Trong 44 năm (1954-1997) làm ngoại giao, trải qua những giai đoạn khác nhau. Bản thân chứng kiến và tham gia nhiều sự kiện ngoại giao đáng ghi nhớ của thời kỳ kháng chiến và của thời kỳ hậu chiến như cuộc đàm phán hoà bình với Mỹ ở Pa-ri (1968-1973), đàm phán về bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc.
Sở dĩ tôi chọn quãng thời gian (1975-1993) để viết ký ức này vì nó chứa đựng nhiều diễn biến khúc mắc tế nhị về đối ngoại. Nhất là trong quan hệ của ta với ba nước lớn, dễ bị vô tình hay cố ý làm “rơi rụng” để cho lịch sử được “tròn trĩnh”, khiến cho việc đánh giá và rút bài học bị sai lệch. Và đây cũng là giai đoạn mà mối quan hệ của ta với các nước lớn có những điều đáng phải băn khoăn suy nghĩ, không những cho hiện tại mà có thể cho cả tương lai.
Bối cảnh quốc tế lúc này rất phức tạp, chiến tranh lạnh đã đi vào giai đoạn cuối. Cả 3 nước lớn Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc đều có những chuyển đổi về chiến lược, từ chỗ đối đầu quyết liệt với nhau chuyển sang hoà hoãn tay đôi rồi tay ba. Cục diện chính trị luôn biến đổi ở Châu Á Thái Bình Dương tác động trực tiếp đến tiểu khu vực Đông Nam Á và nước Việt Nam ta. Khu vực Đông Nam Á lúc này cũng đang trong quá trình chuyển đổi từ đối đầu sang quan hệ đối thoại giữa hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN. Hoàn cảnh này đúng ra đòi hỏi Việt Nam phải mạnh dạn sớm đổi mới tư duy về đối ngoại để có được một đường lối phù hợp với thực tiễn khách quan nhằm thoát ra khỏi thế cô lập, hoà nhập được với đà phát triển chung của khu vực và thế giới. Nhưng không! Tư duy chính trị xơ cứng đã giam giữ nước ta trong cảnh khó khăn một thời gian dài. Chính vì thế ngoại giao quãng thời gian này đã để lại trong tôi nhiều băn khoăn suy nghĩ về cái đúng cái sai, cái nên làm và cái không nên làm. Tôi nghĩ rằng nếu nghiên cứu một cách trung thực và có trách nhiệm những sự kiện của giai đoạn lịch sử này thì từ đây có thể rút ra những bài học bổ ích và đích đáng cho ngoại giao ta hiện tại và tương lai với mục đích tôi cho là đảm bảo được lợi ích của dân tộc trong mọi trường hợp.
Vì vậy tài liệu này tôi viết làm 2 phần: Hồi ức và Suy nghĩ. Phần Hồi ức cố gắng ghi lại một cách khách quan và trung thực diễn biến của các sự kiện trong thời gian 1975-1993 trên cơ sở những tư liệu và nhật ký công tác còn lưu giữ được. Còn phần Suy nghĩ dành cho những ý nghĩ của riêng tôi, những điều trăn trở của tôi khi nghiền ngẫm lại các sự việc đã trải qua. Những ý nghĩ hoàn toàn theo chủ quan, có thể sai có thể đúng.
23/01/2001
Bản thảo này đã được bổ sung và hoàn chỉnh ngày 22/05/2003
23/01/2001
Bản thảo này đã được bổ sung và hoàn chỉnh ngày 22/05/2003
No comments:
Post a Comment