Friday, May 25, 2012

Em không phải là hạng gái nhơ nhớp thấp hèn (Kết)

Trần Giao Thủy

Một đáp án giải quyết tận cùng và toàn mỹ vấn đề mại dâm toàn cầu, có lẽ, sẽ mãi mãi là điều không thể có được vì tính đa nguyên của vấn đề và sự khác biệt về nhiều mặt, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, của mỗi quốc gia.
(Tiếp theo phần IV)

Kết luận

Sau dự án nghiên cứu về các khu vực mại dâm tại Tp HCM, tác giả Kimberly Hoàng đưa ra một số nhận định tổng quan như sau.

Sự kiện đàn ông và đàn bà, trong mạch toàn cầu của nghề mại dâm, tìm đến nhau xuyên biên giới quốc gia đã làm thay đổi sâu sắc cấu trúc xã hội của việc mua bán tình dục. Những nghiên cứu về mại dâm trong nền kinh tế toàn cầu cho thấy những phụ nữ nghèo tại các nền kinh tế của các nước chậm tiến, trong mạch sinh tồn, ở vòng ngoài của hệ thống toàn cầu đó, đang phấn đấu để vượt thoát khỏi cuộc sống nợ nần, nghèo khó. Những nghiên cứu này cũng quá chú trọng đến số đàn ông da trắng từ các nước phương Tây đi mua dâm rẻ tiền của phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển. Trong nghiên cứu của mình, tác giả đã phức tạp hoá cơ cấu tổ chức của nghề mại dâm toàn cầu bằng cách phân tích kỹ nghệ mại dâm tại Việt Nam, một nước đang phát triển, ở đó không phải tất cả phụ nữ hành nghề mại dâm đều là những người nghèo hay người bị bóc lột; và cũng trong nghiên cứu đó tác giả đã chứng minh đàn ông da trắng không phài là khách hàng của khu vực mại dâm giá đắt nhất.

Trở lại Tp HCM, tác giả biện luận rằng sự toàn cầu hóa không sinh ra một thị trường tách biệt người giàu của thể giới với người nghèo bản xứ. Tác giả cho rằng giới nghiên cứu cần xét đến sự khác biệt ngay trong những loại mại dâm khác nhau vì sự toàn cầu hóa đã khai triển kỹ nghệ mại dâm tạo thành nhiều thị trường không như nhau, và có nhiều thành phần tương tự như trong các ngành nghề khác. Nghề mại dâm trong bối cảnh toàn cầu hiện nay trông giống như một nền công nghiệp có tổ chức và phân tầng theo tiềm năng kinh tế, vốn văn hóa và vốn thể xác của người trong nghề.

Rút tỉa từ lý thuyết về vốn của Bourdieu và khái niệm quan hệ riêng tư của Zelizer, tác giả đã góp phần vào công trình nghiên cứu chung của thế giới bằng cách chú trọng đặc biệt đến vị trí kết cấu của cả người mua và người bán dâm. Tác giả đã giải thích làm thế nào một số phụ nữ mại dâm đã có thể hành nghề trong khu vực đắt tiền trong một số gái đi khách khác vẫn không ra khỏi khu mại dâm bậc thấp và do đó không có nhiều chọn lựa về mặt khách hàng.

Trái ngược với nghiên cứu của Rosen and Venkatesh, không phải tất cả phụ nữ hành nghề trong khu kinh tế [mại dâm] không chính thức này vì không có việc làm trong những khu vực kinh tế chính thức. Phụ nữ có tiền và sắc đẹp đã quan hệ với Việt kiều như Tuấn, cùng lúc phụ nữ mại dâm nghèo thường chỉ có khách như Khoa.

Bài viết của tác giả trên tạp chí “Contemporary Ethnography” chứng minh làm thế nào khách và phụ nữ mại dâm, bằng nhiều cách khác nhau, đã lợi dụng được vị trí của Tp HCM - một thành phố quốc tế đang lên trong nền kinh tế chính trị toàn cầu. Tp HCM cho phép những người đàn ông ở bên lề các xã hội tiên tiến có thể mở rộng quan hệ xuyên quốc gia và đóng vai người cung cấp về mặt kinh tế cho phụ nữ của các nước nghèo. Cùng lúc, cái nhìn của phương Tây về phụ nữ Việt Nam là những người đang vùng vẫy để thoát cảnh đói nghèo của xứ chậm tiến đã cho phép phụ nữ mại dâm bậc trung khai thác tiền đều đặn từ những khách hàng da trắng ở Mỹ, Úc, và châu Âu. Trớ trêu thay, chính sự phát triển kinh tế hiện nay tại Việt Nam xác định rõ cơ cấu tổ chức của khu vực mại dâm cao cấp. Khi Việt Nam đang trở thành một nền kinh tế “rồng bay” thì Việt kiều hồi hương hàng loạt, không chỉ chạy đuổi theo việc làm và cơ hội đầu tư trong nước mà còn vì địa vị xã hội, để thỏa nỗi nhớ nhà và để chung đụng với các phụ nữ thạo đời. Khu mại dâm ở Tp HCM đã tạo những không gian công cộng cho đàn ông Việt kiều có chỗ hãnh diện, và công khai tranh đoạt những thứ bậc chủng tộc toàn cầu bằng cách tiêu thụ đặc thù của họ.

Về mặt lý thuyết và phương pháp thì dự án của tác giả Kimberly Hoàng một trong những nghiên cứu đầu tiên xét về cả hai mặt của quan hệ giữa khách và phụ nữ mại dâm. Những tài liệu hiện có chú trọng quá nhiều về phía phụ nữ mại dâm và không xét đến những động lực khác nhau của những người khách mua dâm. Hơn nữa, dữ kiện rút được từ những cuộc phỏng vấn cho phép người ta hiểu được những động lực cá nhân cùng cách giải thích rõ những quan hệ của họ, khách và gái đi khách, cùng lúc những nghiên cứu về nghề mại dâm được lợi nhờ bề dày của khoa dân tộc học nắm bắt được những quan hệ năng động giữa khách hàng và phụ nữ mại dâm trong khu kinh tế phân tầng.

Cấu kết công trình của Bourdieu và Zelizer với nhau, tác giả đã tô đậm những nhân tố cấu trúc đưa đến ba loại trao đổi: kinh tế, quan hệ, và tình dục. Nghiên cứu của tác giả là một thách đố với quan điểm cho rằng nghề mại dâm chỉ là những hoạt động bán dâm lấy tiền. Khách và gái đi khách ở khu vực mại dâm cấp thấp trao đổi về mặt kinh tế: dùng tiền trong việc mua bán dâm, trong khi khách và phụ nữ mại dâm ở bậc trung và cao cấp đến với nhau vì những trao đổi quan hệ và tình dục bằng cách tạo ra và giữ bền những liên hệ với nhau. Vì khách và gái đi khách thương lượng trong phạm vi giao dịch và tình dục bằng quan hệ đôi bên trong bối cảnh kinh tế mại dâm toàn cầu, việc mua dâm không phải chỉ có tình dục, vì một số lớn tốn phí cho dịch vụ này không phải chỉ có tiền.

Qua loạt bài này, người viết mong rằng đã giới thiệu được với bạn đọc những thông tin, dữ liệu và dữ kiện cũng như những nhận định, phân tích mà tác giả đã trình bày trong luận văn nghiên cứu về chủ đề mại dâm tại Tp HCM đóng góp vào sự tiến bộ của kiến thức xã hội.

Một số người đọc cũng có thể đặt câu hỏi và tiếc rằng tác giả đã không có nghiên cứu về mặt xuất cảng mại dâm, hay đưa ra giải pháp cho vấn đề mại dâm tại Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học là việc làm chung của nhiều học giả khắp nơi trên thế giới, và tất cả đều có chọn lựa cũng như giới hạn trong chủ đề nghiên cứu ở mọi thời điểm của sự nghiệp cá nhân.

Giải pháp cho vấn đề mại dâm tại Việt Nam hay tại những quốc gia khác trên thế giới không phải là chưa có. Sau đây là một số những chính sách khác nhau của một vài quốc gia dùng như những đáp án cho vấn đề mại dâm.

– Loại bỏ mại dâm bằng cách xem các hoạt động này là bất hợp pháp, như Việt Nam hiện nay.

– Loại bỏ luật hình sự về mại dâm, điển hình như New Zealand (Tân Tây Lan).

– Hợp pháp hóa mại dâm như tại bang Victoria của Úc. Cùng lúc, thủ đô Canberra lại áp dụng chính sách bỏ luật hình sự về mại dâm và có kiểm soát. Tương tự, Hoa Kỳ dùng chính sách loại bỏ mại dâm (California) đồng thời cũng hợp pháp hóa mại dâm (Nevada).

– Giải phóng mại dâm như tại Anh Quốc, Canada. Tại đây hành động tình dục với khách không phải là hoạt động phạm pháp, nhưng các hoạt động xung quanh như chào mời khách hay thương lượng với gái đi khách làm cản trở lưu thông là những hoạt động vi phạm pháp luật.

– Giải phóng mại dâm kiểu mới như tại Sweden; luật pháp ở đây truy tố khách mãi dâm thay vì kết tội phụ nữ mại dâm.

Ánh sáng cuối đường hầm? Nguồn ảnh: mindthis.ca
Nói chung, không có đồng thuận về những giải pháp cho vấn đề mại dâm trên thế giới – một hiện tượng xã hội đã có tự ngàn xưa; hiện nay chưa có một chính sách hay giải pháp nào đáp ứng thỏa đáng được ngay các mục tiêu đã đề ra. Kết quả cho thấy mại dâm không thể giải quyết được chỉ bằng luật pháp, hay chính sách. Như tác giả và những học giả khác đã phân tích, đây là một vấn đề xã hội kinh tế phức tạp. Có chính sách và những can thiệp xã hội cũng chưa đủ để giúp đạt được kết quả. Như thế, người ta khó có thể chờ đợi tác giả hay bất kỳ học giả nào khác hoặc một chính quyền nào trên thế giới đưa ra đáp án giải quyết dứt điểm vấn đề mại dâm – dù có thể gây bất bình cho khách mua dâm và phụ nữ tự chọn hành nghề.

Một đáp án giải quyết tận cùng và toàn mỹ vấn đề mại dâm toàn cầu, có lẽ, sẽ mãi mãi là điều không thể có được vì tính đa nguyên của vấn đề và sự khác biệt về nhiều mặt, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, của mỗi quốc gia.

Phần I; Phần II, Phần III; Phần IV

© DCVOnline

Tham khảo:
– Kimberly Kay, Hoang, Economies of Emotion, Familiarity, Fantasy, and Desire: Emotional Labor in Ho Chi Minh City’s Sex Industry, Sexualities 13(2): 255-272. 2010.
– Kimberly Kay, Hoang, She's Not a Dirty Low Class Girl: Sex Work in Ho Chi Minh City, Journal of Contemporary Ethnography 40(4): 367-396. 2011.
– Karen Hindle, Laura Barnett and Lyne Casavant, Prostitution: A Review of Legislation in Selected Countries, 20 November 2003 – Revised 19 November 2008. Legal and Legislative Affairs Division, Parliament of Canada.

DCVOnline minh họa

No comments: