Tuesday, February 1, 2011

Cách mạng không cần lãnh tụ

Trần Giao Thủy

Trong cuộc lật đổ chế độ độc tài vừa xẩy ra ở Tunisia và gần hơn nữa, trong cuộc biểu tình đang có cả 10.000 người và ngày càng đông hơn tại quảng trường Tahrir (Giải Phóng) ở thủ đô Cairo của Egypt ai là thủ lãnh, ai chủ động và lãnh đạo?
Cách mạng không cần lãnh tụ - Quảng trường Giải Phóng, Ai Cập
Trong những nhóm này, sinh viên,những người hoạt động trên mạng internet, chuyên viên vận động quần chúng, chính khách đối lập, hay Tổ chức Hồi giáo chính thống, ai là thủ lãnh?

Cố tìm, cố gắn nhãn lãnh đạo cho một trong những nhóm vừa nêu đều không thành công. Tại sao thế? Cách mạng, nổi dậy nhưng tại sao có thể không có lãnh đạo được?

Thế mà sự kiện đó vẫn đang xảy ra. Ngày thứ ba, người dân Ai Cập hứa hẹn sẽ nói với chế độ độc tài hiện tại, “cút đi”, bằng sự có mặt của hàng triệu người đag đổ về quảng trường Giải Phóng.

Ngày xưa Pháp có Robespierre, Mỹ có George Washington, hôm nay lãnh đạo cách mạng đang xảy ra ở Egypt là toàn dân. Ai cũng có thể là người lãnh đạo và cũng không ai là người lãnh đạo. Một cuộc cách mạng theo tổ chức mặt phẳng (flat organisation).

Mở những trang báo, xem đài, đọc tin trên mạng trong suốt tuần qua phóng viên quốc tế đã cho thế giới thấy dân Ai Cập tổ chức vùng lên như thế nào. Phóng viên Nic Robertson của CNN đã giới thiệu với khán giả một cuộc họp bí mật để tổ chức giữ an ninh cho người biểu tình ở Tahrir diễn ra trong một cao ốc ở Alexandria, thành phố lớn thứ nhì ở Egypt.

Trong phòng họp là năm thanh niên, tuổi dưới 30, thông thạo anh ngữ; trên tường không thấy treo khẩu hiệu, cũng không có cờ đảng mà chỉ có tranh vẽ một đôi thanh niên nam nữ (có lẽ là người yêu) trên tường. Người phát ngôn là ai? Một thanh niên, có lẽ xuất hiện lần đầu trên màn hình thế giới. Anh từ tốn trình bày với phóng viên Robertson tình hình tổ chức để giữ an ninh ra sao, hợp tác với quân đội như thế nào và anh cũng cho biết hiện đang có rất nhiều “ủy ban nhân dân” (Popular Committee) đang tự phát và cùng nhau làm việc để đưa cuộc biểu tình bất bạo động đến thành công. Người thanh niên “vô danh” chắc chắn không phải là một chính khác, không phải là một lãnh đạo giáo phái và cũng chẳng là một “nhà dân chủ” nào của Egypt.

Cách đây vài tháng, có ai đoán được Tunisia sẽ thành công như đã? Có nhà phân tích chính trị thế giới nào đã lên tiếng cho hay là cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống độc tài Mubarak phải rút lui khỏi chính trường đã được toan tính, dự liệu từ trước hay cho đó là chương trình của những bộ óc lãnh đạo cách mạng Egypt đã vạch ra? Câu trả lời là không. Không ai có thể đoán hay quy nạp như thế vì sự thật không phải như vậy.

Nền công nghệ hiện đại, mạng xã hội điện tử đã đưa tận tay người dân những “vũ khí” cách mạng của thế kỷ 21. Người dân tự chủ động tình hình bằng điện thoại di động, bằng text chat, Tweet, video, YouTube, bằng email. Họ làm tin từng phút, đưa tin từng giờ ra cho cả thế giới biết – hoàn toàn ngoài vòng kiểm soát của nhà nước độc tài. Ở Ai Cập, bây giờ không có lề trái cũng không có lề phải, cả xa lộ thông tin là của người dân đến khi chính quyền Mubarak cắt đường truyền của Noor Group, hãng cung cấp dịch vụ internet sau cùng còn hoạt động đến 11 giờ đêm giờ Cairo, hôm thứ Hai; Hành động tuyệt vọng của nhà nước độc tài đó có lẽ cũng đã quá muộn.

Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, khẩu hiệu, biểu ngữ, truyền đơn không xuất phát từ máy in của chính đảng, không rập khuôn chính sách của bất cứ tổ chức nào; từ nội dung đến hình thức cuộc nổi dậy của người dân Ai Cập thay đổi từng giờ để thích ứng với hòan cảnh ngay thời điểm đó, đặc biệt không có hình ảnh lãnh tụ được công kênh kể cả Mohamed ElBaradei, người được giải Nobel Hòa Bình (2005) mới trở lại quê nhà và đang tham gia cuộc biểu tình.

Cảnh sát có quản thúc ElBaradei tại gia cũng không làm thay đổi cục diện vì đang có hàng ngàn thanh niên thiếu nữ khác, trẻ hơn, text nhanh hơn, làm và đưa tin cùng tổ chức giỏi hơn đang làm việc khắp nơi để đòi cho được một xã hội Egypt mới mà ở đó dân thực sự làm làm chủ.

Ngay hôm nay, ngày cuối tháng đầu năm 2011, người dân Ai Cập chưa có một thể chế dân chủ nhưng chính những người đang tổ chức và tham gia biểu tình ở quảng trường Giải Phóng đang thực sự sống những giây phút dân chủ. “Đây là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời tôi,” một thanh niên trong đám biểu tình nói với báo giới nước ngoài.

Một điểm khác cũng cần được nhắc đến là sự tham gia của phụ nữ, phụ nữ Hồi Giáo. Tuy không nhiều như thanh niên, nhưng phụ nữ Egypt đã có mặt, và họ có từ thiếu nữ với áo quần thời trang đến các cụ bà trùm khăn, mặc áo choàng đen từ đầu xuống chân. Lời hù dọa của chính khách lân bang là Ai Cập có cơ lùi lại là một xã hội bị thần quyền (Hồi Giáo cự đoan) cai trị chỉ làm nhiễu sóng trong giây lát.

Chắc chắn, những phụ nữ Egypt có mặt tại cuộc biểu tình cả tuần nay không phải để chuẩn bị cho một xã hội ở đó chồng của họ sẽ đem về nhà them ba người đàn bà khác làm vợ. Đó là điều khẳng định.

Cách mạng mặt phẳng với công nghệ thông tin là điều mà John Robb - một kỹ sư, cựu phi công, một lý thuyết gia quân sự, chuyên gia chống khủng bố đồng thời cũng là doanh nhân, là blogger, là tác giả - mô tả là những cuộc nổi dậy nguồn mở (open source insurgencies). John Robb 46 tuổi.

Chính phủ quân phiệt ở Burma có thể giam Aung San Suu Kyi khiến cách mạng dân chủ ở Miến Điện bị đình trệ nhiều năm. Hồ Cẩm Đào và đồng đảng chận đường dân chủ hóa Trung Hoa bằng cách giam giữ những trí thức đòi dân chủ ma Liu Xiaobo là trường hợp điển hình. Chính quyền độc tài ở Egypt sẽ phải bắt ai đây để ngăn chận biển người đang đổ về Cairo? Biết ai mà bắt. Cho hệ thống xe lửa ngưng hoạt động hôm nay cũng chỉ là một phản ứng run đầu gối trước tiếng kêu đòi dân chủ đang vang vọng khắp bầu trời Cairo. Những tập đoàn độc tài tại Á Châu hẳn đang chú tâm theo dõi kỹ diễn biến ở thủ đô này.

Thời đại ngồi chờ lãnh tụ dẫn đầu đi làm cách mạng đã qua. Người Ai Cập đang cùng nhau trên đường xây dựng xã hội mới, một xã hội dân chủ.

Khi nào dân chủ sẽ đến với Ai Cập? Chưa ai dám nói; nhưng trên gương mặt người dân ở Cairo không thấy hằn sâu những nét nhăn của lo âu và sợ hãi.

Đây là một bài học lịch sử mới cho mọi người hôm nay và thế hệ mai sau.


© 2011 DCVOnline

No comments: