Wednesday, March 11, 2009

Người Hoa tại Việt Nam và tương quan Hoa–Việt (II)

Trần Giao Thủy

Trong lịch sử cận đại, người Hoa ở Việt Nam, cũng như tại các quốc gia khác trong vùng Đông Nam châu Á, đã phát triển một vài nét đặc thù của cộng đồng này.

Thứ nhất, có khuynh hướng thích làm thương mại và khả năng làm việc cần cù, người Hoa đã tạo được vị trí và ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Đa số người Hoa thường gởi tiền về giúp gia tộc ở lục địa.

(Tiếp theo phần I, DCVOnline, 26/02/2009)

Trường Trần Hữu Trang, trong khuôn viên Hội Quán Hải Nam,
bên cạnh miếu Bà Hải Nam. 
Nguồn: huylt88.blogspot.com
Thứ hai, người Hoa gìn giữ văn hoá gốc và tương trợ đồng hương bằng cách mở trường học, bệnh viện, câu lạc bộ thể thao và làm báo. Theo tài liệu của Chan Wen-ho (26) và ban biên tập “Kỷ yếu Thương mại của người Hoa tại Việt Nam”, trước năm 1975, năm bang Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ và Hải Nam tại vùng Sài Gòn – Chợ lớn có tất cả 11 tờ báo, 166 trường học. Ngoài bệnh viện Sùng Chính phục vụ tất cả cộng đồng Hoa kiều, người Hoa còn có 5 bệnh viện khác phục vụ người của năm bang chính, lớn nhất là bệnh viện bang Quảng Đông, 912 giường, và nhỏ nhất là bệnh viện cho Hoa kiều bang Hải Nam, 40 giường.

Thứ ba, người Hoa thường chọn lập gia đình với người Hoa.

Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy
Nguồn: generalhieu.com
Thứ tư, không có nhiều người Hoa trong bộ máy quyền lực một phần vị họ không có người làm chính trị, phần khác họ thuộc nhóm ít người. Quốc hội VNCH có 5 nghị viên người gốc Hoa nhưng không thực sự có ảnh hưởng. Theo King C. Chen, giáo sư Khoa học Chính trị và Chính trị châu Á ở đại học Rutgers (New Jersey), người gốc Hoa cũng không đào tạo tướng lãnh. Khái niệm cổ của văn hoá Trung Quốc cho rằng “Hảo tử bất tòng binh” (con trai có hiếu không nhập ngũ) và nếu phải thi hành quân dịch ở Việt Nam họ thường chạy chọt, hối lộ để trốn tránh hay chỉ làm lính kiểng, không tham chiến. Một điểm cần ghi ở đây, người gốc Hoa ở miền Nam đã tham gia và lãnh vai trò chỉ huy, tuy không nhiều, trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Điển hình là Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hải Quân (1975) và Thiếu Tướng Chương Dzềnh Quay, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn IV (1975).

Về mặt chính trị, tỉ số người Hoa ủng hộ chính phủ VNCH tăng vụt sau 1965. Trước đó, khoảng 50% của gần 1,3 triệu người Hoa ủng hộ chính phủ Sài Gòn. Sau 1965, nhất là sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, số người Hoa chống cộng tăng lên mức 75-80% (27). Lý do cho thay đổi này khá đơn giản. Người Hoa, cũng như người miền Nam Việt Nam, trong khoảng thời gian 1965-1968, đã có nhiều cơ hội quan sát và trải nghiệm thế nào là chính sách của cộng sản.
 
Chợ Lớn Tết Mậu Thân 1968. Nguồn:rozier-vietnam.com


Dù là một cộng đồng thiểu số có tổ chức chặt chẽ về mặt văn hoá, xã hội nhưng người Hoa chủ trưởng thuyết phục thay vì kiểm soát ứng xử, quan điểm chính trị của người cùng bang. Do đó, ngoài đại đa số ủng hộ chính phủ VNCH, trong cộng đồng người Hoa, nhất là ở khối thanh niên, một thiểu số vẫn theo cộng sản, tham gia vào các vụ ám sát, hù doạ, và chiến tranh du kích trong nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn.

Sau 1975

Ngày 30 tháng tư, 1975, khi Cộng sản miền Bắc vào tới Chợ Lớn, đường phố ở đây rợp bóng cờ đỏ sao vàng – năm sao vàng – chào đón đoàn quân đầu tiên của Cộng sản Việt Nam. Người Hoa cũng đem hình Chủ tịch ra chào đón đoàn quân chiến thắng. Trong rừng cờ đỏ năm sao vàng là những bức chân dung nhưng không phải của Hồ Chủ tịch. Họ trương hình Chủ tịch Mao Trạch Đông (Mao Zedong) đón quân đội Nhân dân Việt Nam. Chính quyền Cộng sản Việt nam sẽ một lần nữa thấy mức độ đồng cảm của người Hoa vào năm sau đó.

Một trong những việc đảng Cộng sản Việt Nam đặt ưu tiên thực hiện sau tháng Tư 1975 là chuyển đổi nền kinh tế tư bản và gia tăng sản xuất nông nghiệp. Đời sống và ảnh hưởng kinh tế của người Hoa đương nhiên nằm trong tầm ngắm của chính quyền Hà Nội. Việc đảng Cộng sản Việt Nam thanh toán khối tài sản đáng kể và đổi thân phận, địa vị xã hội của người Hoa là điều không thể không xảy ra. Tiên đoán được thái độ của chính quyền Hà Nội, một số ít người Hoa đã cùng đoàn người có phương tiện đã di tản ra nước ngoài trước ngày 30 tháng Tư, 1975.

Chiến dịch Đánh Tư sản Mại bản – Chuẩn bị thanh toán tài sản của người Hoa ở Việt Nam ngay sau khi vào tới Sài Gòn, chính quyền cộng sản, vào tháng Bẩy, tháng Tám 1975, đã quy tụ khoảng vài trăm thanh niên, kể cả sinh viên người Hoa để huấn luyện về lý thuyết đấu tranh giai cấp nhằm mục đích thanh lý tài sản của người giàu, bóc lột, phản động tiểu tư sản mại bản. Tất cả những cự phú người Hoa đều được CSVN xếp vào loại này và phải ghi danh với chính quyền địa phương. Cuộc đấu tố người Hoa bắt đầu ngày 5 tháng Chín tại Sài Gòn – Chợ Lớn và nhiều tỉnh thành khác tại miền Nam. Những cuộc biểu tình và họp dân phố, do chính quyền tổ chức, và báo chí nhà nước, trong năm ngày liên tiếp, triền miên lên án tư sản mại bản đầu cơ tích trữ, buôn lậu vàng và đô-la. Cuộc tấn công giới tư sản người Hoa có hai hiệu quả rõ rệt; một là gây sợ hãi cho những người Hoa giàu có và hai là gây ấn tượng trong giới thanh niên về tương lai của một xã hội cộng sản huy hoàng.

Cuộc đấu tố ngưng để cuộc tổng tấn công chiếm đoạt tài sản người Hoa bắt đầu lúc 10 giờ đêm ngày 9 tháng Chín. Từng đoàn công an cảnh sát võ trang và thanh niên đến chiếm đóng công xưởng, cơ sở thương mại và nhà riêng của những thương gia người Hoa trong vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Thanh niên người Hoa trong đoàn đánh tư sản giữ trách nhiệm nhận diện và thông dịch. Họ kiểm kê không để sót “một cái kim sợi chỉ”, từ đô-la, vàng lá, kim cương, ô tô, tủ lạnh, và cả quạt máy tới bàn tủ. Thương nhân người Hoa hoặc bị bắt đi hay bị tạm giữ một hai ngày.

Sáng ngày 10 tháng Chín, 1975, chính quyền cộng sản ra bản tuyên bố 14 điểm về cuộc “bố ráp” đêm hôm trước. Đó là bản cáo trạng lên án người Hoa, bọn tiểu tư sản mại bản “lũng đoạn kinh tế, độc chiếm thị trường, làm giầu trên xương máu của đồng bào ta.” Bản tuyên bố cũng ghi thêm nhân dân đòi nhà nước phải thẳng tay trừng trị bọn tiểu tư sản mại bản này. (30)



Hai điều 4 và 5 trong bản Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (CPCMLTMNVN) cho thấy ý định muốn tịch thu tài sản, vốn đầu tư và cơ sở thương mại của người Hoa.
4. Nhà nước sẽ cố gắng hết sức để khuyến khích và giúp giới tư sản đóng góp vốn, kỹ năng và trí tuệ tham gia vào công cuộc xây dựng khu kinh tế mới.
5. Cũng có những trường hợp đặc biệt nhiều nhà tiểu tư sản muốn bán sản phẩm và cơ sở kinh doanh lại cho nhà nước... Nhà nước sẽ nghiên cứu và xét riêng từng tương hơp.
Cùng ngày, người phát ngôn của Uỷ ban Quân quản Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố nhà nước đã ra lệnh bắt giam một số tư sản mại bản “có tội với nhân dân”. Mục xã luận trên tờ Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) ngày 10 tháng Chín tuyên bố:
Bọn tư sản mại bản đã cấu kết với quân xâm lược Mỹ và chính quyền bù nhìn. Máu đồng bào ta đổ càng nhiều thì chúng càng giàu thêm. Chúng đã thành những “ông vua,” như vua gạo, vua giây kẽm gai, vua vải, vua cà phê, vua sắt thép. Tội của chúng lớn tầy đình và không thể nào tha thứ được. Chúng phải “nhất định bị tiêu diệt.” (31)
Ngày 12 tháng Chín lại thêm nhiều thương gia người Hoa bi bắt giam ở Sài Gòn – Chợ Lớn và những tỉnh khác. Tờ SGGP tiếp tục loạt tấn công người Hoa trên báo, đồng thời Đài Hà Nội cũng loan tin người Hoa hân hoan đón chào phong trào đánh tư sản mại bản. (32)

Chiến dịch này ngưng vào đầu tháng Mười, kéo dài gần một tháng. Trên nguyên tắc cả người Việt và người hoa giới tiểu tư sản đều là đích nhắm của cuộc tấn công vừa kể. Trên thực tế, người Hoa chịu nhiều thiệt hại hơn. Chính quyền Trung Quốc chưa khi nào công bố chính xác con số người Hoa bị bắt, bị tịch biên tài sản. Theo Ou Ch’ing-ho (33), trong cuốn The Fall of Saigon (Hsi-kung Lung-wang Chi) xuất bản ở Taipei năm 1979, cho biết nội trong đêm 9 tháng Chín, ít nhất 100 công xưởng của người Hoa đã bị kiểm kê, 250 thương gia người Hoa bị bắt trong chiến dịch đánh tư sản, vài người đã tự tử. Tài sản của những người Hoa không có mặt tại chỗ (đã bỏ đi tị nạn) bị tịch thu tức thời. Những người bị bắt là chủ nhân hay Tổng giám đốc các công ty chế bột ngọt, đồ sắt, bột mì, rạp chiếu bóng, xuất nhập cảng, vải may mặc, giấy, nhà hàng. Đa số những người này đã được phóng thích trước năm 1997 sau khi đã “hiến dâng” tài sản và cơ ngơi.

Một số giới lãnh đạo người Hoa đã rời khỏi Việt Nam vào tháng Tư 1975. Phần còn lại cũng lần lượt ra đi sau tháng Năm 1975. Từ đó khối lãnh đạo người Hoa ở Việt Nam xem như không còn hiện hữu. Chính quyền cộng sản chiếm cứ cơ sở tổng hội quán người Hoa, đóng cửa 11 tờ báo Hoa ngữ, tiếp thu bệnh viện Sùng Chính (đầu năm 1976) và 5 bệnh viện khác của 5 bang vào tháng Giêng 1978.


Hai đợt đổi tiền năm 1975 và 1978

Đợt đổi tiền đầu tiên vào tháng Chín 1975 chỉ xẩy ra ở miền Nam. Lần thứ nhì, vào tháng Năm 1978, nhà nước cộng sản đổi tiền trên toàn quốc. 

4 giờ sáng ngày 21 tháng Chín, 1975, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, qua đài phát thanh, thông báo cho dân thành phố phải trở về nhà trước 11 giờ khuya (giới nghiêm từ 11:00 g khuya đến 5:00 g sáng) để chờ thông tin quan trọng của chính phủ. Suốt ngày hôm đó, một số vợ con của cán bộ miền Bắc hối hả đi mua sắm quần áo, thực phẩm, rượu nước ngoài và những hàng tạp hoá khác.

Hai đợt đổi tiền năm 1975 và 1978. Nguồn: OntheNet

Sau 11 giờ khuya, đài phát thanh công bố giới nghiêm sẽ kéo dài thêm 6 tiếng – đến 11 giờ sáng ngày 22 tháng Chín. Vào lúc 2 giờ sáng ngày 22/09, CPCMLT tuyên bố đổi tiền và sau đó Uỷ ban Quân quản Tp HCM (UBQQTPHCM) giải thích việc tăng giờ giới nghiêm để dân chúng có thời gian chuẩn bị đổi tiền [sic] (34)

Sáng 22 tháng Chín, Ngân hàng Việt Nam tại Tp HCM ra thông cáo đổi tiền nội dung tóm lược như sau:
1. 500 đồng cũ lấy 1 đồng mới.
2. Mỗi gia đình được đổi 100.000 đồng cũ (200 đồng mới) cho tiêu dùng hàng ngày.
3. Những gia đìng có buôn bán được phép làm đơn xin đổi thêm 100.000 đồng cũ
4. Những nhà buôn lớn có thể làm đơn xin đổi thêm tiền từ 100.000 đến 500.000 (tối đa) đồng cũ nếu có nhu cầu thực sự.
5. Tất cả số tiền còn lại từ 100.000 đế 1 triệu đồng cũ phải đến nhà băng đổi và gởi vào trương mục.
6. Cuộc đổi tiền sẽ chấm dứt vào 11 giờ đêm ngày 22 tháng Chín.
7. Vi phạm những điều nêu trên sẽ bị truy tố trước pháp luật. (35)
Chiến dịch đánh tư sản đã tạo áp lực để thương gia người Hoa phải bán rẻ hàng hoá, máy móc, cơ xưởng cho cán bộ miền Bắc lấy tiền cũ. Việc đổi tiền mới này đã đưa người Hoa vào hoàn cảnh khó xử:
(a) Xin đổi thêm tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng và gởi vào nhà băng thì họ sợ bị kết án tư sản mại bản.
(b) Giấu tiền cũ, không còn giá trị, vừa vô ích vừa có thể bị truy tố, phạt vạ.
Trong tình cảnh bối rối đó, một số người chỉ đổi một phần tiền bỏ vào nhà băng, phần khác đưa cho bà con, bạn bè đi đổi. Một số khác đổi tiền với cán bộ miền Bắc với giá 1 đồng mới lấy 5000 đồng cũ, số khác đem tiền đi cho, hay đốt. (36)






1 lượng vàng Kim Thành
Nguồn: forum.axishistory.com
Kết quả là đa số các cự phú người Hoa, chưa kịp mua vàng hay đô-la trước đó, đã mất cả tài sản qua đêm. Những số bạc người dân phải gởi vào trương mục ngân hàng ra sao? Gần sáu tháng sau chính quyền cộng sản mới cho phép chủ nhân được rút 30 đồng mỗi tháng khỏi trương mục của mình. Và đến tháng 12, 1976, chính phủ ra lệnh không cho dân rút tiền khỏi ngân hàng nữa.

Ngay sau khi đổi tiền, chính quyền Hà Nội cũng ra một nghị định buộc người Việt Nam và người nước ngoài phải khai báo và gởi vào ngân hàng số đô-la hiện có. Quyết định này làm giá chợ đen tăng vọt, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Hối suất chính thức lúc đó là 1 đô-la đổi 1,5 đồng tiền mới.

Trước khi đổi tiền lần thứ hai vào năm 1978, nhà nước cộng sản Việt Nam còn hai mặt trận khác tấn công dân Việt miền Nam cũng như người Hoa: đánh thuế thật nặng và vùng kinh tế mới.

Đánh thuế nặng – Tháng Sáu, 1976, một nghị định, có giá trị hồi tố, bắt tất cả hàng quán, thương nghiệp kể cả các quầy bán thuốc lá lẻ ven đường, có lợi nhuận trên 10% kể từ tháng Năm 1975 phải đóng thuế 80%, sau đó tăng lên 100%. Nói các khác, nhà nước cộng sản tịch thu 100% tiền lời của tất cả những người buôn bán. Theo tờ New York Times ngày 26 tháng Tám, 1976, mục tiêu của quyết định này nhằm vào “khối tiểu thương, nhưng cái đích thực sự của chính quyền cộng sản là khoảng 1 triệu người Hoa” ở vùng Sài Gòn – Chợ lớn. (37)


Ngoài ra chính phủ Hà Nội còn bắt thương gia đóng thuế trước 4 tháng, từ táng Chín đến tháng Mười hai, 1976. Lúc đó có 3 cấp và 9 bậc thuế; ở cấp bậc cao nhất thương gia phải đóng 13.750.000 đồng tiền cũ. Với cuộc tấn công này, chính quyền cộng sản gần như đã vét sạch hầu bao của người Hoa. 

Vùng kinh tế mới – Đây là một chương trình tưởng tượng trong kế hoạch năm năm (1976–1980) của đảng Cộng sản Việt Nam. Hai mục tiêu của chương trình phát triển vùng kinh tế mới là tái phân phối lao động (từ đô thị đông đúc ra vùng đồng không nhà trống), và tạo dựng khu kinh tế sản xuất thực phẩm. 

Tại Đại hội Đảng kỳ IV vào giữa tháng Mười hai, 1976, Nguyễn Văn Linh, thành viên Bộ chính trị, Bí thư thành uỷ Tp HCM, tuyên bố, “Trong tương lai gần, khoảng hơn một triệu dân Tp HCM sẽ được định cư ở vùng kinh tế mới... Ngoại ô Tp HCM sẽ được phát triển thành những trang trại khổng lồ cung cấp thực phẩm và rau quả cho cả thành phố.” (38) 

Cùng ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng tuyên bố sự phân phối lại lao động lên mức 4 triệu người sẽ bắt đầu vào đầu năm 1977. (39) 

Phạm Hùng, thành viên bộ chính trị, bí thư đảng bộ miền Nam nói, “Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất lúa gạo và những thực phẩm khác.” (40) 

Ngay sau khi chính quyền cộng sản bắt đầu chương trình phân bố lại dân số, dân chúng đã lên tiếng phản đối, cho rằng đây là cách thay đổi dân cư, đem người miền Bắc vào lấy chỗ người miền Nam. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Mondengày 16 tháng Tư 1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói:
Chúng tôi phải đối phó với thực tế phức tạp cần giải pháp cấp thời để làm cho các đô thị miền Nam bớt đông dân cư và làm sống lại những “vùng trắng” không người canh tác ở miền quê. ... Với Việt nam, vấn đề là chúng tôi vẽ ra chương trình này sao cho hợp lý nhất. Đây cũng là phương án hữu hiệu nhất để quân bằng phát triển công và nông nghiệp của thành thị và thôn quê để tránh xáo trộn về mặt môi sinh và ô nhiễm. (41)
Nhưng những ai là người được đưa đi Vùng Kinh tế mới? Họ từ đâu đến và được chuẩn bị thế nào? Kết quả chương trình này ra sao, và đã ảnh hưởng thế nào đến số người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn?

Chuyện kể sau đây của một nhân chứng có lẽ đủ trả lời cho những câu hỏi vừa nêu.


Lm. André Gélinas – ông là một nhà tu người Canada thuộc Dòng Tên (Jesuits), vùng Viễn Đông. André Gélinas đến Việt Nam năm 1957, khi mới 33 tuổi, trong vai trò giáo sư lịch sử Trung Hoa tại Viện Đại học Sài Gòn. Từ 1963 đến 1976, ông là nhân viên của Trung tâm Sinh viên Đắc Lộ. Sau ngày Cộng sản vào Sài Gòn, Lm. Gélinas ở lại Việt Nam thêm 15 tháng trước khi bị trục xuất. Ngày 16 tháng 6, 1977, Lm. Gélinas tường trình trước Uỷ ban Quan hệ Quốc tế, Hạ viện Hoa Kỳ, về tình hình nhân quyền theo thực tế ông đã trải nghiệm trong 15 tháng sống ở Việt Nam sau ngày cộng sản chiến thắng. Lm. Gélinas là người thông thạo tiếng Việt.


Mùa Thu 1976, Lm. Gélinas đã cho Pierre Doublet and Christian D’Epenoux của tờ L'Express của Paris một cuộc phỏng vấn khá dài. Một phần cuộc phỏng vấn được The New York Review of Books đăng lại với tựa đề “Đời sống ở Việt Nam mới (Life in the New Vietnam) ở Tập 24, Số 4, ngày 17 tháng Ba, 1977. Lm. Gélinas viết:

(Sau vụ đổi tiền – TTG) Hàng loạt, nhiều vụ quyên sinh đã xảy ra. Hàng ngàn người bị tiêu diệt, và những người Việt nam tuyệt vọng đã chấm dứt đời mình, vì nghĩ rằng không thể nào sống nổi ở Sài Gòn và phải đi “Vùng Kinh tế mới”
... trước tiên họ đổi tên Sài Gòn thành Tp HCM. Họ xem dân thành phố là thành phần bị nhiễm độc nhiều hơn người dân quê. Vấn đề là phải phân tán dân đô thị thành nhiểu mảnh nhỏ để dễ kiểm soát ... Công chức, công nhân thành thị, người buôn bán, bất chợt được chế độ đổi đời trở thành những người đi khai khẩn đất hoang – nơi không có bất cứ gì đã chuẩn bị để đón họ. 
Dĩ nhiên tuyên truyền của chính phủ hoàn toàn không như thực tế. Báo chí và truyền hình giải thích là dân sẽ có sẵn nước uống, nhà ở chợ búa khi họ đến “Vùng Kinh tế mới”. Người dân Sài Gòn đến “Vùng Kinh tế mới” thường được những chòi lá chuối cột tre chơ vơ trước gió đứng đón. Một tháng trước khi dân thành thị được đưa về “Vùng Kinh tế mới”, sinh viên học sinh đã phải ra những nơi đó dựng chòi bằng bốn cọc tre, dùng lá chuối và lá cây cứt lợn lợp mái. Những mái chòi, không vách với nền làm bằng đất nén, đứng xếp hàng ở một góc đã khai quang của “Vùng Kinh tế mới”.
Nước uống là một vấn đề nghiêm trọng khác ... Đời sống ở đây thật khắc nghiệt ... sốt rét lại xuất hiện tràn lan, và thiếu thốn thức ăn. Chính thức, nhà nước đã hứa cung cấp ba tháng gạo cho những người đi “Vùng Kinh tế mới” trong thời gian đợi mùa gặt tới, nhưng tôi không biết đến bất kỳ một trường hợp nào họ giữ lời đã hứa. ... 

Lm. Gélinas cho biết ông đã thấy từng đoàn xe nhà binh mỗi sáng chở người ra khỏi Sài Gòn đến những vùng hoang vu. Mỗi ngày chính quyền Cộng sản đẩy hơn 3.000 người ra khỏi thành phố Sài Gòn. Tính đến tháng Hai 1977 đã có hơn 600.000 người bị đưa về “Vùng Kinh tế mới.”

Fox Butterfield trong bài Hanoi Toughness in South Is Seen”, đăng trên tờ New York Times ngày 12 tháng Hai và 13 tháng Tư, 1977 cho biết, theo con số của chính quyền, tính đến giữa tháng Tư 1977, họ đã đưa 1 triệu người ra khỏi đô thị. (42)

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, chính quyền Hà Nội cho biết 80% dân Sài Gòn không làm ích lợi gì cho nhà nước nên đã được di tản đến “Vùng Kinh tế mới.” Tờ báo này cũng cho biết tổng cộng có khoảng 6 triệu dân đô thị đã đi “Vùng Kinh tế mới”. Người dân đô thị bị đẩy đi gọi đó là “nhữngtrại tù không hàng rào.” (43)

Theo ước tính của người tị nạn trong các cuộc phỏng vấn với giáo sư King C. Chen, và số liệu của các báo cáo ở Hong Kong và tại Mỹ thì tới tháng Năm 1978 đã có khoảng 300.000 đến 350.000 người Hoa vùng Sài Gòn – Chợ Lớn đã bị đưa về các “Vùng kinh tế mới.” Tất cả đều than phiền, chịu không nổi cuộc sống cơ cực. Một số trốn về sống với bè bạn, bà con ở Sài Gòn vì nhà cửa đã bị chính phủ chiếm cứ. Họ sống qua ngày băng tiền trợ giúp từ bà con, hay bè bạn, hoặc người cùng bang đã tị nạn ở nước ngoài. Một số khác tìm đường vượt biển, vượt biên và thường bị bắt lại và bị bỏ tù.


Đổi tiền lần thứ nhì − Hà Nội tin rằng cuộc đổi tiền lần thứ hai, trên toàn quốc thay vì chỉ ở miền nam như lần đầu, sẽ đề cao việc thống nhất đất nước, sẽ loại bỏ giai cấp tư bản trục lợi và tiến nhanh đến chủ nghĩa xã hội.

Theo Nghị định Hội đồng Bộ trưởng phát thanh ngày 3 tháng Năm, 1978, mỗi gia đình ở đô thị được đổi từ 100 đến 500 đồng tiền mới; Ở thôn quê mỗ gia đình được đổi từ 50 đến 300 đồng tiền mới tuỳ theo gia đình nhiều hay ít người. Quan chức chính phủ, các đơn vị quân đội, các cơ quan kinh tế xã hội khác được đổi tối đa 1000 đồng. (44)

Hối suất đổi tiền tại miền Nam là 0,8 đồng tiền cũ bằng 1 đồng mới; ngoài Bắc 1 đồng cũ lấy 1 đồng mới. Tất cả tiền còn lại phải đổi và gởi vào ngân hàng và chỉ được lấy ra khi đã được chấp thuận để chi dùng vào việc cần thiết như đau yếu, sinh nở, tai nạn, tang ma. 

Sau 24 giờ, tất cả tiền còn lại chưa đổi sẽ không còn giá trị. Đã kinh nghiệm lần đổi tiền nằm 1975, dân chúng đổ xô đi mùa vàng, đô-la, tiền Hong Kong không màng giá chợ đen. Kịch bản 1975 tái diễn, rất nhiều người đã đốt tiền, dấu tiền, cho tiền hay mua vàng hay những ngoại tệ. Số khác đi mua thức ăn ngon, đắt tiền để tận hưởng ngày cuối của những số tiền dư thừa sẽ không dùng được nữa, 1 con cá giá 200 đồng mới, một con gà giá 100 đồng (45). Vài ngày sau công an đi kiểm soát tư gia và đã đem đi từng thùng tiền cũ vì chủ nhân không chứng minh được đó là thu nhập hợp pháp. Công an cũng tịch thu cả tủ lạnh, xe máy, radio, TV và những vật dụng xa xỉ khác. Một lẫn nữa, rất nhiều người, cả Hoa lẫn Việt, đã trắng tay sau ngày 3 tháng Năm 1978. 

Không lường được hệ quả của của cuộc đổi tiền, đổi đời của hàng triệu người dân miền Nam, nhà nước cộng sản tiêp tục bước kế trong chiến dịch tiêu diệt giới thương nhân giàu có, đẩy nhanh cuộc xã hội chủ nghĩa hoá miền Nam.

Chuyển đổi công thương nghiệp tư bản thành xã hội chủ nghĩa


Lợn giống. Nguồn: pigtrop.cirad.fr/Trong An 1978
Đầu và giữa tháng Ba, 1978 đã có nhiều cuộc biểu tình ở Sài Gòn – Chợ Lớn, hàng trăm người Hoa xuống đường chống đàn áp, phân biệt đối xử dưới dạng tịch thu tài sản và tống xuất khỏi Việt Nam. Vì nhưng tuyên bố long trọng của TQ (46), trong những cuộc xuống đường, người Hoa cũng đòi lại quốc tịch Trung Quốc, đã mất lần đầu vào thập niên 1950 và lần thứ hai bị xoá xổ vào tháng Hai 1977. 

Những động thái “bất trung” của người Hoa theo đuôi các tuyên bố về chính sách mới của Bắc Kinh chỉ tạo thêm lý cớ để Hà Nội tiếp tục cuộc vô sản sản hoá cấu trúc kinh tế miền Nam vào tháng Ba 1978. Cũng như chiến dịch đánh tư sản mại bản hồi tháng Chín, 1975, chiến dịch 1978 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó ít nhất một tháng.

Mục xã luận tờ Nhân Dân ngày 24 tháng Hai viết cuộc vô sản hoá cấu trúc kinh tế tư sản là “một công tác kinh tế cấp bách cần phải thực hiện ngay nhằm tiêu diệt quyền sở hữu tư nhân ở mọi kỹ nghệ và thương mại để xây dựng và bành trướng thị trường xã hội chủ nghĩa, ổn định giá cả, tiền tệ, sản xuất và đời sống của nhân dân.” (47)



Tháng Ba, ngày 23, Chính quyền Tp. HCM ra thông cáo: 
Hiệu lực tức thời, nhà nước sẽ thống nhất việc quản lý thị trường và trao trách nhiệm cho các cơ quan thương mại xã hội chủ nghĩa thống nhất mọi hoạt động kinh doanh, tổ chức và phân bố nhu yếu phẩm cần thiết cho sản xuất và đời sống của nhân dân ...
Tất cả những cơ sở thương mại của thương nhân tiểu tư sản sẽ bị dẹp bỏ. Những thương nhân này sẽ được hướng dẫn dùng vốn của họ để sản xuất tài sản vật tư cho xã hội ... Nếu có kỹ năng và chuyên môn, họ có thển được thu dụng vào các cơ quan thương mại của nhà nước để phục vụ cách mạng. (48) 
Cơ sở, hàng hoá, tài sản của các thương gia tiểu tư sản sẽ được nhà nước mua lại. Để bảo đảm cho cuộc cách mạng vô sản (hoá miền Nam) thành công, CSVN đã thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo Tp. HCM vào đầu năm 1978, hàng ngàn cán bộ miền Bắc đã vào Nam.

Tối ngày 23 tháng Ba, một lực lượng hỗn hợp 30.000 người, gồm công an, sinh viên, thanh niên xung phong, cán bộ đã bao vây nguyên khu chợ Lớn. Với tiền đề để kiểm tra hàng hoá và tài sản, đoàn công an, cán bộ CSVN đã lục soát từng căn nhà, từng cửa hàng, tịch thu hàng hoá và tài vật của 50.000 tiệm buôn lẻ trong Chợ Lớn.

Ngày hôm sau, 24 tháng Ba, 1978, nhà nước cộng sản tuyên bố đặt ra ngoài vòng pháp luật tất cả mọi dịch cụ bán sỉ, những hoạt động thương mại lớn. Như thế, Hà Nội đương nhiên đóng cửa khoảng 30.000 cơ sở kinh doanh không báo trước. Chiến dịch vô sản hoá kinh tế miền Nam kéo dài đến giữa tháng Tư với những cuộc bao vây, lùng soát, tịch thu tương tự ở nhiều tỉnh thanh khác trên toàn quốc.

Chiến dịch vô sản hoá của Hà Nội đã gặp kháng cự, dù trong tuyệt vọng, của người Hoa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Kết quả những quộc đụng độ với công an đã khiến đường phố Chợ Lớn tháng Ba 78 “đầy những xác người” (49). Để xoá tan mọi dấu vết, tàn dư của nền kinh tế của xã hội tư bản, ngày 31 tháng Ba, Hà Nội ra lệnh cấm chỉ tất cả mọi hoạt động kinh doanh tư nhân trên toàn cõi Việt Nam, kể luôn cả hàng ngàn cửa hàng bán lẻ của tư nhân ở Sài Gòn cũng như Hà Nội. Hơn thế nữa, những người đã bị tịch thu tài sản và thương nghiệp, được lệnh phải di chuyển đến “Vùng kinh tế mới” trong vòng 1 tháng. Thanh niên còn khoẻ mạnh được đưa vào quân đội gởi sang chiến trường ở biên giới ViệtNam-Kampuchea. (50)

Cú dứt điểm của Hà Nội, cuộc đổi tiền lần thứ nhì vào ngày 3 tháng Năm 1978, dường như đã đạt kết quả xóa bỏ mọi dấu vết của nền kinh tế tư sản tư nhân. Không còn người giàu có tại Việt Nam. Không còn cự phú người Hoa ở Chợ Lớn. Một số nhỏ vẫn còn giấu được vàng hay tiền nước ngoài, nhưng đại đa số đã phải nương tựa vào người thân, bạn bè ở ngoại quốc để sống và chuẩn bị cuộc bỏ chạy khỏi nước Việt nam vô sản mở màn cho thảm kịch hàng đầu trong lịch sử thế giới, kể từ khi Đức Quốc Xã và Hitler tàn sát người Do Thái ở thập niền 1930, 1940.


Cuộc di tản của người Việt Nam tị nạn cộng sản

...


Còn tiếp phần III

© 2009 DCVOnline


(26) King C. Chen, China's War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications, Published by Hoover Press, 1987, pp. 51-53. Chang Wen-ho là Tổng thư ký của Phòng Thương mại Hoa kiều vùng Sài Gòn – Chợ lớn trước năm 1975.
(27) King C. Chen, Phỏng vấn một số trong ban lãnh đạo cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn, 1972.
(28) Tien Man, “Bourgeoisie of Chinese Descent and the Solicitude of Chinese Authority,” Tạp Chí Cộng Sản số 8 , 1978, in FBIS, September 18, 1978, p. K5.
(29) King C. Chen, p. 56. Tác giả phỏng vấn người tị nạn tại Hong Kong, Taiwan, New Jersey và Connecticut trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Chín, 1979. Phỏng vấn được thực hiện với thoả thuận chỉ ghi họ người tị nạn; họ là Âu, Hoàng, Chan, Châu, Vũ, Lâm, Chu, Ma, Liu, Dao, Hồ, Li, Luo, Lo, Chiang và Liao. p. 56.
(30) Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (Provisional Revolutionary Government of the Republic of South Vietnam, PRGRSV) ngày 10 tháng Chín 1975, FBIS, September 10, 1975, pp. L1-L5.
(31) SGGP, “... cương quyết tiêu diện bọn tư sản mại bản, đầu cơ tích trữ đang lũng đoạn thị trường,” FBIS, September 18, 1978, p. L1.
(32) SGGP, “Tấn công, liên tục tấn công,” 16 tháng Chín, 1975. FBIS, September 18, 1978, p. L1. Hanoi Radio, 17, 18 tháng Chín, 1975. FBIS, September 18, 1975, p. L2. 19 tháng Chín, 1975, p. L1.
(33) King C. Chen , p. 57.
(34) xđd, p. 5: Thông cáo số 1 của UBQQTPHCM, FBIS, September 22, 1975, p. L2.
(35) xđd, p. 58: Thông cáo của Ngân Hàng Việt Nam, 21 tháng Chín, 1975, Saigon Radio, September 22, 1975, FBIS September 22, 1975, pp. L3-L5.
(36) xđd, p. 59: Xem chú thích 29
(37) xđd, p. 59.
(38) xđd, p. 60: New York Times, Decemeber 16, 1976, p.10.
(39) xđd, p. 60: New York Times, Decemeber 17, 1976, p. A14 và February 12, 1977, p 9.
(40) xđd, p. 60: New York Times, Decemeber 18, 1976, p. 5.
(41) xđd p. 60: Vietnam Courrier Nọ 60 (May 1977): 5
(42) xđd p. 61.
(43) xđd p. 60: VNA, April 12, 1977.
(44) xđd p. 62: FBIS, May 4, 1978, pp. K5-K7
(45) xđd p. 62.
(46) Hua Guofeng (Hứa Quốc Phong) tại kỳ họp Khoá 5 của Quốc hội Nhân Dân vào 26 tháng Hai, 1978 tuyên bố TQ sẽ chống lại bất kỳ thế lực nào ép người Hoa ở nước ngoài đổi quốc tịch va`TQ có bổn phận bảo vệ những người quyết định giữ Hoa tịch (Pao-Min Chang p. 26: Bejing Review, March 10, 1978, p. 10.)
(47) King C. Chen , p. 62: Nhân Dân, February 24, 1978, “Complete the Socialist Transformation of Private Capitalist Industry and Commerce in the South,” trong FBIS, March 1, 1978, Pp. K17-18.
(48) King C. Chen , p. 62: Ho Chi Minh Radio March 24, 1978, in FBIS march 27, 1978, pp. K5-K7.
(49) Pao-Min Chang p. 28: Strait Times, May 4, 1978, p. 26 và May 6, 1978 p. 14. Hà Nội không loan báo về những cuộc đụng độ này mãi đến tháng Chín, 1978. Strait Timese September 18, 1978, p. 2.
(50) xđd p. 28.

No comments: