Tuesday, February 18, 1975

Biên giới không cùng


Ngọc Văn


Anh đứng bên này vùng biên giới
Giơ tay với lấy đỉnh không cùng

Biên giới không cùng. Nguồn: Bọt Biển số thứ nhất (tháng Hai, 1975)
Buổi chiều đến thật yên lặng. Những đám mây hờ hững tựa vào đỉnh núi bên kia, không để ý đến những cơn gió biên giới thỉnh thỏang đi qua như thầm thì tán tỉnh. Có lẽ hôm nay là Chủ Nhật; hơn ba tháng ở ngọn đồi này, đôi khi Huy mới có những giây phút yên lặng như buổi chiều nay. Thuờng nếu không quần nhau với bộ đội Huy cũng phải trèo lên nhẩy xuống hố cá nhân mươi lần cùng nhịp điệu của những quả đại pháo. Những khoảng thời gian như thế này kéo Huy về với nguời yêu, gia đình, Sài Gòn với đám bạn bè còn lại.

Viên – Những ngày này nàng thế nào nhỉ? Cái dáng người thanh thoát ấy chắc vẫn còn vất vả chen chúc giữa đám bạn bè ghi cua bên lề giảng đường rồi mất hút vào sách vở cho ngày thi gần đến. Lâu lắm chưa được tin Viên, nàng bận học thi, hay đợi chờ đã mòn mỏi? Lúc ở Sài Gòn Huy hay thường đọc khẽ cho Viên hai câu thơ không biết tác giả là ai – Huy chẳng bao giờ để ý đến chuyện thơ văn lẩm cẩm:

Anh đi không tin tức thư từ đâu em nhé,
Gió tây về anh nhắn gởi lời thăm
Mà thật, Huy lười thư từ không thể tưởng được. Thư của Viên thỉnh thoảng mới được trả lời, một đôi hàng thăm hỏi, và cho biết vẫn an lành. Huy không muốn đem Viên vào sâu trong cuộc đời. Cuộc đời ngày nào đó sẽ kết thúc bằng một tấm poncho, một vài sáo ngữ “tổ quốc ghi ơn”, hay gì gì đi nữa.

Bố – Ông cụ có lẽ ngày hai buổi cọc cạch xe đạp đến sở và gương mặt khắc khổ chỉ tươi lên khi dựng xong chiếc xe trước hiên nhà. Gia đình là nơi duy nhất bố có thể thấy niềm vui. Nơi ông cụ tìm lại sự bình thản sau những hoạt cảnh bẩn thỉu hàng ngày ở sở làm, trên đường phố.


Mẹ – Suốt ngày chắc vẫn quanh quẩn với bếp núc, thỉnh thoảng ngừng tay để quá tháo thằng Hiến, con Thùy một vài câu rồi trở lại không gian của nồi niêu xoong chảo – Khoảng không hạnh phúc của mẹ.


Sài Gòn ngày nào của Huy có gì thay đổi? Có lẽ cũng vẫn những những góc cạnh ồn ào của đám chính khách xa lông. Phố xá phe phỡn nhởn nhơ với trai thanh gái lịch. Và chắc chắn vẫn còn đó những góc thật tối, thật đen, bẩn thỉu. Nơi của những người đàn ông chỉ mặc sơ mi mỗi năm một lần; nơi của những người đàn bà không gương lược, con nhỏ cặp nách, áo sống xốc xếch, vú nửa trong nửa ngoài. Nơi của những đứa bé bụng ỏng, mũi thò lò nhặt nhạnh từng cái chai, những mảnh nhôm vụn để đổi lấy mẩu bánh mì, khúc mía, gói xôi nguội của buổi chợ chiều.


Sài Gòn, gia đình, người yêu của Huy là thế đó. Gần một năm nay, hai lần chối từ về phép, Huy muốn phần nào quên đi cuộc sống hiện tại bằng những ngày nắng cháy, những đêm lửa đạn lạnh lùng trên ngọn đồi xa vắng này. Những ngày không công tác, những hôm im tiếng pháo hỏi thăm của những người anh em “giải phóng” Huy thường bỏ ra con suối nhỏ, ngồi hờ hững nghe nước róc rách, không suy nghĩ. Huy muốn đầu óc được nhẹ nhàng, trắng như đám mây trên đỉ núi kia. Chưa được. Chưa bào giờ Huy được hưởng cái hạnh phúc đó.


Kỷ niệm, hình ảnh cứ qua đi, Huy trở về với thực tại; không chối bỏ được, phải thành thật nhìn nhận sự có mặt của nó. Hiện tại Huy của chỉ là một trong hàng triệu con cờ của cuộc chiến. Chiến tranh, ngưng bắn, hòa bình, hòa hợp dân tộc, giải phóng, chống cộng đến cùng, v.v. Những danh từ đang bôi đen từng mảng trong đầu Huy, đang phá loãng đám mây trắng trên kia.


Chiến tranh là gì nhỉ? Một ông tây nào đó vớ vẩn nghĩ, “chiến tranh là một cuộc chém giết của những người không quen biết nhau để phục vụ cho những người quen biết nhau mà không chém giết nhau.” Hừ! Thật thế à? Đúng? Sai? Huy không muốn bấn lọan vì những ý nghĩ như thế.


Hòa bình – gần hai mươi năm nay cả dân tộc này đang khao khát chờ mong ngày ấy. Những khẩu hiệu, những phong trào đấu tranh cho hòa bình đang lẫn lộn trong tiếng bom đạn mịt mù trong lửa khói. Mãi rồi người ta có thể hiểu đó là hòa bình.


Sau những chuyến đi giải thích đường lối, chính sách, chủ trương về Huy lại cẩn thận hơn. Súng đạn lúc nào cũng sẵn sàng; lựu đạn luôn trong tầm tay, chờ đợi. Mỉa mai, mâu thuẫn đến thế thì thôi!


Những tháng ngày ở đây Huy thấy mình gần gụi với những người dân ở ấp An Bình dưới chân đồi. Như hầu hết những người dân xa thành phố, dân ở ấp An Bình không có những mơ ước to tát, những ngôn từ hoa mỹ. Ở đó chỉ có những tâm hồn mộc mạc, bình dị, những tấm lòng và một sức chịu đựng tuyệt vời – kết qủa của những tháng nằm sống cận kề bom đạn, máu với xác người. Khốn khổ từ chiến tranh đến với người dân quê Việt Nam dồn dập. Không còn mức điểm nào sau đó, tất cả chỉ là trống không. Khốn khổ như thế là vô cực, là tận cùng. Mơ ước của những con người ấp An Bình thật đơn sơ: một nếp sống hiền lành, một mái nhà, nương khoai, đồng ruộng. An Bình, cái ấp nhỏ bé dưới chân đồi muốn nói lên trọn niềm mơ ước của những con người trong đó? Hay tính khôi hài vẫn còn đủ để mỉa mai sự thật khốn nạn, phũ phàng.

An Bình là tiếng dìu dặt của 120, của 220 ly đại pháo rót sang từ sườn núi bên kia. An Bình là những đêm hỏa châu rực sáng ngóng nhìn bom đạn, lửa khói ngập tràn, nghe tiếng kêu than khóc lóc của lũ trẻ chưa đủ trí khôn để ý thức được nỗi niềm đau khổ của những người đang sống. An Bình là những tâm hồn không thắc mắc thế nào là chủ nghĩa, thế nào là đại đồng, thế nào là dân chủ, v.v…An Bình là không chống đối, không đấu tranh. An Bình là sức chịu đựng vô cùng để cố giữ những gì còn lại. Cố sức trông chờ, trông chờ giấc mơ thành sự thật. Giấc mơ có thanh sự thật?


Những lần đi giải thích đường lối hòa bình, những buổi nói chuyện về chính sách trở thành những cuộc viếng thăm thân ái, dựng lại chiếc cầu, đóng lại vài cái bàn ọp ẹp của lớp học duy nhất trong ấp hay lân la trò chuyện rồi đi câu với những đứa bé trên hố bom ngập nước.

Đỉnh không cùng. Nguồn: hubpages.com
Trở về đồn vào những buổi tối, Huy thích ôm máy nằm nghe mấy người anh em nói chuyện giải phóng rồi sau này thì hòa hợp nhưng đôi khi cũng giận dữ chửi toáng cả lên – ngụy, tay sai đế quốc, phản bội dân tộc, v.v., những mẩu chuyện, những luận điệu tuyên truyền như thế đã quá quen thuộc với Huy.

Giấc ngủ chập chờn đến, mặc kệ tiếng nói hùng hồn cương quyết của người anh em bộ đội.


Buổi chiều sắp tàn. Huy vẫn còn ngồi đấy. Dòng suối vẫn róc rách xuôi đi. Trên đỉnh núi bên kia những đám mây hạnh phúc của Huy đang biến màu xam xám, uể oải trườn xuống triền dốc như muốn buông rơi tất cả.


Ngày mai Huy sẽ nhìn lại đám mây trắng trên đỉnh cao, đỉnh hạnh phúc trong vùng biên giới không cùng.



Nguồn: Bọt Biển, Số thứ nhất, tháng 2, 1975, trang 39-42. Ottawa, Canada.

No comments: