Sunday, October 14, 2007

Khóa cổng Paltalk


Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) khóa cổng Paltalk – ngăn cản tự do ngôn luận



Paltalk là diễn đàn hội thoại (www.paltalk.com). Từ hơn ba năm qua người Việt khắp nơi, trong cũng như ngoài nước đã xem Platalk là một không gian tiện ích cho việc trao đổi thông tin và hội luận mọi vấn đề từ văn hóa, thời sự, chính trị, đến sinh hoạt đời sống hàng ngày khắp nơi người Việt đang sinh sống. Từ đầu tháng 10/2005 người Việt trong nước ở cả ba miền không thể nối mạng vào Paltalk. Bài viết này nhằm mục đính phân tích thông tin, dữ kiện, kết quả thử nghiệm thu được trong tuần lễ đầu tháng 10 để xác định nguyên nhân và đề nghị giải pháp khả thi, nếu có.

Theo thông tin từ trong nước, những ISP (hãng cung cấp dịch vụ truy nhập lnternet) có cùng một cổng của VDC (1) là
1. Công ty VNN (thuộc VDC)
2. Công ty Truyền thông FPT (2)
3. Công ty Netnam (3) Internet (thuộc Viện Công nghệ Thông tin)
4. SaigonNet (4) (là tên mạng của nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trực thuộc SPT, Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (Saigon Post and Telecommunications Service Corporation – SPT)

Hiện dùng cổng riêng là

5. Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) (5) thuộc Bộ Quốc Phòng CHXHCNVN, Cung cấp dịch vụ truy nhập Internet từ 2002

SaigonNet là nhà cung cấp dịch vụ Internet nhỏ nhất chỉ có Dial-up. Ba công ty còn lại, lớn hơn có dịch vụ Internet cao tốc.

Cũng theo báo chí trong nước VNN là công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất, hiện nay số thuê bao đã lớn hơn 10 lần trọng tải của hạ tầng cơ sở VNN đủ sức phục vụ.

Đến ngày hôm nay, 7/10/2005
• Ngoài Paltalk, khách hàng internet tại VN vẫn truy cập vào mạng để xem báo, nghe tin (cần vượt tường lửa nếu đến trang bị ngăn chận).
• Đại đa số khách hàng của VNN, FPT, NetNam đều không truy cập được vào Paltalk
• Khách của SaigonNet và Viettel vẫn truy cập được vào Paltalk
• Khách hàng của VNN đôi khi vào được Palatalk, nhưng lại rớt mạng sau thời gian ngắn.
• Khách hàng của FPT ở vùng ven (ngoài trung tâm dịch vụ cao) cũng có thể truy cập vào Paltalk (số rất ít)
• Thông tin trong nước báo mạch internet đang bị “nghẽn”
Thông tin, dữ liệu và kết quả thử nghiệm kỹ thuật - Nguyên nhân của việc “không vào được Paltalk” được liệt kê trong giản đồ xương cá theo sau.




Giản đồ xương cá “Vấn đề vào Paltalk từ VN”
Nguồn: DCVOnline/TGT



Nguồn của vấn đề người Việt không vào được Paltalk có xếp thành hai loại, một là do Paltalk và hai là từ Việt Nam.

Nguyên nhân có thể bắt nguồn tại Paltalk:

1. Trở ngại ở servers (máy chủ) phục vụ Việt Nam: giả thiết này không đứng vững vì (1) máy chủ của Paltalk nếu phải bảo hành chỉ cần một thời gian ngắn và (2) khách hàng của Viettel và SaigonNet vẫn truy cập bình thường vào Paltalk.

2. Có tin cho rằng ban quản trị Paltalk đang thanh lọc những nick xanh giả mạo hay mua bằng thẻ tín dụng gỉa: giả thiết này cũng bị loại vì (1) nick xanh (giả) sẽ trở thành đen (vẫn vào được Paltalk) trong khoảnh khắc qua sự điều chỉnh ở trung tâm Paltalk và (2) Paltalk phủ nhận điều này đang là nguyên nhân.

3. Vấn đề người vào Paltalk từ Việt Nam bị Paltalk cấm cửa (ban): khi đặt vấn đề người Việt tại VN không vào được Paltalk, nhân viên phòng phục vụ khách hàng thường trả lời thường mhư sau: “It may be that your government or ISP is blocking the use of Paltalk in your location” hay “Yes the ISPs there are blocking or being blocked.”

Như thế nguyên nhân người Việt tại VN không vào được Paltalk không đến từ phía công ty Paltalk tại New York.

Nguyên nhân có thể bắt nguồn tại Việt Nam:

1. Máy chủ của VDC (cho VNN, FPT, NetNam, và SaigonNet dùng) và Viettel đang có trở ngại kỹ thuật (bảo hành, quá tải, v.v…): giả thiết này không đứng vững vì khác hàng dùng cổ VDC vẫn truy cập được vào mạng (tuy đa số không vào được Paltalk) và các mạng hội thoại khác (Yahoo, MSN, InSpeak) và khác hàng của Viettel vẫn vào được Paltalk hay các mạng hội thoại khác (Yahoo, MSN, InSpeak) cũng như mạng toàn cầu để đọc tin, xem báo.

2. VDC khoá cổng vào Paltak bằng cách khoá

a. Cổng dùng với Paltak (2090 và 2091 cả TCP và UDP): kết quả thử nghiệm tại nhiều vùng ở Việt Nam cho thấy hai cổng vừa nêu đều không bị khoá.

b. IP: Kết quả tại Việt Nam cho thấy dù đổi máy khác (với địa chỉ internet, IP, khác ở nhiều dịch vụ khác nhau) đều không truy cập được Paltalk. Điều này chứng minh khoá Paltalk không dùng đến IP của máy

c. Bằng lưới lọc các tín hiệu chỉ dấu tất cả các loại nhu liệu dùng để truyền thông/chuyển hồ sơ giữa hai người trên mạng (P2P, như KaZaA, Napster, BitTorrent,…), dùng cho hội thoại song phương hay đa phương (IM, như Yahoo, MSN, Paltalk, InSpeak, Skype,…)
Một nhu liệu mới đang làm giới công nghệ thông tin thế giới xôn xao bàn tán vì nó có tính năng lựa chọn và cho phép những nhà cung cấp dịch vụ Internet tùy tiện khoá những giao lưu internet với lý cớ để nâng cấp hiệu năng của hệ thống mạng ở hạ tầng cơ sở của các công ty dịch vụ này. Ngày 14 tháng 9, 2005 (trước khi khách hàng của VDC không vào được Paltalk lần đầu 1 tuần), công ty Verso (6) tại Hoa Kỳ vừa giới thiệu sản phẩm mới nhất với tính năng như mô tả ở cách khoá [2c] tức là giảm thiểu hoặc khoá hẳn giao lưu trên mang ở dạng P2P hay IM (Instant Messaging) nêu trên nhằm vào thị trường ISPs.

Một công ty khác, trước cả Verso, tại Hoa Kỳ là Packeteer (7), đã đưa ra thị trường một nhu liệu xếp loại các loại giao lưu trên mạng tương tự như Skype và cò có khả năng bóp nghẽn những tín hiệu chỉ dấu của Skype bằng cách hạ thứ tự ưu tiên hay chận luôn những tín hiệu này.

Như thế Verso không phải là công ty đầu tiên hay trước nhất trên thế giới đem nhu liệu “chận giao lưu và thông tin” song phương và đa phương vào thị trường ISPs. Điều đáng quan tâm ở đây, theo Ted Glanzer, một nhà báo của TMCnet Communications and Broadband, công ty điện thoại lớn nhất Trung Quốc – China Telecom, lại chính là khách hàng của Verso Technologies. Và mới đây công ty điện này đã gây chấn động khi tờ Nhật Báo kinh doanh Bắc Kinh cho biết: “China Telecom muốn ngăn chặn người dùng tại Trung Quốc đăng nhập vào các máy chủ của dịch vụ Skype.”

Tóm lại, với những thông tin, dữ kiện, kết quả thử nghiệm và phân tích nêu trên, người ta có thể đi đến kết luận là Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) đã bắt đầu dùng công nghệ lưới lọc để chận nghẽn đường giao lưu của khách hàng Việt Nam ở mạng hội thoại Paltalk. Những nguyên nhân nào khiến VDC đi đến quyết định này?

Về mặt kinh tế, thứ nhất là lời rao hàng của Verso Technologies. Công ty này cho rằng công nghệ lưới lọc tinh vi của họ sẽ tối ưu hoá băng mạng của khách hàng, nâng cấp hiệu năng của hạ tầng cơ sở, v.v…gián tiếp nâng cao lợi nhuận của khách hàng ISPs

Thứ hai, khách hàng của VDC khi dùng mạng hội thoại Paltalk để nói chuyện với bè bạn, họ hàng ở nước ngoài không phải trả thêm phí tổn nào khác tiền thuê bao dịch vụ internet (cao tốc hay dial-up). Việc này đi ngược lại mục đích khai thác lợi nhuận của VDC qua các dịch vụ của VNN như Fone VNN hay Call 1717 (là dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế sử dụng công nghệ VoIP, Voice over Internet Protocol) và dịch vụ mới VoIP mà VDC đang chuẩn bị đưa ra thị trường. Tương tự FPT có Call 1280 và Internet Phone – Avoiz. NetNam và SaiGonNet là hai công ty thuần tuý cung cấp dịch vụ internet.

Vì không mang thêm lợi lộc gì cho mô hình thương mại hiện tại nên VDC bóp nghẽn Paltalk. Người ta sẽ hỏi ngay tại sao VDC không chận Yahoo Messenger. Đây cũng là một lọai IM cũng gây tốn kém băng mạng của VDC. Nhìn vào số thuê bao tăng vọt (hơn 1000% từ nằm 1998 đến 2002) và thói quen của khách hàng VDC tại các dịch vụ thì sẽ thấy ngay câu trả lời. Đại đa số khách hàng ở dịch vụ là thanh niên nam nữ trẻ dùng Internet để vào Yahoo chứ không phải để đọc tin tức, nghe đài, hay làm bài bằng Excel, Word, PowerPoint, Project, Visio hay Access! Nếu tắt Yahoo Messenger bây giờ, VDC sẽ gặp sức kháng cự lớn từ quần chúng khách hàng cũng như những chủ dịch vụ là những khách hàng trực tiếp của VDC.

Về mặt xã hội, Paltak với một số diễn đàn cho “người lớn” có làm thanh niên nam nữ Việt Nam tha hóa hơn nữa không. Paltalk có tồi tệ hơn Yahoo Messenger không? Chắc chắn là không, ở một xã hội mà đại đa số con người (kể cả thanh niên nam nữ) chỉ sống ở mực sinh tồn, co cụm ở các diễn đàn “người lớn” tại Paltalk với hình ảnh mờ xịt, to không hơn tấm ảnh sổ thông hành có tác hại gì hơn hàng trăm diễn đàn ở Yahoo Messenger? Một điều chắc chắn là phòng “người lớn” ở Paltalk cũng không thể so sánh với các quán bia ôm, ngủ ôm, karaoke ôm, hớt tóc, gội đầu ôm, tắm ôm, hay cà phê bú, v.v… đang tràn ngập tại Việt Nam.

Thế sao VDC lại chận đường vào Paltalk? Như đã thấy, Paltalk không phải là 1 nguồn lợi, không đem thêm tiền về cho VDC, làm tốn kém băng mạng, và làm phương hại không phải đến xã hội Việt Nam, mà có cơ gây nguy hại đến (cái nhà nước CHXHCN Việt Nam gọi là) ổn định chính trị. Paltalk là các diễn đàn hội thoại, là nơi tập trung người Việt toàn cầu mà chủ đề phổ quát nhất từ hơn ba năm nay ở hầu hết mọi diễn đàn đều là vấn đề dân chủ Việt Nam - đúng hơn là vấn đề không có dân chủ ở Việt Nam. Không khác gì Hằng, Duy, Thanh, Khôi, Hùng thảo luận ở đài Á Châu Tự Do, Paltalk cũng không thiếu gì những các bạn trẻ trong nước với những đóng góp hội luận sắc bén, tư duy tinh tế và những tấm lòng nồng nàn yêu dân chủ. Những chủ đề “dâng đất, nhượng biển” được thảo luận, tranh luận rốt ráo, chuyển tải thông tin đến tất cả mọi nguời qua chính những trực tiếp đóng góp của các người nghiên cứu nghiêm túc như các ông Vũ Hữu San, Trương Nhân Tuấn. Đấy chắc chắn không phải là những điều đảng Cộng Sản Việt Nam mong ước tầng lớp thanh niên nam nữ Việt Nam tiếp thu ở Paltalk. Buồn hơn nữa, buồn cho nhà nước CHXHCN Việt Nam, các ông Trần Khuê, Hoàng Tiến, những người bất đồng chính kiến với Đảng Cộng Sản VN cũng đang dùng Paltalk là nơi giao lưu, trao đổi với người Việt hải ngoại. Đấy là chưa kể những buổi phỏng vấn với các ông Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Đỗ Nam Hải và những người khác cùng đang đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do ngôn luận,...

Việc đàn áp công dân xử dụng internet không xa lạ gì trong với nhà cầm quyền hiện tại ở Việt Nam. Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn vẫn là những thí dụ to tầy liếp về những sợ hãi của đảng cộng sản Việt Nam trước sức mạnh của sự thật. Cả thế giới, không ai không biết đảng cộng sản Việt Nam xem sách, “cọp” theo đảng cộng sản Trung Quốc từng trang, từng dòng. Nhưng hôm nay VDC đã theo chân China Telecom khá nhanh chóng. Tổng Giám Đốc Verso Technologies, Monty Bannerman, tuyên bố việc China Telecom tuyên bố bóp nghẽn Skype, và thông cáo báo chí của Verso về công nghệ lưới lọc chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Việc người Việt ở trong nước bị chận cổng vào Paltalk trong khoảng thời gian gần với việc Trung Quốc cấm dùng Skype ắt cũng là một ngẫu nhiên khác. Cái duyên giữa các nhà nước xã hội chủ nghĩa với nhau quả là lớn, “hữu duyên thiên lý (còn) năng tương ngộ” huống hồ Trung Cộng và Việt Cộng chỉ cách nhau con thác Bản Giốc.

Mới đây thôi, ngày 18 tháng 8, 2005, Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN vừa công bố Sách trắng Nhân quyền về “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam”, ở chương II, phần “Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin” có đọan ghi như sau:

“Người dân Việt Nam ngày càng được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet. Chính phủ Việt Nam chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng rộng rãi thông tin trên mạng Internet.”

Không biết quan chức nhà nước CHXHCNVN sẽ xếp việc bóp nghẽn Patalk thật thành công, thành công và đại thành công của VDC vào chương nào trong những thành tựu vĩ đại bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam đây?

Ở các nước tư bản “đang dẫy chết” như Mỹ, Canada, nếu các công công ty cung cấp dịch vụ có sáng kiến ưu việt như China Telecom và VDC ắt sẽ nhận được trát hầu tòa ngay ngày hôm sau vì tội “ngăn chận thương doanh bất bình đẳng” cùng lúc khách hàng sẽ bỏ các công ty “ưu việt” ấy và đi mua dịch vụ với các công ty khác. Ở xứ dân chủ pháp trị, người dân làm chủ; ở nền kinh tế thị trường, khách hàng la người quyết định tối hậu. Mới đây một công ty cung cấp dịch vụ ở North Carolina bên Mỹ vác chiếu ra toà và đóng 15 ngàn đô la tiền phạt tội ngăn cản khách hàng không được dùng công nghệ VoIP qua mạng đã thuê bao.

Nhìn lại kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, cũng như tất cả người Việt Nam trong nước, thị trường “tự do” tại Việt Nam không thực sự có tự do.

Tuy không có tự do, ngẫm lại, khách hàng của VDC ở Việt Nam vẫn “có phước” hơn khách hàng của China Telecom ở Shenzhen. Ở đó, khách của China Telecom “lỡ” dùng VoIP đều bị ghi tên vào sổ bìa đen, bị bắt nộp phạt và cắt luôn đường nối mạng.

Khách hàng của VDC, các bạn còn chờ gì nữa? Hãy dùng quyền của người tiêu thụ, dùng những cơ hội đang có, vẫy tay chào tạm biệt VDC và tìm đến các nhà cung cấp dịch vụ internet biết tôn trọng quyền tự do tiếp cận, tự do khai thác, tự do sử dụng cũng như tự do giao lưu rộng rãi trên mạng internet. và các bạn đừng quên InSpeak (www.inspeak.com) cũng là một diễn đàn hội thoại có người Việt khắp nơi vào sinh hoạt.

Biết đâu sau khi đọc bài này, ban giám đốc VDC chẳng nhất trí, năng nổ phấn đấu để khắc phục mọi “sự cố kỹ thuật” vừa qua, cùng lúc giảm giá thuê bao và mời khách hàng cũ quay về cố quận cho xứng với lời tự giới thiệu “VDC cam kết tiếp tục thực hiện trách nhiệm với sứ mạng là ‘Đối tác tin cậy trong kỷ nguyên công nghệ thông tin’. Chúng tôi tin tưởng sẽ mang lại cho khách hàng của mình những lợi ích và giá trị cao nhất.”

Viết xong ngày 7 tháng 10, 2005


25 tháng 9, 2006: Trong khoảng 1 tháng (tháng 10/2005) hội thoại viên đã dùng một số kỹ thuật khác nhau trong ngành công nghệ thông tin để vào sinh hoạt tại Paltalk. Khoảng đầu tháng 11/2005, người Việt trong nước không còn bị khoá rào, chận cổng, đã vào sinh hoạt Paltalk bình thường như trước.


Copyright © 2006 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 07/10/2006)




Chú thích:

(1): “Được thành lập từ năm 1989, trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) là công ty hàng đầu trong lĩnh vực Internet, Truyền số liệu và Công nghệ thông tin tại Việt Nam.” Trích từ http://home.vnn.vn/vdc/
(2): http://www.fpt.com.vn/?page=54
(3): http://www.netnam.vn/aboutnn.htm
(4): http://www.saigonnet.vn/saigonnet/index.htm
(5): http://www.vietel.com.vn/gioithieu.aspx
(6): Verso Technologies, Inc. - 400 Galleria Parkway, Suite 200, Atlanta, GA 30339-3182, United States of America - http://www.verso.com/news/article.asp?ID=296
(7): Packeteer, Inc., 10201 N. De Anza Boulevard, Cupertino, CA 95014, United States, Phone: (408) 873-4400 - http://www.packeteer.com/company/news/pr.cfm?pr_ID=50623


No comments: