Sunday, October 14, 2007

Môi Mỹ hở, răng Canada lạnh?


Madelaine Drohan | Trà Mi lược dịch


Nguồn: cbc.ca

Mọi người tin chắc như bắp là mọi việc xẩy ra ở Mỹ, chẳng chóng thì chầy sẽ xẩy ra ở Canada. Điều này có thể đúng với các show truyền hình, thời trang quần áo hay các món đồ chơi điện tử của cả người lớn lẫn trẻ con – tất cả đều vượt biên sang Canada một hay hai năm có mặt ở Hoa Kỳ. Nhưng hiện tượng này có nhất thiết đúng cho nền kinh tế ở đây không?

Publish Post
Câu hỏi đáng được đặt ra vì hiện đang có nhiều báo cáo cho rằng thị trường địa ốc Mỹ đang trên đà suy thoái có thể đưa Hoa Kỳ vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, kéo Canada theo luôn. “Con sói khủng hoảng kinh tế đang ở ngưỡng cửa”, “Nền kinh tế Hoa Kỳ loạng choạng có thể lôi Canada ngã theo”, “Thị trường địa ốc Hoa Kỳ sụp đổ có thể gây chấn động toàn cầu” là những tựa đề của các bài báo gần đây.

Thực ra lần kinh tế khủng hoảng sau cùng tại Mỹ không ảnh hưởng gì đến Canada. Và chuyện này có khả năng lập lại lần nữa. Ba trong 5 lần Mỹ bị khủng hoảng kinh tế, Canada không bị hay chỉ bị ảnh hưởng rất nhẹ so với thị trường phía nam. Hai lần khác, khủng hoảng kinh tế tại Canada trầm trọng hơn.

Chuyện này không khít với thành kiến của người Canada. Một trong những clichés dùng quá độ ở đây là Khi Mỹ hắt hơi, Canada cảm lạnh. (Tào lao hơn nữa gần như quốc gia nào trên thế giới cũng dùng cụm từ này. Cứ thử hỏi “U.S. snezzes” xem Google sẽ trả lời sao.) Từ những điểm này người ta suy luận rằng Canada lệ thuộc vào nền thị trường Mỹ, không những kinh tế Canada bị kéo ngã theo, mà còn ngã dập mũi, ngã u đầu, nặng hơn cả Hoa Kỳ.


Kỹ nghệ xe hơi
Nguồn/Ảnh: us.altermedia.info

Canada phụ thuộc Hoa Kỳ: điều phóng đại — Có một vài lý do chứng minh sự thật không phải như thế. Canada, dĩ nhiên chịu ảnh hưởng của kinh tế Hoa Kỳ, tuy nhiên không hẳn như những con số trần xì cho thấy. Năm 2005, Mỹ mua 84% hàng Canada xuất cảng và bán sang Canada tất cả 57% số nhập cảng của anh bạn láng giềng. Tuy nhiên số hàng xuất cảng của Canada (sang Mỹ) gồm cả một khối khá lớn hàng nhập cảng (từ Mỹ, trường hợp kỹ nghệ chế xuất xe hơi) để được lắp ráp tại Canada rồi xuất cảng. Con số này gồm cả hàng xuất cảng, chạy ngang qua biên giới Mỹ, rồi đi sang xứ khác.

Canada cũng còn có thêm vài ngón tủ để chống đỡ, giữ cho nền kinh tế không bị ảnh hưởng xấu quá nặng nề, đó là các chính sách tiên tệ và thuế quan hoàn toàn độc lập với Hoa Kỳ. Tuy đã phát triển đúng mức dị ứng với sự “thâm thủng ngân sách”, chính quyền liên bang Canada vẫn có khả năng, khi cần thiết, chi nhiều hơn thu để vực dậy nền kinh tế đang trong cơn uể oải. Ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất khi mực tăng trưởng kinh tế đang chậm và kiểm soát chặt chẽ mực lạm phát ở thị trường. Đồng đô la Canada (CND) sẽ hạ giá thấp hơn so với tiền Mỹ (USD), như thế sẽ nâng đỡ các kỹ nghệ mới thua lỗ vì giá tiền CDN tăng so với USD và không bị đè bẹp khi kinh tế Hoa Kỳ trở nên èo uột.

Canada có Alberta — Và Canada còn có Alberta, hiện là ngôi sao kinh tế của đất nước này và trong tương lai trước mặt. Đúng, xuất cảng năng lượng từ Aberta phần lớn đều đi sang thị trường Mỹ, như thế thoạt nhìn người ta đều nghĩ nếu kinh tế Hoa Kỳ suy thoái sẽ ảnh hưởng lớn đến tỉnh bang này. Nhưng, như một nhà kinh tế đã ghi nhận, người Mỹ sẽ giảm lái xe (và lái xe bự trong thành phố) đi không? Người Mỹ sẽ vặn thấp nhiệt độ lò sưởi trong mùa đông, nâng nhiệt độ máy lạnh trong mùa hè hay không? Có lẽ không đâu. Tuy sẽ không giữ mức xuất cảng năng lượng ở mức hiện tại, Alberta sẽ tiếp tục sản xuất trong khu vực dầu khí như kế hoạch mười năm đã định trước. (Mới đây China National Offshore Oil Corp., CNOOC, và PetroChina International Co. Ltd. đã sang Alberta tìm thoả hiệp về dầu cát – oil sands – nhập cảng dầu khí và đang ngắm mua cả Husky Energy Inc., công ty dầu ký thứ 4 tại Aberta – 70% đã nằm trong tay tỉ phú Hongkong Ly Kashing. Năm 2005 Alberta xuất cảng sang Trung Quốc ethylene, lúa mì, lưu huỳnh, bột giấy, lúa mạch, kền, vải dệt, da thuộc, hạt canola trị giá 1,9 tỉ CND – TM).

Trong trường hợp khủng hoảng kinh tế tại Mỹ, Aberta sẽ là cứu tinh của nền kinh tế Canada. Điều này dễ làm dân Canada vùng Ontario và Quebec ấm ức, nghẹn ngào.

Như thế có nghĩa là mọi chuyện tại Canada sẽ tốt đẹp, bình thường dù Hoa Kỳ có lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế? Chắc chắn là không. Tất cả những dự đoán, phân tích trên sẽ đúng trong trường hợp kinh tế Mỹ chỉ bị khủng hoảng xoàng do xáo trộn ở thị trường nhà đất. Còn có những khả năng đáng quan ngại hơn thế nữa, kể cả dự đoán trời sập là cả thế giới mất niềm tin vào Hoa Kỳ và nền kinh tế Mỹ sụp đổ dưới chính sức nặng do độ lệch hướng của cán cân chi phó, độ thâm thủng ngân sách và độ giảm thiểu đầu tư.

Hoa Kỳ hiện đang ở tình trạng ít ai mong muốn: nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, chi nhiều hơn thu. Cả thế giới tuy vẫn sẵn sàng, đặc biệt là các ngân hàng ở Trung Á, cho Mỹ vay nợ cho qua giai đoạn này. Nhưng điều này sẽ không thể mãi mãi đúng được.


Kỹ nghệ xe hơi
Nguồn/Ảnh: usinfo.state.gov

Trường hợp trời sập — Nếu các quốc gia khác ngưng không cho Mỹ tiếp tục mượn tiền và yêu cầu Hoa Kỳ trả nợ, đồng đô la Mỹ sẽ lập tức mất giá, lãi suất sẽ tăng, xí nghiệp cũng như người tiêu thụ sẽ ngưng mua sắm, thị trường tài chánh Hoa Kỳ và thế giới sẽ rối loạn. Thống đốc ngân hàng trung ương Canada, David Dodge đã nhiều lần cảnh báo viễn cảnh này có khả năng xẩy ra, dù David Dodge gọi đó là “sự tháo gỡ không trật tự” của những bất bình đẳng toàn cầu, vì thế chỉ có một số rất ít hiểu ông ấy đang nói tới chuyện gì.

Canada chắc cũng không mong gì thoát nạn, nếu thực sự có chuyện trời sập như trên. Đơn giản và dễ hiểu hơn, nếu Mỹ bị khủng hoảng kinh tế vì tình trạng rối rắm và suy thoái ở thị trường nhà đất ta có thể xem như thuyền thúng của cô Thắm chìm giữa ao sen – vắn tắt, đây là chuyện nhỏ (đối với Canada); Nhưng nếu chuyện ông Thống đốc ngân hàng trung ương Canada cảnh báo xẩy ra thực thì có thể xem như chuyện tàu Titanic chìm giữa biển khơi, Canada cũng sẽ là một trong rất nhiều nạn nhân chìm vào lòng biển.

Chuyện này có thể xẩy ra hay không lại là một câu hỏi khác. Mức thâm thủng ngân sách Hoa Kỳ đang giảm, giá dầu xuống thấp giúp cân bằng cán cân chi phó, nhưng như Tạp chí Wall Street vừa đề cập đến, Hoa Kỳ hiện đang phải chi trả cho chủ nợ nước ngoài nhiều hơn là số tiền thu được từ vốn bỏ ra đầu tư ở ngoại quốc, và nếu mức lãi suất tăng, khoảng cách này ngày sẽ mỗi lớn hơn nữa.

Với Canada, tốt nhất là con thuyền kinh tế Hoa Kỳ chuyến này sẽ không đụng phải tảng băng lớn. Mối lo đắm tàu sẽ hoan hỉ xuống cấp thành âu lo lật thuyền thúng; Cô Thắm ướt áo, mất hoa nhưng sẽ chẳng hề hấn gì sau đấy.


Copyright © 2006 DCVOnline
(http://www.danchimviet.com, 29/09/2006)


Madelaine Drohan – Tác giả là nhà báo, được nhiều giải thưởng, viết về thương mại, kinh tế, chính trị Canada, châu Âu, và châu Phi. Drohan là ký giả của The Economist tại Ottawa (thủ đô Canada). Tác giả đã làm việc cho Globe and Mail 8 năm tại London, rồi Siberia và đến cả Nam Phi châu. Trước đó Drohan là phóng viên quốc hội cho Canadian Press, tạp chí Maclean’s, Financial Post và Globe and Mail. Bằng học bổng của Reuteurs Drohan sang nghiên cứu ở Oxford (1988), được giải Xuất sắc Báo chí Hyman Solomon (2001), ký giả nghiên cứu sinh tại Viện Chumir (2004-2005).


No comments: