làm ơn khỏi đưa link đưa hình dẫn chứng cô Bảy con mẹ Tư hay dâu mẹ Sánh Mất thời giờ cán bộ! Cả cuốn phim pháo bông giả (tính) lừa thế giới còn làm được sá gì tấm hình cô Bảy đang sới đất trồng cây vú sữa con. — Trà Mi

© 2008 DCVOnline

No comments: