Sunday, November 19, 2006

Không bán Dân chủ lấy đô la



“Không đổi các giá trị Dân chủ, Tự do và Nhân quyền lấy … đô la”. – Stephen Harper


Trà Mi


HÀ NỘI — Đến hội nghị thượng đỉnh APEC 2006, nơi các lãnh tụ quốc gia trong khối châu Á – Thái Bình Dương họp nhau bàn về các vấn đề phát triển giao thương mậu dịch, Thủ tướng Stephen Harper đã cho báo giới biết rõ quan điểm của Canada về vấn đề này.

Monday, October 9, 2006

“Xin đừng chôn tôi gần cộng sản!”



Người gián điệp và nhà báo trầm lặng – Phạm Xuân Ẩn và cuộc đời hư thực

David DeVoss
(Weekly Standard 9/10/2006) Volume 012, Issue 04 — Trà Mi lược dịch



Phạm Xuân Ẩn, phóng viên chiến tranh tài hoa của tạp chí Time bí mật làm gián điệp cho cộng sản Hà Nội vừa qua đời ngày 20 tháng 9, 2006. Những lời cáo phó rất tử tế. Người ta nhớ đến Ẩn như một nhà báo ưu tú, ban ngày viết cho Time, ban đêm gởi mật mã và microfilm cho Việt Cộng đang quanh quẩn ở các khu rừng ngoại thành Sài Gòn.

Saturday, March 4, 2006

Đình công — quyền và lợi cho ai?



Những cuộc đình công trong nước đã có từ nhiều năm nay nhưng báo chí Việt Nam chỉ mới rầm rộ thông tin từ tháng trước Tết. Với báo đài nước ngoài thì gần như đấy không phải là “news”. Nhưng media thế giới có quan tâm hay không không phải là nhân tố quyết định, đình công tại Việt Nam vẫn tiếp tục, chưa ngừng.

Đại đa số công nhân đang đình công thuộc các công ty làm giầy có vốn đầu tư từ Taiwan (Đài Loan). Taiwan cũng là chính phủ nước ngoài đầu tiên lên tiếng vào tháng 1/2006, yêu cầu Việt Nam giải quyết thuận lợi cho giới tư bản của họ. Thứ trưởng Ngoại Giao Michael Kau còn doạ sẽ có thể liên minh với US, Japan và South Korea để bảo vệ vốn đầu tư tại Việt Nam.

Alain Cany

Ngày 13 tháng giêng 2006, Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương Mại Châu Âu, European Chamber of Commerce in Vietnam, EuroCham (1) gởi thư cho Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu nhà nước CHXHCN Việt Nam nâng cấp kiểm soát đừng để đình công lân lan, có thể gây ảnh hưởng xấu đến các công ty châu Âu. Thư này cũng có chữ ký đại diện các tổ chức kinh doanh Anh, Bỉ, Hoà Lan, Luxembourg, Pháp và Đức.

Hai điểm chính trong yêu cầu của Cany về các vụ đình công: một là Việt Nam phải can thiệp nhanh và có hiệu quả; hai là nghị định 03/2–6/ND–CP ban hành ngày 6 tháng giêng 2006, tăng lương cho công nhân tại các công ty vốn đầu tư nước ngoài. Về nghị định này, Cany than phiền nội dung quá mù mờ, muốn hiểu sao cũng được và nhà nước Việt Nam công bố Nghị định mà không báo trước cho các công ty và nhân sự liên hệ. Vẫn theo Cany, cả hai điều này đã khiến báo chí đưa thông tin sai lạc giật ngòi để đình công tại khu kỹ nghệ Sóng Thần và khu chế xuất Linh Trung bùng nổ.

Cany yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tham khảo, tư vấn với các công tư vốn đầu tư nước ngoài trước khi ban hành nghị định. Đại diện EuroCham còn muốn giúp nhà nước XHCN Việt Nam viết nghị định. Được như thế, theo Cany, sẽ giúp công nhân hiểu rõ tình hình trước khi luật có hiệu lực đồng thời không để thông tin sai lạc phát tán rộng rãi trong quần chúng.

Trong lá thư 13/1, Chủ tịch EuroCham cũng cho mọi người biết một điều quan trọng. Từ ngày Việt Nam bắt đầu cuộc kỹ nghệ hoá vào cuối thập niên 80, giới đầu tư quốc tế hồ hởi đem đô la vào Việt Nam vì lòng tin chắc rằng công nhân ở đây không biết đình công hoặc khó có chuyện bãi công trong nền kinh tế Việt Nam.

Nhờ ông tí, thưa ông tư bản Alain Cany! Không ai xía đến chuyện các ông đi kinh doanh gây lợi nhuận tại Việt Nam (hay bất kỳ nơi nào trên thế giới). Xin các ông đừng vừa đá bóng vừa thổi còi. Việc quản trị xí nghiệp là của giới tư bản, viết và ban hành nghị định là trách nhiệm chính quyền địa phương, thông tin và được thông tin là quyền của tất cả mọi người.

Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng, toàn trị — quyền thông tin và được thông tin vẫn còn rất giới hạn. Tuy thế, một điều chắc chắn là các nhà tư bản chủ công ty, hội viên của EuroCham hay tổ chức nào, ở đâu trên thế giới đi nữa cũng không thể can thiệp vào việc kiểm soát hay giới hạn thông tin. Như thế là tuyên truyền, là bưng bít và đó không phải là tay nghề, quyền hạn hoặc mục đích của EuroCham hay của doanh nhân nói chung.

Trở lại chuyện đình công. Đây là quyền của công nhân, một trong các nhân quyền cơ bản. Đình công là quyền của những người đem sức lao động, lấy tay nghề chế tạo sản phẩm cho các nhà đầu tư nước ngoài hay nội địa.

Alain Cany còn muốn nhà nước Việt Nam ngăn cản, chận đứng, đừng cho đình công tiếp tục xẩy ra. Chuyện này không khó. Trong xã hội văn minh đương đại, quan hệ công nhân và ban quản trị ở khắp nơi, trong các xí nghiệp, đều dựa trên cơ sở của hợp đồng lao động. Người công nhân không có gì khác, trong cuộc trao đổi với doanh nhân, ngoài sức lao động của chính mình. Khi thấy bị ngược đãi, mức an sinh xã hội quá tồi tệ, cách phản kháng, tự vệ để tự tồn duy nhất của họ là lấy lại sức lao động — đơn giản là đình công. Khi một trong hai bên, công nhân hay ban quản trị, chưa được thoả mãn thì cần phải ngồi lại thương lượng để đi đến thoả hiệp. Đấy là đáp án cho mọi cuộc đình công ở xã hội văn minh.

Công nhân Việt Nam đình công để đòi được đối xử công bằng. Không như tư bản và chính quyền Âu châu, lao động Việt Nam có đủ lý lẽ và nhất quán khi đòi những công bằng đó. Trong khi đó, người người châu Âu đang mâu thuẫn trong kinh doanh và đối sách.

• Hội viên của EuroCham muốn đầu tư ở một quốc gia với một đội ngũ công nhân giỏi tay nghề, chăm chỉ, ngu ngơ, cúi đầu tuân thượng lệnh, và cũng chỉ muốn trả giá lao động thật bèo để tối đa hoá lợi nhuận.

• Cùng lúc, Uỷ ban Liên hiệp châu Âu (UBLHCA) lại kêu sản phẩm Việt Nam bán sang Âu châu với giá quá thấp gây tổn hại lớn cho ngành công nghiệp giầy da của những nước EU và quyết định đánh thuế hàng VN thêm 16,8%.

• Để có lợi cho châu Âu, công đoàn tại đây lại đề nghị UBLHCA nên ủng hộ và cổ suý việc bảo vệ phúc lợi an sinh của công nhân Việt nam, tăng mực lương tối thiểu cho thích hợp với thời giá thị trường.

Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung muốn gì ở công nhân Việt Nam hay công nhân các trung tâm chế xuất của các nền kinh tế đang phát triển? Trong ba khuynh hướng vừa kể trên, đề nghị của các công đoàn châu Âu là hợp với nguyên lý và động lực tự nhiên của nền kinh tế thị trường hơn cả.

Tất cả doanh nhân đều hiểu rất rõ giá đời sống gia tăng khi kinh tế phát triển chắc chắn là sức ép vào mọi ngành kinh doanh buộc người đầu tư phải chi trả nhiều hơn cho giá lao động — lao động tay chân và lao động trí tuệ. Nền kinh tế toàn cầu rồi sẽ phải tự điều chỉnh, giá lao động rẻ mạt ở các quốc gia chậm phát triển hay đang phát triển rồi sẽ trở thành lịch sử kinh tế khi hệ quả tất nhiên của phát triển là mực tiến bộ và thịnh vương chung đến với toàn khối nhân loại.

Ông chủ — Ảnh: Yrjö Tuunanen

Khi công nhân Việt Nam được trả thù lao đúng mức, có đủ phúc lợi an sinh, không bị buộc làm phụ trội, giá thành của sản phẩm chế tạo tại các khu chế xuất và kỹ nghệ ở Việt Nam sẽ cao hơn, sẽ cạnh tranh “công bằng” hơn với sản phẩm thế giới. Khi đó, thí dụ, giá giầy da Việt Nam sẽ không còn là quan tâm cho kỹ nghệ giầy của Ý, của Đức hay Hoà Lan để UBLHCA phải mất thời gian nghiên cứu, phân tích rồi đánh thuế phạt. Và khi công nhân Việt Nam có mực thu nhập hợp lý với sức lao động, điều kiện làm việc lành mạnh, sản phẩm của họ cũng sẽ có phẩm chất cao hơn, đương nhiên sẽ có giá cao hơn và đem lại tỉ lệ lợi nhuận thích đáng hơn cho giới đầu tư.

Trong cuộc sống chung toàn cầu, cùng phát triển và cùng tiến bộ hôm nay, không thể giữ mãi thế thắng–thua giữa chủ với công nhân và người tiêu thụ nữa. Tương quan kinh tế ở thời đại mới phải đi về hướng hay đạt được mục tiêu thắng–thắng–thắng.

Trở lại Việt Nam, chỉ giới hạn trong hiện tượng đình công vài tháng vừa qua, nhà nước và quốc hội Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của những công nhân đình công từ Bình Dương đến Hải Phòng. Đình công vẫn tiếp tục lan rộng chứng tỏ công nhân Việt Nam chưa thoả mãn với điều khiện làm việc, và mức lương hiện nay. Chính phủ Việt Nam chưa làm xong nhiệm vụ quản lý đất nước mà họ tự vơ vào. Quốc hội Việt Nam cũng chưa làm bổn phận của những người nhận thay mặt tranh đấu cho quyền lợi của dân.

Tuy thế, một điểm đáng chú ý là thư ngày 27 tháng giêng, 2006 của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Lê Duy Đồng, thay Phan Văn Khải trả lời Alain Cany (2). Trong thư, Lê Duy Đồng nêu rõ với Chủ tịch EuroCham, sở dĩ công nhân đình công hàng loạt như thế các công ty vốn nước ngoài không tuân thủ luật lao động đã định chuẩn mức lương, số giờ cũng như điều kiện làm việc.

Một cách đơn giản, Lê Duy Đồng nói vớ Alain Cany, tư bản nước ngoài đang bóc lột công nhân nên họ đình công.

Nếu cả nhà nước CHXHCN Việt Nam xúm lại, như Lê Duy Đồng trả lời EuroCham, đồng loạt hỏi thăm các công ty vốn đầu tư nước ngoài, yêu cầu họ tuân thủ luật Việt Nam, thi hành hợp đồng lao động thì quý hoá biết chừng nào. Hay tốt hơn thế nữa, chính phủ Việt Nam ban hành thêm Nghị định 04/2–6/ND–CP chẳng hạn, không phân biệt đối xử, một cách hợp lý, đồng loạt tăng, lương tối thiểu của công nhân ở tất cả doanh nghiệp từ tư doanh, liên doanh, đến quốc doanh và bảo đảm các phúc lợi an sinh khác cùng điều kiện làm việc của công nhân tại xí nghiệp.

Nhưng trả lời của Lê Duy Đồng với EuroCham lại dẫn đến một số câu hỏi khác.

Nghị định 03/2–6/ND–CP, ban hành ngày 6/1 và đã phải dời ngày áp dụng đến tháng 4. Liệu nghị định này sẽ các công ty vốn đầu tư nước ngoài có tuân thủ và thi hành hay không khi những điểm căn bản của hợp đồng dựa trên luật cũ vẫn chưa được áp dụng đúng mức và nhà nước Việt Nam sẽ phản ứng ra sao?

Nếu các công ty vốn Taiwan không có khả năng đầu tư tại Việt Nam nữa, chủ nhân của 1 tỉ đôi giầy/mỗi năm bán sang EU sẽ chỉ còn là Trung Quốc. Và như thế, thị phần TQ trong thị trường giầy dép thế giới trị giá hơn 17 tỉ USD (3) sẽ tăng hơn nữa. Công nhân Việt Nam đổi ông chủ Taipei sang ông chủ Beijing. Có phải đây là mục đích sau cùng của nghị định 03/2–6/ND–CP hay không?

WTO sẽ nghĩ sao về nghị định 03/2–6/ND–CP, một chỉ dấu phân biệt đối xử trắng trợn của nhà nước Việt Nam đối với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và công nhân ở đó với tất các doanh nghiệp khác (tư doanh, liên doanh, quốc doanh) và công nhân của họ?

Thư Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gởi Alain Cany chưa cất vào tủ khoá thì ông Chủ tịch nước, Trần Đức Lương, lại đá cái đùng vào chân bàn EuroCham. Theo tin ngày 1 tháng 3, 2006 của hãng thông tấn kinh tế Nhật Bản Japan Economic Newswire, Lương đã lên tiếng xin lỗi Hiroshi Okuda, Chủ tịch Liên hiệp Doanh nghiệp Nhật Bản (cũng là Chủ tịch công ty Toyota), về những cuộc đình công đang xảy ra ở các nhà máy thuộc các công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Trần Đức Lương cho rằng phía Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những xung đột ngày càng trở nên tệ hơn giữa công nhân và giới quản trị về vấn đề lương bổng.

Hiroshi Okuda

Thế này là thế nào? Ông Thứ trưởng Lao động bảo bọn tư bản (Đài Loan) đang bóc lột công nhân trong khi ông Chủ tịch nước đùng đùng đi xin lỗi doanh nhân Nhật Bản. Lại thêm một điểm khác cũng đáng ghi nhận ở đây, cả hai ông quan Việt Nam, không ai đổ lỗi cho công nhân nước mình đình công không hợp lý.

Cũng trong lời xin lỗi doanh nhân Nhật Bản, Trần Đức Lương hứa chính phủ Việt Nam sẵn sàng làm trung gian để đi đến hoà giải giữa hai bên công nhân và ban quản trị. Có phải ông Chủ Tịch nước vừa mặc nhiên công nhận lực lượng lãnh đạo lao động hiện nay không thuộc quyền kiểm soát của nhà nước CHXHCN Việt Nam?

Người viết hiểu lầm ý ông Lương chăng? Vì điều 4 hiến pháp Việt Nam vẫn ghi thế này, “Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Cả mấy tháng trời nay, cái đội tiên phong, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp đang nhịn đói — đình công ở Bình Dương, Thủ Đức, Đồng Nai, Sài Gòn, Hải Phòng — trốn đi đâu thế nhỉ? Chuẩn bị đại hội thì cứ chuẩn bị, chẳng lẽ cả 2 triệu đều đi họp ngoài Hà Nội hết hay sao?

Tại Đại hội X sắp đến, người cộng sản Việt Nam nên chuẩn bị dũng cảm để chọn:

1. Theo Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng lưỡi gỗ ca bài vè cũ Đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu lý tưởng, là khát vọng ngàn đời thiêng liêng của những người cộng sản,

hay

2. Dứt khoát từ bỏ cái chủ nghĩa Mác Lênin bởi vì đó là một học thuyết hoàn toàn lỗi thời, hoàn toàn xa lạ với truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam… Phải mạnh dạn tự đặt cho mình, tự xây dựng cho mình lộ trình tiến tới dân chủ đa nguyên đa đảng… Phải đặt cải tổ chính trị lên hàng đầu… như công dân Nguyễn Khắc Toàn vừa kêu gọi ngày 28 tháng 2, 2006.

Đường đi mở rộng, thênh thang trước mặt, đang chờ đón những người dân thực sự có lòng với đất nước. Hãy dũng cảm lên. Đừng đợi ngày hưu mới nói thì e rằng sẽ lỡ chuyến tầu lịch sử hôm nay.


Tháng 3, 2006

Copyright © 2006 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 04/03/2006)



Chú thích:

(1) Tính đến tháng 10, 2005, EuroCham có 477 hội viên ở đủ mọi thương nghiệp từ nông ngư nghiệp, đến ngành sản xuất tư liệu sản xuất, sản xuất hàng tiêu dùng, cũng như dịch vụ. Các hội viên lớn là các phòng thương mại đại diện cho Pháp, Đức, Hoà Lan, Anh quốc; trong số hội viên EuroCham cũng không thiếu những Phạm, Lê, Trịnh, Nguyễn, v.v…
(2) Ngày 02/03/2006 trang web EuroCham đã không còn bản tin với lá thư 27/1/2006 Lê Duy Đồng, thay Phan Văn Khải trả lời Alain Cany. Tuy nhiên, Thomas Fuller International Herald Tribune, trong bài “The Workplace: Strikers in Vietnam get little help from Europe” ghi: The deputy minister of labor, Le Duy Dong, told European companies that the strikes had happened because laws governing salaries, working hours and working conditions had not been followed.

(3) International Sporting Intelligence, 2003

Thursday, February 23, 2006

Google tại Trung Quốc


TGT
lược dịch

TGT — Thứ tư 15/2/2006, Công ty Google đã ra điều trần trước Hạ viện Hoa Kỳ về sản phẩm mới nhất tại thị trường Trung Quốc (TQ). Google.cn là “Google có đầu lọc” để đáp ứng yêu cầu kiểm duyệt thông tin và giới hạn quyền tự do ngôn luận của nhà nước CHND Trung Hoa.

Một điểm đáng chú ý, hai ngày sau buổi điều trần, 17/2/2006, ban quản lý Google đã phản đối chính phủ Bush, bất hợp tác, không chấp hành lệnh từ bộ Tư Pháp — không nộp một số lớn thông tin và cơ sở dữ liệu trong 2 tháng, về người truy cập Internet, như chính phủ đòi hỏi. Lý do: đưa thông tin riêng của người dùng trên Internet và tiết lộ bí mật thương nghiệp không phải là những điều Google có thể chấp nhận. Phản ứng này được mọi nhiều người hoan nghênh, coi Google là công ty có đạo đức, tôn trọng quyền tự do thông tin, là anh hùng của quần chúng, biết bảo vệ thông tin riêng và kín của người sử dụng Google trên Internet.

Cũng chính Google ấy, hai ngày trước — để cạnh tranh với những đối thủ quốc tế như Microsoft MSN, Yahoo, đã có mặt ở TQ từ trước và cả Baidu, một sản phẩm nội địa, động cơ truy cập thông tin của TQ — đã tung “Google có đầu lọc” vào thị trường ở đây. Google.cn tự kiểm duyệt trước khi chuyển kết quả truy cập đến người sử dụng Internet, thỏa mãn đòi hỏi của TQ để được phép kinh doanh. Dù những năm gần đây số người dùng Internet và các phương viễn thông khác đang tăng rất nhanh và trở thành phổ quát, với đội ngũ công an mạng hùng hậu, TQ vẫn kiểm soát mạng Internet thật gắt gao: thí dụ, một vài nhóm chữ bị cấm chỉ ở Internet như Taiwan độc lập, Thảm sát Thiên An Môn chắc chắn sẽ không có kết quả truy cập như ý muốn và khoảng 60% các trang web nổi tiếng nhất ở Tây Tạng (Tibet) đều bị chận đường, không vào được TQ.
Shi Tao

Thế giới tự do chưa quên nhà báo Shi Tao của Đương Đại Thương Báo ở Hunan (Contemporary Business News), bị bắt ngày 24 tháng 11, 2004 tại Taiyuan vì gởi email có nội dung mà nhà nước TQ quy chụp là gởi thông tin “tối mật” của quốc gi
Publish Posta ra ngoài. Từ năm 2002, Yahoo, với phiên bản Hoa ngữ, đã ký vào bản “Tự nguyện giữ kỷ luật trong công nghiệp Internet tại TQ”, chấp thuận tuân thủ luật kiểm duyệt của nhà nước tại đây. Shi Tao bị bắt vì Yahoo! Holdings ở Hong Kong đã hợp tác và cung cấp thông tin riêng/kín của Shi Tao cho chính quyền TQ.
Phạm Hồng Sơn

Bản án mười năm tù, hết hạn ngày 23/11/2014, của nhà báo Shi Tao, là một nhắc nhớ cho cộng đồng thế giới biết ở thế kỷ 21 văn minh hôm nay, những chính quyền độc đảng toàn trị như TQ hay Việt Nam vẫn ngang ngược bịt miệng, bỏ tù công dân chỉ vì họ sử dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do thông tin và được thông tin. TQ có Shi Tao bị tù vì gởi “bí mật” quốc gia, Việt Nam vẫn còn hai bản án “gián điệp” nhà nước CHXHCN đã vu cáo và quy chụp cho Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình.

Ai quên được những bản án thiếu văn minh như thế?
Nguyễn Vũ Bình

Không ai quên được những người yêu dân chủ đó đã bị cướp mất quyền tự do ngôn luận, họ vẫn ở trong tù. Nhưng Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình rồi sẽ hiên ngang bước ra khỏi nhà tù nhỏ cũng như nền dân chủ thực sự sẽ đến với Việt Nam. Xu hướng thời đại đó sẽ đến với đất nước và người Việt Nam, có lẽ sớm hơn đảng cộng sản nghĩ, dù họ muốn hay không.

Google đang thỏa mãn yêu cầu của người dùng Internet, mở rộng đường truy cập thông tin toàn cầu, hay Google đang bán dân chủ lấy đô la, đổi tự do ngôn luận lấy thị phần tại TQ? Cùng lúc, Google mạnh dạn kháng lại trát lệnh từ bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, quyết tâm bảo vê thông tin riêng của người sử dụng Internet. Google mâu thuẫn trong chính sách kinh doanh hay đang uyển chuyển theo tình hình địa phương? Ai có trách nhiệm bảo vệ các nhân quyền cơ bản trong một xã hội dân sự? Chính phủ hay công dân, hay tất cả mọi bộ phận của xã hội đều có chung trách nhiệm đó?

Theo bản điều trần, ban giám đốc công ty Google đã trăn trở một thời gian dài trước khi đi đến quyết định và phát minh ra Google có đầu lọc để đưa vào Trung Quốc và vẫn giữ châm ngôn “Không làm kẻ xấu”.

Ở cuối bản bài, Google đã gợi ý với quốc hội về vai trò và trách nhiệm chính phủ Hoa Kỳ trong công cuộc bảo vệ, phát triển giá trị của tự do tự do ngôn luận. Sau đây là toàn bài điều trần của Elliot Schrage, Phó Tổng Giám đốc Google tại Hạ viện Hoa Kỳ. Nội dung, Schrage trình bầy và biện dẫn chi tiết các lý do và phương án của công ty khi quyết định cạnh tranh tại TQ. Chính phủ Mỹ nên có quan điểm và hành động cụ thể về việc này thế nào? Mời bạn đọc xem qua và nhận định.




Điều trần của Công ty Google trước Hạ viện Hoa Kỳ — 15 tháng 2, 2006

Elliot Schrage
Elliot Schrage
— Ảnh Google Inc.


Tôi tên là Elliot Schrage, Phó Tổng Giám Đốc, phụ trách Truyền thông Thế giới và Công chúng Vụ của Công Ty Google. Vai trò của tôi là giúp định hướng và giải thích quyết định của công ty Google trong cố gắng cung ứng đường truy cập thông tin toàn cầu một cách nhanh chóng, tiện lợi, hữu ích, toàn diện, và khả thi nhất.

Hôm nay tôi đến đây để trả lời tất cả những câu hỏi quý vị có thể có về vấn đề chúng tôi đang làm thế nào trong cố gắng kinh doanh tại Trung Quốc. Tôi, và các đồng nghiệp của tôi cũng thế, không chờ đợi tất cả mọi người sẽ đồng ý với quyết định của của chúng tôi về việc khai trương một dịch vụ mới ngay trong một thị trường thử thách, phức tạp, và nhiều hứa hẹn (như TQ). Mong rằng điều trần của chúng tôi sẽ giúp giải thích với quý vị làm thế nào chúng tôi đã đi đến quyết định này, những kết quả nào chúng tôi muốn gặt hái là gì, và làm thế nào để chúng tôi đạt được mục tiêu đã định.



Mở đầu

Ngay đây, tôi muốn khẳng định một điều mà tôi tin rằng rất rõ ràng: Định được hướng để ứng xử thế nào với TQ đã là một thử thách rất khó cho Google. Điều kiện để làm ăn ở TQ gồm có việc tự kiểm duyệt — đi ngược lại giá trị và cam kết căn bản của công ty Google. Dù vậy, chúng tôi đã đưa vào thị trường TQ một sản phẩm mới — Google.cn hay Google cho TQ — tôn trọng những giới hạn về nội dung do nhà nước TQ áp đặt. Nhưng chúng tôi đi đến quyết định đó dựa trên đánh giá cho rằng Google.cn sẽ góp phần vào — dù không hoàn mỹ — sự phát triển đường truy cập thông tin tại TQ.

Từ ngày công ty thành lập vào năm 1999 đến cách đây vài tuần, Google vẫn phục vụ người dùng Internet tại TQ không khác gì những người khác ở khắp thế giới. Dù không có nhân viên làm việc tại TQ, nhờ tính toàn cầu của Internet, chúng tôi vẫn có thể cung ứng dịch vụ của Google.com bằng tiếng Hoa; người dùng Internet tại TQ đã dễ dàng truy cập và sử dụng sản phẩm này. Đến năm 2002, chúng tôi biết, thỉnh thoảng người dùng trong TQ không thể dùng được Google. Đến mùa thu 2002, một buổi sáng, thức dậy chúng nhận được điện thư báo người sử dụng Internet hoàn toàn không thể truy cập được Google tại TQ. Ở thời điểm đó chúng tôi đối đầu với hai chọn lựa: một là cương quyết bảo vệ cam kết của chúng tôi với quyền tự do ngôn luận (phải chấp nhận rủi ro là chúng tôi sẽ có thể bị cắt rời với người dùng Internet tại thị trường TQ trong thời gian dài), hai là chấp nhận thoả hiệp với luật lệ TQ. Chúng tôi đã giữ vững lập trường, hai tuần sau dịch vụ Google.com hoạt động trở lại bình thường.
Đối thủ Internet tại TQ

Tuy nhiên, chúng tôi lại phát hiện nhiều vấn đề mới. Rất nhiều truy cập thông tin, đặc biệt với các từ chính trị nhạy cảm, đã không thể thông qua máy chủ của Google. Tốc độ truy cập Google trở nên chậm lại, thiếu khả tín, nghĩa là dịch vụ Google tại TQ không thể làm chúng tôi có thể hãnh diện. Dù không tự kiểm duyệt, kết quả truy cập, tra cứu thông tin của chúng tôi cũng đã bị lọc mất, cùng lúc dịch vụ Google tích cực bị hạ cấp. Trên thực tế, lắm khi người dùng Google tại TQ bị chuyển sang dịch vụ truy cập của địa phương tại TQ. Tuy thế chúng tôi vẫn tiếp tục cung ứng dịch vụ từ ngoài TQ trong khi những công ty Internet khác đã vào gầy dựng cơ sở hoạt động tại đó.

Cách đây hơn 1 năm, chúng tôi quyết định nghiên cứu lại thị trường TQ, thẩm định và xem lại cách giải quyết của mình có phải là chiến lược tốt nhất không. Chúng tôi đã bỏ khá nhiều thời gian trao đổi với các chuyên gia Internet TQ, những học giả, giới trí thức trong và ngoài TQ, những tên tuổi TQ quen thuộc, những nhóm và người vận động nhân quyền, viên chức chánh phủ, cách lãnh đạo trong giới doanh nhân, và cả với nhân viên người TQ của Google. Qua những tham khảo, trao đổi đó chúng tôi đi đến kết luận, có lẽ Google đã chọn sai hướng. Kết quả truy cập của Google bị lọc mất; dịch vụ của Google bị hạ cấp, giảm tốc; người dùng Internet tại TQ bỏ sang với các động cơ truy cập thông tin tại nội địa TQ; và hệ quả sau cùng là ngưòi dùng Internet tại TQ có ít đường truy cập thông tin hơn trước.

Tôi xin phép đi sâu vào chi tiết những phân tích của Google cho thị trường TQ. Mục đích của Google là làm cho mọi người ở kháp nơi, bất cứ lúc nào cũng có thể tra cứu, truy cập được kho thông tin thế giới. Muc đích chính yếu đó chia thành hai cam kết chính:

(a) Một là cam kết thương mại của chúng tôi nhằm thỏa mãn yêu cầu của người dùng, và làm như thế chúng tôi gầy dựng một công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp cạnh tranh này; và

(b) Hai là đường lối kiên định của chúng tôi: mở rộng đường truy cập thông tin cho bất cứ ai muốn và như thế sẽ làm thế giới trở nên tốt hơn, được thông tin hơn, và tự do hơn.

Một số giới hạn do chính quyền áp đặt đã phần nào làm mục đích chính của chúng tôi khó đạt được, và đây là vấn nạn chúng tôi đang đối phó tại TQ. Trong trường hợp như thế, chúng tôi phải đặt thêm cam kết thứ ba vào bàn cân, đó là:

(c) Ứng xử kịp thời trước tình thế địa phương.

Vì thế với những phân tích tổng thể vừa nêu, chúng tôi quyết định thử nghiệm một lối đi khác dựa trên tính toán rất thực dụng — chúng tôi có thể cung ứng nhiều đường truy cập thông tin cho nhiều người dân TQ hơn, một cách đáng tin cậy hơn bằng cách cung ứng một dịch vụ mới, Google.cn, như thế dù buộc phải tự kiểm duyệt, Google vẫn đem đến nhiều thuận lợi đáng kể hơn cho người sử dụng Internet. Hơn hết, dịch vụ này sẽ nhanh hơn, đáng tin cậy hơn và cho nhiều kết quả tốt hơn cho mọi truy cập, tra cứu trừ một số ít chủ đề chính trị nhạy cảm. Chúng tôi cũng khai triển một số đặc thù cho dịch vụ Google tại TQ, bao gồm:

• Báo cho người dùng Google — Chúng tôi sẽ cho người dùng biết mỗi khi một phần kết quả truy cập bị lọc mất.
• Bảo vệ bí mật của người dùng Google — Chúng tôi sẽ không giữ bất cứ một dịch vụ nào, như điện thư, có thông tin cá nhân và thông tin kín, trên lãnh thổ TQ. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không quản lý Gmail, hay Blogger, công cụ điện thư và blogging của chúng tôi, taị TQ.
• Tiếp tục cung ứng dịch vụ Google.com — chúng tôi không chấm dứt hoạt động của sản phẩm Google.com Hoa ngữ.

Rất nhiều người, nếu không phải là đa số quý vị ở đây, biết một trong những điều tâm niệm của Google là “Không làm kẻ xấu.” Một số người chỉ trích chúng tôi — và ngay cả một số thân hữu — cho rằng cụm từ đó quá cao ngạo, hay ngây thơ hoặc cả hai. Không phải như vậy. Đó chính thực là lời cảnh cáo để chúng tôi nghiền ngẫm suy xét hệ quả đạo đức và luân thường trong mọi quyết định kinh doanh.
Google có đầu lọc — Google.cn

Chúng tôi tin rằng con đường chúng tôi chọn cho TQ hôm nay vẫn đang phù hợp với tâm niệm đó. Niềm hy vọng của chúng tôi là với chọn lựa thỏa hiệp của Google, dù không lý tưởng, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân TQ trên đường truy cập thông tin hơn là chọn lựa khác. Chúng tôi cũng không cho rằng đây là đáp án “đúng” duy nhất cho vấn nạn lưỡng nan của các công ty thông tin Internet tại TQ mà chỉ là một lối đi hợp lý sẽ mang lại kết quả truy cập tốt nhất cho người dùng, hơn mọi bộ máy truy cập thông tin khác hiện có tại TQ. Và bằng cách phục vụ người dùng Internet tốt hơn, chúng tôi mong rằng doanh nghiệp của chúng tôi cũng sẽ tốt hơn, về lâu về dài.

Thẳng thắn mà nói, đây không phải là những vấn đề dễ dàng, đen ra đen trắng ra trắng. Như Sergey Brin, người đồng sáng lập Google, đã nói, chúng tôi hiểu và trân trọng góc nhìn của những người không đồng ý với quyết định của chúng tôi; thực vậy, chúng tôi công nhận quan điểm đối lập là một lập trường hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ có những giải pháp bất toàn mỹ, chúng tôi tin rằng mình đã có chọn lựa hợp lý. Đó là một lựa chọn đã đưa đến rất nhiều quan tâm lớn — hơn xa hẳn khi chúng tôi quyết định không vượt lằn ranh tự kiểm duyệt. Chúng tôi mong rằng những đối thoại tiếp theo sẽ dẫn đến những hợp tác xây dựng giữa giới doanh thương và chính phủ để cùng đẩy mục đích chung là mở rộng con đường truy cập thông tin cho toàn thế giới.

Chúng tôi nghĩ mình đã có quyết định hợp lý, dù không chắc đây là chọn lựa tốt nhất. Với thông báo về việc phát hành Googgle.cn, chúng tôi mong rằng sẽ phục vụ người sử dụng Internet tại TQ tốt hơn. Chúng tôi cũng mong sẽ có thêm những dịch vụ khác, nếu hoàn cảnh và điều kiện cho phép. Chúng tôi cũng hiểu rằng việc này, vì nhiều lý do khác nhau, có khả năng sẽ không tiến hành trôi chảy. Nhìn tới trước, chúng tôi cẩn thận theo dõi tình hình tại TQ, kể cả luật lệ mới và những giới hạn khác của chính quyền đối với dịch vụ Google.

Nếu xác định được rằng không thể đạt được mục đích dẫn trên, chúng tôi sẽ không ngần ngại xét lại hướng đi của mình với TQ.

Trong phần còn lại của bản điều trần theo sau, tôi trình bày thẳng thắng tình hình tại TQ, dưới góc nhìn của Google, những tranh luận về các lựa chọn, thực chất của quyết định tại sao Google vào TQ như thế, những lý lẽ biện minh cho lựa chọn này, và một số gợi ý để các tác động của công nghệ thông tin và chính phủ có thể góp phần vào việch khuếch trương đường truy cập thông tin ở mọi hang cùng ngõ tận trên toàn thế giới.


Cái nhìn tổng thể: Internet đang chuyển hóa TQ
Sinh viên Tây Tạng (Tibet) phản đối, CA, USA, 1/2006 — Ảnh: Reuteurs, Kimberly White

Hậu cảnh của quyết định phát hành sản phẩm Google.cn là sự tăng trưởng bùng phát của Internet tại TQ. Nói một cách đơn giản, Internet đang chuyển hóa TQ đi về hướng tốt đẹp hơn. Và trọng lượng của sự việc hiển nhiên này cho thấy mạng Internet đang tăng gia tốc và đi sâu vào hướng cải thiện xã hội TQ, ngay ở trong những điều kiện và khung cảnh không hoàn mỹ.

Nhìn một cách rộng rãi, công nghệ thông tin và viễn thông — kể cả mạng Internet, điện thư, bút đàm (instant messaging), trang blog (web logs), bảng thông tin (bulletin boards), truyền thông qua dụng cụ điện toán cá nhân (podcast), giao lưu giữa người dùng Internet (peer-to-peer application), điện thọai di động, lời nhắn ngắn (SMS text message), và nhiều dịch vụ khác — đã cho dân TQ nhiều phương tiện để đọc, thảo luận, phát hành, truyền thông về nhiều chủ đề, sự kiện, và vấn đề hơn trước rất nhiều.

Hiện nay có hơn 105 triệu người dùng Internet tại TQ. (1) Hơn một nửa số này dùng băng tần rộng nối mạng — tăng gần 41% so với năm 2003. (2) Tuy thế, hiện nay độ triển khai Internet tại TQ vẫn ở thời sơ khởi, mới đến với khoảng 8% dân số. (3) Đã có 80% dân TQ dưới 24 tuổi dùng Internet. (4) Đến 2010, TQ sẽ có khoảng 250 triệu người dùng Internet. (5) Hiện nay đã có 350 triệu điện thoại di động. (6)

Một nghiên cứu, được nhiều trân trọng, mới đây của Viện Khoa học Xã hội TQ (CASS) ghi lại một số kết quả đáng chú ý, và có thể gây ngạc nhiên, về quan điểm của người dùng Internet tại TQ: (7)

• Đa số người dùng Internet đều cho rằng Internet đang thay đổi nền chính trị TQ. Người dùng Internet thường cho rằng Internet sẽ làm chính trị trong sáng hơn, phát triển tranh luận: 63% cho rằng người dân sẽ hiểu nhiều hơn về chính trị khi nối mạng, 54% người dùng Internet tin rằng mạng toàn cầu cho họ nhiều cơ hội hơn để chỉ trích chính quyền, và 45% tin rằng Internet đã tạo nhiều cơ hội để bày tỏ quan điểm chính trị của mình.
• Đa số người dân TQ tin rằng một số nội dung Internet, như thông tin dâm ô và bạo động, cần được kiểm soát. Tuy nhiên, chỉ có 7,6% tin rằng phải kiểm soát nội dung các thông tin mang tính chính trị.
• Tỉ số 10:1 tin rằng Internet sẽ làm thế giới trở nên tốt hơn thay vì xấu đi.

Dựa trên những kết quả đó, cuộc thăm dò ý kiến về Internet của CASS đã đi đến kết luận, “Tác động chính trị của Internet tại TQ đáng kể hơn ở những quốc gia khác. Tác động đó không những chỉ có ở quan hệ giữa chính quyền và người dân mà còn nổi bật trong nhóm người có cùng mục đính chính trị. Như thế, chúng ta có thể dự đoán khi Internet trở nên phổ quát hơn tại TQ thì tác động của nó vào đời sống chính trị ỏ đây sẽ mạnh hơn.” (8)


Vấn nạn: Đường truy cập thông tin bằng Google quá chậm và không tin cậy được.

Từ năm 2000, Google đã cung ứng cho người dùng một bản Google Hoa ngữ, dễ dùng, tiện dụng và hữu ích cho người sử dụng tiếng TQ cũng như khách dùng Anh ngữ khắp thế giới. Tuy thế, ngay trong nội địa TQ, Google.com đã gặp trở ngại lớn: chậm và không tin cậy được. Trên thực tế, người dùng Google ở TQ phải phấn đấu để dùng một dịch vụ (Google) gần như không hiện hữu. Theo thống kê của chúng tôi, Google bị vô hiệu hoá khoảng 10% (1:10 lần truy cập Google sẽ không có kết quả). Khi người dùng Internet ở TQ có thể vào Google thì tốc độ truy cập quá chậm (đến độ không tưởng tượng được, thua cả các sản phẩm cạnh tranh của TQ), và cho kết quả vô dụng vì khi bấm để truy cập thông tin tìm được thì duyệt trình trên máy bị ngưng lại. Kết quả sau cùng, Google gây ấn tượng xấu, kinh nghiệm không tốt với người dùng Internet.

Nguyên nhân của mực giảm tốc của Google đến độ không tin cậy được chính vì sự gạn lọc gắt gao do các nhà cung cấp dịch vụ Internet (có giấy phép) TQ thực hiện. Luật và chính sách của TQ về thông tin bất hợp pháp không chỉ áp dụng cho các nhà phát hành nội dung của thông tin trên mạng mà còn bó buộc tất cả các công ty cung cấp dịch vụ Internet tại đây. Tại TQ hiện có 9 cổng chuyển vận thông tin của công ty quốc tế (có giấy phép) đang hoạt động cùng với hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) khác nhỏ hơn. Mỗi ISP đều bị luật TQ ràng buộc phải tự gạn lọc thông tin đúng theo tiêu chuẩn và việc này có thể đưa đến kết quả bất nhất trên khắp mạng Intenet bất cứ lúc nào. Thí dụ, một vài dịch vụ của Google gần như luôn luôn không thể đến đến với người dùng Internet tại TQ như Tin Google, các trang lưu trữ, các trang blog. Những dịch vụ khác của Google như dịch vụ Tìm ảnh Google chỉ có thể truy cập được 50% thời gian. Còn Google.com, Froogle, và Bản đồ Google đều mất công hiệu khoảng 10%.
Bách Độ — Made in China

Ngay cả khi có thể truy cập đuợc Google, dữ kiện cho thấy Google bị cản lại, chậm hơn tất cả các sản phẩm cạnh tranh khác. Những số liệu đo lường của các công ty độc lập cho thấy tốc độ hạ tải một trang web Google chậm hơn Baidu — Bách Độ, động cơ truy cập, của TQ — đến 7 lần.

Người dùng Internet muốn truy cập Google sẽ có kết quả bất nhất tùy lúc, tùy nơi truy cập trên mạng Internet trong TQ. Thí dụ, Google tại Bắc Kinh (Beijing) có tốc độ nhanh hơn ở Thượng Hải (Shanghai), và thường thì tại các thành phố lớn tốc độ truy cập Google tốt hơn Google ở quận lỵ, làng xã hay các thành phố nhỏ.

Dựa trên phân tích của chúng tôi qua các cơ sở và dữ liệu có sẵn, chúng tôi tin rằng việc gạn lọc thông tin Google tại các công ty ISP có cổng quốc tế gắt gao và làm Google bị trì trệ hẳn đi so với độ gạn lọc của các công ty ISP nhỏ địa phương. Vì hiện nay máy chủ của Google hoàn toàn ở ngoài lãnh địa TQ, tất cả mọi ngả giao thông, đến và đi khỏi Google, đều phải qua ít nhất 1 cổng ISP quốc tế tại TQ. Do đó, để giải đáp cho vấn nạn này, Google cần phải đặt máy chủ tại TQ.

Hoạt động cùng lúc không có mặt ở thị trường nội địa, khiến tốc độ trì trệ và kém tin tưởng được là yếu tố then chốt làm giảm thị phần của Google tại TQ. Theo ước định của các công ty độc lập, Baidu (động cơ truy cập thông tin của TQ) đã tăng từ 2,5% năm 2003 lên đến 46% thị phần truy cập năm 2005, cùng lúc Google giảm xuống dưới 30% thị phần. (9) Thống kê này còn tệ hại hơn nữa nếu chúng ta so sánh trong giới sinh viên dùng Internet. Họ dùng Baidu nhiều hơn Google. Có hệ quả hôm nay, một phần vì mức tiến bộ của dịch vụ Baidu cũng như cuộc vận động, quảng cáo rầm rộ (do tiền thu được từ ngày bán cổ phần, NASDAQ: BIDU, phát hành lần đầu, IPO, ở Hoa Kỳ), nhưng lý do chính vẫn là vì người dùng Internet tại TQ quá bực bội với tốc độ truy cập chậm và kém tin cậy của Google.


Lối đi cân nhắc của Google

Trước hội chứng truy cập chậm mãn tính đè bẹp Google tại TQ, ban quản lý Google, từ hơn 1 năm trước, đã quyết tâm nghiên cứu, tìm hiểu về TQ để tìm thêm dữ kiện để đánh giá những chọn lựa khả thi, tranh luận về những giá trị tương đối của mỗi lựa chọn và đi đến một quyết định trân trọng cả hai mặt giá trị doanh thương và đạo lý.

Trên bình diện thương mại, dĩ nhiên, chúng tôi muốn có mặt tại TQ. Đây là một thị trường khổng lồ, đang phát triển rất nhanh, và rất quan trọng. Và các đối thủ chính của Google đã có mặt ở đó. Thật là không khôn khéo nếu chúng tôi bảo là không màng đến việc này, dĩ nhiên, chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi kinh doanh có trách nhiệm với các cô đông, và chúng tôi muốn phát triển một doanh nghiệp giàu mạnh trong thị trường cạnh tranh trên toàn thế giới.

Cùng lúc, hành xử theo và tôn trọng các nguyên tắc đạo đức là một trong những giá trị cốt lõi của công ty, và là cũng một bộ phận không thể tách rời của nếp văn hoá kinh doanh của chúng tôi. Sự chậm trễ và thiếu tin cậy của Google đồng nghĩa với việc chúng tôi thất bại trong mục tiêu làm đường truy cập thông tin đến với và hữu ích cho người dân dùng Internet tại TQ. Chỉ còn cách có mặt tại thị trường và ngay trên hiện trường TQ mới có thể cho phép Google gỉai quyết hầu hết, nếu không phải tất cả, những vấn nạn về tốc độ và khả năng truy cập của Google tại đây. Nhưng để có mặt tại hiện trưòng TQ, chúng tôi phải có giấy phép hoạt động như một nhà cung cấp thông tin Internet (Internet Content Provider, ICP). Điều này dẫn đến một loạt những đòi hỏi ràng buộc phải gạn lọc và tháo gỡ một số đường dẫn đến thông tin được xem là bất hợp pháp ở TQ.

Như thế, chúng tôi phải đối phó với hai chọn lựa căn bản — Một là cứ đứng ngoài TQ, hay hai là có mặt tại TQ — cả hai lựa chọn này đều có hệ quả mâu thuẫn với mục đích chính của công ty Google. Trong quá trình đánh giá hai lựa chọn này chúng tôi đã duyệt lại ba cam kết chủ yếu của Google là:

(a) Thỏa mãn yêu cầu của người dùng,
(b) Phát triển đường truy cập thông tin, và
(c) Thích ứng với điều kiện địa phương

Luận cứ mạnh nhất để không vào TQ đơn giản là Google không nên bước qua lằn ranh tự kiểm duyệt và không nên tích cự tiếp tay đặt để giới hạn cản trở con đường truy cập thông tin. Một cách thật rõ ràng, nếu tiếp tục chấp nhận vấn nạn của Google tại TQ cùng lúc với độ cạnh tranh mãnh liệt tại địa phương, hệ quả tất yếu là thị phần của Google sẽ tiệm cận zero. Không truy cập được Google, ngưòi dùng Internet tại TQ sẽ phải dựa vào các động cơ truy cập thông tin thiếu cam kết chủ yếu của Google là mở rộng tối đa con đường truy cập thông tin — và, dĩ nhiên, họ sẽ thiếu sót rất nhiều phương tiện, những khả năng và đặc trưng chỉ Google mới có để cung ứng.
Không có Blogger tại TQ

Mặt khác, ngay cả với nhũng ràng buộc của luật lệ đã sẵn có ở TQ, một dịch vụ Google.cn nhanh chóng, tin cậy được sẽ nâng cấp đường truy cập thông tin cho người TQ dùng Internet. Chúng tôi cũng ghi nhận, thí dụ, đại đa số truy cập thông tin tại TQ mang tính địa phương như để tìm doanh vụ, thời tiết, trò chơi, các mục tiêu khiển, thông tin du lịch, blogs, v.v… Ngay cả với những thảo luận chính trị, người dùng tại TQ thường truy cập thông tin ở các trang của TQ hơn là các nguồn thông tin của các quốc gia khác. Trên thực tế, truy cập mạng lưới toàn cầu bằng Google, chúng tôi ước định có khoảng ít hơn 2% câu hỏi tại TQ sẽ đưa đến kết quả là những trang/nguồn không thể truy cập vì đã bị gạn lọc.

Sự kiện Google.cn là một sản phẩm mới, bổ sung cho chứ không thay thế Google.com, là điểm chủ yếu trong phần phân tích ở đây. Google.com, bản Hoa ngữ, sẽ hoạt động như cũ, không bị (Google) gạn lọc kết quả cung ứng cho tất cả người dùng Internet khắp nơi trên thế giới. Cùng lúc, tốc độ và mức tinh sảo kỹ thuật của Google.cn sẽ tạo nhiều cơ hội mở rộng đường truy cập thông tin tại TQ.

Chúng tôi cũng đã có những bước xa hơn những tính toán đơn gỉản để mở rộng đường truy cập thông tin. Trước nhất, chúng tôi ý thức được rằng người dùng Internet muốn sự việc phải trong sáng, trung thực khi thông tin bị hạn chế. Thứ nhì, người dùng Internet cũng quan tâm về vấn đề bảo mật thông tin kín và an ninh cá nhân. Sau cùng, người dùng cũng muốn có cạnh tranh và nhiều chọn lựa vì đó là những động cơ thúc đẩy các đối thủ cùng thị trường quan tâm để nâng cấp và làm sản phẩm của mình mỗi ngày một tốt hơn.

Xuyên suốt, trong sáng. Người dùng Internet muốn được thông báo mỗi khi thông tin đã bị lọc ra ngoài kết quả truy cập. Kinh nghiệm của Google qua việc đối phó với luật lệ giới hạn truy cập thông tin tại các quốc gia khác giúp chúng tôi những hiểu biết cốt yếu để Google.cn có thể có những tiết lộ, dù khiêm tốn, nhưng chưa từng có với người dùng Internet tại TQ.

Google đã thiết lập một chính sách toàn cầu kiên định và một cơ chế kỹ thuật để xử lý những thông tin được chính quyền sở tại xem là bất hợp pháp. Một vài quốc gia chúng tôi có hoạt động cũng có luật lệ kiểm soát thông tin. Tại tất cả những quốc gia này, Google có cùng ứng xử. Trước nhất, khi nhận được lệnh toà hay một thông báo pháp lý, chúng tôi lọc những thông tin bất hợp lệ ra ngoài những ấn bản Google địa phương (thí dụ Google.fr cho Pháp). Thứ nhì, chúng tôi thông báo rất rõ cho mọi người dùng Google trên mỗi trang kết quả truy cập những đường dẫn nào đã bị lọc ra ngoài. Những tiết lộ của Google như thế sẽ cho người dùng Internet đủ dữ kiện để quy trách nhiệm cho hệ thống pháp luật địa phương.
Không có Gmail tại TQ

Phản ứng này cho phép Google tôn trọng luật lệ giới hạn thông tin của chính quyền địa phương đồng thời cung ứng cho người dùng Internet những tiết lộ hữu dụng và giới hạn tối đa tác động tiêu cực đến các trang Google tại quốc gia đó. Với TQ, mô hình này giúp chúng tôi định hướng làm thế nào để xử lý việc giới hạn thông tin trên sản phẩm Google.cn trong chiều hướng vẫn tiết lộ khi những đường dẫn bị gạn lọc ra ngoài.

Thông tin bí mật và an ninh cá nhân Google cam kết bảo vệ mọi thông tin bí mật và riêng tư của người tiêu thụ. Trước khi phát hành Google.cn, chúng tôi đã duyệt xét lại tất cả những dịch vụ của Google để đánh giá hệ quả trực tiếp nếu những dịch vụ đó được cung ứng ở TQ. Chúng tôi hiểu rất rõ việc mọi thông tin chúng tôi quản lý đều có thể bị đặt dưới quyền tài phán của quốc gia nơi chúng tôi cất giữ cơ sở dữ liệu. Với hiểu biết như thế, chúng tôi đi đến kết luận, ít nhất vào giai đoạn đầu, chỉ để vài máy chủ cho dịch vụ truy cập thông tin tại TQ.

Cạnh tranh và Lựa chọn Người dùng Internet tại TQ, cũng như khắp nơi trên thế giới, muốn có cạnh tranh và nhiều lựa chọn trên thị trường. Không có cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ kém bị thúc đẩy để nâng cấp độ tinh sảo kỹ thuật, kể cả chấp nhận những sáng kiến táo bạo nhiều rủi ro, để cải tiến dịch vụ cho người tiêu dùng. Nếu Google quyết định đứng ngoài thị trường TQ — đồng nghĩa với việc giải toả sức ép rất lớn, trên các doanh nghiệp đối thủ ở thị trường truy cập thông tin địa phương, đang thúc đẩy sáng tạo những thiết bị tối tân hơn để truy cập và xắp xếp thông tin. Rút khỏi thị trường TQ là nhường trận địa lại cho những doanh nghiệp địa phương không có cùng cam kết như Google, và không bị áp lực cạnh tranh để cải tiến dịch vụ vì nhu cầu và quyền lợi của người dùng Internet.


Quyết định: Google đang làm gì tại TQ

(1) Phát hành Google.cn
Chúng mới tung ra thị trường một phiên bản mới của Google có đặt lưới lọc thông tin đáp ứng yêu cầu luật pháp của TQ về thông tin bất hợp pháp.

(2) Tiết lộ kết quả bị gạn lọc
Google.cn sẽ thông báo rõ ràng với người dùng Internet biết bất cứ khi nào những đường dẫn đến nguồn thông tin đã bị lọc ra ngoài bảng kết quả truy cập để đáp ứng yêu cầu luật pháp địa phương. Chúng tôi cho rằng đây là một cải tiến có chiều hướng trong sáng chưa công ty nào khác có được.

(3) Dịch vụ giới hạn
Google.cn gồm có dịch vụ truy cập cơ bản, cùng với dịch vụ cung ứng bản đồ và thông tin về các cơ sở kinh doanh địa phương. Những sản phẩm khác — như Gmail hay Blogger — liên quan đến thông tin riêng và mật của người dùng chúng chỉ trở thành dịch vụ tại TQ khi chúng tôi cảm thấy có khả năng bảo mật và an ninh cá nhân của người dùng những dịch vụ này.


Bước kế tiếp: Hành động Tự nguyện của Công nghiệp

Google ủng hộ và cổ súy ý kiến Công nghiệp Internet cùng nhau định chuẩn những nguyên tắc ứng xử chung cho tất cả các công ty công nghệ thông tin tại các quốc gia giới hạn và kiểm soát đường truy cập thông tin. Cùng với các đồng nghiệp tại các doanh nghiệp Internet hàng đầu, chúng tôi tích cực khai phá tiềm năng của những nguyên tắc chỉ đạo có thể ứng dụng tại tất cả các quốc gia ở đó thông tin Internet bị giới hạn và kiểm soát. Những nguyên tắc chỉ đạo này có thể gồm cả, thí dụ, tiết lộ với người dùng Internet, bảo mật thông tin riêng và kín của người dùng, báo cáo định kỳ về những phương án đáp lại những giới hạn vì luật lệ của chính phủ địa phương.


