Saturday, July 18, 2009

Đọc “Hồi ký của những người trong cuộc” (II)

Trần Giao Thủy

La Quý Ba
(Tiếp thep phần I)

Sau đây là vài điểm nổi cộm thường được lập lại trong tập 
Hồi ký.

– Quyền lãnh đạo tối cao của Mao Trạch Đông trong cuộc viện trợ Việt Nam chống Pháp (“...trước hoặc sau những vấn đề quan trọng phải thỉnh thị báo cáo Mao Chủ tịch, Trung ương.” – Lưu Thiếu Kỳ dặn dò La Quý Ba.)

– Dù tác giả là La Quý Ba, Trương Quảng Hoa, hay Độc Kim Ba, bài viết trong tập Hồi ký đều viết về Mao Trạch Đông như:
Một lãnh tụ nhân hoà, sòng phẳng:

Sau khi đến Việt Nam, các đồng chí phải nói với họ, tổ tông xưa chúng tôi ức hiếp các đồng chí, chúng tôi tạ tội xin lỗi các đồng chí và một lòng một dạ giúp đỡ các đồng chí đánh bại bọn thực dân Pháp.”(15) (Mao Trạch Đông kể chuyện Mã Viện đánh Giao Chỉ trong buổi họp ra chỉ thị với đoàn cố vân quân sự vào cuối tháng 6, 1950 ở Bắc Kinh)
Một con người khiêm cung, đơn giản, chân thành:
Tham mưu tức là đề xuất ý kiến, nghĩ ra biện pháp hỗ trợ lãnh đạo, không được bao biện làm thay, càng không thể làm thái thượng hoàng, ra mệnh lệnh.”(16) (Mao Trạch Đông ra chỉ thị với đoàn cố vân quân sự vào cuối tháng 6, 1950 ở Bắc Kinh).
Yêu mến từng gốc cây ngọn cỏ của nhân dân Việt Nam, tôn trọng độc lập dân tộc Việt Nam và phong tục tập quán của nhân dân Việt Nam...”(17)
(Mao Trạch Đông đích thân duyệt và bổ sung “Qui tắc công tác” của cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam).
Người anh em hết lòng giúp các đồng chí Việt Nam. Mao Trạch Đông lấy Lý Đức và Henry Norman Bethune làm thí dụ xấu-tốt để chỉ đạo cán bộ cách gìn giữ Mẫu mực sáng ngời của Chủ nghĩa Quốc tế Vô sản:
Đồng chí công tác ở Việt Nam, nhất thiết phải tránh bài học của Lý Đức ở Trung Quốc...

Phải có thái độ thật thà, thận trọng, ít nói chúng ta đã ‘qua năm cửa ải chém sáu tướng’ ...

“Bethune là người Canada, chẳng nề đường xa vạn dặm đến Trung Quốc, giúp Trung Quốc chống quân xâm lược Nhật, không tơ hào tư lợi, không tiếc hy sinh tất cả, đó chính là tinh thần quốc tế chủ nghĩa.”(
18)
Tuy nhiên, thực chất và mục đích tối hậu của viện trợ Việt Nam chống Pháp có thể tóm gọn trong lời Mao Trạch Đông rao giảng khi La Quý Ba 2 lần quay về Bắc Kinh Báo cáo công tác:
“Dù là chống Mỹ viện Triều hay là viện Việt chống Pháp đều là chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa yêu nước,...
Còn Việt Nam đánh bại bọn xâm lược thực dân Pháp, đuổi chúng ra khỏi Việt Nam, biên cương phía Nam của Trung Quốc cũng giải tỏa khỏi mối đe doạ của bọn xâm lược thực dân Pháp,...”(19)
Dùng Việt Nam làm biên cương che phía Nam và Triều Tiên làm vành đai phương Bắc chống đế quốc, bảo vệ an ninh quốc gia chính là một phần của sách lược cốt lõi, là chủ nghĩa yêu nước Đại Hán.

Cọ sát

ĐCVQS và phía lãnh đạo quân đội Việt Nam cũng không tránh được những cọ sát trong những năm tháng cùng chiến đấu chống Pháp.
Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam lúc bấy giờ có bất đồng với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của quân đội Việt Nam trên vấn đề phương hướng phát triển chiến lược cũng có những quan điểm không giống nhau lắm trên vấn đề phát động quần chúng, trên vấn đề công tác chính trị bộ đội.”(20)
Nguyễn Hữu An khi là Trung tá
(Mặt trận Ia Drang, 1965)
Nguồn: gamechosun.co.kr
Trong chiến dịch Biên giới, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251 Nguyễn Hữu An và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 Trần Dũng Thái đã tỏ ý không thuận với chiến thuật đánh Đông Khê trước Cao Bằng như Trần Canh đề nghị. Sau hai ngày đêm (16-18/09) bộ đội Việt Minh chiến đấu và thắng ở Đông Khê, với thiệt hại nặng.

Nguyễn Hữu An khi là Trung tá (Mặt trận Ia Drang, 1965). Nguồn: 60frame.gamechosun.co.kr

Hơn nửa tháng sau đó, thiếu lương thực, phân nửa bộ đội của đại đoàn 308 phải đi vác gạo từ Thuỷ Khẩu về, phần còn lại chờ đợi phục kích và tấn công đoàn quân tiếp viện của Lepage ở núi Cốc Xá. Số thương vong của quân đội Việt Nam trong cuộc tấn công ngày 05/10 khá lớn(21). Cán bộ Việt Nam kêu khổ, Võ Nguyên Giáp đề nghị cho quân nghỉ ngơi, chỉnh đốn nhưng Trần Canh cho rằng “chỉ huy mà dao động thì chôn vùi thời cơ rất tốt để chiến dịch thắng lợi” và doạ bỏ về Trung Quốc(22).

Một tài liệu nhóm biên tập đã không chọn đưa vào Hồi ký là hồi ký của chính Trần Canh. Trong hồi ký(23), Trần Canh ghi lại những nhận xét khuyết điểm về tổ chức của bộ đội Việt Minh: khả năng truyền thông, kỷ luật, cán bộ chính trị chưa giỏi, tham nhũng, thiếu can đảm, và không huy động phụ nữ đúng theo học thuyết “chiến tranh nhân dân”(24).

Tranh cãi

Một chi tiết đến nay, 55 năm sau ngày chấm dứt chiến dịch Điện Biên Phủ, hai bên Trung Quốc và Việt Nam chưa đạt được đồng thuận. Ai là người đề xuất thay đổi chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” tại mặt trận Điện Biên Phủ?


Đúng ngày 07 tháng 05 năm 2009, kỷ niệm 55 năm kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ảnh chụp bài tham luận 13 trang của cựu Đại tá Hoàng Minh Phương – nguyên trợ lý Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng là người thông dịch cho Võ Nguyên Giáp và Vi Quốc Thanh – xuất hiện trên mạng Internet(25). Đây là bài tham luận đọc tại hội thảo quốc tế Kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ và hội nghị Geneva trong hai ngày19-20 tháng 4, 2004 tại Bắc Kinh.

Trong bài tham luận này, Hoàng Minh Phương kể, suốt đêm 25/01 Giáp không ngủ. Sáng 26, đầu đắp đầy lá ngải cứu(26), gọi Phương sang để mời Vi Quốc Thanh đến bàn chiến thuật:
Gặp đại tướng, Vi đoàn trưởng ngạc nhiên nhìn nắm ngải cứu trên đầu, ân cần hỏi thăm sức khoẻ rồi nói, lại quyết định của Võ Nguyên Giáp ngày 26 tháng 1, 1954,
Trận đánh sắp bắt đầu, đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình mới nhất ra sao?’
Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí...
Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công chiều hôm nay; kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết. Chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc tiến chắc.’”
Ngay sau đó Vi Quốc Thanh đồng ý với thay đổi chiến thuật của Võ Nguyên Giáp.

Trong tập Hồi ký của những người trong cuộc, các tác giả Trung Quốc ghi nhận sự việc khác với lời kể của Hoàng Minh Phương. Vu Hoá Thầm (bài 3), Vương Nghiên Tuyền (bài 6) Và Trương Quảng Hoa (bài 8) đều ghi lại sự thay đổi chiến thuật là phát kiến của Vi Quốc Thanh được Võ Nguyên Giáp đồng ý.
Vi Quốc Thanh tưởng tượng ra một tình huống phức tạp về cơ sở phòng ngự của địch... Vì vậy, cần thay đổi phương châm tác chiến.
Biến “đánh nhanh thắng nhanh” thành “đánh chắc thắng chắc”, từ ngoại vi vào trung tâm, tiêu diệt địch từng cứ điểm một.(27)
Các nhà nghiên cứu và biên khảo phương tây ghi nhận sự kiện này ra sao?

Ủng hộ quan điểm của Hoàng Minh Phương có Pierre Journoud với bài “Paris, Hanoi et Pékin” đăng trong tạp chí Communisme và Bản tin của l’Institut Pierre Renouvin de l’Université Paris I Panthéon-Sorbonne.(28) Pierre Journoud dẫn chứng bằng lời kể của Trần Văn Quang, Thượng tướng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, đặc biệt chuyên trách chiến dịch Điện Biên Phủ, Phan Huy Lê và cựu Đại tá Hoàng Minh Phương.

Ở Bắc Mỹ, hai nhà nghiên cứu khác là Chen Jian và Qiang Zhai ghi lại sự kiện lịch sử đó với chi tiết khác.

Chen Jian trong bài China and the First Indochina War, 1950-54 đăng trên The China Quarterly, số 133, tháng 3, 1993, trang 101, viết:
Ngày 24 tháng 1, 1954 Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh điện chỉ thị Vi Quốc Thanh về chiến lược tấn công Điện Biên Phủ:
Khi tấn công Điện Biên Phủ đồng chí nên tránh tấn công đồng loạt từ mọi phía; thay vào đó đồng chí cần có chiến lược tách nhỏ và bao vây lực lượng địch và từng miếng tiêu diệt chúng.”(29) (“Đánh chắc, tiến chắc” - TGT)
Cũng như Chen Jian, Qiang Zhai trong cuốn China and the Vietnam Wars, 1950-1975, Nhà xuất bản Đại học North Carolina phát hành năm 2000, trang 46-47, ghi:
Trong những điện tín gởi Vi Quốc Thanh ngày 24 và 27 tháng 1, 1950 Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh cho Vi Quốc Thanh không được đồng loạt tấn công “từ mọi phía” nhưng phải dùng chiến lược “tách nhỏ và bao vây lực lượng địch và từng miếng tiêu diệt chúng.” “Đồng chí nên tiêu diệt địch từng tiểu đoàn một”... Thi hành theo đề nghị từ Băc Kinh, ĐCVQS và bộ đội Việt Nam đã đổi từ “giải pháp nhanh” sang “tiến chắc”(30).
Chen Jian và Qiang Zhai tham khảo và trích dẫn tài liệu gốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hồ Chí Minh và Chu Đức (Cầu viện
Bắc Kinh, 30/01/1950).
Nguồn: idcpc.org.cn
Một nhà nghiên cứu khác, Christopher Goscha, cho biết Bộ chính trị Đảng Lao Động Việt Nam đã phê chuẩn cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ vào tháng 12, 1953, đồng điệu với ĐCVQS. Kế hoạch đã vạch là phải đánh trước khi Pháp đủ thời gian củng cố phòng thủ Điện Biên Phủ, nghĩa là phải “đánh nhanh”. Goscha viết tiếp, trong hồi ký mới nhất(31), Giáp cho biết là ông đã bí mật không đồng ý với kế hoạch này. Đến ngày 14/01, tất cả đồng ý tấn công nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ binh đội Pháp tại Điện Biên Phủ đúng kế hoạch vào lúc 5 giờ chiều ngày 25/01/1954. Ngày 24/01 một bộ đội của đại đoàn 312 bị Pháp bắt và để lộ ngày giờ tấn công. Việt Minh dời cuộc tấn công lại 24 giờ khi biết địch đã biết kế hoạch. Mặc dù bị áp lực từ mọi phía Giáp quyết định không “đánh nhanh”, kéo pháo lui quân vào ngày 26/01, và được Vi Quốc Thanh đồng ý(32).

Thực ra chiến thuật “Đánh chắc, tiến chắc” đã được chuẩn bị dùng làm kế hoạch B nếu chiến thuật đánh biển người (“đánh nhanh”) không ăn chắc 100%. Như thế đổi từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” không nhất thiết mâu thuẫn với cố vấn của cố vấn quân sự Trung Quốc. Nhận định này cũng được Hoàng Minh Phương xác nhận trong bài “Về một cuốn sách xuất bản ở Trung Quốc viết về Điện Biên Phủ”, 14 trang, Tạp chí Xưa & Nay, số 3 (6/1994), Hội Sử học(33). Mặt khác, Hoàng Xuân Thuỷ, aide-de-camp của Tướng Giáp, trả lời phỏng vấn của Pierre Asselin ngày 19/09/1990 tại Sài Gòn đã cho biết, đa số các sĩ quan chỉ huy đơn vị ban đầu không đồng ý với “quyết định khó nhất đời” của Võ Nguyên Giáp, nhưng cuối cùng Bộ chính trị đảng Lao động Việt Nam đã tán thành(34).

Cũng cần ghi thêm, trong những ngày đầu tấn công Điện Biên Phủ, từ 13 đến 16 tháng 3, Võ Nguyên Giáp đã dùng chiến thuật biển người – một chiến thuật không có trong Binh thư Yếu lược hay Vạn Kiếp Binh thư nhà Trần hoặc Hổ trướng Xu cơ của nhà Nguyễn. Trong 4 ngày giữa tháng 3 đó, tổng số tổn thất của Việt Minh lên đến 9000 người, trong đó có 2000 bộ đội chết trận(35). Những thanh niên này, ngày nay, không thể tham gia vào cuộc tranh cãi để tuyên bố là họ đã chết vì “đánh nhanh” hay “đánh chắc”.

(Đọc tiếp phần III, Phụ đính)

Nguồn: © TruyềnThông ‒ Communications, trang 3-16, No. 32-33 Hạ-Thu 2009, Montreal, Quebec, Canada.

(
15) Trương Quảng Hoa, Quyết sách trọng đại Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp trong “Viêm Hoàng xuân thu” số 5 năm 1999.
(16) Độc Kim Ba, Ghi lại chặng đường tham gia Đoàn Cố vấn Quân sự sang Việt Nam.
(
17) La Quý Ba, Mẫu mực sáng ngời của Chủ nghĩa Quốc tế Vô sản, trong “Tưởng nhớ Mao Trạch Đông”, Nhà xuất bản Văn hiến Trung ương năm 1993.
(
18) La Quý Ba, Mẫu mực sáng ngời
(
19) La Quý Ba, Mẫu mực sáng ngời
(
20) Vương Nghiên Tuyền, Vấn đề phương hướng chiến lược và chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến tranh Việt Nam chống Pháp.
(
21) Trương Quảng Hoa, Đồng chí Trần Canh trong Viện trợ Việt Nam chống Phápđăng trên “Xuân Thu Viêm Hoàng” số 9 năm 1999, với tiêu đề “Đại tướng Trần Canh trong viện trợ Việt Nam chống Pháp”.
(
22) Vu Hóa Thầm, Đồng chí Vi Quốc Thanh trong viện trợ Việt nam đấu tranh chống Pháp đăng trong “Thượng tướng phong vân lục” nhà xuất bản Đại Bách Khoa toàn thư xuất bản năm 2000.
(
23) Chen Geng
(
24) Qiang Zhai, trang 28
(
25) Hoàng Minh Phương, Hồi ức về chiến dịch Điện Biên Phủ, đọc tại Bắc kinh ngày 19/04/2004, Diễn đàn Forum, Truy cập ngày 07/05/2009. Dương Danh Dy, người dịch và hiệu đính tập Hồi Ký cũng là người gởi bài tham luận ra hải ngoại.
(
26) Lá cây ngải cứu (Folium Artemisiae) phơi khô gọi là ngải điệp. Cây ngải cứu có tên khoa học: Artemesia vulgaris L., họ Cúc (Asterraceae). Tên thông dụng: Armoise commune (Pháp) – Argy Worm wood leaf (Anh). Nguồn: Bộ Y tế VN
(
27) Vu Hoá Thầm, Đồng chí Vi Quốc Thanh trong viện trợ Việt Nam đấu tranh chống Pháp.
(
28) Pierre Journoud, Paris, Hanoi et Pékin, Bản tin của l’Institut Pierre Renouvin de l’Université Paris I Panthéon-Sorbonne, 20/07/2004
(
29) Chinese Military Advisory Group (CMAG) in Vietnam, page 98
(
30) Ban Biên tập về Lịch sử của Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc, “Những sự kiện lịch sử về vai trò của Đoàn Cố vấn Quân sự trong cuộc Viện trợ Việt Nam Đấu tranh Chống Pháp”, Bắc Kinh 1990, trang 97-98. {the Editorial Team on the History of the CMAG, ed. Zhongguo junshi guwentuan yuanYue kangFa douzheng shishi (Historical Facts about the Role of the Chinese Military Advisory Group in the Struggle of Aiding Vietnam and Resisting France) [Beijing: Jiefangjun chubanshe, 1990]}, page 97-98.
(
31) Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử (Hà Nội: NXB Quân đội Nhân dân 2001)
(
32) Christopher E. Goscha, Building force: Asian origins of twentieth-century military science in Vietnam (1905–54), Journal of Southeast Asian Studies, 34 (3), pp 556–558, October 2003. © 2003 The National University of Singapore.
(
33) Christopher E. Goscha, phụ chú cuối trang 558.
(
34) Pierre Asselin, (1997). New perspectives on Dien Bien Phu. Explorations: A graduate student journal of Southeast Asian Studies, 1(2), 12-21.
(
35) Pierre Asselin.

No comments: