Monday, October 31, 2005

Đọc Phát triển và Dân chủ của Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs


“Để giết bọn văn nghệ, không gì bằng lùa chúng vào Hội nhà văn Việt nam.
Để giết lũ sinh viên, không gì bằng cấp cho chúng bằng tiến sĩ Việt nam.”
Nguyễn Quốc Chánh (1), Ê tao đây! Phỉnh



Khảo luận “Phát triển và Dân chủ” (2) của Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs bắt nguồn từ công trình nghiên cứu của hai ông về trường hợp 150 quốc gia từ năm 1970 đến năm 1999 để hiểu tại sao hiện nay vẫn còn nhiều chế độ độc tài tồn tại cùng lúc với sự phát triển kinh tế. Điều này dường như mâu thuẫn với khái niệm kinh tế tạo ra tầng lớp trung lưu lớn, tác động trực tiếp của khối trung lưu sẽ đưa đến một xã hội dân chủ.

Về hai tác giả – de Mesquita là một chuyên gia về xung đột quốc tế, chính sách ngoại giao và diễn tiến hoà bình. Ông đang nghiên cứu về các những tương liên giữa các thể chế chính trị, tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị. Downs dạy chính trị và là Chủ nhiệm khoa Khoa Học Xã Hội tại Đai học New York đang chú trọng nghiên cứu về hợp tác quốc tế, kinh tế chính trị và các thể chế chính trị.

Khái niệm phát triển kinh tế đưa đến xã hội dân chủ không phải là kết quả trí tuệ của thế kỷ 21. Aristotle khi phân biệt chế độ dân chủ với chính trị đầu sỏ hay chính thể chuyên chế đã cho tầng lớp trung lưu lớn là tập thể thúc đẩy xã hội tiến đến dân chủ. Khi kinh tế phát triển thì khoảng cách mức thu nhập giàu nghèo không còn quá xa, đấu tranh giai cấp để giải quyết vấn đề phân bố thu nhập không còn là giải pháp thích hợp nữa. Nửa thế kỷ qua, rất nhiều nhà khảo cứu, khoa học xã hội đã xác định tương quan của phát triển kinh tế và dân chủ, Seymour Martin Lipset (3) là một học giả trong số đó. Lipset bắt đầu nhìn vấn đề dân chủ và các yếu tố tương liên từ năm 1959, và trở lại với chủ đề này vào năm 1993-4. Gần 50 năm nghiên cứu về chính trị xã hội, Lipset đồng nghĩa với uyên bác về dân chủ - điều kiện để có dân chủ, thử thách và viễn cảnh. Ông đã đại chúng hoá, đưa vào quần chúng khái niệm phát triển kinh tế tất yếu sẽ gầy dựng được tầng lớp trung lưu tầm cỡ, có kiến thức – tập thể này sẽ bồi dưỡng, cổ vũ cho tiến trình dân chủ hoá xã hội.

Nhập đề bằng một khẳng định ngược với kiến thức thông thường “Giàu lên nhưng chẳng tự do hơn” để mô tả các quốc gia đang sống với một thể chế chính trị độc tài, hai tác giả đưa những thí dụ tiêu biểu và dễ thấy nhất qua hình ảnh 25 phát triển đến phát sốt, Trung Quốc vẫn dậm chân ở vũng bùn chuyên chế như ¼ thế kỷ trước. Đã hai mươi năm từ giai đoạn mới Mở cửa (Glasnost, гла́сность, 1985), rồi Đổi mới (perestroika, Перестро́йка), và Dân chủ hoá (demokratizatsiya, Демократизация) vào năm1987, và cuối cùng giải thể cả liên bang Sô Viết và đảng cộng sản cùng khủng hoảng kinh tế theo sau ở đầu thập niên 1990s, hiện nay dù kinh tế Nga đã và đang phát triển, quyền lực vẫn nằm gọn ở điên Cẩm Linh (Kremlin).

Tác giả cho rằng lý do tại sao khoảng cách từ lúc kinh tế phát triển đến lúc dân chủ thành hình lại quá xa vì các chính thể chuyên chế ngày nay đang độc tài một cách tinh vi. Họ khôn khéo dùng kết quả của tăng trưởng làm công cụ củng cố chế độ. Đến đây tác giả cũng nhắc khéo các cơ quan phát triển thế giới và chính phủ Bush nên xem lại chính sách cho vay, viện trợ cùng phương án truyền bá dân chủ toàn cầu thay vì cứ chờ ông phát triển kinh tế đem nàng dân chủ đến cho các quốc gia đang phát triển.

Làm thế nào các chế độ độc tài ngày nay thoát khỏi cãi bẫy xập phát triển kinh tế để tiếp tục nắm giữ quyền lực cho chế độ? Tuy đồng ý với Lipset về diễn trình phát triển đến dân chủ, hai tác giả chỉ rõ lầm lẫn của các chính phủ dân chủ phương Tây về khoảng thời gian từ phát triển đến dân chủ không ngắn như họ tưởng và cổ vũ: “đổi mới chính trị vẫn bám sát, chỉ cách một khoảng ngắn, sự phát triển kinh tế, và các chế độ độc tài khó có thể làm gì khác để ngăn chận dân chủ”. Đây có thể cũng là một thể loại các nhà “dân chủ sốt ruột” (4) khác.

Vẫn gườm cái bẫy tăng trưởng kinh tế, nhưng các chế độ độc tài ngày nay đã biết dùng nó như một công cụ củng cố chế độ. Họ dùng tài nguyên gia tăng từ nền kinh tế phát triển để đối phó với những vấn nạn khác nhau (những cú sốc vì kinh tế, chính trị hay thiên tai). Tại Việt Nam, cách phát triển thu nhập tài nguyên chưa tinh vi qua hệ thống thuế (thương mại và lợi tức) nhưng nhà nước Việt Nam gần như tham nhũng hối lộ có bài bản chẳng thua ai như Transparency International vừa báo cáo (5).

Sự phát triển kinh tế vừa là công cụ vừa là bẫy xập của các chế độ độc tài đồng thời cũng là con dao hai lưỡi đối với tiến trình dân chủ. Trong ngắn hạn, kinh tế tăng trưởng có chiều hướng làm người dân hài lòng hơn với chính quyền vì tại các thành phố lớn – nơi cư ngụ của tầng lớp trung lưu đang thành hình, người dân đã được ăn cơm thay vì phải ăn bo bo độn khoai, có xe máy chạy vù vù thay xe đạp cọc cạch, có quần áo thời trang thay cho những bộ khaki cán bộ, vi-la và nhà cao tầng thay cho những gác xép ẩm thấp xiêu vẹo, v.v… Từ một cái lồng nhỏ bé ngày xưa, vì kinh tế phát triển, chế độ đưa dân chúng đô thị sang một cái lồng lớn hơn khiến họ tưởng rằng đã có tự do dân chủ. Hội chứng cá chậu (lớn hơn), chim lồng (rộng hơn) khiến dân chúng bận rộn nhiều hơn với sinh nhai, đời sống vật chất, và như thế khả năng họ ủng hộ việc thay đổi chế độ giảm sút rất nhiều.

Bài khảo luận của de Mesquita và Downs đã phân tích toa thuốc các chế độ chuyên chế hiện đang dùng để đề kháng và trì hoãn dân chủ. Dùng khái niệm “phối hợp chiến lược” tác giả cho rằng các nhà nước độc tài đã tập tành khá thuần thục và khéo léo giới hạn, thắt chặt một số quyền dân sự cần thiết cho việc phối hợp chính trị trong tầng lớp trung lưu để tạo thành khối đối lập nhưng không mang tính chủ yếu trong việc phát triển kinh tế. Tác giả gọi đó là những quyền kết hợp.

Bằng những thí dụ cận đại về việc các chính thể chuyên chế đàn áp, bóp nghẹt dân chủ bằng cách giới hạn các quyền kết hợp như tại Trung Quốc (cảnh sát mạng kiểm soát internet, áp lực với cả Microsoft để chận nhóm chữ “tự do”“dân chủ”), tại Nga (kiểm duyệt tất cả đài truyền hình), tại Venezuela (kiểm duyệt thông tin gắt gao), và Việt Nam (ngoài những bắt chước từ mô hình TQ, kiểm soát gắt gao các tôn giáo độc lập, quy chụp giới lãnh đạo tôn giáo là bọn phản động) dẫn chứng mức độ độc tài tinh vi của chế độ.

Nhà nước CHXHCNVN hơn cả Nga, kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông – hơn 600 tờ báo, kể cả báo điện tử, đài truyền thanh, truyền hình.. Và cũng như Trung Quốc, CSVN kiểm soát chặt chẽ mạng internet. Thế giới dân chủ hẳn chưa ai quên các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn đều đang bị giam tù chỉ vì những bài viết, những điện thư nói về dân chủ gởi trên mạng Internet. Ông Phương Nam Đỗ Nam Hải bị đuổi việc, đang bị truy bức, bị hạn chế tối đa các quyền kết hợp với thân hữu khắp nơi (bi tịch thu máy điện toán, không còn khả năng nối mạng dễ dàng,…)

Cùng lúc ông Hoàng Minh Chính được “phép” đi chữa bệnh tại Hoa Kỳ, ông Trần Khuê lại không được cấp chiếu khán xuất ngoại, nhà nước độc tài Việt nam đã uyển chuyển, nhịp nhàng giới hạn quyền đi lại (trong cũng như ngoài nước) của các người bất đồng chính kiến như trường hợp ông Khuê gần đây hay các đại diện tôn giáo trước đó. Quyền tự do tụ họp, lập hội hay tổ chức biểu tình ôn hòa tại Việt Nam ngày nay vẫn chỉ là điều nằm trong trí tưởng tượng của người dân. Tất cả mọi cuộc tụ họp, biểu tình đền bị nhà nước CSVN đàn áp nhanh chóng, và nếu cần họ dùng đến cả vũ lực như đã xẩy ra dịp lễ Phục Sinh năm 2004 tại cao nguyên trung phần.

Đường vào đại học tại Việt Nam và kết quả giáo dục đại học và sau đại học hiện nay không còn là vấn đề tranh cãi; Cuộc hội thảo, 30-31/3/2004, về giáo dục đại học (GDĐH) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội tập trung hầu hết các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước với hơn 200 báo cáo khoa học và ý kiến đóng góp, đi đến kết luận sau cùng là “Giáo dục đại học Việt Nam: Tụt hậu quá xa so với thế giới” (6) . Cũng ở hội thảo này ông Nguyễn Văn Ân, cố vấn trưởng Công ty IBMI đưa 3 nhận xét tổng quát và cũng là cách nhìn khá phổ biến về giáo dục ĐH hiện nay: “Chất lượng và hiệu quả đào tạo kém, thiếu liên tục, tuyển sinh bất cập và tốn kém, chưa đạt được tiêu chuẩn hội nhập quốc tế” (7). Trong bài “Giáo dục đại học Việt Nam ngày càng xa chuẩn quốc tế!” (8) trên báo điện tử Người Lao Động ngày 17-05-2005, ông Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nhận định: “Càng đổi mới, càng thụt lùi.”

Bốn loại quyền kết hợp có tác động chính yếu đến khả năng tổ chức và hoạt động đối lập là quyền chính trị, nhân quyền (một cách tổng quát), tự do báo chí, và đường vào đại học. Những sự kiện nêu trên chứng tỏ nhà nước độc tài tại Việt Nam đã thành công khá lớn trong việc trực tiếp hay gián tiếp giới hạn cả bốn quyền kết hợp vừa kể.

Như thế chế độ độc tài tại Việt Nam có thể trì hoãn dân chủ bao lâu nữa hay có thể phát triển kinh tế đến đâu? Hãy thử nhìn qua vài chỉ số của các thành phần kinh tế Viêt Nam – một quốc gia có đa số lao động là nông dân, nền kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ – trong năm 2004: canh nông và lâm sản chiếm 21.8% GDP, công nghệ và xây dựng khoảng 40.1% GDP, dịch vụ, 38.1%.

Định hướng phát triển kinh tế Việt Nam hẳn không ra ngoài con đường tăng trưởng hai khu vực công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, một nền kinh tế tiên tiến ở thế kỷ 21 không chỉ thuần tuý phát triển những dịch vụ phần lớn thuộc loại dịch vụ cá nhân như Việt Nam hiện có như buôn bán lẻ, sửa xe, khách sạn, nhà hàng, v.v…

Robert B. Reich, chuyên gia về chính sách xã hội và kinh tế, cựu Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ thời Clinton, trong tác phẩm “Việc làm của Quốc gia” (9), đã phân định rõ rệt ngoài dịch vụ sản xuất công nghiệp, còn hai loại dịch vụ khác:
a. Tư nhân phục vụ: y-tá, công nhân bán lẻ, bảo quản công thự, kỹ nghệ chiêu đãi (du lịch, khách sạn, nhà hàng,…)
b. Những dịch vụ có tính phối hợp chiến lược cần một số kỹ năng cao hơn: khoa học gia, luật sư, bác sĩ, chuyên gia điện toán, tài chánh, kịch tác gia, kỹ sư, v.v…

Loại dịch vụ thứ nhì ắt là một thành tố quan trọng và cần thiết của nền kinh tế phát triển bền vững. Để phát triển thành phần kinh tế quan trọng này thì bốn loại quyền kết hợp đã nêu trên phải được tôn trọng triệt để. Không một nền kinh tế phát triển nào có thể có một tầng lớp chuyên viên giải quyết những vấn đề phức tạp mà không dùng đến các quyền kết hợp ấy trong công việc thường ngày.

Do đó, chế độ độc tài Việt Nam hiện nay dù có tinh vi đàn áp để trì hoãn dân chủ một thời gian nhưng cùng lúc họ cũng chỉ có thể phát triển kinh tế thị trường nửa đường, nửa đoạn, một nền kinh tế thị trường hạng hai – đây có thể là là kết quả của bước đột phá về tư duy lý luận của đảng cộng sản Việt Nam mà ông Nguyễn Phú Trọng (10) gọi đó là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trở lại với khảo luận của de Mesquita và Downs, tác giả công bố bốn khám phá mới từ nghiên cứu về tương liên giữa phát triển và dân chủ ở 150 quốc gia từ năm 1970 đến năm 1999:
1. Bóp nghẽn quyền kết hợp là một chiến lược sinh tồn có hiệu quả cao của các chế độ độc tài;
2. Chính thể chuyên chế thủy chung và kiên định giới hạn các quyền kết hợp hơn tất cả mọi quyền dân sự khác;
3. Mực đàn áp quyền kết hợp càng nhiều thì khoảng cách từ thời phát triển kinh tế đến khi dân chủ xuất hiện càng lớn;
4. Nếu giữ được kinh tế phồn thịnh và vẫn đàn áp quyền kết hợp thì khả năng trường tồn của chế độ gia tăng và viễn cảnh dân chủ lại giảm (ít nhất từ năm đến mười năm).

Những điểm kể trên, đặc biệt là khám phá thứ 4, có thể giải thích cho việc tại sao các nhà làm chính sách trong chính phủ Bush và các nhà nước dân chủ giầu mạnh khác – đang thất vọng với nhịp thay đổi quá chậm tại các quốc gia đang phát triển. Hai ông de Mesquita và Downs tặng họ ba bài học:

1. Các quốc gia dân chủ giàu mạnh cần ý thức rằng cổ xúy phát triển kinh tế tại các quốc gia đang phát triển không phải là một phương kế bồi dưỡng dân chủ có hiệu quả như đã tưởng.
2. Mở rộng điều kiện cho vay hay viện trợ phát triển gồm cả những bảo đảm quyền kết hợp cho công dân, như những quyền tự do dân sự cơ bản, nhân quyền, tự do báo chí.
3. Bài học Trung Đông – hãy đo lường tiến bộ dân chủ trong vùng bằng mực độ sẵn có của các quyền kết hợp ở đấy; thí dụ, giới truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ đến cỡ nào, hay an toàn tổ chức biểu tình chống chính phủ khó ra sao.

Bài khảo luận với những phê bình về phát triển và dân chủ của de Mesquita và Downs là một đóng góp tốt cho tập thể người Việt trong và ngoài nước đang vận động và đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ (và cả những tổ chức hay cá nhân đang làm công tác từ thiện, xã hội hay khoa học, giáodục, chuyển giao công nghệ) – một số dữ kiện mới, một số lý luận mới, một số chỉ dấu khá rõ ràng và dễ hiểu ngõ hầu giúp cho việc thiết kế và áp dụng những phương án tối ưu và thích hợp nhất nhằm rút ngắn khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế và tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam.

Tháng 10, 2005

Copyright © 2005 by DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 31/10/2005)


Ghi chú:
(1) Nguyễn Quốc Chánh,Ê, tao đây - Phỉnh, Đàn Chim Việt Online, 28 tháng 10, 2005, http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=726
(2) Bruce Bueno de Mesquita & George W. Downs, Development and Democracy, Foreign Affaires – September/October 2005 – Volume 84 No. 5 , 77-86 (Published by the Council on Foreign Relations)
(3) Seymour Martin Lipset hiện nghiên cứu chính trị xã hội tại Hoover Institution, và là giáo sư tại đại học George Mason. Trước đó ông là giáo sư chính trị, xã hội tại đại học Stanford (1975-1990) và cũng đã giảng dạy tại đại học Harvard. Một số tác phẩm mới nhất của Lipset là American Exceptionalism: A Double-Edged Sword (W.W. Norton, 1996) and Continental Divide: The Values and Institutions of the United States and Canada (Routledge, 1990).
(4) Vũ Thư Hiên, Thảo luận về HMDC2005 – Diễn Đàn Paltalk
(5) http://www.transparency.org/cpi/2005/dnld/ (cpi2005.highlights_asia_pacific.pdf)
(6) Võ Thơ, Giáo dục đại học Việt Nam: Tụt hậu quá xa so với thế giới http://diendan.edu.net.vn/ShowPost.aspx?PostID=4457
(7) Hạ Anh, Giáo dục ĐH Việt Nam: Thay "chặn lũ" bằng "phân lũ", http://www.vnn.vn/giaoduc/vande/2004/03/57109/
(8) H.L. Anh - D. Hằng, Giáo dục đại học Việt Nam ngày càng xa chuẩn quốc tế! http://www.nld.com.vn/tintuc/giao-duc/118329.asp
(9) The Work of Nations: Preparing Ourselves for 21st-Century Capitalism. Alfred A. Knopf, 1991
(10) Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường trực Tiểu Ban Văn kiện Đại hội X

Friday, October 28, 2005

Phát triển và Dân chủ - Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs


Development and Democracy (1)


BRUCE BUENO DE MESQUITA là Trưởng ban Chính trị, Đại Học New York và cũng là nhà nghiên cứu tại Hoover Institution.


GEORGE W. DOWNS là Giáo sư Chính trị và Chủ nhiệm Khoa Khoa Học Xã Hội tại Đai học New York



Trần Giao Thủy
lược dịch

Giàu lên nhưng chẳng tự do hơn
Hai mươi lăm năm trước, từ thuở Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping, 邓小平) khui mở nền kinh tế Trung Quốc (TQ), khai trương một thời đại tăng trưởng nóng sốt, rất nhiều nhà quan sát phương Tây đã cho rằng chẳng chóng thì chầy tiếp theo đấy sẽ là những đổi mới chính trị. Người ta tiên đoán tự do kinh tế sẽ đưa đến cởi trói chính trị và cuối cùng là dân chủ.

Tiên đoán này không chỉ dành riêng cho TQ. Cho đến gần đây, thông thường mọi người cho rằng hễ kinh tế phát triển thì cuối cùng, tương đối khá nhanh và không tránh được, sẽ dẫn đến dân chủ. Lý lẽ này, ở dạng đơn giản nhất, biện giải như sau: phát triển kinh tế sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu mới, tháo vát, có kiến thức, sớm hay muộn sẽ bắt đầu đòi quyền tự quyết định vận mệnh của chính họ. Cuối cùng, ngay cả những chính quyền đàn áp đến mực nào đi nữa cũng phải nhường bước.

Sự kiện hầu hết các quốc gia giàu có nhất trên thế giới đều là những xã hội dân chủ đã được xem như bằng chứng hiển nhiên của tiến trình này. Ngày nay, dữ kiện đã cho thấy mối liên hệ giữa việc cởi mở kinh tế với cái thường được gọi là dân chủ hào phóng thực ra rất loãng, nhạt và đang trên đường suy thoái. Dù sự kiện tại các quốc gia đã có nền dân chủ vững chắc mức thu nhập bình quân đầu người cao sẽ đóng góp vào việc ổn định vẫn đúng, việc ngày càng có nhiều các quốc gia độc tài đang giàu lên không tự nhiên dẫn đến cởi trói để có nhiều tự do chính trị hơn. Các chế độ độc tài trên thế giới đang chứng tỏ họ có thể gặt hái kết quả của sự phát triển kinh tế cùng lúc tránh né mọi áp lực để phải nới lỏng gọng kìm kiểm soát chính trị. Điều này không đâu rõ hơn tại Nga và TQ. Dù với nền kinh tế bùng phát suốt 25 năm qua, chế độ chính trị TQ vẫn tù hãm tại chỗ. Tại Nga, nền kinh bắt đầu có tiến bộ ngay cả khi điện Cẩm-Linh (Kremlin) vẫn nắm chặt quyền lực chính trị.

Việc trùng lấp, lấn, gối lên giữa nhau hai khuynh hướng - độ phát triển kinh tế và sự co cụm cuả tự do chính trị - không chỉ là một hiếu kỳ về lịch sử. Việc (lấn gối lên nhau) này chỉ về một điềm báo và một sự kiện rất ít được hiểu thấu triệt: Sự tăng trưởng kinh tế thay vì là nội lực đưa đấy đến những thay đổi dân chủ ở các quốc gia chuyên chế lắm khi lại là công cụ xây dựng và củng cố chế độ. Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang, 赵紫阳), thủ tướng TQ ở thập niên 1980s có lẽ đã đúng khi ông biện giải “Dân chủ không phải là điều mà chủ nghĩa xã hội có thể lẩn tránh được.” Tuy thế, ngày nay có rất nhiều bằng cớ hiển nhiên chứng tỏ các chính phủ chuyên quyền, thiếu tự do ở nhiều mức độ khác nhau, màu sắc khác nhau đều ít nhất có khả năng trì hoãn dân chủ một thời gian rất dài. Hơn nửa thế kỷ vừa qua, những chế độ ấy đã đang trải qua nhiều giai đoạn phát triển lột xác kinh tế mà không phải trả bất cứ một giá nào bằng việc cởi mở về chính trị. Trong một vài trường hợp khác, những người chuyên quyền đôi khi phải nhượng bước bằng những thay đổi chính trị rất khiêm tốn cùng lúc giới hạn nó để níu giữ lấy quyền lực.

Thế thì lấy gì để giải thích khoảng cách khá xa từ điểm khinh tế tăng trưởng phát khởi đến ngày cơ chế dân chủ tự do xuất hiện? Câu trả lời nằm ngay trong độ phát triển mức tinh vi của các chế độ độc tài. Dù các lý thuyết gia phát triển đã đúng ở nhận định tăng trưởng mức thu nhập bình quân sẽ đưa đến việc quần chúng đòi quyền lực, nhưng họ đã, trước sau như một, đánh giá thấp khả năng ngăn cản chận đứng những đòi hỏi ấy. Các chế độ độc tài, hiện nay ngày càng giỏi hơn trong việc tránh được bất ổn chính trị trong tăng trưởng kinh tế. Họ giỏi đến độ dùng ngay chính phát triển kinh tế làm phương tiện củng cố (thay vì là nhân tố hủy diệt) khả năng tồn tại của chế độ.

Thực tế này đa phần đang bị các cơ quan phát triển và chính phủ Bush tảng lờ đi. Washington vẫn hoan hỉ lý giải rằng toàn cầu hoá và độ lan tràn của chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường cuối cùng sẽ dẫn đến ngày quang vinh của dân chủ kiểu phương Tây. Người ta vẫn chưa rõ chính phủ Bush giải thích thế nào về những thí dụ phản biện. Điều rõ hơn cả là Washington cần nghĩ lại phương án truyền bá dân chủ khắp toàn cầu.

Thoát cái bẫy tăng trưởng
Những chính phủ chuyên chế có lý khi xem việc phát triển kinh tế vừa là cơ hội/công cụ và cũng là thử thách/bẫy xập. Ở một mặt, kinh tế tăng trưởng giúp độc tài nâng cấp khả năng tồn tại của chế độ bằng những phát triển tài nguyên của nhà nước (thu nhập qua thuế khoá) và cải tiến khả năng đối đầu với nhiều vấn đề khác nhau (như khủng hoảng kinh tế, hay thiên tai). Trong giai đoạn ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế có khuynh hướng làm người dân vừa lòng với chính quyền giảm bớt khả năng họ sẽ ủng hộ việc thay đổi chế độ.

Về lâu, về dài phát triển kinh tế có thể đe doạ sự tồn tại của các chế độ độc tài vì kinh tế tăng trưởng cũng nâng cao khả năng xuất hiện của những thế lực đối lập chính trị có hiệu quả. Điều này xẩy ra vì hai lý do: kinh tế phát triển tất nhiên sẽ nâng cao phẩm chất chiến lợi phẩm trong cuộc chiến chính trị cho phe chiến thắng và kinh tế phát triển khiến xã hội có thêm nhiều cá nhân có thì giờ, có giáo dục và có tiền để dấn thân vào chính trị. Cả hai thay đổi này có thể khơi dậy tiến trình dân chủ hoá và dần dần lấy được đà lấn đất, lấy chỗ của chế độ độc tài để dựng nên xã hội dân chủ hào phóng.

Cho đến ngày nay, nhiều chính phủ phương Tây và các nhà chuyên môn về phát triển vẫn cho rằng cởi mở, đổi mới chính trị vẫn bám sát, chỉ cách một khoảng ngắn, sự phát triển kinh tế, và các chế độ độc tài khó có thể làm gì khác để ngăn chận dân chủ (với điều kiện họ phải cam kết bảo quản phát triển kinh tế). Những lý luận và tư duy này bắt nguồn từ Seymour Martin Lipset (2) , nhà xã hội học và khoa học chính trị nổi danh đã đại chúng hoá, đưa vào quần chúng khái niệm cho rằng phát triển kinh tế tất yếu sẽ bồi dưỡng, cổ vũ cho tiến trình dân chủ hoá bằng cách phát triển tầng lớp trung lưu, có kiến thức trong xã hội. Tuy thế, ông Lipset cũng đã cảnh báo người đọc rằng dân chủ đến từ phát triển kinh tế là diễn trình không có gì bảo đảm cả: mặc dù đã có kết quả ở Tây Âu, thành công ở đấy tùy vào một chuỗi hoàn cảnh rất đặc thù. Chẳng may, nhiều năm qua từ lúc ông tuyên bố kết quả khảo cứu, độc giả hầu như quên béng lời cảnh cáo của Lipset. Người theo trường phái Lipset thường có khuynh hướng không chú ý đến việc những chế độ độc tài không phải chỉ là người quan sát thụ động trước những thay đổi chính trị. Thực ra, chính họ đã xếp đặt trước cả một số luật chơi thích ứng với và luôn đem phần thắng lợi về cho chế độ. Những người độc tài có vị trí thuận lợi hơn hẳn mọi công dân bình thường trong khả năng xếp đặt các cơ chế và sự việc chính trị. Và họ đã chứng tỏ rất khôn khéo, hơn hẳn như người ta tưởng, trì hoãn diễn trình dân chủ hoá – cùng lúc tiếp túc thu gặt kết quả kinh tế tăng trưởng.

Thuốc chữa
Để hiểu làm thế nào các chế độ độc tài lại có thể xoay sở được thủ đoạn này, người ta nên hiểu qua khái niệm phối hợp chiến lược. Khái niệm “phối hợp chiến lược”, thuộc phạm trù khoa học chính trị, quy vào một tập hợp những sinh hoạt người làm chính trị phải thực hiện để dành được quyền lực ở một hoàn cảnh nào đó. Những hoạt động đó gồm cả việc gieo rắc, chuyển tải thông tin, tuyển mộ thành viên, tổ chức đội ngũ đối lập, lựa chọn lãnh đạo và phát triển một chiến lược vững vàng nhằm phát triển sức mạnh của tổ chức và khả năng ảnh hưởng đến chính sách (quốc gia). Phối hợp chiến lược là một khái niệm hữu dụng để giải thích tại sao phát triển kinh tế thường được cho là nguyên cơ cổ xúy diễn trình dân chủ hoá. Tiến trình ấy xẩy ra như sau: kinh tế tăng trưởng dẫn đến việc đô thị hoá, tiến bộ, cải tiến về mặt công nghệ và cơ sở hạ tầng. Những cải tiến này giúp việc truyền thông và tuyển mộ thành viên thuận tiện hơn nhiều cho các tổ chức chính trị. Phát triển kinh tế còn đưa đến việc nâng cao đầu tư về mặt giáo dục, điều này làm lợi cho phe đối lập vì kết quả xã hội đó sẽ có thêm nhiều cá nhân tinh tế, có học thức và đây là thành phần để các tổ chức đối lập tuyển mộ người ủng hộ.

Phối hợp chiến lược, tuy nhiên, cũng giúp giải thích làm thế nào các chế độ độc tài có thể xoay sở để bẻ gẫy hay làm suy nhược tương quan giữa phát triển kinh tế và tiến trình dân chủ hoá. Nếu những chế độ độc tài đang quyền có thể giới hạn sự phối hợp chiến lược của nhóm đối lập thì họ có thể giảm thiểu viễn cảnh đối lập có thể đẩy chế độ bật khỏi ghế quyền lực. Tuy thế, ở đây có cái bẫy, để đảm bảo an ninh cho chế độ, nhóm độc tài cần nâng cao giá của sự phối hợp chính trị giữa các lực lương đối lập cùng lúc không để giá phối hợp kinh tế tăng quá mức – vì chính điều này có thể ngăn trở kinh tế phát triển và đe doạ đến sự ổn định của chế độ.

Luồn chỉ qua trôn kim này không phải dễ, nhưng cũng phải là điều bất khả thi. Dần dà, các chế độ độc tài, qua nhiều lần thử nghiệm, đã khám phá ra họ có thể cùng lúc đàn áp các nhóm đối lập và cẩn thận hạn chế một tập hợp nhỏ các quyền lợi dân sự - những quyền rất cần cho việc phối hợp chính trị nhưng lại không mang tính chủ yếu cho việc phát triển kinh tế. Bằng cách thắt chặt một số quyền dân sự như thế, chế độ độc tài đã cách ly họ khỏi việc phát triển tự do chính trị đang được sự tăng trưởng kinh tế bồi dưỡng và cổ xúy.

Làm thế nào để chận một cuộc cách mạng
Có thừa những thí dụ về chiến lược này. Hãy thử xét qua vài trường hợp mới xẩy ra trong ba năm trở lại. TQ thường xuyên chận cổng vào bản tin Anh ngữ của Google và gần đây đã buộc Microsoft phải chận không cho bloggers (3) dùng những nhóm chữ như “tự do”“dân chủ” khi họ dùng sản phẩm cuả Microsoft viết blog. Đấy chỉ là những phản ứng mới nhất trong một chuỗi dài các biện pháp TQ dùng để hạn chế tất cả những sinh hoạt liên quan đến mạng lưới toàn cầu; TQ dùng đến là cả một đội ngũ cảnh sát mạng ngăn chận và giới hạn các cổng vào lục địa. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin vừa đặt tất cả các đài truyền hình dưới sự kiểm soát gắt gao của nhà nước. Vào tháng mười 2003, ông đã chỉ huy cuộc lùng bắt Mikhail Khodorkovsky (4), một trong những người chỉ trích/đối lập nổi bật và theo đó là một vụ tố tụng thật đình đám.

Ở Venezuela, Tổng thống Hugo Chávez làm áp lực để thông qua một sắc luật mới vào tháng 12 2004 cho ông quyền cấm chỉ/kiểm duyệt cắt bỏ mọi thông tin về các cuộc biểu tình bạo động phản đối đàn áp từ phía chính quyền; Tổng thống cũg được quyền thu hồi giấy phép truyền thông của các đài truyền thanh, truyền hình khi vi phạm một trong những điều ở bảng cấm kỵ dài ngoằng mô tả thật đại cương trong trong sắc luật mới. Và tại Việt Nam, nhà nước đã áp đặt kiểm soát thật gắt gao đối với các tổ chức tôn giáo và lên án các nhà lãnh đạo tôn giáo (kể cả Thiên chúa giáo, Tin Lành, và các nhánh của Phật giáo) là bọn phản động mưu toan lật đổ nhà nước.

Mỗi trong những những trường hợp vừa nêu đều bao hàm sự hạn chế một số quyền, có thể gọi là “quyền kết hợp” – đấy là một số dân quyền có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng của phe đối lập dùng để kết hợp nhưng lại không ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng kinh tế. Quyền kết hợp khác với các quyền dân sự tổng quát – có phương tiện di chuyển công cộng, an sinh y tế, được đi học (tiểu học), và an ninh quốc phòng – Những quyền này, nếu bị vi phạm, sẽ tác động mạnh đến dư luận quần chúng và sự tăng trưởng kinh tế.

Thông thường, những chính phủ độc tài đàn áp những người đòi phải thay đổi có dân chủ bằng cách chận nghẽn cả hai loại quyền dân sự – như thế là trực tiếp soi mòn. phá hoại cả nền kinh tế. Giải pháp đàn áp loại này là mô hình nổi cộm cho đến thập niên 1980s, và vẫn còn được áp dụng ở một số quốc gia nghèo đói nhất như Myanmar và Zimbawe. Gần đây hơn, chính phủ ở Nga, TQ, Việt Nam, và một số nơi khác đã khám phá ra là họ chỉ cần chú trọng đến việc bóp nghẽn các quyền kết hợp đồng thời mở lỏng các quyền dân sự khác cần thiết cho kinh tế tăng trưởng – như thế cắt được mạch của những áp lực đòi hỏi thay đổi chế độ, kết quả trực tiếp của sự phát triển kinh tế.

Đương nhiên, tất cả các quyền dân sự (tổng quát) đều ít nhiều tác động đến khả năng tổ chức và hoạt động của phe đối lập. Nhưng có bốn loại quyền đóng vai chính yếu trong những hoạt động ấỵ Đó là quyền chính trị, nhân quyền (một cách tổng quát), tự do báo chí, và đường vào đại học. Đầu tiên trong nhóm tứ quyền này, quyền chính trị, gồm các quyền tự do ngôn luận, tư tưởng và quyền tổ chức các cuộc hội họp, biểu tình ôn hòa. Dù quyền này đa phần là tiêu cực (với chính quyền) – trong nghĩa quyền chính trị giới hạn hơn là cần có sự can thiệp của nhà nước, đôi khi cũng cần đến bộ máy chính quyền để hiệu lực hoá, đặc biệt trong trường hợp các nhóm thiểu số muốn bày tỏ quan điểm, lập trường không phổ quát trong đại da số quần chúng.

Nhân quyền (một cách tổng quát) gồm quyền không bị bắt giam tùy tiện cùng những bảo đảm từ Dân luật Anh (5), không bị kỳ thị vì tôn giáo, chủng tộc, giới tính; và quyền không bị ngược đãi, hành hạ; quyền đi lại trong cũng như ngoài nước.

Một tập hợp báo chí đa dạng, không bị gò ép (và những dạng khác của giới truyền thông) là sức sống của đối lập có kết quả vì đây là phương tiện để gieo rắc, chuyển tải thông tin hầu quy tụ nhiều nhóm khác nhau đếm một tụ điểm quan tâm chung. Cũng như quyền chính trị, tự do báo chí lthuộc loại quyền tiêu cực vì nó chẳng đò hỏi nhà nước phải làm gì cả. Tuy hiên, tự do báo chí, đôi khi cẫn sự can thiệp của chính quyền như cấp giấy phép cho các đài truyền thanh, truyền hình, bảo đảm đại đa số quần chúng sẽ bắt được sóng, xem và nghe đài và chuyển dịch các văn bản nhà nước sang ngôn ngữ địa phương.

Sau cùng, quyền vào đại học và hậu đại học để đảm bảo tương lai của những công dân muốn phát triển khả năng truyền thông, kỹ năng tổ chức, và chuẩn bị cho sinh hoạt chính trường. Đại học và hậu đại học là môi trường thuận tiện đào tạo các nhân tố lãnh đạo đối lập, vì thế, đấy chính là nơi cung ứng đối thủ của các chế độ độc tài đương có quyền lực.

Một vài chính phủ độc tài lý giải việc họ ngăn chận lối vào đại học (hay các quyền kết hợp khác) vì tốn phí quá cao. Trên thực tế, giá trả cho các quyền kết hợp không những không đắt và lại còn rẻ hơn giá của một số quyền dân sự tổng quát khác như quyền được bảo vệ quốc phòng, hay vận tải toàn quốc. Khi nhà nước chuyên chế giới hạn các quyền kết hợp nghĩa là trực tiếp nâng giá phải trả để phối hợp chính trị - tạo khó khăn cho đối lập – chứ không phải để tiết kiệm tiền. Thật ra, đàn áp một số quyền kết hợp đôi khi tốn kém hơn mở cửa, để tự do – chế độ phải tốn kém hơn để đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, tốn kém hơn để phá sóng, phá đài và tốn kém hơn cho chương trình tuyên truyền của chế độ.

Công thức để (độc tài) thành công
Để hiểu rõ hơn tại sao các chế độ độc tài đương quyền có thể xoay sở để cùng lúc nắm lấy lợi ích của sự phát triển kinh tế và trì hoãn dân chủ, mới đây chúng tôi khảo sát sự bảo đảm quyền dân sự ở khoảng 150 quốc gia từ năm 1970 đến năm 1999. Sau đây là bốn khám phá đáng ghi nhận.

Trước nhất, bóp nghẽn quyền kết hợp là một chiến lược sinh tồn có hiệu quả cao; công trình khảo cứu này xác định rằng khi quyền kết hợp được đảm bảo sẽ giảm thiểu một cách đáng chú ý khả năng tồn tại của các chế độ độc tài. Trong khi ấy, những quyền dân sự tổng quát khác, hoặc không có ảnh hưởng xấu hoặc củng cố sự trường tồn của chế độ. Đặc biệt, khi có tự do báo chí, và quyền tự do dân sự được bảo vệ sẽ làm giảm khoảng 10% đến 15% cơ hội tồn tại thêm một năm của các chế độ độc tài: một thống kê trần như nhộng, và cũng là dữ kiện giúp giải thích tại sao đàn áp quyền chính trị và giới truyền thông tràn lan khắp các quốc gia đang phát triển.

Thứ hai, khảo cứu này chứng minh rằng các chế độ độc tài kiên định bóp nghẽn quyền kết hợp hơn tất cả các quyền dân sự khác. Vòng quanh thế giới, từ Beijing đến Moskva, sang Caracas, các chế độ độc tài đều biết độ nguy hiểm của việc bảo đảm quyền kết hợp cho dân chúng, và họ thủy chung như nhất kìm chế không làm như thế ở mức xuất sắc. Mặt khác, duờng như tất cả các nhà độc tài đều ý thức được chẳng có gì phải quan ngại về việc bảo đảm các quyền dân sự tổng quát như giáo dục sơ cấp, phương tiện di chuyển công cộng, và dịch vụ y tế. Fidel Castro chẳng thiệt thòi gì hết khi ông ấy năng nổ cải thiện mực sống sức khoẻ tại Cuba, và Kim Jong Il cũng chẳng gặp thêm rủi ro nào khi chính phủ của ông cam kết tăng tỉ số biết đọc biết viết lên 95%. Tuy nhiên chính hai chế độ này rất chu đáo trong việc đàn áp quyền kết hợp .

Khảo cứu cũng này cũng xác nhận ở các nước có mực đàn áp quyền kết hợp càng nhiều thì khoảng cách từ thời phát triển kinh tế đến khi dân chủ xuất hiện càng xa. Dĩ nhiên có chế độ độc tài đàn áp giỏi hơn chính phủ chuyên chế khác. Nhưng có sự tương quan thật rõ giữa thất bại trong đàn áp quyền kết hợp và việc một nền dân chủ hiện đại thành thực tế.

Hơn nữa, một khám phá khác của cuộc khảo cứu này là, trừ ở mực cao nhất của mực thu nhập bình quân, tăng trưởng kinh tế đáng chú ý vẫn có thể đạt và giữ được cùng lúc nhà nước tiếp tục đàn áp quyền kết hợp (TQ, Nga và Việt Nam), Và khi cả hai khuynh hướng ấy xẩy ra cùng lúc – đấy là lúc quốc gia phồn thịnh về kinh tế cùng lúc đàn áp quyền kết hợp – thì khả năng trường tồn của chế độ gia tăng và viễn cảnh dân chủ lại giảm (ít nhất từ năm đến mười năm).

Dù có giới hạn ở số liệu của khảo cứu để xác định được về lâu về dài sự phát triển kinh tế có đưa chế độ đến thể chế dân chủ hay không, có nhiều dấu hiệu cho thấy phát triển kinh tế, trong ngắn hạn, sẽ củng cố hơn là soi mòn chế độ độc tài. Như thế, nên xem TQ như một hiện tượng tiêu biểu của việc phát triển kinh tế không đưa đến tự do chứ không phải là một ngoại lệ cuả diễn trình phát triển rồi dân chủ sẽ đến.

Ai lừa ai?
Khoảng cách ngày một lớn giữa phát triển và dân chủ cho các chính khách – trong chính phủ Bush và các nhà nước dân chủ giầu mạnh khác – đang thất vọng với nhịp thay đổi quá chậm tại các quốc gia đang phát triển và mong sẽ tăng được vận tốc của diễn trình, ba bài học quan trọng.

Đầu tiên và rõ ràng nhất, những người làm chính sách ở các quốc gia dân chủ giàu mạnh cần ý thức rằng cổ xuý phát triển kinh tế tại các quốc gia đang phát triển không phải là một phương kế bồi dưỡng dân chủ có hiệu quả như họ một thời mơ tưởng. Những chế độ độc tài đương quyền, bằng chính những kinh nghiệm chung của họ, đã học và hiểu mặc dù phát triển có thể nguy hiểm (cho chế độ) nhưng vẫn có thể giải giới được ở phạm vi khá lớn. Giới hạn các quyền kết hợp, các chế độ độc tài có thể ăn cả cỗ: có cả một khối lái buôn quyền lực thỏa mãn và nhóm lãnh đạo quân đội trực tiếp hưởng lợi của phát triển kinh tế, tài nguyên gia tăng để đối phó với những cú xốc kinh tế hay chính trị, cùng với tập đoàn đối lập yếu, rời rạc, mất nhuệ khí.

Bài học quan trọng thứ nhì cho các chính khách dân chủ là những điểm vừa nêu trên có ý nghĩa gì với các điều kiện họ thường gắn liền với những món nợ và viện trợ cho các quốc gia đang phát triển. Thí dụ, khi Ngân hàng Thế giới đặt điều kiện cho vay với các quốc gia đang phát triển thường là những yêu cầu chính quyền sở tại tăng đầu tư vào hạ tầng cơ sở, y tế, giảm mù chữ, vì họ tin rằng những đầu tư này sẽ đưa đến sự tăng trưởng kinh tế, sinh ra một tầng lớp trung lưu mở rộng và cuối cùng là nền dân chủ. Nhưng những mong đợi này không thực tế. Những đầu tư ấy thực chất sẽ củng cố thay vì làm ngắn lại sự tồn tại của các chế độ độc tài. Ngoại viện, như đang được quản lý, có khuynh hướng củng cố hơn là xoáy mòn các chính phủ chuyên chế.

Giải đáp cho vấn nạn này không phải là hạ cấp ưu tiên cho việc phát triển kinh tế hay bảo đảm các quyền dân sự tổng quát ở các quốc gia đang phát triển. Đấy là mở rộng điều kiện cho vay để gồm cả những yêu cầu quốc gia nhận viện trợ/vay nợ phải bảo đảm quyền kết hợp cho công dân, như những quyền tự do dân sự cơ bản, nhân quyền, tự do báo chí. Tạo cơ hội để thường dân có thể dễ dàng liên lạc, phối hợp với nhau để phát triển môi trường tự do chính trị. Theo đấy, các chính phủ độc tài cần được áp lực để phải chấp nhận có những đổi mới chính trị khiêm tốn trước khi nhận viện trợ quốc tế thí dụ như mở rộng điều kiện vào đại học, cho tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội.

Khi đặt những điều kiện viện trợ cho vay như thế các cơ quan phát triển quốc tế không phải bận tâm vì cuộc tranh cãi nhân quyền được đinh nghĩa tốt nhất bằng nhà ở, cơm ăn, y tế, hay là các yều cầu cơ bản của con người như quyền tự do cá nhân và những bảo đảm quyền lợi của cả thiểu số và đa số. Các nhà độc tài thích định nghĩa thứ nhất hơn vì nó hợp với quyền lợi của họ. Định nghĩa như thế quả thật quá rõ ràng chỉ để phục vụ chế độ. Đã có rất nhiều chứng cớ cho thấy tự do chính trị và sự đảm bảo những nhu cầu cơ bản đi đôi với nhau; những xã hội tôn trọng các quyền tự do dân sự hầu như cũng chính là những xã hội luôn luôn bảo đảm sự tồn vong của toàn dân.

Bài học thứ ba từ cuộc khảo cứu của chúng tôi cho các chính khách liên quan đến những sự kiện mới đây tại Trung Đông. Cuộc bầu cử tại Iraq, việc Syria lui quân khỏi Lebanon và cuộc bầu cử tiếp theo ở đấy, cùng lời tuyên bố về những cuộc đầu phiếu ở Saudi Arabia và lời hứa hẹn một cuộc tranh cử ở Egypt tập trung thành dấu hiệu thật cám dỗ moị người đồng ý với nhận định là bình minh dân chủ sắp đến với Trung Đông. Các quan sát viên trong vùng, đặc biệt, nên nhớ rằng chính sách đan áp phục vụ cho các chế độ độc tài Trung Đông chưa bị soi mòn đáng kể tại Saudi Arabia, Egypt và Lebanon. Đây cũng chẳng phải là nguyên cớ để chúng ta phải thất vọng. Nhưng những ai muốn đo lường tiến bộ dân chủ trong vùng nên quan tâm nhiều đến mực độ sẵn có của các quyền kết hợp ở đấy – nhìn xem giới truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ đến cỡ nào chẳng hạn, hay an toàn tổ chức biểu tình chống chính phủ khó ra sao. Những nhân tố này thiết yếu cho cuộc chuyển đổi sang dân chủ thực sự. Đến khi nào chúng chưa thực sự hiện hữu, Hoa Kỳ, khối Liên Âu, hay những quốc gia khác và các cơ quan viện trợ vẫn phải tiếp tục đặt sức ép để đi đến thay đổi.


Tháng 10, 2005

Copyright © 2005 by DCVOnline
(
http://www.danchimviet.com, 28/10/2005)



Ghi chú:
(1) Bruce Bueno de Mesquita & George W. Downs, Development and Democracy, Foreign Affaires – September/October 2005 – Volume 84 No. 5 , 77-86 (Published by the Council on Foreign Relations)
(2) Seymour Martin Lipset hiện nghiên cứu chính trị xã hội tại Hoover Institution, và là giáo sư tại đại học George Mason. Trước đó ông là giáo sư chính trị, xã hội tại đại học Stanford (1975-1990) và cũng đã giảng dạy tại đại học Harvard. Một số tác phẩm mới nhất của Lipset là American Exceptionalism: A Double-Edged Sword (W.W. Norton, 1996) and Continental Divide: The Values and Institutions of the United States and Canada (Routledge, 1990).
(3) Bloggers: những người viết cho mọi người trên mạng đọc không cần ban biên tập hay nhà xuất bản.
(4) Hiện thọ án tù 8 năm ở Siberia
(5) Habeas corpus