Thursday, August 30, 2007

Báo Nhân Dân và Đàn Chim Việt



Trà Mi

Đàn Chim Việt là một trang báo điện tử có khá nhiều bạn đọc và nhiều loại độc giả khác nhau.

Báo Đàn Chim Việt. Nguồn: DCVOnline
Theo thông tin từ Đàn Chim Việt tuyển tập (ĐCVTT), DCV Inc., New Jersey, 2006 thì DCVOnline là tiếp nối của tạp chí Đàn Chim Việt bắt đầu từ tháng 11, 1999 tại Ba Lan như một bản tin in trắng đen. Đến 2002, Đàn Chim Việt là tạp chí 36 trang với bìa và 4 trang màu cho quảng cáo. Tháng 5, 2003 Đàn Chim Việt trở thành một tạp chí chính thức phát hành nhiều nơi, Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, và Úc Châu với 72 trang màu, giấy láng.

Tạp chí Đàn Chim Việt đình bản vào tháng 6, 2004. Cùng lúc tờ báo điện tử, DCVOnline, đã thay đổi rất nhiều về mặt kỹ thuật, nội dung và hình thức nhằm phục vụ bạn đọc Đàn Chim Việt khắp nơi. Vẫn theo ĐCVTT, DCVOnline là một cơ quan truyền thông độc lập cổ vũ, ủng hộ các giá trị dân chủ và nhân quyền, tích cực góp sức vào xu thế dân chủ hoá tất yếu của Việt Nam và thế giới. Đàn Chim Việt là một tờ báo điện tử không thương mại. Toàn bộ nhân viên của Đàn Chim Việt là những người làm việc không lương.

Con số bạn đọc DCVOnline ngày nay có lẽ đã vượt xa nhiều lần độc giả tạp chí Đàn Chim Việt những năm trước. Số người truy cập cùng đọc Đàn Chim Việt thường trong khoảng 500 đến 1000 người. Với số bạn đọc nhiều như thế, loại độc giả đến với Đàn Chim Việt cũng không ít.

DCVOnline, có lẽ, là trang báo điện tử Việt ngữ đầu tiên có diễn đàn mở để bạn đọc có thể trực góp ý kiến và trao đổi với bạn đọc khác về nội dung bài chủ.

Chỉ cần đồng ý tôn trọng một vài điều lệ sinh hoạt tương đối đơn giản của diễn đàn, bạn đọc tức thì trở thành “tác giả” tại diễn đàn mở. So với số bạn đọc cùng truy cập và đọc DCVOnline thì các “tác giả” diễn đàn có lẽ là một số khá nhỏ. Đại đa số bạn đọc DCVOnline thường đến đọc báo rất yên lặng. Một số khác in ra giấy hay giữ vào máy để đọc sau và chuyển cho bè bạn.

Một số bạn đọc khác của Đàn Chim Việt, tuy không nhận bài từ bằng hữu, và cũng không cần phải đến DCVOnline để đọc báo vì có rất nhiều trang khác đăng lại bài của Đàn Chim Việt. Một nhận xét nhỏ, đại đa số các trang đăng lại thường “quên” để nguồn là DCVOnline hay/và ghi © DCVOnline. Cái văn hoá hay “quên” không chỉ có ở các trang không thương mại trên mạng mà còn xuất hiện nhan nhản ở một số báo giấy, báo thương mại, báo cỡ “lớn” dưới đất từ Mỹ qua Úc. Có lẽ làng báo Việt Nam cần thêm thời gian để “bổ túc văn hoá” tôn trọng tác quyền?

DCVOnline có một số tác giả viết từ trong nước – Huỳnh Việt Lang, Tiêu Dao Bảo Cự, Vương Văn Quang, v.v... – và như thế Đàn Chim Việt hẳn phải có một số bạn đọc từ Việt Nam. Trong số này, có lẽ không thiếu nhân viên của các ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, và Lê Doãn Hợp nguyên Phó ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ trưởng mới của Bộ Văn hoá –Thông Tin (VH–TT).

Người viết đã hơn một lần nghe nhiều nhận xét đại ý “cái báo Đàn Chim Việt đó lợi nhuận bao nhiêu hay phục vụ cho ai thì chưa biết nhưng chắc chắn là đang đẻ việc cũng như bảo đảm đời sống kinh tế của nhiều anh công an văn hoá ở Việt Nam.”

Hơn thế nữa, biết đâu chừng ngay cả TTXVN chẳng thường xuyên lấy bài từ DCVOnline để vào ấn bản đỏ (cho cán bộ trung vào cao cấp tham khảo) và ấn bản xanh (bán lại cho các cơ quan và báo chí khác của nhà nước). Tuy nhiên khả năng bài của Đàn Chim Việt đăng trên ấn bản trắng (cho đồng bào cả nước xem) chắc là con số zero to tướng.

Dựa trên cơ sở nào để cho rằng công an văn hoá hay nhân viên của ông Lê Doãn Hợp sính đọc báo Đàn Chim Việt? Nếu sự kiện gần đây Đàn Chim Việt khi trầm khi bổng trên cyberspace, nhất là từ khi ông Nguyễn Minh Triết đi Mỹ, chưa đủ thuyết phục, xin mời bạn đọc lướt sơ qua báo chí của nhà nước và đảng trong vài năm qua sẽ thấy nhóm chữ Đàn Chim Việt hay danchimviet.com thỉnh thoảng được nhắc đến.

Một thí dụ biểu trưng, báo Nhân Dân điện tử ngày 25 tháng 10, 2005 trong bài “kết tội” Bùi Tín (một tác giả thường xuyên có bài đăng ở Đàn Chim Việt và những trang báo điện tử khác) là “phản bội tột cùng”, tác giả Duy Hoàng viết:
Vừa rồi, tôi đọc thư ngỏ của ông gửi anh chị em trong cuộc “họp mặt dân chủ” đăng trên trang www.danchimviet.com đầu tháng 10-2005.
Một thí dụ khác, đăng bài “vạch” Bộ mặt thật của hai kẻ chống đối Nhà nước để bôi bác hai người hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Đài và Lê thị Công Nhân, tờ An Ninh Thủ Đô (đăng lại ở laodong.com.vn, 10/03/2007) cũng lôi “Đàn Chim Việt” vào bất kể đâu là sự thật:
Lê Thị Công Nhân đã viết một số tài liệu như “Sự thật về việc bãi bỏ Nghị định 31/CP ngày 14/4/1999”, tài liệu chuẩn bị tham dự Hội nghị về quyền lao động do tổ chức “Đàn chim Việt” tại Ba Lan tổ chức ở Vacsava nhưng đã bị các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện ngăn chặn.
Ở một bài khác, tác phẩm của báo Công An Nhân Dân được báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng lại (ngày 25/04/2007) với tựa đề Trần Khải Thanh Thuỷ: Suy đồi đạo đức, làm tay sai cho phản động lưu vong cán bộ văn hoá lại một lần nữa không những chỉ víu “Đàn Chim Việt” vào:
Bọn phản động người Việt lưu vong Việt Tân, Đàn Chim Việt (Ba Lan) chỉ đạo Thuỷ vừa thành lập tổ chức riêng, vừa giữ tính độc lập của “nữ văn sĩ” để dễ bề lu loa nếu bị pháp luật xử lý.
và còn giở tiểu xảo đưa sai thông tin như “tổ chức Đàn Chim Việt ở Ba Lan”, gom DCVOnline vào một rọ với tổ chức chính trị, hay đề tên vài người có liên hệ xa gần với Đàn Chim Việt cho có vẻ “thật” cùng lúc tặng Đàn Chim Việt luôn danh hiệu “bọn phản động lưu vong”.

Mỗi khi nhắc đến Đàn Chim Việt, điểm chung của các bài báo của đảng Cộng sản và nhà nước CHXHCN Việt Nam là bôi bác, quy chụp, vu vạ người dân Việt Nam đang vận động dân chủ – nếu không phải Bùi Tín, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, thì cũng là những cá nhân khác hay những tổ chức không cùng chính kiến với đảng Cộng sản Việt Nam.

Và mới nhất, chiến dịch bôi nhọ người bất đồng chính kiến coi bộ chưa đủ, ông Lê Doãn Hợp trong cái “lề bên phải” đã cho cán bộ quay loa nhả độc sang phía các nhà tu.


Nguồn: nhandan.com.vn 
Đến đây, người viết xin nhường phần góp ý với các tờ báo đảng trong loại bài vu vạ Hòa thượng Quảng độ và Thượng toạ Không Tánh cho bạn đọc Đàn Chim Việt (Họ đang mưu toan điều gì? Tường Linh, Báo Quân Đội Nhân Dân, 28/08/2007; Lật mặt những kẻ phản động kích động người khiếu kiện gây rối, TTXVN, đăng ở Hà Nội Mới Online 25/08/2007).

Đi đúng “lề bên phải” Lê Doãn Hợp đã vạch, tờ Nhân Dân còn ra vẻ khách quan và khoa học, mở bài bằng hai đoạn dẫn chứng. Một, từ trang của website đã chết và cho là đây “một website của Phật tử tại Mỹ”. Trời ạ! Ai lại chắng biết mục đích của trang web tột cùng cực đoan này đã không ngừng đánh phá vào giáo dân Thiên chúa Việt Nam và phật tử hay những nhà tu không thuộc giáo hội Phật Giáo Việt Nam trong Mặt Trận Tổ Quốc.

Sau đây là vài điểm cần nêu rõ về đoạn trích dẫn thứ hai tờ Nhân Dân lấy từ và ghi nguồn Đàn Chim Việt.

– Đoạn trích từ bài đăng ở Đàn Chim Việt chỉ dùng 124 trong đoạn 174 từ của cả bài trên 12.000 từ (không kể hơn 120 nguồn tham khảo) trong bài “Sư chính trị: Phong trào Phật tử tranh đấu trong cuộc chiến Việt Nam” đăng trong ba ngày 21, 22 và 24 tháng 8, 2007.

– Đây là một bài dịch từ Anh sang Việt ngữ nguyên bản của tác giả Mark Moyar: “Political Monks: The Militant Buddhist Movement During the Vietnam War.” Modern Asian Studies, 38:4 (2004), tr.749-784. Người dịch là Trần Hải.

– Bài “Sư chính trị: Phong trào Phật tử tranh đấu trong cuộc chiến Việt Nam” đã đăng ở talawas với © 2007 talawas trong hai ngày 26 và 27 tháng 3 năm 2007.

50 từ trong trích đoạn bị tờ Nhân Dân loại bỏ là:
Các lãnh tụ Phật tử không còn khả năng tổ chức biểu tình rất đông người, nhà báo này nhận xét, và “những cuộc biểu tình công cộng, nay càng có tính chính trị, càng trở nên hỗn loạn, không còn theo đúng tinh thần hiền hoà của Phật giáo.”
Cán bộ văn hoá sợ điều gì ở 50 chữ này? Dễ hiểu thôi, Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam sợ dân chúng và thế hệ trẻ trong nước hiện nay ngộ ra điều cách đây hơn 40 năm ở “miền Nam bị Mỹ, Nguỵ kìm kẹp” trong cái mà Đảng và Nhà nước ra rả tuyên truyền là “chế độ khát máu Mỹ–Diệm” thì các nhà tu (mà Thượng toạ Thích Trí Quang chỉ là 1 thí dụ) có quyền tự do xuống đường biểu tình (rất đông người) phản đối chính phủ.

Và đọc những dòng chữ ấy, người dân còn có khả năng nghiệm thêm rằng hiện nay ở nước CHXHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam “quang vinh muôn năm”, nước ta “cực kỳ” và “có thừa” dân chủ nhưng chỉ cần phát tiền cứu trợ giúp đỡ đồng bào khiếu kiện như Thượng toạ Không Tánh vừa làm ở Hà Nội là được Đảng “bắt quả tang” và đưa trở lại Sài Gòn.

Trong phần ghi chú cán bộ báo Nhân Dân lại lên tuồng ghi sai đường dẫn đến bài trên Đàn Chim Việt.

Trích dẫn kiểu “lề bên phải” như tờ Nhân Dân điện tử như thế là không lương thiện và thiếu công bằng. Báo Nhân Dân có vẻ “thiên vị” Đàn Chim Việt thay vì dẫn chứng từ “gốc” chính (primary source) và đã đăng trước 5 tháng là talawas và cả Mark Moyar.

Ông Hợp ạ! Ông có nghĩ là các ông đang mâu thuẫn quá đỗi hay không? Một mặt các ông đóng kịch trích nguồn tham khảo báo chí bên ngoài. Mặt khác cái đảng của các ông cứ phí tiền mua phần cứng, phần mềm để hì hục xây tường lửa, bưng bít thông tin từ thế giới tư do đến toàn dân cả nước.

Tg Minh Võ
Thật tội nghiệp cho các đồng chí của ông Hợp, ông Rứa như Duy Hoàng và lực lượng công an mạng (tên chữ là cán bộ văn hoá) phải ngày đêm trèo tường (lửa) để đọc và chọc ngoáy ở báo Đàn Chim Việt và nhiều trang khác – nhất là khi có những bài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. (Minh Võ là một trong nhiều tác giả khá “sốt sắng” đóng góp vào công tác này từ nhiều năm qua. Cứ đà này, có nhiều khả năng tác giả sẽ được tôn vinh danh hiệu Việt kiều “Vinh danh nước Việt” ở Quốc Tử Giám Hà Nội trong tương lai gần).

Tóm lại, người viết có một đề nghị nhỏ với ông Bộ trưởng VH-TT Lê Doãn Hợp thế này. Để khỏi “mất thì giờ cán bộ”, không phung phí tài sản và công quỹ quốc gia, xin ông làm ơn dẹp quách cái bảng vẽ “lề bên phải” cùng những bức tường lửa cũng như giải tư cơ sở công an văn hoá. Hãy mở cổng xa lộ thông tin để toàn dân thoải mái đọc báo, hội nhập với thế giới văn minh.

Nếu trong thời đại toàn cầu, trên xa lộ thông tin cao tốc này, báo chí của đảng và nhà nước cùng báo chí tư nhân (bất kể từ trong hay ngoài nước) tha hồ, và tự do cạnh tranh với nhau đúng kiểu kinh tế thị trường (không định hướng xã hội chủ nghĩa) chẳng mấy chốc nhân dân cả nước ta sẽ tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc đến một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.


© 2008 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com,
30/08/2007)

No comments: