Đôi Dòng
Bạn thân mến:
Đã từ lâu, chưa tin tức, không thư từ về miệt dưới,
Gió bấc về nhắc tôi gởi lời thăm.
Gió bấc về nhắc tôi gởi lời thăm.
Canada đã thực sự vào mùa đông; Từ hôm cuối tuần đi giang hồ vặt về đến giờ, ngày nào cũng phải còng lưng xúc tuyết, cạo xe mới được xuất hành.
Mùa đông Canada gió, bão, tuyết là chuyện của trời đất, là chuyện chẳng đặng đừng. Còn chuyện của người ở Canada có gì lạ, có gì đáng quan tâm? có lẽ chẳng ai để ý đến vì cuối tuần rồi cả thế giới xôn xao về việc Mỹ bắt được ông Saddam, ghi dấu chấm hết ở trang cuối đời lãnh tụ độc tài của Iraqi. Ôi, thời oanh liệt này còn đâu!
Quay lại với Canada; trước khi Saddam đi vào bóng tối lịch sử, trước chỉ một ngày, toàn cảnh chính trường Canada, và có lẽ cả chính trường thế giới, đã đổi thay. Đất nước này vừa có tân Thủ Tướng, đó là ông Paul Martin.
Muốn hiểu sự thay đổi ở chính trường Canada ảnh hưởng gì đến chính trường thế giới có lẽ chúng ta nên biết Paul Martin là ai? Câu này mà hỏi nhân dân nước làng giềng Hoa Kỳ, tôi đoan chắc đa số sinh viên chính trị học không trả lời được. Canada là một quốc gia trong G7, G8 rồi G20, G nào cũng có, và mấy năm liên tiếp được Liên Hiệp Quốc xếp hạng nhất trong các quốc gia “đáng sống” thế mà các anh các chị hàng xóm chẳng quan tâm, không thèm đếm xỉa đến. Nhân cục diện chính trường quốc gia thay đổi, xin kể để bạn biết qua người lãnh đạo Canada trong nhiều năm sắp đến.
Paul Martin sinh ngày Nhâm Thìn, tháng Tân Dậu, năm Mậu Dần tức là ngày 28 tháng 8, 1938 tại Windsor, Ontario. Ông năm nay 65 tuổi, người Franco-Ontarian; Ontarian vì là người sinh trưởng ở 1 tỉnh bang giàu, lớn nhất Canada (Ontrario) và Franco vì cha ông, Paul Martin Sr. gốc Pháp. Martin cha là một chính khách suốt 39 năm, làm bộ trưởng trong 4 chính phủ của đảng Tự Do từ Thủ Tướng William Lyon Mackenzie King, Louis St. Laurent, Lester Pearson (Người Canada nhận giải Nobel Hoà Bình 1957) và sau cùng là Pierre Trudeau. Ông Paul Martin Sr. được xem là công thần của đất nước, người có công giàn dựng sườn của chính sách an sinh xã hội hậu chiến còn tồn tại đến ngày hôm nay. Mẹ là bà Eleanor “Nell” Adams gốc Anh, Martin lớn lên trong môi trường văn hoá Anglo Saxon ở tỉnh Windsor; thuở nhỏ ông phải đi học tiếng Pháp ở một tư thục tại Ottawa khi Martin cha là dân biểu làm việc tại thủ đô. Thỉnh thoảng theo chân cha trong các chuyến công tác chính trị ở Windsor hay các nơi đảng Tự Do hội họp đã ít nhiều ảnh hưởng cậu bé Martin. Ở cao điểm của chiến tranh lạnh, Martin cha đã một lần xấu hổ vì cậu con trai mình đi ném đá vào đại sứ quán của Liên Bang Xô Viết.
Trước khi tốt nghiệp Luật tại đại học Toronto, Thủ Tướng Martin đã theo học tại đại học Ottawa và Toronto; ông tốt nghiệp ban Triết cũng tại đại học Toronto. Martin lập gia đình năm 27 tuổi với bà Sheila Ann Cowan và có 3 con trai Paul, Jamie and David.
Trước khi vào chính trường, ông Martin đã là một doanh gia thành đạt. Bước đầu thương nghiệp, Martin làm việc với công ty Power Corporation of Canada của Paul Demarais, doanh gia tỷ phú và cũng là bạn thâm giao với gia đình Martin. Power Corporation of Canada, một doanh ngiệp tầm cỡ có mặt trong ngành công nghệ chế tạo giấy, báo chí và dịch vụ tài chánh; Paul Martin trở thành Tổng Giám Đốc của Canada Steamship Lines Inc. (CSL) năm 36 tuổi. Bẩy năm sau, 1981, Paul Martin và Laurence Pathy hợp tác mua lại CSL của Power Corporation of Canada với giá 189 triệu đô-la.
Gốc rễ và những bước đầu đời cho thấy Paul Martin có lên hệ gần gũi mật thiết với chính giới và giới tài phiệt Canada. Thế những quan hệ này có ảnh hưởng gì đến việc ông được bầu làm lãnh tụ đảng Tự Do? Thực chất, ảnh hưởng rõ nhất chỉ là phần tài trợ là cho Martin ở cuộc vận động vừa qua. Quan hệ mật thiết với giới tài phiệt và nhóm người có ảnh hưởng đến quyền lực không đủ bảo đảm để được đưa vào vai trò lãnh tụ đảng. Martin cha đã ba lần thất bại khi tranh chức lãnh tụ đảng Tự Do vào các năm 1948, 58 và 68. Lần sau cùng Martin Sr. thua một bộ trưởng trẻ tuổi Pierre Trudeau, và sau này Trudeau trở thành Thủ Tướng. Chính Paul Martin đã một lần thất cử trước Jean Chretien 13 năm về trước. Và dĩ nhiên viềc bầu cử trong mọi đảng phái ở xứ sở dân chủ này đều phải hợp với luật pháp sinh hoạt chính đảng và luật pháp quốc gia. Trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào muà Xuân 2004, dân chúng Canada lại có dịp dùng lá phiếu để chọn người đại diện tại quốc hội và gián tiếp chọn người lập chính phủ liên bang.
1988, ngay khi vừa mua cổ phần của bạn và giữ toàn quyền điều động CSL, Martin ngừng hoạt động thương mại vì đã trực tiếp vào chính trường khi ông đắc cử dân biểu quận LaSalle-Émard tại Montreal. Ngay khi đảng Tự Do trở lại nắm chính quyền vào năm 1993, ông đã đươc giao trách nhiệm Bộ trưởng bộ Tài chánh đúng vào lúc Canada là quốc gia có thâm thủng ngân sách thường niên cao nhất trong nhóm G7. Chính Martin là kiến trúc sư tái thiết vận hành hệ thống tài chánh đất nước xoá sạch 42 tỉ đô-la nợ, quân bằng ngân sách 5 năm liền, đạt kỷ lục lần đầu trong ½ thế kỷ cận đại. Cũng trong nhiệm kỳ giữ bộ Tài chính, Paul Martin cũng giảm tỉ số nợ trên tổng sản lượng nội địa xuống 50% từ 71% ở giữa thập niên 90s. Vì chính sách thắt lưng buộc bụng của Martin, ngân quỹ từ liên bang chia cho các tỉnh cũng giảm sút, chính quyền tỉnh bang khắp Canada cũng phải theo gương kiệm ước. Martin được chính giới toàn cầu kính nể ngang với Kofi Annan, Collin Powel như những người lãnh đạo thế giới. Năm 2001, Martin được cử vào “nội các mơ” (Dream Cabinet), nội các lý tưởng của Điễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (Worl Economic Forum) mà Nguyễn Mạnh Cầm và Vũ Khoan cũng có bài đóng góp.
Paul Martin hiện là chính khách được ưa chuộng nhất nước; người ủng hộ ông, cho Martin là người đổi mới, tác giả của chính sách tài chánh Tân Tự Do, cắt giảm những chi tiêu vung vít của chính phủ, là kiến trúc sư của lập trường hữu trung. Tuy thế, nhóm đối lập cho rằng Martin cắt giảm ngân sách quá đáng, không cần thiết, làm rách lưới an sinh xã hội, giảm thuế để mua phiếu giới trung lưu. Thực chất, Paul Martin vẫn theo đuổi lý tưởng an sinh xã hội mà Martin cha đã đề xướng, theo ảnh hưởng của Tommy Douglas nguyên Thủ Tướng tỉnh bang Saskatchewan từ giữa thập niên 40s. Douglas là cha đẻ của hệ thống y tế mà tất cả dân Canada đều được hưởng bất kể lợi tức, giàu nghèo. Paul Martin cũng là một trong vài bộ trưởng Tài chánh được dân ưa chuộng trong suốt lịch sử Canada.
Paul Martin cũng xem mình là một “nhà vận động phát triển quốc tế”; Ông giúp hình thành và là Chủ Tịch nhóm G20, gồm các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của một số quốc gia tiên tiến. Nhóm này cổ súy việc giữ quân bình thị trường tài chính thế giới. Paul Martin thường niên hội họp với Quỹ Tiền tệ Quốc Tế, Ngân hàng Thế giới, và theo giới quan sát Canada, Martin tuân thủ việc ưu tiên hoá đề nghị giảm thuế, giảm đầu tư vào dịch vụ y tế dân sinh hai tổ chức này đề xuất. Trong cuộc vận động trở thành lãnh tụ đảng Tự Do, ông Martin hứa giảm thuế, giữ ngân sách chi tiêu với zero thâm thủng, trả nợ nhanh, giúp phát triển quốc tế và phát triển tự do thương mại. Về nội chính, Martin hứa trao quyền nhiều hơn nữa cho dân biểu và hàn gắn rạn nứt giữa chính quyền các tỉnh miền Tây với chính phủ liên bang.
Về phong cách, Martin là người rất vụng về với diễn văn, lúng túng trước báo giới khi mới bước vào chính trường; Martin có lỗi lãnh đạo cực kỳ “bulldog” và tính Trương Phi; quát tháo thuộc hạ hàng thứ trưởng trở xuống là chuyện thường trong những phiên họp riêng, tuy thế Paul Martin, một người rất cẩn thận trong quyết định, luôn luôn hỏi ý kiến của những chuyên gia tư vấn trước khi tuyên bố chính sách với đại chúng.
Về chính sách, Thủ Tướng Martin đã nhấn mạnh đến một số ưu tiên như
- Nâng tài khoản cho ngoai giao và quân đội
- Không giảm thuế tiêu thụ
- Giảm thời gian đợi trong bệnh viện
- Hoà hoãn ngoại giao với nước bạn Hoa Kỳ hơn trước (tham gia chương trình hoả tiễn bảo vệ bầu trời Bắc Mỹ là một thí dụ nhưng vẫn giữ quyền bảo vệ thương mại để ích quốc lợi dân với người bạn đối tác mậu dịch lớn nhất)
- Cổ súy và hỗ trợ các chương trình khảo cứu khoa học để gìn giữ thế thượng phong trong nền công nghệ toàn cầu cạnh tranh với Hoa Kỳ
- Tiếp tục giảm tỉ lệ nợ trên tổng sản lượng nội địa xuống thêm 15%; đây là nét đặc thù, quan tâm sâu sắc của chuyên gia tài chánh Paul Martin
- Tham khảo với chính quyền thành phố về một số chính sách như di dân, thuế xăng dầu
Trên trường quốc tế, Thủ Tướng Martin hiện là đồng chủ tịch Ủy ban Tư doanh và Phát triển của Liên Hiệp Quốc với cựu Tổng Thống Mexico Ernesto Zedillo. Tiêu chí của Ủy ban này nhằm đẩy mạnh sinh hoạt thuộc khu kinh tế tư nhân ở các quốc gia đang phát triển nhằm tạo công ăn việc làm cho dân chúng địa phương và phát triển kinh tế toàn cầu, nói chung.
Không như một số quan sát viên chính trường nghĩ ông sẽ có nội các thu gọn, chính phủ tiền tổng tuyển cử dự kiến vào mùa Xuân 2004 của Martin là nội các lớn nhất trong lịch sử với 38 người kể cả quốc vụ khanh và bộ truởng.
Cánh tay phải của Martin là Phó Thủ Tướng (PTT) kiêm Bộ Trưởng Nội An Anne McLellan, đã từng là giáo sư và khoa trưởng Luật khoa ở đại học New Brunswick và Alberta; ngoài PTT còn có 3 nữ bộ trưởng khác đứng hàng đầu chính phủ là những chuyên gia kinh tế, giáo dục, và y khoa.
Hai Bộ Trưởng trẻ, tầm cỡ của Martin ở nội các này là David Pratt, và Andy Scott; cả hai đều chưa đến tuổi 50. Pratt tốt nghiệp khoa học chính trị, một thời là nhân viên giao tế của đội Ski Canada, và biên tập viên của đài truyền hình CBC và chắc chắn chưa bao giờ ra trận, hiện đang là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Scott, Bộ Trưởng Hạ Tầng Cơ Sở, tốt nghiệp ban Xã hội đại học New Brunswick. Theo đuổi sự nghiệp chính trị từ đầu, Scott đã từng là giám đốc điều hành đảng Tự Do New Brunswick, cố vấn Thủ Tướng tỉnh bang, rồi trở thành Bộ Truởng Tư Pháp thời Thủ Tướng Chrétien.
Điểm khác đáng lưu ý về nội các của Martin lần này có vài di dân trở thành chính khách là bác sĩ Rey D. Pagtakhan, Bộ Trưởng Bộ Đa dạng hoá kinh tế miền Tây, tốt nghiệp y khoa tại Philippines, di cư sang sinh sống tại Canada từ năm 1968, nguyên giáo sư Nhi Khoa tại đại học Manitoba. Người khác là bà Bộ Trưởng Đa Văn Hoá và Vai Trò Phụ Nữ Jean Augustine, gốc người Granada, là phụ nữ Canada gốc Phi Châu đầu tiên đắc cử dân biểu (1993).
Bộ trưởng Tài chánh lần này là Ralph Goodale, từng giữ bộ Đặc trách Lúa mì và bộ Nội vụ. Tuy nhiên, Martin sẽ không rời tay khỏi túi tiền của đất nước; ông sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến mọi chính sách kinh tế tài chánh Canada trong những năm sắp tới.
Đấy là vài nét về nội các và Thủ Tướng nước mình, thử ngoái cổ nhìn Thủ Tướng và vài nhân vật nhà nước ta xem thế nào.
Ông Phan Văn Khải sinh ngày Canh Thân, tháng Nhâm Tý, năm Nhâm Thân tức ngày 25 tháng 12, 1932 (không phải 1933 như đã ghi trên web site của đảng). ông Thủ Tướng nước ta sinh vào ngày của Chúa (chúa nhật) lại đúng ngày Chúa Giáng Sinh thế mà lớn lên ông lại theo chủ nghĩa vô thần, vô gia đình, vô tổ quốc; ông theo chủ nghĩa ấy vì không biết mặt cha, hay vì mang họ mẹ, và em thì có đến những 3 dòng, hay vì con trai ông lại nổi tiếng là tay anh chị giết người? Ông đang truy bức mục sư, bỏ tù linh mục, bắt giam tăng sĩ vì ý thức hệ hoặc muốn giữ chặt độc quyền cai trị cho cái đảng của ông?
Thủ tướng nước ta, sau lớp sơ học ở Ấp Chánh, đến năm 13 tuổi mới thi vào trường tiểu học Củ Chi, hai năm sau đã phải lên đường cứu quốc. Đến năm 19-22 tuổi thì ông Khải đi học bổ túc văn hóa tại trường tiểu học xóm Chùa. 22 tuổi tập kết ra Bắc tham gia công tác Cải Cách Ruộng Đất (1955-57) cùng lúc lại học tiếp ở trường Bổ túc Công Nông Trung Ương và trường Ngoại ngữ Trung Ương. Sau khi vào đảng (15/07/1959) ông được gởi đi học ở Ðại học Kinh tế Quốc dân Moscow ở Liên Xô từ tháng 9/1960 đến 6/1965.
Còn các ông Phó Thủ Tướng trong nhà nước của ông Khải? Ông Dũng, Phó Thủ Tướng thường trực xuất thân là ông công an huyện nhưng đảng lại cũng thông tin cho biết ông tham gia Quân đội nhân dân Việt nam từ năm 12 tuổi và có “cử nhân Luật, trình độ lý luận cao cấp về khoa học chính trị”. Nguyễn Công Tạn, 68 tuổi tốt nghiệp kỹ sư canh nông ở Viện Canh Nông Huanan. Nguyễn Mạnh Cầm, 74 tuổi đời, 54 tuổi đảng. Phạm Gia Khiêm 59 tuổi, tốt nghiệp ngành luyện kim ở Tiệp Khắc. Ông Vũ Khoan, 66 tuổi, cử nhân kinh tế. Dĩ nhiên không kể ông phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc nằm đằng sau vụ án "Thủy Cung Thăng Long" chỉ bị đánh khẽ / mất chức, một thời gian sau lại làm cố vấn cho ông Khải.
Đấy là hình ảnh một vài ông lãnh đạo, những người đang rêu rao rằng “Tất cả vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.”
Nhìn qua vài ông này dân ta cũng tưởng lãnh đạo mình có bằng cấp đáng kể. Thực chất thì đảng cộng sản cũng cố gắng tìm đặt vài người đã đi học nước ngoài, tuy cũng không phải là lớp người năng động trẻ trung. Trẻ như Phạm Gia Khiêm cũng đã gần 60. Thiết tưởng trong khung cảnh mới của toàn cầu, Việt Nam cần những người lãnh đạo trẻ hơn nữa để đối tác thích hợp với các nhà lãnh đạo, các chính quyền trẻ khắp nơi và để đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá đất nước, một tiến trình tất yếu. Còn nói về khả năng và học vấn, ông Nguyễn Mạnh Cầm 74 tuổi đời và có 54 năm là đảng viên cộng sản. Và người, được chọn làm số hai trong bộ máy nhà nước, một ngôi sao đang sáng (tuy không biết sẽ lấp lánh được bao lâu nữa) cơ bản là ông công an huyện. Còn đi học vài năm Kinh Tế Quốc dân ở Moscow sau vài năm bổ túc văn hoá tiểu học và công nông liệu sẽ giải quyết các bài toán kinh tế ra sao?
Những người lãnh đạo như thế liệu có cáng đáng được việc làm kinh tế cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng không? Trong một quốc gia công an trị như Việt Nam, và đang áp dụng cái gọi là là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những người lãnh đạo hiện nay cũng chẳng hiểu nó là cái gì; Tuy nhiên, chuyện đấm ngực cho mình là giỏi nhất làng, xinh nhất chợ là nghề chuyên môn của những “nhà lãnh đạo” này, điển hình là bài báo cáo của Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ chính trị, chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương đảng cộng sản Việt Nam ở cuộc hội thảo chủ đề “Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường - kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam” tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 8-9 tháng 10 năm 2003.
Dĩ nhiên trong nước đã có những người làm việc trong lãnh vực kinh tế có hiểu biết, có kiến thức; tuy thế ,chuyên gia dù kiến thức và hiểu biết dù tốt đến mấy cũng không có cơ hội, môi trường thoả đáng để phát triển và thực tế phục vụ đóng góp với đất nước vì luôn bị kềm kẹp trong một chế độ độc đảng, phi dân chủ. Thiếu tam quyền phân lập, thiếu tự do ngôn luận, thiếu tự do báo chí thì rất khó có chuyện phân bố tài sản đồng đều cả nước; thí dụ con số thu nhập trung bình 420$/mỗi người hàng năm có đến với đồng bào ở Cà Mau, An Giang, Đồng Hới, Phú Yên, Nam Định không? hay đa phần đều đổ về chỗ trũng là cái túi của đảng cộng sản Việt Nam?
Xin Chúa giúp con dân Việt Nam nhiều sức mạnh, sớm thoát khỏi nhục nhằn, thống khổ, điêu ngoa, dối trá.
Vinh danh thiên Chúa trên trờiTự do Dân chủ cho người Việt Nam
Đôi Dòng
Mùa Giáng Sinh 2003
No comments:
Post a Comment