Sunday, October 14, 2007

Đạp đổ Hoả Bích Trường Thành Trung Quốc


Trà Mi
(Theo Lisa Vaas, “Toppling the Great Firewall of China”)


Trung Quốc không đặt tường lửa trên những cầu dẫn (routers) cho công an mạng chận đường đến những trang nhà ngoài lục địa có nội dung nhạy cảm.

Thay vào đó, chế độ cộng sản độc tài này dựa vào một hệ thống kiểm duyệt tinh vi hơn nhiều, dùng các từ khoá nằm trong sổ đen và cầu dẫn đi sâu vào luồng thông tin trên mạng sục sạo, mò tìm những từ hay nhóm chữ khoá nhà nước xem là cấm kị.

Assistan Prof. Jedidiah R. Crandall
Nguồn: cs.unm.edu

Jed Crandall, một nhà giáo dạy khoa Khoa học Điện toán ở trường Kỹ sư thuộc Đại học New Mexico cho biết, “Theo hiểu biết thông thường thì đây là một bức tường lửa – vây quanh biên giới Trung Quốc. Chúng tôi thấy, đôi khi chỉ bị chận lại sau vài bước (có khi lên đến 13 bước) nhảy cầu trong mạng internet ở đây.”

Trên thực tế, cái “Hoả bích trường thành” TQ (壁 火 長 城 中 國) hay bức tường lửa khổng lồ của Trung Quốc mà những nhà nghiên cứu tin rằng nhà nước độc tài Trung Quốc dùng để ngăn cản dân chúng truy cập những trang nhà có thông tin chướng tai gai mắt (nhà nước) chỉ là, một nhà tù “panopticon” – một loại nhà giam mà tù nhân không thể biết được là mình có đang bị theo dõi hay không (Tác phẩm của triết gia Anh Jeremy Bentham vào cuối thế kỷ 18).

Một toán nghiên cứu gồm cả những nhà khoa học của Đại học California ở Davis, đã tìm thấy rằng không phải bất kỳ từ khoá nhạy cảm nào cũng bị ngăn cản trong luồng thông tin internet – nhà nước chỉ kiểm duyệt vừa đủ để người dùng mạng phải e dè và tự kiểm duyệt chính mình vì biết những hoạt động trên mạng đang bị nhà nước theo dõi.

Đúng như vậy, khoảng 28% trang mạng của Trung Quốc mà những người nghiên cứu gởi tín hiệu thăm dò hoàn toàn không dùng lưới lọc, điều này bác bỏ việc cho rằng bức đại tường lửa Trung Quốc chỉ lọc từ khoá ở cầu dẫn ven biên.

Mẹo vượt đại tường lửa có dạng phức tạp hơn vì người dùng internet ở Trung Quốc bị lừa và nghĩ rằng lúc nào cũng đang bị công an theo dõi và lúc nào cũng bị chận đường trên xa lộ thông tin. Những nhà khảo cứu tin học vì thế đã đề xuất một cấu trúc để đi vòng hệ thống tường lửa lọc từ khoá mà không cần đến những mẹo trèo tường lửa thông thường.

Cấu trúc của ConceptDoppler
Nguồn: “ConceptDoppler: A Weather Tracker for Internet Censorship”, Jedidiah R. Crandall et al.
Họ đang phát triển một dụng cụ mới, mang tên là “ConceptDoppler” (1), đi xuyên mạng bằng một ngả đường ít ai ngờ: “spam” hoá những từ khoá nằm trong sổ bìa đen của công an mạng Trung Quốc. Trước nhất, họ phải tìm những từ khoá nhạy cảm là gì (bằng cánh điều chỉnh những gói thông tin nhỏ – modulating packets), kế đến thẩm định cần bao nhiêu bước nhảy để vào đến mạng của Trung Quốc, thứ ba, xác định cầu dẫn nào đang làm nhiệm vụ tung lưới lọc những từ khoá nhạy cảm. Những cầu dẫn này, trên thực tế, gởi tín hiệu ngăn chận không cho người dùng internet hạ tải (download) thông tin cấm kỵ.

Các nhà nghiên cứu cho biết “ConceptDoppler” làm việc tương tự như một bản báo cáo thời tiết về những thay đổi về tình hình kiểm duyệt trên mạng internet Trung Quốc và các nơi khác. Dụng cụ “ConceptDoppler” dùng thuật toán xếp nhóm từ theo nghĩa và xác định những từ khoá có khả năng nằm ở sổ bìa đen của Trung Quốc. Toán khảo cứu hiện đã tìm được 122 từ khoá, nhưng cho biết sổ bìa đen có thể có đến hàng ngàn từ hay nhóm từ cấm kỵ.

Tuy nhiên, ngoài bản đồ hình kiểm duyệt toàn cầu, nhóm nghiên cứu còn dự tính biến dụng cụ “ConceptDoppler” thành đồ nghề “spam” hoá các từ khoá bị cấm kỵ – họ cũng dùng kỹ thuật spamming thông thường, bẻ từ, thêm mẫu tự bất định vào từ, v.v...

Earl Barr, một sinh viên hậu đại học, khoa Khoa học Điện toán, Đại học Califonia ở Davis, đồng tác giả của bài nghiên cứu “ConceptDoppler: A Weather Tracker for Internet Censorship” nói, “Chúng tôi học từ ‘spammers’” (những người gởi thư hàng loạt đến nạn nhân không quen biết).

“Chúng tôi đi tìm xem đâu là chương trình “spam” tinh vi nhất trên mạng – thí dụ, một phần mềm quái ác của Hungary, và sử dụng nó luôn,” Barr nói thêm.

Trong kịch bản đó, một số bộ phận của trang web sẽ gởi tín hiệu báo là đã nối kết được với mạng trong Trung Quốc. Webmasters biết nội dung trang nhà có nhiều từ khoá nhạy cảm và bị cấm tại Trung Quốc sẽ dùng đồ nghề để “spamming” từ khoá, thoát mạng lưới lọc và đưa thông tin vào đến người dùng internet ở Trung Quốc.

Dĩ nhiên, nhiều từ khoá nhạy cảm đã vào sổ đen của công an mạng Trung Quốc dễ hiểu và đễ đoán được như: “Tibetan Independence Movement, Phong trào Tây Tạng Độc Lập,” “Falun Gong, Phá Luân Công,” “The right to strike, Quyền Đình công,” “Tiananmen Square Hunger Strike Group, Nhóm Tuyệt thực ở Thiên An Môn,” hay “Voice of America, Đài tiếng nói Hoa Kỳ.”

Một số từ bị cấm ít ai ngờ được, thí dụ như, “Mein Kampf”, “International geological scientific federation” hay “conversion rate”. Lý do? dịch sang Hoa ngữ, nhóm từ này có thể là “tốc độ chuyển đổi”, đã làm bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc không yên tâm lắm. Trong vài trường hợp, ngay cả những từ chuyển dịch hao hao những từ khoá nhạy cảm cũng bị lọc ra ngoài.

Thí dụ, một bài trong từ điển Bách Khoa Mạng (Wikipedia) về một quốc gia ở Tây Đức, khi chuyển dịch sang Hoa ngữ, dùng một số từ hao hao giống như “Phá Luân Công”. Thí dụ như Münster, Westfalun: Tây Phá Luân.

Còn nhiều từ khoá bị cấm khác thì Crandall và nhóm nghiên cứu chỉ có thể suy đoán.

Ludovico Ariosto có nghĩa là gì đến nỗi đựơc vào sổ đen của Đảng CS Trung Quốc? Và Helmuth Karl Bernhard von Moltke, nhà chiến lược tài danh của Đức ở hậu bán thế kỷ 19 thì ăn nhậu gì tời bác “Hồ” Jintao và đồng đảng? Á à, không chừng công an mạng Trung Quốc lại nghĩ tới một Moltke khác, Helmuth James von Moltke, thẩm phán người Đức, sáng lập tổ chức “Vòng Kháng chiến Kreisau” chống lại Hitler và Đức Quốc Xã. Dân Trung Quốc hiểu biết nhiều về ông kháng chiến quân Moltke này thêm là điều không nên và không tốt; Cứ lọc tất, Helmuth Karl hay Helmuth James cũng mắm sốt. Bắn lầm còn hơn bỏ sót.

Người viết rất tò mò muốn tìm hiểu xem đội ngũ công an mạng Trung Quốc hay bắn lầm tới cỡ nào. Có lẽ không phải do tình cờ hay duyên số, trên mạng Internet có một trang nhà tên “greatfirewallofchina.org”. Tại đây, mọi người có thể thử nghiệm xem bất kỳ trang web nào trên thế giới có bị ngăn chận hay được cho vào Trung Quốc. “Đàn Chim Việt Online edition”, nhóm chữ tự nó rất rất vô tư dù là tiếng Anh hay tiếng Việt và đặc biệt nó không phải là tiếng Tàu. Sau khi chép và dán địa chỉ “http://www.danchimviet.com/php/index.php” vào khung thử nghiệm, bấm chuột vào nút “go” và đây là kết quả “real-time”:

Your URL is Blocked!

Trung Quốc chận Đàn Chim Việt
Nguồn: greatfirewallofchina.org

Thông tin của trang greatfirewallofchina.org cho hay thử nghiệm này đã chuyển yêu cầu đọc Đàn Chim Việt từ máy chủ của greatfirewallofchina.org đến một máy chủ khác nằm trong nội địa Trung Quốc và gởi kết quả về lại greatfirewallofchina.org (We’ve opened a website in China and route your url request on greatfirewallofchina.org through to our server in China. The server in China opens the url and the result is send back.)

Ơ hay, có ông bà nào trong ban biên tập Đàn Chim Việt là thành viên Phá Luân Công hay thuộc phe của Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương) chăng? Mấy phần ngàn dân Trung Quốc biết đọc và hiểu tiếng Việt mà bác “Hồ” Jintao phải bận tâm lại chơi trò ma quỷ với DCVOnline? Trong 122 từ khoá trong báo cáo “ConceptDoppler” có epochtimes.com đã đành; danchimviet.com nào phải epochtimes.com hay dính dáng gì tới sự kiện “Thiên An Môn” hay có nghĩa phản động như “Conversion rate” hoặc chiếu “Erotic movies” hồi nào đâu?

À, một chuyện đáng để ý, trong 122 chữ “phạm huý” mà Crandall và đồng nghiệp tìm được có nhóm từ “The Communist Party of Vietnam”. Đảng Cộng sản Việt Nam là cụm từ nhạy cảm thì việc gì lại đi “ban” DCVOnline. Chẳng lẽ Bác “Hồ” Jintao cũng như vài bạn đọc Đàn Chim Việt nghi hay nghĩ Đàn Chim Việt là của “Đảng Cộng sản Việt Nam Quang Vinh muôn năm” luôn sao trời?

Thế này là thế nào nhỉ? Người viết xin các bạn đọc Hán rộng thâm sâu (Bác Tâm Việt chẳng hạn) làm ơn dịch Đàn Chim Việt sang tiếng Tàu coi nó là cái giống (chim) gì để ra nông nỗi này cơ chứ!

Thực ra đã có tin vài tổ chức đảng phái hải ngoại đã rất muốn Đàn Chim Việt là báo của “đảng” mình. Bạo hơn nữa có tổ chức chính trị còn tuỳ tiện nhét cả tên biên tập viên và dán Đàn Chim Việt vào danh sách thành viên; Khi được yêu cầu chỉnh sửa thì họ đánh bài lờ (cho đến nay). Và theo một nguồn tin thất thiệt khác thì “Báo _ _ đã mua Đàn Chim Việt rồi”.

Đúng là một đám nhận vơ xàm gở, đồn thổi trí trá, bất lương!

Crandall nói thêm, “Một người bạn của tôi ở Trung Quốc cho biết nhà nước không những chỉ lọc những thông tin “có hại” cho chính phủ mà còn ngăn cả thông tin “không tốt”. Và lý cớ này đã đủ để ngăn tất cả các trang web nói về lịch sử Chiến tranh Thế giới lần thứ nhì.”

Không phải chỉ có Trung Quốc đặt rào cản trên xa lộ thông tin. Canada và Anh Quốc cũng ngăn chận thông tin, nhưng là những trang khiêu dâm trẻ em (child pornography), và Đức lọc thông tin liên hệ tới Quốc xã (Nazi).

Tuy nhiên, chỉ có trung Quốc mới dùng hệ thống lưới lọc ở mức độ tinh vi cỡ này để trù dập quyền tự do thông tin và được thông tin. Theo Crandall, Iran cũng lọc từ khoá nhưng ở mực đơn giản hơn (dùng lưới lọc Web Proxy) trong khi Trung Quốc cho cầu dẫn đi sâu vào từng trang tìm từ khoá nhạy cả và chận nội dung của trang đó thay vì ngăn chận cả web site. Còn ứng xử thô bạo hơn thì Trung Quốc chận cả website; trang nào có từ “massacre – thảm sát” chẳng hạn là kể như xong – sẽ bị chận, đứng ngoài mạng Trung Quốc.

Cách lọc từ khoá của Trung Quốc đôi khi đưa đến chuyện chận lầm, dưới nhãn quan của người kiểm duyệt, nhưng lại là một giải pháp thanh nhã. Vấn đề với kỹ thuật chận hẳn IP của các trang “nhạy cảm” không hiệu quả lắm vì người ta có thể đưa cả trang “nhạy cảm” đó nằm ở một IP khác (mirroring technique).

Dù lưới lọc dùng Web Proxy có thể chận được cách luồn lách (bằng mirror) này nhưng có nhược điểm ở phạm trù phóng đại. Proxy bắt buộc công an mạng phải duyệt xét tất cả thông tin toàn cầu tại máy chủ ở Trung Quốc; Giải pháp này rất tốn kém, thu hút tài nguyên nhiều và có thể gây ra điểm đổ vỡ trên mạng. Barr cho hay, “Muốn thiết kế một hệ thống (kiểm duyệt kiểu này) có đủ tầm cỡ để hoạt động hiệu quả thì rất tốn kém.”

Tóm lại, kỹ thuật lọc bằng proxy không hiệu quả. Phương pháp lọc từ khoá của “Hoả bích trường thành” thanh lịch và hiệu quả hơn. Và với những người khảo cứu khoa học đây là một điểm lý thú vì họ tìm biết được những thông tin loại nào thì bị Trung Quốc ngăn cản. Một cách khác, bức đại tường lửa Trung Quốc cho người nghiên cứu biết hoạt động của công an mạng ở cầu dẫn dựa trên thông tin gởi trả từ những trạm gác (cầu dẫn này), và người ta có thể theo dõi những hoạt động “công an” này từ bên ngoài Trung Quốc.

Crandall cho biết “Từ bên ngoài Trung Quốc, chúng tôi có khả năng xác định nhảy mấy bước vào Trung Quốc sẽ bị chận và bị ngăn lại ở cầu dẫn nào – vị trí cầu dẫn quăng lưới lọc tại Trung Quốc. Thứ đến, chúng tôi có thể thử nghiệm tìm xem những từ bị cấm hay “nhạy cảm” với chính quyền Trung Quốc và khẳng định được khi nào đã bị ngăn cản.”

Nhóm nghiên cứu ở Đại học New Mexico và Đại học California ở Davis dự định sẽ dùng đồ hình internet để đo lường chính xác hơn Trung Quốc đặt lưới lọc ở nơi nào và dùng các cơ sở nguồn khác – ngoài Đại học California ở Davis – để sàng lọc kết quả kỹ lưỡng hơn nữa. Trung Quốc ngày nay có thể đã dùng thêm những kỹ thuật mới như “chui đường hầm” IP. Với đồ hình internet tốt hơn, các nhà nghiên cứu này sẽ có nhiều cơ hội để xác định hoạt động của công an mạng ở Trung Quốc.

Hiện này, chỉ dùng cơ sở duy nhất ở Đại học California ở Davis, nhóm nghiên cứu cố xác định xem máy chận nằm ở nơi nào. Điều đã biết là, chính công ty dịch vụ Internet lớn nhất Trung Quốc, ChinaNET, là chủ xị của 83,3% những hoạt động quăng lưới ngăn chận thông tin. Những nhà nghiên cứu cũng đã biết, 99,1% sàng lọc thông tin ở Trung Quốc xảy ra chỉ 1 bước sau khi qua “biên giới”, 11,8% tín hiệu thăm dò của nhóm nghiên cứu bị chận lại ở bước nhảy thứ 3, và đôi khi đến bước thứ 13 sau “biên giới” họ mới tìm gặp một cầu dẫn quăng lưới lọc thông tin.

Và họ cũng biết những quốc gia khác đang kiểm duyệt thông tin mạng đang bắt chước chép bài kiểm duyệt của Trung Quốc.

Người cộng sản đã từng hô hoán “Nơi nào có đàn áp, nơi đó có đấu tranh!”. Ngày nay cũng không khác.

Ngày nào còn độc tài chuyên chế, còn đàn áp tự do ngôn luận, còn chà đạp tự do thông tin thì ngày ấy còn những phát minh khoa học chống trả mãnh liệt. Cuối năm 2006, Ronald Deibert và nhóm nghiên cứu ở Citizen Lab, Đại học Toronto đã phát minh ra psiphon “để xé rào cản, xuyên thủng tường lửa chận thông tin của các nhà nước độc tài với hy vọng sẽ đem lại lý tưởng ban đầu của internet: tự do truy cập mạng và tự do truyền thông.” (Trích Vũ Khí giành lại tự do ngôn luận, Trần Giao Thủy, DCVOnline, 05/12/2006).

Năm nay, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Mexico và Califonia ở Davis sẽ phúc trình báo cáo khoa học về ConceptDoppler tại Hội nghị của Hiệp hội Máy điện tính về Máy điện toán và An toàn Truyền thông vào cuối tháng 10 tại Alexandria, VA, Hoa Kỳ. Điều chắc chắn, những người làm khoa học phục vụ cho lý tưởng tự do dân chủ chưa ngừng. Sau Ronald Deibert với psiphon, Jed Crandall với ConceptDoppler sẽ còn nhiều người khác tiếp nối sự nghiệp khoa học phục vụ dân sinh, dân chủ, dân quyền.

Như các ông làm nghiên cứu máy điện toán đã nói “những quốc gia khác đang kiểm duyệt thông tin mạng đang bắt chước chép bài kiểm duyệt của Trung Quốc”, chắc chắn nhà nước và “đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” (bạn đọc có thể xem nhóm từ này là lựu đạn khói giúp luồn vào trong nước) đang đứng hàng đầu các nước đi “cọp dê” Trung Quốc.

Và đến đây người viết lại chợt nhớ đến Đàn Chim Việt.

Nếu như công an mạng ở Hà Nội, ở Tp. Hồ Chí Minh đã học nhuần nhuyễn bài “lọc từ khoá” của bác “Hồ” ... Jintao thì những bài chủ hay ý kiến trên diễn đàn DCVOnline mang theo các nhóm chữ như “đi cửa sau”, “dân chủ, tự do, nhân quyền”, “xã hội độc tài toàn trị”, ... e khó vượt qua biên giới về tới Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ. Đó là chưa kể đến những nhóm chữ đã bớt xuất hiện trên Đàn Chim Việt như “Hồ cẩu tặc”, “lá cờ máu”, v.v...

Tương tự những loại bài dù là truyện ngắn, dù là hư cấu như Sụp đổ sau 8 tiếng (Phạm Trung Kiên, DCVOnline, 15/09/2007) kể chuyện uống thuốc tàng hình rồi cướp công xa, chở plastic giật sập lăng “Bác” cũng sẽ cùng chung số phận “đứng ngoài biên giới” và chỉ là những bài để người Việt hải ngoại đọc chơi.

Lại nếu như công an mạng không dùng phương pháp thô bạo xếp danchimviet.com vào danh sách “phản động lưu vong cần phải tường lửa chặt chẽ” mà chỉ dùng công nghệ “lọc từ khoá”, muốn vào được vào trong nước bài viết phải đúng “chuẩn mực” Hà Nội như ông Vương Văn Quang đã nhắc khéo. Cứ “đéo”, cứ “địt” vô tư từ câu đầu đến câu cuối thì chắc như bắp là bài sẽ đến mắt ông Lê Doãn Hợp.

Ông Hợp dù là đảng viên cộng sản gốc ở Nghệ An nhưng chuẩn mực cộng sản độc tài Hà N(L)ội của ông Bộ trưởng đã sáng ngời qua đề xuất “cắm” Tổng biên tập vào từng tờ báo và báo chí Việt Nam trong nước phải đi vào “lề bên phải”.



© DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 19/09/2007)




Nguồn: Toppling the Great Firewall of China, Lisa Vaas, eWEEK, September 12, 2007.

(1) Jedidiah R. Crandall (ĐH New Mexico), Daniel Zinn, Michael Byrd, và Earl Barr (ĐH California ở Davis) cùng nhà nghiên cứu độc lập Rich East là đồng tác giả của bài báo cáo khoa học “ConceptDoppler: A Weather Tracker for Internet Censorship”. Tác giả sẽ báo cáo tại hội nghị 14th AMC Conference on Computer and Communications Security, Oct. 29-Nov. 2, 2007.


No comments: