Thế lực thân Trung Quốc đang trên đà suy thoái hay là sự bối rối của Hà Nội trước những tiếng nói dũng cảm nhắc đến chủ quyền đất nước?
Phạm Văn Đồng: “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/58, của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.” Hà-Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958
|
Nguyễn Nhã: “…tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc (TQ), có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa mang tính khoa học được như tôi.”
“…Việc xác lập chủ quyền là của Nhà nước chứ không phải của dân.” Sài Gòn 15 tháng 1 năm 2004 |
Sài Gòn (16/01/2004) Đảng Cộng sản Việt Nam đang bối rối vì những tiếng nói dũng cảm nhắc nhớ chủ quyền đất nước trước thềm kỷ niệm 30 năm dân Việt Nam anh dũng bảo vệ Hoàng Sa trên biển Đông của Tổ quốc thân yêu.
Gần 3 năm qua người Việt khắp nơi đã bất bình lên tiếng phản đối những các hiệp định nhục nhã về biên giới Việt-Hoa (30/12/1999) và đã được Ban Thường Vụ Quốc Hội thông qua ngày 09/06/2000 cũng như một phần vịnh Bắc Việt (25/12/2000 chưa được Quốc Hội phê chuẩn) của nhà nước cộng sản Việt Nam với Trung Quốc.
Gần 30 năm trước, trong khi hải quân Việt Nam Cộng Hòa anh dũng bảo vệ Hoàng Sa, đảng cộng sản Việt Nam đã ngậm miệng trước hành động bành trướng của đàn anh Trung Quốc. Lý do: nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã lén lút nhượng một phần biển Việt Nam cho Trung Quốc từ năm 1958 bằng công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai, Tổng lý Quốc vụ viện Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 14 tháng 9 năm 1958: “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/58, của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.”
Những công dân Việt Nam trong nước lên tiếng về chủ quyền đất nước đều lần lượt bị đảng cộng sản đàn áp, bắt bớ, bỏ tù. Từ “Kiến nghị thư của 20 cử tri yêu cầu quốc hội không thông qua Hiệp Ðịnh Biên Giới Việt Trung”, đến Lê Chí Quang với bài “Hãy cảnh giác với Bắc Triều” và “Vấn đề Biên Giới và Hải Ðảo Việt Nam” của Nguyễn Đan Quế vào năm 2001, đến Nguyễn Vũ Bình với bài "Về vấn đề biên giới Việt-Trung" và Trần Khuê với lá “Thư ngỏ gửi Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân” trong năm 2002.
Rồi đến hôm qua,15/01/2004, Lam Điền, báo Tuổi Trẻ, viết bài với tựa đề “Cả một đời nghiên cứu Hoàng Sa” và cùng lúc đăng tại trang nhà (tạm thời không thể truy cập được) của TuoiTre Online.
Bài báo của Lam Điền chỉ online được vài giờ, ngay sau đó từ nước ngoài không còn truy cập được trang web TuoiTre Online cho đến thời điểm này -3 g sáng, giờ Sài Gòn, ngày thứ bẩy 17/1/2004. Trả lời quan ngại của độc giả không truy cập được trang điện tử, Tuổi Trẻ cho biết “mạng bị nghẽn do có quá nhiều độc giả truy cập vào trong những ngày giáp Tết”. Mọi người thừa biết với phương tiện truyền thông vô hạn, người Việt hải ngoại sẽ không ngần ngại tiếp tay với anh em trong nước thêm một lần gióng lên tiếng chuông cấp báo với toàn thể đồng bào về hành động phản bội tổ quốc của tập đoàn bán nước.
Phải chăng tờ báo điện tử bị ngưng đột ngột chỉ vì bài của Lam Điền viết về nhà khảo cứu Nguyễn Nhã với công trình nghiên cứu về Hoàng Sa của ông? Nhà viết sử bỏ cả cuộc đời mình cho công trình khảo cứu về Hoàng Sa. Ông chỉ muốn biết sự thật về chủ quyền của Hoàng Sa. Ông cho rằng “Tôi nhìn vấn đề Hoàng Sa dưới góc độ học thuật. Tôi thực hiện đề tài nghiên cứu Hoàng Sa là một hành trình đi tìm sự thật. Và tôi muốn các nhà nghiên cứu lịch sử trên thế giới kể cả TQ chia sẻ với tôi về sự thật này. Tôi nghiên cứu Hoàng Sa là nghiên cứu về chủ quyền của Hoàng Sa, chứ không phải nghiên cứu về các yếu tố khác của Hoàng Sa”.
Khi vừa tốt nghiệp sư phạm và văn khoa Sài Gòn, năm1966 ông Nguyễn Nhã đứng ra chủ trương tập san Sử Địa; một năm sau trận hải chiến Hoàng Sa, 19/1/1975, ông tổ chức cuộc triểm lãm tại Thư viện Quốc Gia trưng bày tài liệu, hình ảnh minh xác chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Tiếp tục điền dã, thu thập dữ liệu, nghiên cứu về Hoàng Sa, 29 năm sau Nguyễn Nhã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trường đai học KHXH&NV với đề tài "Quá trình xác lập chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Hiện nay Tiến sĩ Nguyễn Nhã là Phó Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hùng Vương; cùng với các ông Dương Trung Quốc, Trần Quốc Vượng ông cũng là thành viên Ban Chấp Hành Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam (khoá 2000-2004) thuộc Mặt Trận Tổ Quốc.
Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa cũng như các vùng đất và biển khác là sự thật lịch sử mà cả cộng đồng dân tộc Việt Nam đều quan tâm và có quyền phát biểu quan điểm của chính mình. Với nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã, ông đi tìm sự thật bằng cách “bám sát theo tư liệu lịch sử.”
Đây không phải là lần đầu ông lên tiếng về chủ quyền đất nước, trong Đặc-san Sử-Địa số 29 (1975), Nguyễn Nhã viết “chính quyền nên đem ngay vấn đề Hoàng Sa Trường Sa vào trong chương trình giáo dục học đường, hành chánh và quân-sự.” Gần 30 năm qua, đề nghị ấy vẫn chưa được để ý đến[1]. Tiếp tục tìm kiếm, thu thập dữ liệu về Hoàng Sa, phân tích, lý giải, ông Nhã đi đến kết luận: “...tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc (TQ), có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa mang tính khoa học được như tôi.”
Ở đây nhà nghiên cứu sử học thách thức các nhà nghiên cứu khắp nơi, nghĩa là ông thách cả nhà nước CHXHCN Việt Nam và nhà nước Trung Quốc đưa ra chứng cớ thuyết phục một cách khoa học là Hoàng Sa không thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung quốc không minh xác dược chủ quyền ở Hoàng Sa thì phải trả Hoàng Sa lại cho Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam không có tư liệu chứng minh Hoàng Sa của Trung Quốc thì có trách nhiệm bảo toàn đất tổ vì “Việc xác lập chủ quyền là của Nhà nước chứ không phải của dân.”
Số báo Tuổi Trẻ ngày thứ sáu 16-1-2004, nguyên trang 7 là bài của Dương Trung Quốc mang tựa đề “Không có điều gì bị lãng quên – VN từng có những hải đội Hoàng Sa”. Phần dẫn nhập ghi
“Theo tư liệu trong cuốn Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia[2] năm 1998 thì Hoàng Sa là một quần đảo nằm trên biển Đông, cách Đà Nẵng chừng hơn 300km, diện tích khoảng 15.000km2 (gồm các đảo lớn nhỏ, bãi cạn hoặc bãi ngầm). Nhiều tài liệu thu thập được qua các thời kỳ lịch sử có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa minh chứng cho các hoạt động của Nhà nước VN đối với quần đảo Hoàng Sa đã được xác lập từ lâu. Hiện nay Hoàng Sa là đơn vị hành chính trực thuộc TP Đà Nẵng”.
Suốt trang báo, tác giả Dương Trung Quốc đưa những mẩu thông tin minh xác mối quan hệ chặt chẽ của Hoàng Sa với chính quyền Việt Nam qua nhiều gia đoạn lịch sử. Những thông tin này đã từng được những nhà nghiên cứu sử trong cũng như ngoài nước, đặc biệt những người nghiên cứu về chủ quyền của Hoàng Sa biết đến và sử dụng từ bấy lâu nay.
Dương Trung Quốc cũng viết
“Ngày 31/08/2001, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc xây dựng khu di tích lịch sử Hoàng Sa – Trường Sa trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một việc làm đầy ý nghĩa không chỉ tôn vinh các thế hệ người xưa đã có công gìn giữ vùng biên hải của Tổ quốc mà còn là sự răn dạy một thế hệ về trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng do tổ tiên để lại, ngay cả những lãnh thổ nay đã bị xâm lấn như quần đảo Hoàng Sa.”
Nói tóm lại, chủ quyền Hoàng Sa thuộc về Việt Nam là một đồng thuận rõ rệt giữa các người nghiên cứu lịch sử trong nước như Nguyễn Nhã, Dương Trung Quốc cũng như người Việt ngoài nước đang nghiên cứu về biển và đất. Tập thể người Việt sống ở nước ngoài không ai là không có quyền tham gia nghiên cứu tường tận, đến nơi đến chốn các vấn đề liên hệ, với không ít người đã in thành sách[3] khác với hoàn cảnh khó khăn của các người nghiên cứu sử trong nước vì thái độ im lặng đáng sợ của nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Trong gần nửa thế kỷ, cả hai ông Thủ tướng cùng một đảng, một ông “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/58, của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”; ông kia gần 43 năm sau chỉ có được quyết định xây dựng khu di tích lịch sử để tôn vinh người xưa và vẫn để ngoại quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. Khung cảnh khó khăn, phức tạp như thế cũng không ngăn được lòng yêu nước của những công dân như Nguyễn Nhã và Dương Trung Quốc lần lượt cất tiếng thẳng thắn và nhẹ nhàng nhắc nhở chính quyền cộng sản Việt Nam về chủ quyền đất nước và trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng do tổ tiên để lại.
Cái đảng cộng sản Việt Nam và những người nhượng đất, nhường biển cho ngoại bang là những người cần được nhắc nhớ và răn dậy trước hết về trách nhiệm công dân bảo vệ đất nước của cha ông.
Có phải tình cờ sau buổi làm việc giữa Ban Nội Chính Thành ủy TP. HCM với Tổng Biên Tập Lê Hoàng cùng tất cả nhân sự quan hệ đến bài viết “Cả một đời nghiên cứu Hoàng Sa”của Lam Điền, cổng vào trang điện tử TuoiTre Online bị “nghẽn” tạm thời vì “…có quá nhiều độc giả truy cập vào trong những ngày giáp Tết”?
Tương lai của Lê Hoàng, Lam Điền, Nguyễn Nhã vẫn còn là những dấu hỏi.
Nhà sử học Nguyễn Nhã cho rằng “Lịch sử rất công minh và nghiêm khắc đối với bất cứ ai, kể cả người viết sử. Người viết sử mà viết sai thì hậu thế sẽ phê phán …Người nghiên cứu phải khách quan, không thiên lệch.”
Mong lịch sử sẽ khách quan, sẽ không thiên lệch với những tiếng nói quả cảm của ban giám định luận án, của TS Nguyễn Nhã, của Dương Trung Quốc, của ban biên tập Tuổi Trẻ, của Lam Điền của Lê Hoàng và của tất cả những người Việt Nam đang đòi chủ quyền Hoàng Sa về cho đất nước Việt Nam. Lịch sử cũng sẽ rất công minh và nghiêm khắc đối với bất cứ ai, nhất là với những người có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc. Sử xưa đã từng ghi danh biết bao anh hùng liệt nữ và không cũng quên những kẻ mãi quốc cầu vinh.
Sử sách Việt Nam mai sau sẽ công minh và nghiêm khắc không kém.
Ghi chú:
[1] “Địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa”, Vũ-Hữu-San, 1995
[2] Nhà xuất bản chính trị quốc gia trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện biên tập, xuất bản các sách lý luận, chính trị và pháp luật, Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nâng cao kiến thức của nhân dân về chính trị, lý luận, pháp luật, phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[3] Không những các sử-gia tham-gia vào công việc này như G.S. Nguyễn Thế Anh ở Pháp, G.S. Phạm Cao Dương ở Mỹ, sử-gia Trần Gia Phụng ở Canada; một vị chuyên về chính-trị-học như G.S. Nguyễn Văn Canh ở San Jose, một luật-gia như L.S. Nguyễn Hữu Thống cũng ở Bắc-Cali, một kỹ-sư như ông Nguyễn Đình Sài ở bang Oregon hay ông Trương Nhân Tuấn ở Pháp, một cựu-sĩ-quan hải-quân như ông Vũ Hữu San ở San Jose, một luật-sư trẻ như L.S. Trịnh Quốc Thiện ở Virginia - “Cho Giao Lưu Văn Hóa 2 Chiều Theo Định Hướng XHCN”, Nguyễn Ngọc Bích, Việt Báo.
[1] “Địa-lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa”, Vũ-Hữu-San, 1995
[2] Nhà xuất bản chính trị quốc gia trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện biên tập, xuất bản các sách lý luận, chính trị và pháp luật, Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nâng cao kiến thức của nhân dân về chính trị, lý luận, pháp luật, phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[3] Không những các sử-gia tham-gia vào công việc này như G.S. Nguyễn Thế Anh ở Pháp, G.S. Phạm Cao Dương ở Mỹ, sử-gia Trần Gia Phụng ở Canada; một vị chuyên về chính-trị-học như G.S. Nguyễn Văn Canh ở San Jose, một luật-gia như L.S. Nguyễn Hữu Thống cũng ở Bắc-Cali, một kỹ-sư như ông Nguyễn Đình Sài ở bang Oregon hay ông Trương Nhân Tuấn ở Pháp, một cựu-sĩ-quan hải-quân như ông Vũ Hữu San ở San Jose, một luật-sư trẻ như L.S. Trịnh Quốc Thiện ở Virginia - “Cho Giao Lưu Văn Hóa 2 Chiều Theo Định Hướng XHCN”, Nguyễn Ngọc Bích, Việt Báo.
No comments:
Post a Comment