Bước kế tiếp: Hành động của Chính phủ Hoa Kỳ

Chính phủ Hoa Kỳ có vai trò và trách nhiệm đóng góp với công cuộc phát triển tự do ngôn luận. Thí dụ, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương Mại cùng Văn phòng Đại diện Thương Mại nên tiếp tục đưa vấn đề kiểm duyệt thành tâm điểm trong mọi nghị trình đàm phán thương mại song phương và đa phương.

Hơn nữa, chính phủ Hoa Kỳ có thể tìm mọi cách bảo vệ mức tiến và tầm ảnh hưởng của nền công nghiệp thông tin Internet của chúng ta bằng cách tháo gỡ những rào cản phát triển của chúng ở đầu mọi nghị trình thương mại. Có thể mang tiếng là quá đơn giản hoá vấn đề, (chúng tôi đề nghị) Hoa Kỳ nên xem kiểm duyệt là một rào cản thương mại, và đặt vấn đề này tại tất cả mọi diễn đàn thích hợp.


Copyright © 2006 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 23/02/2006)



Nguồn:
Testimony: The Internet in China, 2/15/2006 09:50:00 AM
Posted by Karen Wickre, Google Blog team

Chú thích:
(1) “China Online Search Market Survey Report,” China Network Information Center (CNNIC) (August 2005) (“CNNIC Search Engine Study”).
(2) Guo Liang, “Surveying Internet Usage and Impact in Five Chinese Cities,” Research Center for Social Development, Chinese Academy of Social Sciences (November 2005) (“the CASS Internet Survey”), at iii. The CASS Internet Survey is a statistically rigorous survey of Internet users in Beijing, Shanghai, Guangzhou, Chengdu, and Changsha.
(3) Id.
(4) Id., at iv.
(5) “15th Statistic Survey Report on the Internet Development in China,” China Network Information Center (CNNIC) (2005).
(6) From statistics published by China’s Ministry of Information Industry.
(7) CASS Internet Survey., at iv-ix, 93-100.
(8) Id. at 100.
(9) CNNIC Search Engine Study

Thursday, January 26, 2006

Dân chủ, chính đảng và các tổ chức chính trị


Dân chủ nội bộ


Trong cuộc bầu cử ngày 23/1/2006, đảng Bảo Thủ Canada thắng nhiều ghế nhất (124/308) tại quốc hội. Sáng ngày hôm sau, Thủ tướng Paul Martin, lãnh đạo đảng Tự Do Canada, điện thoại báo cho Thủ hiến Michaëlle Jean, xin từ nhiệm và dọn hồ sơ ra khỏi văn phòng Thủ tướng.

Ngay sau khi biết đảng Tự Do không được đa số cử tri tín nhiệm cho lập chính phủ, Martin trong diễn văn sau bầu cử đã tuyên bố sẽ tham khảo với đại biểu của đảng tại quốc hội cũng như ban lãnh đạo đảng để tìm thời điểm thích hợp nhất chọn người lãnh đạo mới.

Tự do bầu chọn người đại diện quản lý đất nước là sinh hoạt đời thường tại Canada, một quốc gia dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Quyết định của Martin, dứt khoát tuyên bố không tiếp tục lãnh đạo đảng Tự Do lại là một nét khác, đáng chú ý trong sinh hoạt dân chủ không phải ở phạm trù quốc gia mà thuộc nội bộ của các chính đảng.

Đảng quy của đảng Tự Do không bắt lãnh đạo đảng phải từ chức khi không giữ được chính quyền. Paul Martin cho rằng đã đến lúc vai trò lãnh đạo đảng phải được chuyển giao cho thế hệ tiếp nối, tiếp tục công cuộc xây dựng, phát triển để đưa đảng trở lại chính quyền ở một thời điểm khác trong tương lai. Martin tự chấm dứt vai trò lãnh đạo, không để đảng phải huỷ căn cước lãnh đạo đảng của mình. Đây là một lựa chọn khôn khéo của con người dân chủ.

Paul Martin, 67 tuổi, trước khi vào chính trường, đã là một luật sư, doanh nhân thành đạt và cũng là con của một đại biểu quốc hội, bộ trưởng trong 4 nội các chính phủ suốt 32 năm. Trong mười bẩy năm làm chính trị (từ 1988) mà Martin gọi là “đặc ân được phục vụ đất nước”, ông đã có những đóng góp không nhỏ: xoá sạch 42 tỉ CND thâm thủng ngân sách (lớn nhất trong khối G7), liên tục đưa 5 ngân sách bội thu, trả 36 tỉ CDN tỉ tiền lời, giảm tổng số 100 tỉ CND thuế trong 5 năm, con số lớn nhất trong lịch sử Canada.

Thuộc gia đình quyền lực, là một cá nhân thành công, là một chính khách phục vụ tốt cho dân cho nước, Martin vẫn thoái lui, nhường vai trò lãnh đạo đảng lại cho thế hệ tiếp theo, ngay lúc đảng đang rất mạnh (104 ghế tại quốc hội). Chọn lựa khôn ngoan của Martin cho thấy ông tin vào sinh hoạt, ứng xử dân chủ trong nội bộ sẽ giúp đảng phát triển để trở lại giữ chính quyền trong tương lai. Đảng Tự Do sẽ chọn lãnh đạo mới. Trong giai đoạn chuyển tiếp, sinh hoạt đảng vẫn tiến hành, không ai phải lo mất đảng vì ban lãnh đạo đảng vẫn thi hành trách nhiệm lãnh đạo, vì lãnh đạo dân chủ của một chính đảng (đảng Tự Do Canada chỉ là một thí dụ) hay tổ chức chính trị bền vững thường không phải là lãnh tụ.

Những người giữ vai trò lãnh đạo, đảng viên và quần chúng ủng hộ các chính đảng giữ một vai trò trọng yếu trong tiến trình chuyển đổi đến dân chủ và sinh hoạt trong xã hội dân chủ sau đó. Cổ xuý, đấu tranh cho một xã hội dân chủ công bằng, các chính đảng và tổ chức chính trị, trước nhất, phải tự mình có sinh hoạt dân chủ.

Nếu không tôn trọng và thực thi dân chủ trong sinh hoạt nội bộ, chính đảng không thể nào lãnh đạo dân chủ sau khi thắng cử và nắm giữ quyền lực.

Làm thế nào để biện minh một cách thuyết phục cho việc đòi hỏi dân chủ đa nguyên, đấu tranh cho việc chuyển đổi vai trò lãnh đạo đất nước một các dân chủ cùng lúc lại lại tìm cách giới hạn việc thay đổi lãnh đạo ngay trong nội bộ đảng? Nhiệm kỳ lãnh đạo cần phải có giới hạn nhất định. Nhiệm kỳ lãnh đạo – quốc gia, chính đảng hay tổ chức chính trị cho đến các tập đoàn xã hội – có giới hạn nhất định là yếu tố cần thiết trong sinh hoạt dân chủ xã hội để phát triển xã hội công dân.

Chính đảng dù ở ghế quyền lực hay đang là đảng đối lập, là tổ chức đấu tranh chính trị hay hội đoàn xã hội, tất cả đều có trách nhiệm cổ xuý và gìn giữ những giá trị dân chủ và nhân quyền ngay trong sinh hoạt nội bộ.

Dân chủ là một giá trị mang tính hoàn vũ. Lẽ thường và dĩ nhiên không chính đảng hay tổ chức chính trị nào lại tuyên bố họ không dân chủ, nhất là trong giai đoạn hiện tại, xu thế dân chủ không chỉ là sản phẩm của riêng những quốc gia tiên tiến.

Điển hình, dù Điều 4 hiến pháp CHXHCN Việt Nam có đại ý đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng (duy nhất, độc quyền) lãnh đạo Nhà nước và xã hội là đảng cộng sản Việt Nam. Điều 6 của hiến pháp này lại viết “Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Dù độc đảng, độc tài đến mười mươi, đảng CSVN vẫn hô hoán, vẫn cổ vũ dân chủ.

Thí dụ, trong bài “Nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng” Nguyễn Thanh Tuấn viết, Hội nghị Trung ương 9, (khoá IX) của Đảng ta đã nhấn mạnh: phải thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trên cơ sở thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. (Nguyễn Thanh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, – Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, số 1–2005). Tác giải thích “Der demokratische Zentralismus” trong tác phẩm của K. Marx – F. Engels có nghĩa tiếng Việt là “nguyên tắc (hoặc chế độ) tập trung (có tính) dân chủ”. Và theo V. I. Lenin, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt đảng. Có lẽ tác giả chưa tin là người đọc đã hiểu thế nào là nguyên tắc tập trung dân chủ nên lôi cả ông Hồ Chí Minh ra giúp sức, “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung

Hiến pháp hô hào dân chủ, lý luận chính trị cũng xiển dương dân chủ, và thậm chí trong đảng còn có cả những phê bình ra chiều rất dân chủ như Võ Văn Kiệt trong các lá thư, trong các buổi phỏng vấn đã nhắn gởi đảng, “sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ những đảng viên có chức, có quyền – cái mà người ta gọi là sự tha hóa của quyền lực, sự tha hóa của người cầm quyền. Có những chuyện đó là vì trong sinh hoạt và trong tổ chức của Đảng, chỉ tập trung mà thiếu dân chủ. Biểu hiện ngày càng rõ việc không tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng trước hết là tình trạng thiếu dân chủ trầm trọng trong tổ chức và trong cách làm việc, cách ra quyết định.” (“Đảng gắn bó máu thịt với dân,” Tạp chí Xây dựng Đảng, tháng 4, 2005.)

Lên tiếng như thế xem chừng chưa thấm, chưa thấu đến tai các nhà “dân chủ” đang “tập trung” trong Bộ Chính Trị, ông Võ Văn Kiệt tiếp tục viết thư (2/7/2005) đề nghị sửa đổi điều lệ đảng. Một trong những đề nghị chính trong thư, ông Kiệt đề xin đổi “tập trung dân chủ” thành “dân chủ tập trung.”

Trên thực tế, dù bóng bẩy như đã trả lời phỏng vấn đăng ở Tạp chí Xây dựng Đảng, nhưng Kiệt có ý nói đảng cộng sản VN của ông thiếu dân chủ vì lãnh đạo tham quyền cố vị dù không huỵch tẹch, dễ hiểu như ông cộng sản nào đó đã nói, “Cái đít nó có trí nhớ, nó nhớ cái ghế.” Vòng vo, chơi xốc chữ “dân chủ” với “tập trung” ở lá thư tháng 7, ý chính của ông Kiệt vẫn là chuyện chuyên quyền, phi dân chủ của thiểu số lãnh đạo đảng cộng sản trong Bộ Chính Trị.

Đấy là ý kiến riêng của ông Kiệt, lãnh tụ cộng sản không còn quyền lực. Những người đang đánh bóng đảng như Nguyễn Thanh Tuấn hay đang chuẩn bị thăng hoa, đang củng cố quyền lực như Nguyễn Minh Triết thì “tập trung dân chủ” như đảng cộng sản đang thực hiện đã là “dân chủ cực kỳ!”

“Dân chủ cực kỳ” của ông Nguyễn Minh Triết là cái gì thế? Hồi cuối năm 2005, Đảng bộ Tp. HCM họp Đại hội lần thứ VIII. Một cuộc cách mạng đã xẩy ra tại Đại hội này, ngay trong phiên bầu Ban Chấp Hành khóa VIII mà không ai để ý thấy. Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Ủy Sài Gòn cho hay, thay vì Ban Chấp Hành cũ đưa danh sách ứng cử viên (hay là tự mình đưa tên mình) như thông lệ, đảng bộ Sài Gòn kỳ này chơi ngon, để các đoàn đại biểu giới thiệu. "Dân chủ cực kỳ! Trên cơ sở đó lọc ra hơn 100 người rồi lựa chọn kỹ lưỡng để bầu ra 59 người.”

Ông Triết quá phấn khởi vì "Dân chủ cực kỳ" của đảng bộ Sài Gòn nên quên không giải thích rõ các đoàn đại biểu lấy tên ứng cử viên ở đâu để giới thiệu và ai đã lọc ra hơn 100 người để 400 đại biểu bầu ra 59 người. Màu mè cải lương cho lắm, thực chất, đảng bộ Tp. HCM vẫn theo lệ cũ “lãnh đạo (đảng) cử, đảng viên bầu.” Theo ThanhNien Online, “Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ khóa VIII hầu hết là các đồng chí trong BCH khóa VII.”

“Dân chủ cực kỳ” là như thế!

Quyền lựa chọn là một nguyên tắc cơ bản của dân chủ. Cũng như công dân lựa chọn đại biểu vào quốc hội, cử người đại diện lập chính phủ quản lý đất nước, đảng viên (của chính đảng) thành viên, hội viên (các tổ chức chính trị hay xã hội) phải được quyền trực tiếp hay gián tiếp qua cuộc bầu chọn dân chủ, cử ra ban lãnh đạo đảng, tổ chức hay hội của mình.

Dân chủ nội bộ là yêu cầu bức thiết của các chính đảng dân chủ, cấp tiến tại Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại Đức, ngay trong hiến pháp (Basic Law of 1949) về tổ chức chính đảng Đoạn 1 Điều 21 ghi, “Tổ chức nội bộ (của các chính đảng) phải tuân thủ các nguyên tắc dân chủ.” Sau lần rối loạn ở Đại hội Đề cử Ứng viên Tổng Thống năm 1968 tại Chicago, đảng Dân Chủ đã đổi mới đảng quy để nâng cấp và bảo đảm quyền chọn lựa của mỗi đảng viên, giảm thiểu quyền lực của các ông trùm và bè cánh trong đảng. Những đổi mới của phe ủng hộ “dân chủ nội bộ” trong các chính đảng tại Hoa Kỳ hay Điều 21 của hiến pháp Đức đều nhằm mục đính giới hạn hội chứng suy tôn lãnh tụ, ảo tưởng lãnh tụ đưa đến tệ trạng tập đoàn lãnh đạo thao túng, thoái hóa làm tê liệt sinh hoạt dân chủ, huỷ hoại hiệu năng phát triển đảng và/hay tổ chức.

Một thí dụ khác về dân chủ nội bộ. Tháng 6, 2005, trong một cuộc đầu phiếu tín nhiệm, Bernard Landry, 68 tuổi, lãnh đạo đảng Parti Québécois, cựu Thủ tướng Quebec – một tỉnh bang của Canada, được 76,1% đảng viên tại Đại hội đảng tín nhiệm. Landry từ chức với lý do mức tín nhiệm như thế không đủ để đạt mục đích của đảng (tách rời Quebec khỏi Canada). Cuộc vận động bầu lãnh đạo mới cho Parti Québécois kéo dài 149 ngày. Hơn 75% trong số khoảng 140.000 đảng viên (không phải đại biểu) đã bầu người lãnh đạo trong hai ngày 14 và 15 tháng 11, 2005 qua hệ thống đầu phiếu bằng điện thoại. Kết quả, André Boisclair được 53,7% phiếu bầu, chọn làm lãnh đạo đảng. So với những đảng viên khác cùng tranh ghế lãnh đạo, Boisclair vừa trẻ tuổi đời vừa thua tuổi đảng. Tính dân chủ nội bộ và sinh hoạt dân chủ trong đảng đã để toàn thể đảng viên bầu lãnh đạo và họ đã chọn Boisclair, 39 tuổi, lãnh tụ trẻ nhất lịch sử Parti Québécois. Dân chủ cực kỳ? Không, Parti Quebecois chẳng hể hả vỗ tay tự khen mình như thế và báo chí địa phương cũng không ầm ĩ khai thác vì đây là một sinh hoạt dân chủ nội bộ chính đảng rất bình thường.

Tuy đang ở thế kỷ thứ 21, trước xu thế dân chủ toàn cầu, vẫn còn những khuynh hướng, những biện giải cho rằng dân chủ nội bộ là điều không cần thiết trong sinh hoạt chính đảng, tổ chức chính trị hay các hội đoàn mang tính xã hội.

Một là trong xã hội dân chủ đa đảng, khi quần chúng có quyền bầu chọn thì cấu trúc và tính dân chủ nội bộ chỉ là chi tiết, là điều không quan trọng. Khi dân chúng không thích cấu trúc và văn hoá tổ chức của đảng phái nào đó thì họ sẽ bầu chọn đảng khác. Áp lực này của cử tri/quần chúng chính là thuốc trị hội chứng lãnh tụ độc tài và thoái hóa.

Hai là khác với quần chúng/cử tri, đảng viên là một thiểu số năng động, lý tưởng không phản ánh tâm thức của đa số quần chúng ủng hộ đảng trong cuộc tổng tuyển cử. Nếu để đảng viên sinh hoạt dân chủ, chấp nhận dân chủ nội bộ, đảng sẽ gặp trở ngại và bế tắc vì đảng viên, những phần tử tích cực này (lãnh đạo đảng có thể xem họ là cực đoan), lại có khả năng và có thể “lợi dụng dân chủ” để tiếm quyền.

Ba là trong giai đoạn đấu tranh đòi dân chủ, trong thời kỳ cách mạng, đổi mới thì cơ cấu của đảng, sinh hoạt của tổ chức, hay đảng quy đều là những bí mật. Xuyên suốt với quần chúng, sinh hoạt dân chủ nội bộ với đảng viên là điều bất khả thi.

Tóm lại, “tập trung dân chủ”, “dân chủ tập trung” hay “dân chủ cực kỳ” theo kiểu đảng cộng sản Việt Nam hay hô hào đấu tranh cho xã hội công bằng, vận động cho dân chủ tự do nhưng không chấp nhận, không thực hành dân chủ nội bộ, thiếu trong sáng với quần chúng đều là dân chủ giả hiệu, đều là hàng nhái. Những ứng xử, những khẩu hiệu loại này đều thuộc về một thời đại đã qua, thời phong kiến. Chúng không còn giá trị, không có chỗ đứng trong thế giới dân chủ văn minh đương đại.

Nói dân chủ không chưa đủ. Cần thể hiện dân chủ nội bộ trước khi có thể đòi hay thực thi dân chủ công bằng cho xã hội.



Copyright © 2006 by DCVOnline

(
http://www.danchimviet.com, 26/01/2006)